Trang chủ Phật giáo khắp nơi Hoang phế Bạch Á

Hoang phế Bạch Á

96
0

Những báu vật bị lãng quên

Chùa và động Bạch Á (ở xã Nga Thiện, H.Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nằm trong một hang đá khá rộng với cửa chính quay hướng tây nam và ở độ cao khoảng 10m so với chân núi. Dưới chân núi là con đường rộng 1,5m, xưa kia được xẻ thành những bậc cấp lát đá dẫn lên cửa hang, nhưng nay đá làm bậc đã bị mất chỉ còn lại con đường phủ đầy cỏ xuôi theo chiều dốc núi.

Giá trị nhất là hai bên bậc cấp có những con rồng thành bậc được tạo tác tuyệt đẹp bằng đá vôi trắng rất giống đôi rồng trong thành nhà Hồ (H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) niên đại cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Đây là dãy tượng rồng thành bậc có số lượng lớn và đặc sắc nhất trong các kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam mà chúng tôi được biết. Hiện chỉ còn 7 con nhưng nó cho thấy nguyên xưa mỗi bên có 4 con; một con đã bị mất; một con đã rơi đổ xuống chân núi; sáu con còn lại bị vùi lấp quá nửa thân trong đất núi, cỏ dại và đều không còn nguyên vẹn: con mất đầu, con cụt đuôi… Xưa, bên trái đường dẫn lên chùa còn một chiếc giếng khá lớn, thành xây gạch, nhưng hiện cũng đã bị lấp mất để làm vườn trồng cây. Dấu vết của những viên gạch xây giếng vẫn còn có thể thấy được ở bên vách dưới chân núi…

 

Rồng đá hoang phế… – Ảnh: Q.K

Leo hết bậc cấp là tới tam quan chùa – thực chất đây chỉ là bốn trụ biểu theo dạng Nghi môn mới được xây dựng vài chục năm gần đây, nguyên cũng có 3 lối đi, nhưng nay đã bít kín 2, chỉ còn chừa một lối đi bên trái. Sau Tam quan là khoảng sân rộng trước cửa hang và theo người dân địa phương thì xưa kia ở đây có một kiến trúc khung gỗ, lợp ngói (có thể là Tiền đường của ngôi chùa cổ); nay dấu xưa đã không còn, thay vào đó là một pho Quan Âm bạch y bằng thạch cao đứng chắn giữa. Gắn dưới chân tượng Quan Âm là một đầu rồng và một con phượng vũ bằng đất nung niên đại khoảng thế kỷ 14 nhưng đã được sơn quét vôi ve che kín lớp đất nung đỏ au nguyên thủy. Theo người trông chùa thì hiện vật đó được tìm thấy khi đào nền đất trước cửa hang và họ đã gắn lại vào bệ tượng để giữ gìn… Âu cũng là một cách giữ lại cổ vật dù không được bài bản, khoa học… và chỉ bằng hai hiện vật đó thôi cũng cho thấy trước cửa hang xưa kia còn một kiến trúc mà niên đại khởi dựng có thể từ cuối thời Trần.

Cần sớm được bảo vệ và trùng tu

Chùa – động Bạch Á khá rộng, lại có 3 cửa hang nên ánh sáng và gió trời tràn vào khá nhiều nhưng cũng bộc lộ sự mai một đến xót xa của nhiều cổ vật quý giá. Bên trái vách hang là dãy tượng Phật và tượng Kim cương bằng đá khá lớn được tạo tác từ thế kỷ 17 nay tất cả đã bị mất đầu, mất chân… Theo người dân địa phương, đây là hệ quả của việc lấy đá nung vôi khi xưa, chỉ có đầu tượng nung được, còn mình tượng không thể cháy nên họ đem trả lại chùa(?) để giờ đây chính những người quản lý văn hóa của xã cũng băn khoăn không biết xếp chúng ở đâu bởi không thể đặt lên để thờ tiếp được mà bỏ đi lại càng không thể. Cũng trong hang, sát bàn thờ Phật mới xây còn thấy vài viên gạch hoa cúc, vài mảnh bệ tượng, vài mảnh ngói âm dương bằng đất nung thuộc thế kỷ 14 mà người trông chùa cho biết họ đã đào thấy bên trong và trước cửa hang…

Số lượng chùa cổ còn dấu vết kiến trúc từ thời Trần – Lê sơ ở nước ta giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay nên mong sao di tích Chùa – động Bạch Á cần sớm được bảo vệ để không ai phải hối tiếc khi quá muộn.

Rùa đội bia, bia khắc thơ bị vứt ngoài bãi cỏ

Chùa – động Bạch Á còn bốn tấm bia ma nhai, trong đó giá trị hơn cả là hai tấm bia khắc bài thơ ca ngợi động Bạch Á niên đại Cảnh Thống thứ 4 (1501) và Hồng Thuận 2 (1511); nhưng cả bốn tấm bia đều đã rêu mốc, mòn mờ cả. Cũng theo người dân địa phương, cách đây khoảng 15 đến 20 năm, trong khi đào thủy lợi trước cửa hang đã phát hiện một tấm bia khắc chữ Phật lớn đặt trên lưng rùa. Rùa đội bia hiện vẫn chìm dưới mương, còn bia được mang về sân trụ sở UBND xã nhưng đã bị khoan, đục và vứt chỏng chơ trên bãi cỏ một cách thảm hại. Dù không khắc ghi niên đại nhưng căn cứ vào những hình rồng trang trí trong nửa lá đề (tương tự như bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh) chạy bao quanh diềm bia có thể đoán tấm bia này được tạo vào thế kỷ 15. Đây là một di vật Phật giáo cực kỳ giá trị nhưng tiếc là chúng ta đã không bảo tồn một cách chu đáo…

 

Theo ThanhNienonline

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here