Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật: Tây du lý sự 1

Hành trình về đất Phật: Tây du lý sự 1

133
0

Vì sao không mong đợi? Một lý do dễ hiểu là chi phí cho một tour hành hương tối thiểu là 1.500 US$ – con số này nằm ngoài “ngân sách” mà tôi có thể “phê duyệt” cho mình. Nhưng đột nhiên nhận được lời mời về một chuyến viễn du sang Ấn Độ mà không cần lo nghĩ về chuyện tiền nong thì cứ gọi là “cũng được” cho nên. . . lên đường đi thôi! Lãng du cũng là tiếp tục cuộc lữ hành giữa thế gian và là một cơ hội thực tập giáo pháp.

Anh bạn ngỏ ý mời đi chơi tên là Claude, 47 tuổi, người xứ Canada, một anh “Tây ba-lô”  tiêu biểu.  Anh chàng này có hai điểm chung với tôi là ăn chay trường và thích tìm hiểu “đường mây qua cõi mộng”. Nhưng anh chàng có một điểm hơi khác là cứ mãi lang thang, từ châu Mỹ sang châu Á, từ Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Căm Bốt, sang Đài Loan, Nhật Bản. Thỉnh thoảng tôi lại nhận được thư và hình ảnh về nơi này, nơi kia. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của người Anh là hòn đá lăn hoài thì không bám rêu. Hay là thử cho anh ta “bám rêu” qua một khóa thiền mười ngày xem sao? Vậy là tôi viết thư gợi ý hãy tham gia một khóa thiền Vipassana 10 ngày ở Thái Lan. Vì sao Thái Lan? Vì ở đó anh ta có thể nghe lời hướng dẫn bằng tiếng Anh. Anh ta nhận lời. Nhưng cũng đề nghị vẫn có một chuyến đi du lịch trước khóa thiền. Và để cho công bằng, tôi cũng phải nhận lời “lịch du”.

Thế là chúng tôi đã thực hiện chuyến “du lịch bụi” khá vất vả – chủ yếu là cuốc bộ, hoặc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng rẻ tiền nhất, ở nhà trọ tồi tàn nhất, tự giặt áo quần, dùng bản đồ để lập lộ trình – và trên thực tế đã ghé qua các tỉnh Mukdahan, Chieng Mai, Ayutthaya, trung tâm thiền Dhamma Kaya, tham gia khóa thiền 10 ngày tại trung tâm thiền Dhamma Kamala ở tỉnh Prachinburi của xứ Thái từ ngày 22 tháng 6 đến 10 tháng 7 rồi đi sang xứ Ấn từ ngày 10 tháng 7 đến 27 tháng 7 thăm các di tích vườn Jevavana (Cấp Cô Độc-thái tử Kỳ Đà) ở Sravati, vườn Nai ở Sarnath, Vaishali, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), vườn Lumbini (Lâm Tì Ni), Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ), Kushinagar (Câu Thi Na),  thành Rajgir (Vương Xá), núi Linh Thứu, đại học Na-lan-da, và một vài nơi khác.

Claude bay qua Sài Gòn, ra Huế và mua vé xe bus ở một công ty du lịch Huế rồi cùng đi Savanakhet, thuộc xứ “Vạn Voi” (320.000 đ).

 

 

Tây du ký sự kỳ 1

Ngày 22-6-2001

Xe đi đón khách từ nhà và khởi hành từ bến xe Phía Nam (An Cựu) lúc 8:30, chạy ra Quảng Trị, rẽ qua hướng tây đi Lao Bảo, và tới cửa khẩu Xả Ớt lúc 12 giờ. Dừng lại để làm thủ tục xuất nhập cảnh (phí nhập cảnh sang Lào tương đương 10.000đ) và ăn trưa khoảng một tiếng đồng hồ.

 

Cửa khẩu Lào – Lao Bảo

Cũng may là mua được hai ổ bánh mì và 4 trái chuối để ăn. Việc ăn chay đặt ra một thách thức cho toàn chuyến đi vì không dễ kiếm ra quán ăn chay. Anh Claude lại còn là dân vegan, nghĩa là ăn chay thuần túy, không đụng tới trứng , sữa, các sản phẩm từ sữa, như kem, yaourt, và cũng không ăn chay ở một quán có bán đồ ăn mặn. Nguyên tắc này “giúp” anh ta có cơ hội nhịn đói nhiều bữa khi đến Ấn Dộ. Tôi thì theo con đường “middle way”, có nghĩa, ăn chay là để giữ tâm yên ổn, còn những ô nhiễm đi vào thân từ thức ăn nếu không tránh được thì chấp nhận. Vì thế cũng có cơ hội nhịn đói nhưng không nhiều bằng anh Claude. Tuy nhiên, do đã từng thử nhịn đói vài ngày cho nên tôi biết bỏ qua một hai bữa ăn cũng chẳng sao. Nhưng cũng “thủ” sẵn trong ba lô mì gói, cháo ăn liền, mè chiên dầu, bơ đậu phụng, rong biển, bột ngũ cốc. Còn anh Claude thì mang theo 2 chiếc resistance để nấu nước. Khi sang Thái, chiếc resistance chứng tỏ là có ích vì ở guest house hay ngay trên xe lửa cũng có thể đun nước, nhưng sang Ấn Độ thì hoàn toàn vô dụng, vì cắm ở đâu nó cũng không chịu nóng lên, có thể vì điện thế không đủ chăng? Còn đồ ăn mang theo thì hoàn toàn xứng công lao mang vác vì nhiều lần đã giúp cả hai “sống sót” trong khi không kiếm ra thức gì để ăn.

Tôi đã nghe một người em trai ca tụng núi rừng Lào sum sê, hùng vĩ nên cố nhướng mặt nhìn quanh, sẵn sàng thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên, nhưng chỉ thấy những nhà sàn làm bằng gỗ đơn sơ, thế thôi, không có dấu vết rừng già, rừng non chi cả. Đến bến xe Savanakhet lúc 5:30, chúng tôi ghé vào một quán ăn xin nước nóng (bằng vài động tác chỉ chỏ) để “chế” cháo gạo lức Bích Chi. Sau đó mua vé xe đi tiếp sang thành phố Mukdahan, Thái Lan. Xe chạy lúc 7g , ngừng khoảng 30 phút làm thủ tục (phí nhập cảnh tương đương 50.000đ hay 2.5 US$) , chạy tiếp qua cầu Hữu Nghị II và đến thành phố nằm trên bờ sông Mê Kông vào lúc 8g tối. Lên xe xe tuk tuk (giống xe ba bánh Lambretta ngày xưa ở xứ mình) đến khách sạn Huanum trên đường Samutsakdarak lúc 8:0 tối (phòng đôi 350 baht – 1US$= 30 Bh).

 

xe tuk tuk

 

 

Sáng 23-6  

Mukdahan

 

Mukhadan là thủ phủ của tỉnh Mukhadan, trước đây gọi là tỉnh Nakhon Phanom, miền trung bắc Thái Lan. Các di vật khảo cổ cho thấy ở đây đã từng tồn tại các đồng dân cư thời tiền sử. Thời cận đại Mukhadan thuộc vương quốc Ayutthaya. Tỉnh này bao gồm cà Savanakhet (hiện nay thuộc Lào), nhưng vào năm 1893 phải cắt nhường cho Pháp lúc ấy đang đô hộ Đông Dương.  

Tháp Mukhadan

(có 7 tầng, tầng 1 &2 là bảo tàng, các tầng khác triển lãm mỹ thuật, tầng trên cùng là tượng Phật)

 

Mukhadan có 8 tộc người sinh sống. Dân số năm 2000 là 100.000 ngàn người. Sau khi xây xong cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mê Kông (2006) thương mại qua biên giới phát triển rõ rệt. Số lượng người Việt đổ qua rất đông, lập thành chợ gọi là chợ Đà Nẳng.

 

Sáng sớm chúng tôi cuốc bộ ra bờ Mê Kông ngắm dòng sông chung của các xứ Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam. Bờ sông được kè đá vững chắc. Trên bờ có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Dọc theo bờ sông là chợ Đông Dương, khá sạch sẽ, thoáng đãng, hàng hóa phong phú.Chợ có một tầng ngầm với các cầu thang đi xuống sâu khoảng 5m với rất nhiều quầy hàng.  

Chợ Đông Dương

Xen vào giữa các khu chợ là các chùa Thái với kiến trúc đặc trưng là mái chồng nhiều lớp màu đỏ, các bảo tháp họ gọi là chedi và các tượng Phật bằng đồng dát vàng rực rỡ. Tượng Phật ở Thái có đặc điểm là thân Phật hơi gầy, có tượng eo rất thon, gợi nhớ lúc Đức Phật tu khổ hạnh. 

tượng Phật trong một chùa Thái

Ở đây cũng có chùa Tàu với đặc điểm là tôn trí tượng Bồ Tát Quan Âm và Phật Di Lạc ở ngoài trời. Tượng Phật Thích Ca thì  người Tàu và Nhật tạc khuôn mặt phương phi, thân hình đầy đặn. Tình cờ gặp một bà Phật tử cho biết các tượng Phật bằng đá cẩm thạch là tác phẩm mang sang từ Đà Nẳng và Hội An. Trong một chùa Thái thỉnh thoảng cũng có tượng Di Lạc. 

Trong chánh điện một chùa Tàu

Các chùa Thái gọi là wat, thuộc hệ phái Theravada, ở Việt Nam gọi là Nam Tông hay Nguyên Thủy thường chỉ có tượng Đức Phật Thích Ca, chứ không có tượng các Bồ Tát như Quan Âm hay Phật Di Lạc. Kinh điển Pali dùng chữ Bodhisatva (Bồ Tát ) để chỉ Đức Phật lúc còn tu hành, chưa giác ngộ. 

Chùa Thái

Tại Thái Lan, Phật giáo là quốc giáo. Theo thống kê năm 2002, dân số Thái là 63 triệu, trong đó, 94% theo đạo Phật. Theo hiến pháp vua phải là Phật tử. Vua và chính phủ đều có trách nhiệm hỗ trợ Giáo hội Phật giáo trong việc truyền bá Phật pháp.

Cả nước có 32.000 tự viện, khoảng 266.000 tỳ kheo và gần 100.000 sadi. Hầu hết các làng đều có chùa và các thành phố thì có nhiều chùa nguy nga, tráng lệ.

Phật giáo được truyền vào Thái Lan khi nào? Tương truyền là vào khoảng thế kỷ thứ VII. Dòng truyền thừa  liên quan đến sự thành lập Giáo Hội Phật giáo ngày nay xuất phát từ Sri Lanka và du nhập vào Thái Lan vào thể kỷ XII, bây giờ là tông phái lớn nhất, gọi là  Maha Nikaya và tông phái lớn thứ hai là Dhammayut do Hoàng Tử Mongkut thành lập năm 1833. Cả hai đều trực thuộc Hội đồng Tăng già Tối cao và Đức Tăng Thống. Có hai tông phái Mahayana (Đại Thừa) nhỏ hơn của người Hoa và người Việt, cũng được luật pháp công nhận.

Sau khi ăn trưa tại một quán chay gần khách sạn, chúng tôi ra bến xe đi tới tỉnh Khon Kaen. Xe khởi hành khoảng 12: 45 và tới nơi gần 5 giờ chiều. Đây là một thành phố khá lớn ở miền bắc Thái Lan. Đi loanh quanh một chút, chúng tôi hỏi đường ra bến xe mua vé đi Chieng Mai, một thành phố ở miền tây bắc Thái, ở độ cao khoảng 300 m trên mực nước biển,  cách Bang Kok khoảng 765km. . Xe khởi hành lúc 8:00 tối và đi suốt đêm, tới Chieng Mai vào lúc 8:30 sáng hôm sau. 

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here