Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Hơn 20.000 du khách dự khai hội chùa Thầy

Hơn 20.000 du khách dự khai hội chùa Thầy

138
0

Ngày 10/4 (tức 5/3 âm lịch), hơn 20.000 du khách đã tới xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Tây) tham dự lễ khai hội Chùa Thày, đông nhất từ trước đến nay.


Tham dự lễ hội, du khách sẽ có dịp tham gia nhiều trò chơi văn hoá, được xem biểu diễn múa rối nước tại nhà Thuỷ Đình ở giữa hồ lớn, được thăm vùng quê văn hiến nổi tiếng gắn với các sự tích về những danh nhân, các di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng của xứ Đoài.


Chùa Thày là một trong các di tích lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo lớn nhất của tỉnh Hà Tây, với các tiểu kỳ quan di tích văn hoá, danh thắng nổi tiếng như ngôi chùa có kiến trúc độc đáo trong 3 toà nhà hình chữ “tam” với nghệ thuật tạc tượng và chạm khắc gỗ đạt trình độ văn hoá cao.


Làng Thày và chùa Một mái là di tích lịch sử cách mạng, nơi Cố Chủ tịch Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo đã từng ở, làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hang Thánh Hoá, thờ pháp sư Từ Đạo Hạnh-người được tôn là ông tổ nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.


Lễ hội Chùa Thày diễn ra từ ngày 5 đến 7/3 âm lịch hàng năm, trong đó, ngày 7/3 là chính hội.


Chùa Thầy, tên chữ là Thiên Phúc Tự, là công trình kiến trúc đại biểu cho một quần thể các di tích Phật – danh lam thắng cảnh, khu di tích cách mạng thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 20 km về phía Tây Nam.


Lịch sử và kiến trúc


Chùa Thầy ban đầu chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am. Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đã cho xây dựng lại, gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia và gác chuông.


Chùa Thầy là nơi lưu dấu tu hành và chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị cao tăng – Thiền sư Từ Đạo Hạnh.


Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Chùa quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn.


Chùa Thầy rộng 2.400m2, gồm ba toà nhà chạy song song với nhau hình chữ tam, dựng trên nền cao bó đá hộc xanh, có hai dãy hành lang chạy kèm hai bên đầu hồi, với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc khá độc đáo mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ XVIII.


Điều đặc biệt là tòa Bảo điện nguy nga, đồ sộ chỉ có 36 lỗ đục, gỗ được xếp chồng lên nhau, nhưng rất kiên cố, vững chắc. Mái chùa được lợp bằng ngói cổ, kiểu mũi hài. Tương truyền rằng, ngói lợp này được lấy từ chùa Tây Phương, cách đó 7km về hướng Tây. Mặc dù quãng đường dài như vậy, nhưng năm xưa, ngói lợp được chuyển tay nhau theo kiểu nối dây và chỉ trong một ngày, vừa vận chuyển, vừa lợp.



Thủy đình ở chùa Thầy


Lưng chừng núi Thầy là chùa Cao hay còn gọi là Đỉnh Sơn Tự (vốn là Hiển Thụy Am) là nơi Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Chùa nằm vào vị trí đẹp trong khu vực với tòa kiến trúc gồm 3 gian, có gác chuông cao, vách chùa có nhiều bút tích các danh nho.


Phía trên chùa Cao có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,… trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên.


Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ huyền nhiệm. Hang khá sâu, lại hẹp và tối, muồn vào hang phải mang theo đuốc và lửa, càng xuống sâu hang càng cao, càng rộng, với nhiều ngóc ngách, lối đá rêu phong trơn tuột với những cột đá sáng long lanh như được khảm bạc dát vàng, những âm thanh tưởng như từ cõi âm vọng lên, những lỗ thông ra ngoài hang để ánh sáng luồn vào nhảy múa trong màn đêm… và tận cùng của hàng động, tục truyền vẫn còn hài cốt của quân nhà Triệu do Lữ Gia chỉ huy trong cuộc chiến chống lại nhà Hán từ đầu thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên.


Từ hang Cắc Cớ, men theo sườn núi qua hàng cây đại già là đến đền Thượng, nơi thờ thánh Văn Xương và cũng là nơi hội họp của Đông Kinh Nghĩa Thục xưa kia. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.



Cổng vào chùa Cao


Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi. Hang Thánh Hóa nằm lưng chừng núi đá, lối vào hang chênh vênh, nhỏ hẹp, lờ mờ vẻ huyền bí, càng nhìn kỹ vào vách đá trong hang, càng thấy có nhiều vết lõm, đó là: Vết đầu, vết chân và vết tay, năm xưa Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã tỳ vào lúc giải thi (lìa khỏi xác). Bên cạnh đó có hang Hút Gió, thềm đá Thái Lão …


Lễ hội chùa Thầy


Nghi lễ đầu tiên là lễ tắm tượng, được tiến hành trước ngày mồng 7-3 âm lịch. Tham dự lễ này là các nhà sư, tăng ni phật tử và đông đảo nhân dân. Trong hương khói nghi ngút, nước tinh khiết được đem tới trước bàn thờ. Nhà sư trụ trì cùng những người giúp việc lấy khăn vải đỏ sạch nhúng vào nước và lau cẩn thận tượng. Mọi hành động diễn ra hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và trang nghiêm. Trong lúc lau, nhà sư cùng người giúp việc luôn lầm rầm niệm Phật. Tăng ni phật tử cùng nhân dân xung quanh đều chắp tay hướng về phía tượng nghiêm trang cầu khẩn.


Tắm Phật xong, người ta lau rửa luôn các đồ tế khí trên các ban thờ. Nước tắm Phật được vẩy ra khắp nơi như mưa của đức Phật để người khang vật thịnh. Chiếc khăn dùng tắm Phật được chia nhau về làm bùa cho trẻ nhỏ tránh khỏi những ma tà ám khí.



Cổng trời ở hang Cắc Cớ


Tiếp đến là lễ cúng Phật và chạy đàn. Đây là một nghi lễ lớn, quan trọng nhất và gây ấn tượng nhất ở hội chùa Thầy. Nghi lễ này là một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ. Các lễ vật chính được dâng lên ban thờ cùng hàng trăm lễ vật khác nhau của khách thập phương dự hội với đủ màu sắc của các loại hoa quả, oản, bánh, xôi… lung linh trong khói nhang và đèn nến. Người xem bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của nó như có một ma lực nào đó lôi kéo.


Sau đó các nhà sư với bộ áo cà sa sang trọng, tay cầm gậy hoa biểu diễn những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh, bước chậm thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp. Trong khung cảnh như mờ ảo xa vời, các nhà sư vừa đi vừa múa hát theo dàn nhạc đệm và tiếng mõ tụng kinh.


Hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước với những cảnh múa lân, múa rồng, cảnh xay thóc, giã gạo, chọi trâu… được các nghệ nhân đưa vào thật gần gũi, sinh động và hấp dẫn, mang đậm sắc thái dân gian.


Admin (theo TTXVN)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here