Bài viết này nhằm bước đầu ghi nhận về điều ấy.
I. Từ tiếng chuông trong ca dao:
Ca dao xứ Huế đã tôn vinh tiếng chuông chùa Thiên Mụ
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”.
Ở bình diện nhân sinh, tiếng chuông này luôn như gắn bó với sinh hoạt thường ngày của người dân quanh vùng, và ở bình diện triết lý, đạo học, tiếng chuông ấy là sự cảnh tỉnh không nguôi về tính chất phù thế hư ảo của kiếp người, hãy bỏ xa điều ác, làm lấy điều lành, hãy gắng rời khỏi bến mê tìm về bờ giác. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì tiếng chuông chùa Thiên Mụ thực sự góp lời cảnh tỉnh với cõi nhân sinh một cách sáng giá là bắt đầu với quả đại hồng chung nặng 3285 cân, do chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) cho đúc vào năm 1710.
Chùa Thiên Mụ còn được ca dao nhắc đến, lần này không là tiếng chuông mà là ngôi chùa, tượng trưng cho những gì vĩnh cửu, bất biến, hàm ý về giá trị của lời thề ước:
“Bao giờ cạn lạch Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền”.
Ở một trường hợp khác, tiếng chuông chùa Thiên Mụ như thể còn chia sẻ với bao khía cạnh phức tạp của tình yêu:
“Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò
Em đi cảnh vắng hẹn hò cùng ai…”
… Đến tiếng chuông trong thơ của vua Thiệu Trị:
Thiệu Trị (1811-1847) là vị vua mộ Phật nhất trong bốn vị vua đầu triều Nguyễn. Ông đã phân hạng và đề vịnh 20 thắng cảnh của đất thần kinh, và một trong những số ấy là “Tiếng chuông chùa Thiên Mụ”. Bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú đề vịnh của nhà vua như sau:
“Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên
Bách bát hồng thanh tiêu bách kiết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên.
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảnh
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích thánh công thuỳ hải vũ
Thiện nhân tăng quả phổ cai diên”.
Dịch:
Bên sông chùa cổ dáng uy linh
Phật diện hào quang ánh nguyệt minh
Trăm lẻ chuông rền tiêu trăm kiết
Ba nghìn thế giới tỉnh ba sinh.
Boong boong khuya sớm thông bao cõi
Bỗng trầm huyền diệu tiếng kệ kinh
Dấu Phật in soi cùng đất nước
Vô biên quả tốt với nhân lành.
(Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam, Nxb. Nguồn Sống, Sàigòn, 1960, tr.335. Phần dịch thơ là của chúng tôi).
II. Từ bài thơ vịnh của thiền sư Thạch Liêm:
Thiền sư Thạch Liêm (1633-1704) hiệu là Đại Sán Hán Ông, người tỉnh Giang Tây, Trung Quốc viện chủ Thiền viện Trường Thọ nổi tiếng ở Quảng Đông, sang Đại Việt vào năm 1695 theo lời mờ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thời gian ở Việt Nam, hoàn cảnh thuận tiện để ông viết tác phẩm Hải ngoai ký sự ghi chép về cuộc hành trình sang đất khách cùng những thi ca được sáng tác vào dịp này, trong số đó có bài Đường luật vịnh chùa Thiên Mụ:
“Cảnh Bụt từ xưa chúa Nguyễn xây
Cửa son điện ngọc phủ rêu đầy
Một đời, tươi sáng còn cây cỏ
Muôn thuở mưa hoa kết điện đài
Sơn thuỷ ngoài hiên mây ngã bóng
Đi về trước ngõ cánh buồm bay
Trích tiên chuyện cũ truyền Thiên Mụ
Hồn mộng mơ màng trở lại đây”.
(Hải ngoại ký sự, bd, Viện Đại học Huế, xb, 1963, tr 200)
… Đến những ghi chép của sách “Tang thương ngẫu lục”.
Bài “chùa Thiên Mụ” trong sách “Tang Thương Ngẫu Lục” do Kính Phủ tức Nguyễn Án (1770-1815) viết. Như chúng tôi đã có dịp nhận xét ý hướng của hai tác giả sách vừa kể là làm văn chứ không phải chép sử, mà còn vì tính chất “ngẫu hứng” chép chuyện tang thương, nên đã sử dụng rất nhiều yếu tố dân gian, quái dị, khai thác khía cạnh biến thiên của đối tượng được mô tả hay thuật lại… và tất cả đã đem lại giá trị văn học rất đáng kể cho tác phẩm. Bài viết về chùa Thiên Mụ cũng nằm trong ý hướng vừa nêu, và chúng ta thấy tác giả chỉ chấm phá một vài nét về cảnh quanh ngôi chùa, cũng như cách thờ phụng trong chùa, lại tỏ ra chú ý đến: – Chiếc khánh đá, tiếng kêu lớn và trong có ghi “Chính lịch nhị niên tạo”.
Bài vị Tổ khảo bảy đời của chúa Nguyễn. Hai câu thơ đề ở vách chùa của một người vốn là bề tôi của Chúa Nguyễn, đến thăm chùa sau ngày chúa Nguyễn bị Tây Sơn diệt. Hai câu thơ ấy là:
“Khả liên nhị bách niên cơ nghiệp
Bất cập sơn tăng cơ mộng trường”
(Hai trăm năm sót cơ đồ,
Không bằng giấc mộng thầy chùa trên non)
(Giản Chi dịch)
Nhắc lại thời gian chùa đã bị đổ nát nhiều (thời Cảnh Hưng 1740-1786) với những câu thơ tương truyền là của Bùi Huy Bích hoặc Trương Đăng Quỹ. (xem bd Tang thương ngẫu lục, Bộ giáo dục xb, S, 1970 T2, tr 179-181).
Về sau cùng vừa trình bày, theo ông Hà Xuân Liêm, trong bài “chùa Thiên Mụ” đăng trên tập san Vu Lan do Ban văn hoá trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xb tháng 8. 1994, thì “giai đoạn suy tàn của chùa Thiên Mụ có thể kể từ năm 1725 cho đến năm 1815 mới được vua Gia Long (1802-1819) cho tái thiết”. (TL đã dẫn, tr.63)
Chứng nhân cho thời kỳ suy tàn này của ngôi cổ tự về phương diện văn học, là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú của Phan Huy Ích (1751-1822) nhan đề là: “Phỏng Thiên Mụ tự chỉ tác” (Thăm nền cũ, chùa Thiên Mụ) được viết vào năm 1796 nhân một chuyến công cán vào kinh đô Phú Xuân. Bài thơ có lời nguyên dẫn như sau:
“Chùa Thiên Mụ, xưa do Hiếu Ninh Vương xây dựng, cơ ngơi rộng rãi, tráng lệ, dựng bia đá trắng, khắc văn ghi việc, có chiếc khánh bằng đá quý từ phương Tây đưa về treo ở gác chùa. Đó là cảnh đẹp bậc nhất của rừng thiền ở miền Nam Hà. Mùa đông năm Bính thìn (1796) tôi vâng mệnh đi công cán ở Phú Xuân, từng qua vãn cảnh thăm chùa. Trước đây, quan quân triệt bỏ các đều chùa cũ. Mùa xuân đem chiếc khánh quý để vào trong điện, nền chùa còn lại thì san đi để đắp đàn. Ngày hạ chí, vua ra tế thần đất. Thấy còn lại một toà Phật đường làm nơi vua ngự. Ngoài ra, nào viện, nào am, đều đổ nát không còn gì, chỉ còn tấm bia đá rêu phong đứng sừng sững bên đường cái, với những người kiếm củi qua lại nơi đây. Tôi ngẫu nhiên thăm lại chốn cũ, bùi ngùi xúc cảm”.
“Sung cương áp lãng thảo thông thanh
Tịnh giới yên hà thuộc liễu minh
Hoà thượng am không từ địa dị
Như Lai viện cổ trú loan đình.
Đài bi tàn triện già hành kính
Bảo khánh di âm nhập cấm đình
Nhị thập niên tiền du lãm xứ
Vãn dương tiều xướng bất kham thinh”.
(Ngăn sóng, đồi cao cỏ dày
Chùa xưa hoang vắng khói hoà mây
Am Tăng, nền cũ, thành đàn tế
Điện Phật, lối nào, dấu ngựa xe
Bia tạc, chữ mờ, rêu phủ kín
Khánh quý tiếng còn giục khách mê
Hai mươi năm trước từng viếng cảnh
Chiều tà, tiều hát, chẳng buồn nghe
(Dẫn theo thơ Phan Huy Ích, T2, Nxb KHXH, H, 1978, tr 118-119 phần dịch thơ là của chúng tôi).
Cũng trong bài viết trên, ông Hà Xuân Liêm còn nhắc lại việc chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) sau khi xưng vương: “Đã truy tôn bảy đời chúa trước lên vương hiệu và chạm bài vị đem thờ ở chùa Thiên Mụ như là một nơi từ đường của dòng họ ông” (Bđd, tr.62).
Đúng ra thì sự việc này vẫn có lí do của nó. Chính hai câu thơ lạ viết trên vách chùa mà sách “Tang thương ngẫu lục” nhắc tới đã là nguồn cảm hứng chính khiến nhà văn Phan Du viết nên tác phẩm “Mộng Kinh Sư” và phần chính của sách ấy là cố gắng lý giải mối tương quan giữa ngôi cổ tự Thiên Mụ với sự hưng vong của dòng họ chúa Nguyễn.
III. Từ bài thơ của thi sĩ Nam Trân…
Nam Trân (1907-?) tên thật là Nguyễn Học Sĩ, người tỉnh Quảng Nam, nhưng có nhiều gắn bó với Thần Kinh. Theo Vũ Ngọc Phan thì “Nam Trân là nhà thơ của đất Huế, những cảnh ông tả đều là cảnh đế đô, lời thơ êm ái hợp với cả người lẫn cảnh do ông tả” (Nhà văn hiện đại, Q III, Nxb Thăng Long, S, 1960, tr 703).
Bài thơ “Trước chùa Thiên Mụ” của Nam Trân đúng là thơ tả cảnh, lời nhẹ nhàng với lối diễn đạt là lạ:
“Êm êm dòng nước Hương giang chảy
Xúm xít thuyền con chỗ ba bảy
Tiếng hát ngư ông đẫm bóng cây
Như luồng khói nhẹ lên cao mãi
Tháp cao dòm nước vết meo trôi
Đồi tháp vừng trăng dõi dõi soi
Mờ ở xa xa gà gáy sáng
Trong chùa cảnh cảnh tiếng chuông hồi”.
(Dẫn trong Thi ca Việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt, nhà sách Khai Trí xb, S, 1968, tr 95).
… Đến tác phẩm “Mộng Kinh Sư” của Phan Du
Mộng Kinh Sư (Nxb Cảo Thơm, 1971) như đã nói ở trước, lấy cảm hứng từ hai câu thơ lạ ghi trên vách chùa Thiên Mụ mà sách “Tang thương ngẫu lục” nhắc tới. Nguyên văn hai câu thơ, lời dịch và thủ bút của học giả Giản Chi:
“Hai trăm năm xót cơ đồ,
Không bằng giấc mộng thầy chùa trên non”.
đã được in ở trang 5 của sách, dưới tên tác giả và nhan đề sách, đã quá đủ để khẳng định nhận xét của chúng tôi, và đi vào nội dung sách thì lại càng thấy rõ.
Phần đầu của sách với tiêu đề: “Linh Mụ tự và dòng họ chân chủ phương Nam”, tác giả đã đưa ra cái lý giải của mình về mối quan hệ giữa ngôi danh lam với sự hưng vong của dòng họ Nguyễn ở phương Nam: “Đó là những yếu tố phong thuỷ của cuộc đất nó chiếm cứ, yếu tố đã tạo nên một liên hệ thiêng liêng, mật thiết và bền bỉ giữa ngôi chùa với dòng họ quân chủ phương Nam”. (Sđd tr 7).
Và qua gần 200 trang sách, người đọc sẽ thấy, cùng với những bước hưng vong thăng trầm của sự nghiệp các chúa Nguyễn, ngôi cổ tự thỉnh thoảng xuất hiện không chỉ là chứng nhân mà rõ ràng là có sự chia sẻ đậm đà: “Trong cái thế hưng thịnh của họ Nguyễn, dưới thời Dũng Quốc Công, Thiên Mụ tự lẽ tất nhiên không những chỉ được chứng kiến mà còn được chia sẻ cái vinh dự thăng hoa”. (Sđd, tr 74).
Đấy là thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Còn đây là những ghi nhận về ngôi cổ tự dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu:
“Quả vậy, vì kể từ năm Canh Dần (1710), Hiển Tôn thứ 19, những hồi chuông triêu mộ của Thiên Mụ tự không chỉ đánh tan niềm tục ở các thôn mạo thuộc vùng Hà Khê, mà còn ngân xa toả rộng khắp cả một vùng bao trùm kinh sư sau này, nhờ ở những loạt âm ba du viễn của một cổ Đại hồng chung nặng trên ba ngàn hai trăm tám mươi lăm cân, cao lại thước rưỡi Tây và rộng một thước hai, với một bài minh khắc trên mặt, do tự tay chúa làm ra”. (Sđd tr 97).
Sau rốt, một nhận xét, tuy được in ở phần đầu của sách, nhưng là về giai đoạn sau này, từ hậu bán thế kỷ 19 trở đi: “…Từ ngày Hiến Tổ Chương Hoàng Đế băng hà trở đi (1847), cơ duyên phát đạt của ngôi cổ tự này càng ngày càng suy giảm” (Sđd tr 14) “Nhưng nếu tiếng chuông Linh Mụ không còn đủ sức để vươn lên từ dưới bóng xanh cổ thụ thấu tận miền Phật cảnh và lan xa toả rộng khắp sông mê bể khổ để làm tròn sứ mạng cảnh tỉnh chúng sinh, thì nó lại có đầy đủ thẩm quyền hơn tiếng chuông chùa nào hết, để kể lể và làm sống lại, dưới mắt du khách, bao nhiêu vang bóng của kinh sư…(Sđd tr 15).
Nhìn chung, có thể xem Mộng Kinh Sư của Phan Du như là một loại văn học địa chí. Nhìn với con mắt Phật học, tác phẩm, như cái nhan đề của sách khơi gợi, như cái cảm hứng của tác giả đã dựa vào đấy để viết, quả đã đem lại cho chúng ta những cảm nhận sâu sắc về lẽ vô thường của vạn hữu, về tính chất hư huyễn của kiếp người, về tính chất bọt bèo của vinh hoa phú quý, đúng như những dòng viết của chúa Nguyễn Phúc Chu trên tấm bia đã dựng tại chùa Thiên Mụ: “…coi đời sống vương giả ở nơi cung điện không thoải mái bằng đời sống ở chốn thiền quan, ngựa thắng yên cương nạm vàng dát ngọc không quý bằng một chiếc gậy Kim cương, cẩm y hoàng bào rực rỡ thường làm choá mắt thế nhân không giá trị bằng chiếc áo cà-sa, và những kho ngọc vàng châu báu, xét cho cùng chỉ toàn là những trò hư ảo mà thôi”. (Sđd tr 102), để từ đấy, không phải là bi quan yếm thế, mà là giúp chúng ta sống bình thản hơn, hài hoà và lạc quan hơn.
Hình ảnh ngôi chùa Thiên Mụ trong văn học Việt Nam quả là hình ảnh thu gọn của mối tương quan giữa Phật giáo và văn học, văn hoá Việt Nam vậy.
N.H