Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Đối thoại tôn giáo thúc đẩy hoà bình khu vực châu Á

Đối thoại tôn giáo thúc đẩy hoà bình khu vực châu Á

115
0

Ở cuộc đối thoại mới đây nhất – Đối thoại liên tôn giáo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Phnom Penh, Campuchia do 4 nước Australia, New Zealand, Indonesia và Philippines bảo trợ – đã có nhận định rằng việc kiến tạo hòa bình dựa trên nền tảng tôn giáo có những lợi thế riêng biệt, khác với các cách tiếp cận chính trị và ngoại giao, bởi nó xuất phát từ những xúc cảm, ước vọng của con người về một thế giới hòa bình.>> xem thêm


Những chức sắc New Zealand chia sẻ suy nghĩ “nếu quan tâm đến hòa bình, an ninh trong thế kỷ 21, chúng ta không thể phớt lờ sự liên quan của tôn giáo theo cách nó có thể giúp đưa ra những giải pháp cho xung đột”.


Kể từ năm 2004, với cuộc đối thoại liên tôn giáo đầu tiên được tổ chức tại Yogyakarta, Indonesia, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng nhận thức rõ lợi ích của việc tạo nên một kênh đối thoại để các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau có thể trao đổi, hiểu rõ sự khác biệt để từ đó có thể chia sẻ, đưa ra giải pháp chung góp phần kiến tạo hòa bình, an ninh chung cho khu vực.


Chọn chủ đề “Đối thoại liên tôn giáo vì hòa bình và hòa hợp” cho cuộc gặp năm nay, 15 quốc gia trong khu vực chia sẻ ý chí tăng cường sự hợp tác tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Sự đồng thuận tư duy này phản ánh đặc điểm chung của hầu hết các tôn giáo đó là chứa đựng các giá trị về hòa bình cho nhân sinh, xã hội.








Mô tả ảnh.
Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ mục tiêu hòa bình chung. Ảnh: XL


Đối thoại, cách thức khôn ngoan để hòa hợp


Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự giao lưu, trao đổi, thậm chí va chạm, cọ xát giữa các tôn giáo diễn ra thường xuyên. Bởi lẽ đó, tăng cường đối thoại giữa các tôn giáo là sự bảo đảm, là cách thức khôn ngoan cho hòa bình và hòa hợp trên thế giới.


Bà Zuleyha Keskin, Phó Chủ tịch Quỹ quan hệ liên văn hóa Australia nhận định nếu không có sự đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau sẽ nảy sinh xung đột và hiểu nhầm. “Khi phát triển một mối quan hệ và thiết lập được niềm tin, chúng ta có thể hợp tác với nhau ngay trong sự khác biệt”.


Giáo sư Toh Swee – Hin, Đại học Griffith, Australia cũng cho rằng “xu hướng đối thoại tín ngưỡng cho thấy các tôn giáo, các cộng đồng tín ngưỡng đã chia sẻ nhiều giá trị và ưu tiên chung như hòa bình, sự tôn trọng, tình yêu, công lý…”


Theo Bộ trưởng Bộ các vấn đề dân tộc New Zealand Hon Chris Carter, có thể giải quyết sự căng thẳng nảy sinh giữa các nền văn hóa hay cộng đồng khác nhau bằng sự đối thoại, giáo dục, sự sẵn sàng học hỏi, tôn trọng, qua đó tránh được sự hiểu lầm và chấp nhận nhau.


Ông Hon Chris Carter cho rằng “mục tiêu căn bản của đối thoại liên tôn giáo đó là thúc đẩy những mối quan hệ tốt đẹp, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo, cộng đồng tín ngưỡng khác biệt, để qua đó có thể đóng góp vào việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu xung đột trong xã hội của chúng ta”.


Đề cao vai trò đối thoại, các nước trong khu vực bác bỏ việc lợi dụng tôn giáo như cơ sở cho hành động cuồng tín và khủng bố. “An ninh tốt nhất đó là sự hiểu biết và liên kết với nhau”, ông Hon Chris Carter nhấn mạnh.








Mô tả ảnh.
Xu hướng đối thoại tín ngưỡng cho thấy các tôn giáo chia sẻ nhiều giá trị và ưu tiên chung như hòa bình, công lý. Ảnh minh họa: VNN


Sáng kiến và hành động cụ thể


Dựa trên cơ sở đồng thuận, các cuộc đối thoại liên tôn giáo trong khu vực thường khép lại bằng những cam kết hành động vì mục tiêu chung. Đối thoại không chỉ dừng ở sự hiểu biết mà đối thoại để hành động. Đối thoại để không chỉ trao đổi về thần học, những trải nghiệm tôn giáo mà còn hướng tới những cách tiếp cận thực tế và những giải pháp thiết thực.


Cuộc đối thoại liên tôn giáo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần 4 ở Phnom Penh vừa qua khác biệt so với các cuộc đối thoại trước khi đặt ra những chương trình hành động ở những khía cạnh hết sức cụ thể.


Trong Tuyên bố chung, các nước cam kết gia tăng vai trò của phụ nữ và thanh niên trong đối thoại liên tôn giáo, thừa nhận vai trò của thiền định tinh thần như giải pháp thúc đẩy hòa bình và tham gia giải quyết xung đột, tăng cường giáo dục về tôn giáo…


Các nước cũng khuyến khích giúp đỡ các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng học hỏi lẫn nhau thông qua những hình thức như lễ hội, các sự kiện thể thao hay các dự án chung, tăng cường hợp tác giữa các mạng lưới tôn giáo để phát triển các kỹ năng giải quyết xung đột, nhấn mạnh vai trò của truyền thông, báo chí trong việc thúc đẩy sự hiểu biết giữa các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau theo hướng không kích động, đặt thành kiến nhằm chia rẽ sự gắn kết giữa các nước trong khu vực…


Bên cạnh đó, tiến trình đối thoại liên tôn giáo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn nhấn mạnh sự hợp tác giữa các tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực hiện nay như sự biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, HIV, nhân quyền.




  • Xuân Linh (VNN)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here