Trang chủ Phật giáo khắp nơi Hội nghị Sakyadhita 13- gieo ánh sáng Phật pháp giữa dòng đời...

Hội nghị Sakyadhita 13- gieo ánh sáng Phật pháp giữa dòng đời thế tục!

192
0

(LQ) Như tin chúng tôi đã đưa, Hội nghị Sakyadhita – Hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới ra đời năm 1987 do ni sư Karma Lekshe Tsomo khởi xướng thành lập. Với mục đích kêu gọi nữ giới trên thế giới hướng tới sự phát triển của nữ giới Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung.

Hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 13 lần này ngoài việc tôn vinh những đóng góp thiết thực “trong đời thường” của nữ giới Phật giáo trong công cuộc độ sanh từ thời kỳ đầu Phật giáo đến nay. Hội nghị còn quy tụ chư Ni, nữ cư sĩ Phật giáo và các nhà học giả từ nhiều lãnh vực tôn giáo, văn hóa, lịch sử trên thế giới để cùng nhau gặp gỡ trao đổi thực nghiệm tu tập, nâng cao kiến thức, giúp đỡ lẫn nhau nhằm mang lại những giá trị thiết thực từ sự bình đẳng, hạnh phúc cho số đông phụ nữ Phật giáo và tạo điều kiện cho nữ giới Phật giáo phát triển khả năng của mình để đóng góp, phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội.

Trong 6 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, chiều nay 10 – 01 – 2013 Hội nghị Sakyadhita lần thứ 13 đã kết thúc phiên Hội thảo. Ngoài các tham luận chính tại hội trường về các hoạt động của nữ giới Phật giáo với xã hội đương đại, bên cạnh đó các cuộc thảo luận nhóm của các đại biểu về tham dự Hội nghị cũng diễn ra sôi nổi và mang tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày như:

“Sử dụng chánh niệm sáng tạo để biến đổi năng lượng của những cảm xúc phiền não: từ yếu đuối đến sức mạnh và trí tuệ” – Susmita Barua.

“Thành thạo tiếng Anh thông qua Phật giáo và nghệ thuật Phật giáo: Tỳ-kheo Ni trong vai trò hoằng truyền giáo pháp toàn cầu”- R. M. Rathnasiri

“Thuần hóa hổ dữ: cân bằng cảm xúc cho trẻ em thông qua Thiền” – Shari Gent

“Sức mạnh hàn gắn của sắc đẹp trong một tách trà êm ả” – Paula Arai…

Các đại biểu trình bày tham luận

 

Các đại biểu chất vấn Hội nghị

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng Ni trưởng Tịnh Nguyện luôn theo dõi và tham dự các buổi hội thảo

Không chỉ thảo luận các vấn  đề liện hệ đến Phật pháp và đời sống thường nhật; Hội nghị còn chuyển tải đến các đại biểu hệ thống tín ngưỡng văn hóa từ nhiều quốc gia, lãnh thổ Phật giáo khác nhau. Các đại biểu đến từ phương Tây vô cùng thích thú khi cảm nhận được sự tinh tế qua nghi thức dùng trà độc đáo Thiền trà – trà đạo. Dưới sự ảnh hưởng của Thiền, mục đích chính mà trà đạo hướng đến là thanh lọc tâm hồn, tịnh hóa tam nghiệp, hòa mình vào với cảnh sắc thiên nhiên. Ngày nay, dưới áp lực của nếp sống kinh tế thị trường, trà đạo không chỉ được sử dụng trong khuôn viên các tự viện, chùa chiền cổ kính mà nó được phổ biến khắp nơi.

Xuất phát từ nghi thức dâng trà  cho Đức Phật nhằm thể hiện sự tôn kính, và  sự thư thái của tâm hồn, trà còn được biết đến như một “phương tiện” giúp mê nhân ngộ đạo. Có uống trà mới cảm nhận trọn vẹn được hương vị trà; nó cũng giống như người có tu tập, hạ thủ công phu mới cảm nhận được sự an lạc do công phu lao tác ấy. Muốn hết khát phải uống nước, muốn thành Phật, tác Tổ phải tu tập, hành trì. Đó cũng chính là thông điệp mà chư Ni Phật giáo Đài Loan muốn gửi gắm tới các đại biểu qua nghi thức Thiền trà. 

Điểm nổi bật trong các cuộc thảo luận nhóm là tính thiết thực, tính phổ thông hóa Phật giáo qua phần trình bày của các đại biểu. Trong các buổi thảo luận nhóm nhỏ các đại biểu có cơ hội trình bày quan điểm cá nhân của mình thông qua các vấn đề giáo dục, đào tạo, hoằng pháp đối với tầng lớp thanh thiếu niên, trẻ em cũng như với quần chúng nhân dân trong xã hội.

Những người con gái lành của Đức thế Tôn từ 32 quốc gia Phật giáo

 

Ni sư Như Minh đại diện ni giới miền Trung tặng quà cho các đại biểu trình bày tham luận

Ni sư Thích Đàm Thuấn đại diện ni giới miền Bắc tặng quà cho Ni sư Karma Lekshe Tsomo chủ tịch Hội nghị Ni giới

Dù cách xa nhau gần chục thế  kỷ nhưng chúng ta có thể bắt gặp tại Hội nghị lần này chủ trương gieo ánh sáng Phật pháp giữa dòng đời thế tục; điều mà Phật giáo Việt Nam đã từng xây dựng, phát triển trong suốt thời gian dài của triều đại Lý – Trần. Với tư cách là định hướng và tái tạo các giá trị văn minh gốc con người; đạo Phật đã từ lâu xây dựng và thiết lập các mối quan hệ nền tảng để duy trì trật tự xã hội như mối quan hệ giữa thầy và trò; giữa cha mẹ và con cái; giữa chồng và vợ…Đặc biệt, trong cơ cấu gia đình của xã hội hiện tại ngày nay người phụ nữ đóng một vai trò cần thiết như là một lực đẩy để duy trì, phát triển các mối quan hệ đó ngày càng bền vững giúp cho xã hội được cân bằng, ổn định.

Như vậy, Hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 13 này với chủ đề : “Phật giáo giữa đời thường” không ngoài mục đích đề cao vai trò quan trọng của nữ giới Phật giáo trong việc đẩy mạnh các mối quan hệ dựa trên sự hoà hợp, từ bi, bình đẳng cũng như việc trao đổi truyền thống Phật giáo giữa các nước và vùng lãnh thổ, tạo cơ hội cho nữ giới Phật giáo trao đổi kinh nghiệm, đóng góp chung vào hoà bình thế giới.

Xuân về. Cây cối đâm chồi nảy lộc tiêu biểu cho vượng khí của sức trẻ tràn trề của nguồn năng lượng sáng tạo vô biên. Hỡi những người con gái lành của Đức Thế Tôn chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không vứt bỏ hẳn tạp niệm, vượt lên những nhỏ nhen, đố kỵ tầm thường của đời người, mở lòng với thiên nhiên vạn vật để chia sẻ và yêu thương khắp muôn loài.

Các đại biểu nữ giới Phật giáo Việt Nam chụp hình lưu niệm

Thực hành Thiền định

Thực hành Thiền trà

CTV

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here