Trang chủ Phật học Hạt cơm nặng như núi Tu Di

Hạt cơm nặng như núi Tu Di

97
0

Tôn giả A Nan vâng lời mang cà sa xuống sông để giạt. Nhưng kỳ lạ thay, khi bỏ chiếc y xuống nước thì nó không chìm, cứ nổi lên. A Nan tìm đủ mọi cách, thậm chí lấy đá tảng đè lên nhưng cà sa vẫn không chịu chìm. Thấy lạ, Tôn giả A Nan liền hỏi Phật nguyên do. Phật dạy: “Hãy đi lấy hạt cơm còn dính trong bình bát bỏ lên xem sao”.  A Nan liền đi lấy một hạt cơm còn sót lại trong bình bát bỏ lên chiếc y, quả nhiên cà sa từ từ chìm xuống nước.

Nhóm Lục quần Tỷ kheo thấy vô cùng ngạc nhiên trước hiện tượng lạ lùng này, liền hỏi Phật nguyên nhân. Phật đáp: “Mỗi hạt cơm của tín thí cúng dường nặng như núi Tu Di. Do đó, nếu thọ nhận của cúng dường mà không tu hành đắc đạo thì sẽ mang nợ…”. Từ đó về sau, sáu vị Tỷ  kheo này không còn khen chê ngon dở. (Theo Truyện cổ Phật giáo)

Thuở mới đi chùa, tôi thấy lạ là mỗi lần ăn cơm xong, quý thầy không dùng ly uống nước mà rót nước vào chén ăn cơm rồi uống một cách ngon lành. Và chỉ có nhà chùa mới có cách uống nước lạ lùng này thôi, những nơi khác tuyệt nhiên không có. Sau này, khi đọc được câu chuyện cổ tích Phật giáo trên tôi mới vỡ lẽ rằng, quý thầy đã thấy “sức nặng” của hạt cơm nên quyết không bỏ sót.

Cuộc sống của người xuất gia, từ thời Thế  Tôn cho đến nay, chủ yếu do tín thí cúng dường. Người tu nguyện làm khất sĩ (ăn xin), không trực tiếp lao động, chỉ xin vật thực để nuôi sống thân mạng, cầu đạo giải thoát và trao truyền lối sống đạo đức cho chúng sinh. Vì thế, trân trọng tài vật cúng dường, sử dụng đúng pháp là một chuẩn tắc quan trọng không thể chểnh mảng.

Thực tế thì không phải người giàu có dư dả nào cũng biết phát tâm, tu tập hạnh cúng dường. Trong khi người hiểu đạo, chí thú và tận lực cúng dường có trường hợp lại là người nghèo, tâm cúng dường là chính. Với tâm thanh tịnh, thành kính cúng dường thì tài vật dâng cúng tuy đơn sơ nhưng lòng thành làm cho nó “nặng như núi Tu Di”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngọn  đèn của bà lão ăn xin tuy yếu ớt (vì không đủ tiền mua nhiều dầu) trong tinh xá Trúc Lâm nhưng gió thổi và cả người dập cũng không tắt. Và không phải vô cớ mà Thế Tôn nhận chiếc khố rách của hai vợ chồng nông phu. Chính vì tấm lòng của họ, “lễ bạc mà lòng thành”.

Để cúng dường, người Phật tử phải chắt chiu, dành dụm, bớt ăn bớt mặc, có khi phải lên kế hoạch trong một thời gian dài. Do vậy mà tài vật cúng dường trở nên rất “nặng”, nếu không tu hành thì sự thọ nhận ấy chắc chắn là mang nợ của tín thí, nói gì đến sinh tâm phân biệt, ngon dở, khen chê…

Ngày nay, đời sống kinh tế xã  hội phát triển, cuộc sống người tu cũng theo đó mà được cải thiện, có người được xem là “giàu”. Tuy vậy, trong tự tâm của những người tu, luôn quán niệm về hạnh “ăn xin” của mình, quán niệm về phương tiện hành đạo, độ sinh mà buông xả, không phân biệt, không chấp thủ… Vì một hạt cơm thừa mà “nặng” như thế huống gì tiền bạc, xe cộ, nhà cửa, đất đai… sẽ nặng đến mức nào!

P.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here