Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Herta Mueller: Qua ngôn ngữ tìm đến chân lý

Herta Mueller: Qua ngôn ngữ tìm đến chân lý

100
0

Lẽ ra cuốn tiểu thuyết này có hai tác giả. Tuy nhiên sau khi nhà thơ Oskar Pastior qua đời cách đây 3 năm, HM đã tiếp tục viết một mình: “Xích đu hơi thở”, một tác phẩm về số phận và sự phát vãng của những người Đức gốc Lỗ mã ni sau cáo chung của Đại thế chiến thứ hai. Quyển tiểu thuyết. được ca ngợi như là bản “Trần tình của hoài niệm” đã nằm trong danh sách tuyển chọn đợt cuối cho Giải thưởng sách Đức 2009. Nhưng bất ngờ H. M. được giải Nobel văn chương ngày 08. 10. 2009 với tác phẩm này.

Tuy cuộc phỏng vấn đề cập đến sự kiện trao bằng danh dự Heinrich Heine nhưng nội dung phát biểu của HM về sự hình thành của tác phẩm đã đem giải văn chương cao nhất cho bà vẫn còn thời sự để tham khảo”

Số phận của những người Đức gốc Lỗ mã ni (Rumanien) ngay sau chiến tranh không phải là một sự bí mật, tuy thế ở nước Đức, hầu như không ai biết đến vấn đề ấy.

Theo Bà, có phải văn chương là kẻ trung gian của quá khứ?

Mueller: Chỉ có văn chương cho ta khả thể trỗi lên từ lịch sử của mỗi con người riêng lẻ. Văn chương đạt được chân lý qua sáng tạo, văn chương hình dung chân lý qua ngôn ngữ. Nhưng chỉ có sự nghiên cứu lịch sử mới có thể tài liệu hoá một biến cố và giới thiệu như là một hình ảnh toàn thể. Nghiên cứu lịch sử có thể khám nghiệm truy cứu và bằng vào phân tích đưa ra những kết luận trên phương diện xã hội, chính trị và tâm lý. Cả hai, văn chương và nghiên cứu lịch sử đều cần thiết như nhau – chúng bổ túc lẫn nhau

Thỉnh thoảng Bà có nghĩ đến trường hợp, Oskar Pastior sẽ nói gì về “Xích đu hơi thở” không?

Mueller: Tôi nghĩ đến OP mỗi ngày – với và không với “Xích đu hơi thở”. Bởi vì tôi thiếu anh như một người bạn thân. Anh ấy đã ước mơ nhiều về quyển sách này và đã bỏ ra nhiều thì giờ trong những năm cuối để kể cho tôi nghe về những năm trong trại lao động. Đối với anh, kể lại cho người khác nghe về điều ấy thật là quan trọng. Và càng gặp nhau thường xuyên hơn thì điều đó lại trở nên càng quan trọng hơn. Đối với tôi quả là một may mắn được anh ấy sẵn sàng đặt mình vào trong khoảng thời gian trại  tập trung một lần nữa. Tôi tin rằng, đối với anh, điều ấy đã là một sự cần thiết vừa hành hạ anh mà cũng vừa làm anh hạnh phúc. Đến phút cuối cùng OP vẫn còn giữ vẻ trẻ trung (OP mất lúc 76 tuổi, ghi chú của người dịch), tôi quên luôn sự khác biệt tuổi tác khi chúng tôi ngồi với nhau. Anh ấy vừa lém lĩnh, vừa ưu phiền, vừa tỉnh lẻ mà cũng vừa toàn cầu trong cùng một lúc và trong cùng một cách chỉ riêng của anh. Và như thế OP vừa trực tính mà vừa kín đáo trong cùng một con người

Bà sẽ diễn tả phần tham gia của ông ấy vào quyển sách như thế nào?

Mueller: Tất cả những chi tiết của đời sống hàng ngày ở trại, những tài liệu và những qui trình công việc, những tưởng tượng về cái đói như “thiên thần đói” – đối với anh ấy, một chữ hoàn toàn bình thường cho “ thời điểm không” như anh ấy nói. Cũng cụ thể như chữ “trại”. Anh ấy đã rất tin tưởng ở tôi.

Để tìm một ngôn ngữ xứng tầm với nỗi khổ trong quyển tiểu thuyết ấy, đã  khó khăn cho Bà như thế nào?

Mueller: Đề tài tự tìm lấy ngôn ngữ cho nó, và chính ngôn ngữ buộc ta  phải chính xác từng li. Người ta phải dấn thân vào trong sự kể chuyện thế nào cho những sự kiện vỡ vụn ra. Chỉ như thế chúng mới có thể diễn đạt được tận trong những phần nhỏ nhất và tận trong chi tiết. Một cơn chấn thương phải được xé ra trong từng chi tiết, nguyên nhân đã gây ra hội chứng ấy. Một văn bản chẳng bắt đầu được điều gì với duy khái niệm “chấn thương” hay “tổn thương”.

Heinrich Heine có vai trò gì đối với bà – trong lúc nhân danh thi hào này Bà được vinh danh -, và lần đầu tiên bà biết tác phẩm của ông ấy vào lúc nào?

Mueller: Trong một sách giáo khoa đã có bài thơ “Lorelay” – tôi còn nhớ rõ. Nhưng khi tôi bắt đầu viết, Heine đã không đóng vai trò gì cả. Thời ấy tôi là thông dịch viên ở trong một xưởng chế tạo máy móc và đã cưỡng lại không chịu làm kẻ chỉ điểm cho mật vụ. Tôi ngồi trong bẩy của những sách nhiễu hàng ngày cho đến khi tôi bị đuổi ra khỏi xưởng. Sau đó hết thẩm vấn này đến thẩm vấn khác không dứt, và chính cái cơ quan mật vụ đã đuổi tôi ra khỏi xưởng lại mệnh danh tôi là phần tử ăn bám.

Và đó đã là nguyên do để viết?

Mueller: Trong thế gọng kìm này tôi bắt đầu với một số đoản thiên văn xuôi của tập “Những vùng đáy”  “Niederungen” để tự mình quyết chắc cho mình. Tôi sục sạo quảng đời của mình, thời thơ ấu trong tấm làng nhỏ bé, quá khứ của cha tôi, sự dính líu của thiểu số người Đức trong tội ác của Nazis, sự độc đoán trong đó bấy giờ tôi đang sống. Heine đã không đứng một chỗ nào trong quảng đời bị đẩy đưa qua lại ấy.

Và hôm nay?

Mueller: Người ta e ngại làm một cuộc so sánh những nỗi sợ hãi riêng, sự tróc nã, vu khống, lưu đày với số phận của Heine, khi người ta – như tôi – có người cha làm lính. Tôi không có mặc cảm tội lỗi; lúc ấy tôi chưa chào đời. Tuy thế một người cha vẫn là một thành phần của tiểu sử riêng; điều đó không thay đổi được. Người ta nhìn thẳng vào mắt thời gian của chính mình, nhưng đâu đâu cũng đều có một tấm kính chiếu hậu. Và trong đó an toạ quảng đời của song thân. Nhưng tấm kính chiếu hậu cũng biết rõ, Heine đã đau khổ đến thế nào dưới chủ nghĩa bài Do Thái thời ông. Nhưng nếu không có hơi thở của cha tôi thì mỗi so sánh giữa thời của Heine và thời của tôi trong một quốc gia kiểm soát theo cách xã hội chủ nghĩa sẽ khó đặt ra.   

Phỏng vấn của Lothar Schroeder, nguồn RPOnline 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here