Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Khuynh hướng nhập thế trong tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân...

Khuynh hướng nhập thế trong tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông

148
0

Ra đời trong một xã hội phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt với những đau thương, hờn tủi, “nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả”, song con đường giải thoát của Phật giáo không phải là hoạt động thực tiễn nhằm cải tạo tình trạng hiện tồn mà là tu luyện để đạt tới cảnh giới niết bàn, không còn vui – buồn, sướng – khổ.

Tuy nhiên, đây chỉ là một cách tiếp cận thiếu tính lịch sử, trong quá trình phát triển của mình, không phải lúc nào Phật giáo cũng xa lánh cõi đời, không liên quan tới các vấn đề chính trị – xã hội. Sự nhập thế của Phật giáo đã được minh chứng bằng nhiều hoạt động mang đầy tính nhân văn và có ý nghĩa thiết thực. Trong thời đại Lý – Trần ở Việt Nam, vai trò của Phật giáo đã thật sự tỏa sáng, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của dân tộc, với những thành tựu văn hóa rực rỡ và chiến công oanh liệt. Thời đại đó, cũng có nhiều vị vua hướng mình theo Phật, xuất gia và trở thành các bậc chân tu; nổi bật lên là vua Trần Nhân Tông – vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Là một đấng minh quân, rồi là một thiền sư, Trần Nhân Tông đã “gắn đạo và đời”, đưa Phật giáo tham gia vào đời sống xã hội, trở thành ngọn cờ tư tưởng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. 

Tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông được hình thành từ sự phản ánh hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Quân Nguyên Mông liên tục sách nhiễu và gây sự hòng tìm cớ tiến công xâm lược, mối hiểm họa mất nước như lưỡi gươm của thần Hades treo lơ lửng trên đầu nhân dân Đại Việt. Mô tả điều này, Trần Hưng Đạo đã viết: “thấy sứ giặc qua lại, nghênh ngang ngoài đường, khua tấc lưỡi cú vọ mà làm nhục triều đình, lấy cái thân chó dê mà ngạo mạn tể tướng, thác lệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa lòng tham vô cùng; giả danh Vân Nam Vương mà đòi bạc vàng để kiệt của kho có hạn! Ví như ném thịt cho hổ đói, thế nào mà khỏi mối lo sau?” . Từ thực tế đó, tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông đã thể hiện khát vọng cứu nhân độ thế, giải thoát chúng sinh bằng hành động bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, tránh cho nhân dân khỏi cảnh cửa nát, nhà tan, lầm than, đau khổ.

Về mặt lý luận, Trần Nhân Tông chủ yếu kế thừa tinh hoa của Thiền học, đặc biệt là quan niệm “tức Phật, tức Tâm” để hình thành tư tưởng của mình. Quan niệm “tức Phật, tức Tâm” đã được Quốc sư Trúc Lâm sử dụng để thức tỉnh Trần Thái Tông (ông nội của Trần Nhân Tông) khi ông chán nản cuộc đời, muốn tìm vào núi rừng, nương nhờ cửa Phật: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài” . Sau này, trong Khóa hư lục, chính Trần Thái Tông đã viết: “Ngã thân tức Phật thân thị, vô hữu nhị tướng” (Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng) hay “Khái thức Bồ đề giác tính, cá cá viên thành” (sao lại không biết tính giác Bồ đề, mọi người đều có đầy đủ). Điều này có nghĩa rằng, Phật không ở đâu xa mà ở trong tâm mỗi con người, không tách biệt thành hai, mọi chúng sanh ai nấy đều có đầy đủ bản tánh giác ngộ. Tuệ Trung Thượng Sỹ  – thầy của Trần Nhân Tông, thì khẳng định: “Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm” (Tâm của vạn pháp là tâm của Phật) . Tâm vạn pháp ở đây chính là thế giới hiện tượng xung quanh con người với sự phức tạp và đa dạng vốn có của nó. Con đường giải thoát mà Tuệ Trung đề cập là hòa vào đời, lấy cuộc đời làm môi trường để tu luyện.

Tiếp nối dòng chảy đó, Trần Nhân Tông đã diễn tả quan niệm “tức Tâm tức Phật” (quan niệm cơ bản của Thiền học) với một sắc thái mới:

Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuẩy bản nên ta tìm Bụt.
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.

Chúng sinh thường lầm tưởng rằng muốn giải thoát phải xa lánh cuộc sống trần tục đầy bụi bặm để tìm đến chốn thiêng liêng tu hành, cõi Phật được hình dung như một nơi nào đó xa xăm, trừu tượng, khó đạt đến. Song, Trần Nhân Tông cho rằng “Bụt ở trong nhà”, tồn tại trong chính bản thân con người, trong chính thế giới hiện tượng này chứ không phải ở tầng trời mông lung nào đó. Bởi vậy, sẽ là hoài vọng nếu cứ mải mê tìm Phật ở những chốn xa xôi, chỉ cần quay đầu nhìn lại chính mình thì sẽ đến được bến bờ của sự giác ngộ.

Bên cạnh những khái niệm “Chân như, Bồ Đề giác tính…”, Trần Nhân Tông đã đưa ra khái niệm “lòng”, “tính sáng” để nói đến tâm Phật của con người, ông khẳng định:

Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc

Con đường giải thoát mà Trần Nhân Tông đề xướng là làm cho lòng trong sạch, giữ gìn tính sáng chứ không cần “ngờ hỏi Tây Phương” hay “tìm về Cực lạc”, ông lại viết:

Gìn tính sáng, mựa lạc tà đạo
Sửa mình học, cho phải chính tông
Chính Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ

Trần Nhân Tông chủ trương tìm Phật ngay trong cuộc sống hiện tại, sống giữa đời mà vui với đạo (cư trần lạc đạo). Mấu chốt của vấn đề ở đây là “chân lý giải

thoát”, mà chân lý ấy tồn tại ở khắp mọi nơi, nhất là trong cuộc đời trần tục. Cái tính sáng mà con người hằng mong mỏi nằm chính trong con người, trong thế giới trần tục cho nên “con người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục… tốt nhất nên bằng con đường trần tục” , khi đó giá trị của sự giải thoát còn tăng lên gấp nhiều lần. Với Trần Nhân Tông, đạo và đời không có gì phân biệt dù ở “thành thị” gánh vác việc đời mà tấm lòng thanh tịnh thì cũng chẳng khác gì đang phiêu diêu tự tại chốn “sơn lâm”:

Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm

Vậy nên:

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả uổng công

Nguyễn Đăng Thục khẳng định: “Nhân Tông không chủ trương xuất thế để cầu giác ngộ. Trái lại muốn giác ngộ ngài đòi phải lấy cuộc đời nhân quần xã hội làm kinh nghiệm thử thách, từng trải mà giải thoát, chứ không trầm mặc tư tưởng” . Đức Thế Tôn xưa kia phải trải qua trăm ngàn đau khổ, vượt mọi khó khăn mới thành chánh quả. Bản thân con người chẳng thể lấy việc lánh đời, từ chối mọi “hỉ, nộ, ái, ố” mà cuộc đời mang lại để hẹn tới kiếp sau.

Ở cuối bài Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông đã nêu lên nguyên tắc tu hành của mình:

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Tinh thần “vui đạo tùy duyên” mà Trần Nhân Tông đưa ra đã khẳng định tính chất đại chúng của Phật giáo, tất cả mọi chúng sinh đều có thể theo đuổi con đường giải thoát ở mọi nơi, mọi lúc chứ không chỉ ở những nơi tu hành nghiêm trang, chẳng chút bụi trần. Theo Trần Nhân Tông, tu ở giữa đời thì phải giúp ích cho đời vì làm việc cho đời cũng là làm việc cho đạo. Trong bài thơ Thân như, ông viết:

Thân như hơi thở vào ra mũi
Thế tựa gió luồn mây núi xa
Đỗ quyên rền rĩ trăng ngày sáng
Đừng để tầm thường xuân luống qua

Bài thơ trên của Trần Nhân Tông nhằm mục đích khuyên nhủ mọi người đừng bỏ phí thời gian, để ngày xuân trôi qua “một cách tầm thường”. Ông cho rằng sống mà không làm gì cho đời là điều đáng hổ thẹn: “Sinh vô bổ thế trượng phu tàm”   Hình ảnh “kẻ trượng phu” khiến ta liên tưởng đến mẫu người quân tử của Nho giáo với mục tiêu hướng đến là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, quyết trả nợ non nước, “phải để danh gì với núi sông”.

Có thể nói, những nội dung trình bày ở trên đã thể hiện một cách rõ nét khuynh hướng nhập thế trong tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông. Khuynh hướng này khuyến khích con người sống “tốt đời, đẹp đạo”, cứu nhân độ thế bằng chính những việc làm có ích với đời. Song, ở Trần Nhân Tông, tư tưởng “cư trần lạc đạo” không chỉ bộc lộ bằng lời nói, văn thơ mà còn chứng tỏ bằng cả cuộc đời vì dân, vì nước của mình.

Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1285, 1287), Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ đoàn kết nhân dân cả nước, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhân dân. Nguyễn Đăng Thục đã viết: “Huống chi lòng vua yêu nước, quên mình, trong lúc hoạn nạn đã cùng với bình dân chia miếng cơm hẩm, lại khéo biết khích lệ các tướng sỹ; như cảnh ngộ khi quân Thoát Hoan rầm rộ tràn sang qua cửa Chi Lăng, quan quân ta đánh ở Vạn Kiếp. Vua ngự chiếc thuyền nhẹ đi Hải Đông, đã muộn mà chưa ăn sáng, tiểu tốt Trần Lai dâng bát cơm hẩm, vua khen là trung” . Chính tinh thần ấy là sức mạnh khiến cho vua tôi một dạ, vượt qua gian nan, thử thách chung lưng đấu cật giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Xã tắc hai lần phiền ngựa đá
Non sông nghìn thủa vững âu vàng

Hai câu thơ trên đã ghi lại chiến công oanh liệt của dân tộc ta trước kẻ thù hung bạo, đồng thời cũng là minh chứng cho tấm lòng yêu nước, thương dân của Trần Nhân Tông – vị vua anh hùng của non sông Đại Việt.

Khi đất nước thái bình, không còn bóng quân thù, Trần Nhân Tông đã chủ trương “khoan thư sức dân”, chăm lo phát triển

kinh tế, mở rộng diện tích đất canh tác, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp, miễn giảm thuế cho nhân dân… Ông luôn căn dặn quan lại phải biết thương dân, phải trân trọng những đóng góp của nhân dân đối với đất nước. Bởi lo cho đất nước nên Trần Nhân Tông không chỉ nghiêm khắc với bản thân và quần thần mà với cả vị vua kế thừa. Ông không ngừng khuyên bảo vua Anh Tông tu dưỡng tâm tính, kìm bớt lòng dục, xa rời tửu sắc, gìn giữ chân tâm… xứng đáng trở thành đấng minh quân có thể mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vậy nên, có lần vua Anh Tông uống rượu xương bồ say quá, Trần Nhân Tông cả giận, trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngày mai đều phải đến họp để điểm mục, ai trái thì xử tội. Anh Tôn tỉnh dậy, sợ sệt phải nhờ Đoàn Nhữ Hài soạn bài biểu tạ tội. Nhân Tông xem xong mới cho gọi vua vào và bảo rằng: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được, trẫm còn sống mà người còn dám làm như thế, huống chi sau này” .

Rời kinh thành, xa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, Trần Nhân Tông lên Yên Tử, những tưởng sau khi xuất gia, ông nhìn mùa xuân trôi qua một cách bình thản như hình ảnh “ngắm cánh hồng từ chiếu thiền” mà ông viết trong bài Xuân muộn:

Tuổi trẻ chưa từng hiểu sắc không
Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng
Chúa xuân nay đã thành quen mặt
Trên chiếu thiền xem rụng cánh hồng

Vậy nhưng, từ đỉnh Yên Tử, Trần Nhân Tông luôn canh cánh nỗi lo cho dân, cho nước, ông vẫn đóng một phần quan trọng trong đời sống chính trị của nhà Trần. Để thống nhất tư tưởng trong nhân dân tạo cơ sở cho sự đoàn kết – yếu tố sống còn của dân tộc, Trần Nhân Tông đứng ra thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (một thiền phái hoàn toàn mang màu sắc Việt Nam). Ông cũng thể hiện một tầm nhìn chiến lược khi chọn và đào tạo người lãnh đạo kế tục là ngài Pháp Loa. Nền Phật giáo mà Trần Nhân Tông thiết định là nền Phật giáo nhập thế, phục vụ dân tộc và xây dựng một xã hội đạo đức, lành mạnh. Theo Tam tổ thực lục, ông đã vân du khắp nơi để rao giảng Phật pháp, dạy dân thực hành mười điều thiện, bao gồm: 1. không sát sinh; 2. không trộm cắp; 3. không tà dâm; 4. không nói dối; 5. không nói lời chia rẽ; 6. không nói lời độc ác; 7. không nói lời bẩn thỉu; 8. không tham lam; 9. không giận dữ; 10. không tà kiến. Việc làm đó của Nhân Tông đã đưa Phật giáo đến hang cùng, ngõ hẻm hầu kêu gọi mọi người hướng đến chân lý, tránh xa mọi điều tội lỗi… Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam viết: “Hẳn là Nhân Tông muốn tiếp chí ông nội là vua Thái Tông xưa đã tìm cách dẫn dắt dân chúng từng bước tin vào Phật, tự mình tìm biết rõ mình qua tụng niệm. Như vậy, việc hướng vào tâm để thấy tính, và nay trong hành động cụ thể, bằng mười điều thiện, để xây dựng trong nhân dân một đạo đức xã hội lành mạnh trên nền tảng đạo đức Phật giáo là ước nguyện của ông”.

Năm 1301, Trần Nhân Tông sang tận Chiêm Thành để thiết lập quan hệ bang giao, ông cũng hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Là một Thiền sư thân ở cửa Phật lại trở thành sứ giả và đi làm việc mai mối, hành động đó của Trần Nhân Tông đã bị nhiều Nho sỹ phê phán. Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô thường quấy phá biên giới, mới lấy con gái của dân làm công chúa gả cho Thiền Vu, kết hôn với người không phải giống nòi, các tiên nho đã từng chê. Song có ý muốn nghỉ bình yên dân thì còn có thể nói được. Như Nguyên đế nhân Hồ Hàn (tức Hồ Hàn Da, tên vua Hung Nô) đến chầu xin làm rể nhà Hán mà đem Vương Tường gả cho, cũng là có cớ. Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho vua nước Chiêm Thành là nghĩa gì? Nói rằng nhân đi chơi mà chót hứa gả, sợ thất tín thì sao không làm việc đổi mệnh, có được không? Vua giữ ngôi trời mà thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi cho đúng lời hẹn trước, rồi lại dùng mưu gian trá cướp lại về sau, thế thì tin ở đâu?” . Đây chỉ là sự nhìn nhận khắt khe, hẹp hòi của một số tri thức phong kiến. Từng là người đứng đầu của chế độ quân chủ nhưng Trần Nhân Tông có con mắt hết sức phóng khoáng. Hành động của ông không những thể hiện tư tưởng “bình đẳng về con người” (không phân biệt kỳ thị đối với người Chiêm – lúc bấy giờ được coi là dân man di), mà còn thể hiện rõ nét tấm lòng vì dân, vì nước. Bởi cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân của nước Chiêm đã tạo cơ sở cho quan hệ hữu nghị, hòa bình giữa hai nước, cùng nhau đoàn kết để phòng ngừa mối họa xâm lăng từ phương Bắc. Cũng từ đây non sông Đại Việt đã có thêm hai vùng đất rộng lớn là châu Ô và Rí mà không tốn một hòn tên, mũi đạn. Công lao đó của Trần Nhân Tông thật to lớn lắm thay.

Tóm lại, dù ở nơi trần tục trên ngôi cao chín bệ hay ở đỉnh Yên Tử với cuộc sống thanh tao, đạm bạc, nhưng tư tưởng và hành động của Trần Nhân Tông đều thể hiện khuynh hướng nhập thế hết sức tích cực. Cuộc đời của ông là ngọn đèn Thiền sáng nhất soi lối cho chúng sinh tới bến bờ giác ngộ, vì bất kể tăng hay tục, đời hay đạo, chẳng câu nệ hình thức, chỉ cần có tấm lòng hướng thiện, vì dân vì nước thì sẽ tìm ra chân lý giải thoát. Đã 700 năm kể từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông tạ thế, tìm đến với cõi Phật, thời gian không ngừng trôi, mọi nhân vật, sự kiện sẽ lùi dần về quá khứ, song, hình ảnh của Trần Nhân Tông vẫn tỏa sáng một cách rực rỡ. Tư tưởng Phật giáo của ông đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong chính mỗi con dân Đại Việt, làm nên lẽ sống cao quý của thời đại – một thời đại Phật giáo với bao kỳ tích to lớn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 N.Q.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here