Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật: Tây du ký sự kỳ 2

Hành trình về đất Phật: Tây du ký sự kỳ 2

93
0

Ngày 24-6

Chiengmai

 Sáng thứ sáu đến nhà trọ Lanna Indochina, một nhà có kiến trúc cổ sửa thành guesthouse. Phòng khá nhỏ, có hai tầng, Claude chọn giường trên gác lửng. Chúng tôi đi ăn sáng ở một quán chay gần đó. Thức ăn giống như ở Việt Nam. Họ dọn cơm gạo đỏ mà hồi xưa mình gọi là “gạo ruộng”. Mọi quán cơm chay mà chúng tôi ghé qua đều nấu cơm gạo ruộng.  Cũng có canh bí đỏ, xào cà rốt với cà chua, su bắp; rồi cũng có dưa leo, nấm rơm, v.v. Chỉ có mùi vị hơi khác, nhưng không cay như các món Thái thường thấy.

Sau đó trở về guest house viết mail trên lap top của Claude. Buổi chiều Claude đi bác sĩ khám bộ xương sườn vì bị té trên xe bus đường từ Sài Gòn ra Huế. Còn tôi tập sự làm backpacker, đi thăm chùa Wat Phra Sing ở gần đó, một chùa khá lớn, được vua Fa Yoo thành lập cách đây gần 700 năm (1345) để tưởng niệm vua cha là Kam Foo. Nhà vua cho xây một bảo tháp (chedi) để giữ tro cốt của cha mình. Chùa có một ngôi chánh điện và  tàng kinh các khá lớn.  Bên trong chánh điện người ta có bảng hướng dẫn những gì cần làm và không nên làm. Khách tham quan phải để giày dép bên ngoài. Khách phải ngồi xuống rồi mới ngắm nhìn hay lễ bái, chụp ảnh. Khách không được mặc váy ngắn, quần lửng. Mọi người phải giữ im lặng.  Một chị Tây ba lô vừa bước ra khỏi chánh điện liền dừng lại cởi quần dài bỏ vào túi xách, hóa ra có mặc quần short bên trong, rồi tung tăng chạy ra sân. Trong tàng kinh các, ngoài các bản kinh trên giấy thường, có các bản kinh chép trên lá cọ và trên lụa. Các sư cũng sưu tầm văn học dân gian và ghi chép thành văn bản. Chùa có tổ chức các khóa dạy thiền và dạy giáo lý cho Phật tử và cả khách du lịch. Đây cũng là nơi tổ chức tết cổ truyền Songkran cho người dân Chieng Mai.  

Wat Phra Sing

 

Tàng kinh các ở Wat Phra Sing

Gần chùa Phra Sing có chùa Chedi Luang, nằm trên đường Prapoklao, là con đường đi từ cửa Chieng Mai đến cửa Changpuak  theo hướng bắc –nam của thành cổ. Đây cũng là một ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây khoảng 600 năm. Chùa bị hư hại nặng trong cuộc chiến tranh với Miến Điện. Tuy đã được phục chế nhưng phần trên tháp người ta không xây lại. Chùa này trước kia tôn trí tượng Phật Ngọc, là bảo vật quốc gia. Về sau, tượng Phật được đưa về Bang Kok. Gần đây nhà vua cho phép thờ một bản sao tượng Phật Ngọc trong chùa. 

Chedi Luang

Thành Lanna xây từ năm 1296. Thành trì cũng  giống như kinh thành Huế nhưng diện tích thành nội nhỏ hơn và xây vuông vắn chứ không phải chỗ lồi ra, chỗ thụt vào (kiểu Vauban) như thành Huế. Thành xây bằng gạch, nhưng đã bị phá hủy gần hết. Mỗi một mặt thành theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc đều còn lại chừng vài chục mét với hào nước chạy phía trước. Cổng thành không còn mái vòm.

Chieng Mai là kinh đô cũ của một vương quốc nhỏ gọi là Lanna, do vua Phya Mengrai thành lập vào cuối thế kỷ XIII. Người dân có lẽ di cư từ miền nam Trung Hoa trước thế kỷ thứ X. Vào thế kỷ XI và XII, vùng đất này chịu sự cai trị của đế quốc Khmer. Triều nhà Mengrai kéo dài khoảng 200 năm. Trong thời gian này Phật giáo được tiếp nhận và trở thành dòng chảy chính trong nguồn mạch văn hóa Thái.

Sau đó vương quốc Lanna bị Miến Điện xâm lăng và đô hộ gần hai thế kỷ. Thành trì cũng như các chùa chiền và các công trình khác bị tàn phá. Đến năm 1774 vua Taksin từ một vương quốc khác ở phía nam là Ayutthaya mới đánh đuổi được người Miến và biến Lanna thành một nước chư hầu.

Thành cổ Lanna (Chieng Mai)

Ngày nay Chieng Mai còn lưu giữ được một số nét xưa, với những đường phố hẹp, lát gạch. Ngoài những tòa nhà có kiến trúc hiện đại, các cửa hàng, siêu thị, vẫn còn một số nhà có vườn cây im mát, yên tĩnh. Đường phố hầu như chỉ có xe hơi, xe tuk tuk, ít người đi bộ ngoại trừ khách du lịch nước ngoài. Nhiều con đường nhỏ rất vắng vẻ. Có nhiều khách sạn, nhà nghỉ và văn phòng công ty du lịch.

Buổi tối Claude thuê xe máy chạy đến ga xe lửa để mua vé đi về Ayutthaya. Khi về, khoảng 8g, đi ngang qua chợ đêm. Khu này khá đông đúc, nhưng nhiều con đường khác không còn người đi.

  

~~oOo~~

  Sáng 25-6

Chieng Mai

Khởi hành sớm, khoảng 5:30 đi bằng xe máy viếng ngôi chùa trên núi, có tên là Wat Phrathat Doi Suthep, cách thành phố chừng 16km. Trời còn tối và se se lạnh. Đến chân đồi đã thấy hàng trăm thanh niên ngồi theo hàng lối, chuẩn bị đi lên núi. Sau đó họ chạy theo từng nhóm khoảng 50-50 người. Ngoài ra có một số đi xe đạp, mặc đồ vận động viên. Lác đác có một số người đi xe pick-up chở theo nhiều container đồ ăn. Họ đỗ xuống bên đường, khiêng các container ra khỏi xe, chuẩn bị cúng dường các thầy từ trên núi xuống đi khất thực.

Đường đèo khá dốc, kéo dài khoảng 10km, cây cối um tùm, núi non hùng vĩ. Khoảng giữa chặng đường người ta xây một vọng lâu cho khách dừng lại ngắm toàn cảnh sườn núi và thành phố bên dưới. Sương khói từ rừng cây bốc lên mờ mờ. Lưng chừng núi cũng có một tượng Phật, nơi người dân địa phương hay đến cầu nguyện.

Chùa xây trên đỉnh núi. Từ mặt đường phải leo lên mấy trăm bậc cấp mới tới. Hai bên bậc cấp người ta đắp tượng hai con rắn thần naga trườn từ trên cao xuống. Naga là một linh vật theo văn học Phật giáo và Ấn Độ giáo. Theo một sự tích, có lần Đức Phật đang ngồi thiền ở Bodhgaya thì trời đổ mưa, rắn thần vươn chín đầu của mình lên cao thành lọng để che cho đức Phật. Trong các chùa thuộc hệ phái Theravada thường thấy hình tượng Naga như một vị thần hộ pháp. Ngòai rắn thần còn có hai vị hộ pháp khác mang vũ khí, mặc giáp trụ, mặt mày dữ dằn, xua tan mọi ý nghĩ đen tối trong đầu khách viếng chùa. 

Tháp ở sân chùa

Qua khỏi cổng chính người ta thấy một tháp bằng vàng sáng chói trước mặt. Có những chiếc lọng bằng đồng ở bốn góc. Xung quanh tháp có nhiều tượng Phật, trong số đó có một tượng bằng ngọc bích.  Tháp là nơi tôn trí xá lợi Phật, tương truyền là một mảnh xương vai của Đức Phật do nhà sư tên là Sumanathera tìm thấy năm 1368 và dâng cho đức vua Nu Naone của Chieng Mai. Xá lợi này tự phân làm hai phần. Một phần vua đưa đến chùa Suan Dok, một phần đặt lên voi trắng. Con voi này chạy vào rừng, sau đó leo lên đồi Su Thep và chết ở đó. Vua lại cho xây bảo tháp để giữ xá lợi này. 

Tượng rắn thần Naga nằm dọc theo bậc cấp đi lên chùa

 

Cổng chùa Phrathat Doi Suthep

 

Thiện nam tín nữ đi nhiễu xung quanh tháp

 

Chedi – một góc tháp

Sáng sớm đã thấy mấy thanh niên, nam có, nữ có, quét sân, cắm hoa, làm công quả. Khách thập phương đến mua hoa sen, cầm tay đi nhiễu xung quanh tháp trước khi dâng lên ở chân tượng Phật. Có một pháp khí giống như chiếc thuyền dài, hai đầu vươn cao. Trong khoang thuyền người ta thắp nhiều ngọn đèn dầu cúng Phật. Cũng có bát nhang để thắp hương.

Trên sân chùa có những giá treo nhiều chuông và chiêng bằng đồng. Chùa trồng nhiều hoa và cây cảnh, thể hiện óc mỹ thuật tinh tế của người Thái. Dưới chân tượng Phật ngọc có các cây cành vàng lá ngọc giống như trong hoàng cung ở Huế. 

Giàn chuông treo

Khoảng 7 g, các sư xếp một hàng ngang trước mặt một vị sư ngồi bên trong nhà và tụng kinh chừng 10 phút  trước khi đi xuống núi theo hàng dọc.

Ra khỏi chùa thấy các hàng quán bán thức ăn bắt đầu mở. Dân Thái cũng ăn xôi nấu trong ống tre giống như bên Lào. Nhiều xe bán bắp nướng và các món ăn nóng khác. Ở chân đường lên chùa có một chiếc chiêng đồng cực lớn. Trên đường xuống núi đi ngang qua sở thú, vườn thực vật, và trường đại học kỹ thuật. 

Chiêng đồng ở dưới chân đồi, gần cổng chùa

Trên đường về, Claude ghé qua chợ thăm một người bạn Thái bán thức ăn chay ở một quầy ở đó và tặng vài món quà lưu niệm mua từ Huế. Anh này bán đồ ăn nấu sẵn, bỏ trong bịch nylon cho người ta mua mang về. Anh nói tiếng Anh khá trôi chảy và tự nhiên. Anh trút mấy bao nylon mời chúng tôi ăn bún. Tôi chưa bao giờ ăn bún và rau sống lạnh ngắt như thế này. Nhưng anh này mời rất nhiệt tình nên chúng tôi phải ăn. Anh lại còn rủ hôm sau đến một nơi nào đó để thọ giáo đạo Lão. Anh cho rằng Tạo (đạo Lão) là căn bản của mọi tôn giáo.

Khi trở về Claude quyết định đổi sang một nhà khách khác tên là Wanasit nằm trên một con hẽm nhỏ, vắng vẻ, ở đường Rachamankra, cách nơi ở cũ chừng 500m. Đây cũng là một nhà có ba tầng. Chủ nhà ở tầng dưới và cho thuê những phòng ở tầng trên. Phòng ở đây rộng rãi và thoáng hơn nhà khách Lanna. Chủ nhà là một bà tuổi trên 50, ăn nói nhỏ nhẹ, và cũng yêu cầu khách giữ bầu không khí yên tĩnh. Đây cũng là một đặc điểm của người Thái. Họ không nói chuyện ồn ào, nhất là ở nơi công cộng, họ cũng không có đàn đúm nhậu nhẹt hay cờ bạc như người Việt.

Sau khi nhận phòng chúng tôi đi đến văn phòng hãng máy bay Air Aisa để hỏi xem Claude dùng thẻ tín dụng của mình để mua vé cho tôi hay không. Dĩ nhiên là được.Tôi biết thế nhưng vẫn để Claude hỏi cho chắc.

Claude dẫn tôi đến các hiệu sách ở Backstreet mà anh cho rằng là nơi bán sách ngoại văn lớn nhất vùng Đông Nam Á. Sách mới hay cũ họ đều có. Ở đây khách có thể mua, đọc xong bán lại, hay bán những cuốn sách mang theo từ quê nhà.Thể loại sách rất phong phú. Các kệ sách có ghi rõ sách loại gì, chẳng hạn tiểu thuyết, lịch sử, triết học, tôn giáo, v.v.. Sách viết bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa, v.v. Tác giả người Việt chỉ có khoảng 5,7 cuốn sách của thầy Nhất Hạnh bằng tiếng Anh được bày bán ở đây.

Sau đó Claude phải đi Myanmar, ở lại trong một guest house ở biên giới một đêm, rồi quay lại Thái để được cấp visa thêm 15 ngày nữa (cho đủ thời gian để tham dự khóa thiền). Vậy là tôi phải đi một mình quay lại guest house nghỉ ngơi. Trời đổ mưa. Nhưng không lẽ nằm nhà hoài, vậy là tôi khoác áo mưa và đi dạo phố. Quai dép sandal bắt đầu ma sát hai bên ngón chân cái và ngón út làm  trầy da. Tôi phải ghé vào một hiệu thuốc tây để mua băng dán cá nhân (plaster). Từ hôm sau tôi hầu như luôn mang giày để tránh bị đau chân.

Tôi đi ra cổng thành để ngắm nghía các dãy thành quách còn sót lại. Nhìn để thấy công lao của bao người đã đổ ra để xây dựng những công trình đẹp đẽ, để thấy sức tàn phá của chiến tranh, biểu hiện tàn bạo của lòng tham.

Sau nhiều giờ đi bộ, tôi trở về nhà khách, mệt nhoài. Tắm xong cũng rán gõ mail trên lap top của Claude trước khi lăn ra ngủ, tai vẫn nghe tiếng mưa rơi suốt đêm.

 

~~oOo~~

Ngày 26-6, chủ nhật

Chieng Mai

Sáng 6g nghe bà chủ gọi điện báo Claude sẽ về trong vòng một giờ, nhưng chờ mãi không thấy. Thôi thì cứ nằm nhà đọc sách. Trời vẫn mưa. Gần 11 g, tôi đi xuống nhà gặp bà chủ để gọi nhờ điện thoại, lại gặp một anh họa sĩ người Hà Lan cho mượn cell phone. Claude cho biết sẽ về trước 1g.Tôi đi ăn trưa và tìm mua một sim điện thoại để liên lạc với Claude. 

Tôi cũng đi trong mưa để hòa nhập với đất trời. Tôi tìm Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật nơi trưng bày các hiện vật lịch sử của Chieng Mai và các tác phẩm nghệ thuật hiện đại, nhưng người ta đóng cửa (ngày chủ nhật). Trong sân có tượng ba ông vua – vua Mengrai, người khai sinh ra vương quốc Lanna, vua Ramkamhaeng của vương quốc láng giềng ở phía nam là Sukothai, và vua Ngam Muang của vương quốc Payao, tất cả đều thuộc Thái Lan ngày nay. 

Tượng ba vua có công xây dựng vương quốc

Vì đi bộ đau chân quá nên tôi đã  không thăm được ngôi chùa Jet Yod, do vua Tilokarat xây năm 1455, nơi có tháp giống Bồ Đồ Đạo Tràng ở Ấn Dộ và có tháp chứa di cốt của vua. Chùa Jet Yod cũng là nơi diễn ra đại hội kết tập tam tạng kinh điển lần thứ tám vào năm 1477.

Mãi đến gần 3g Claude mới về tới nhà nghỉ. Chúng tôi vội vàng thu xếp hành lý để ra ga. Claude chạy vội lên sân thượng để lấy giây phơi quần áo. Đang ở trong phòng tôi nghe tiếng người bị té trên cầu thang. Lại là Claude. Trên một bậc cấp có nước mưa dột và anh chàng trong lúc chạy lên bị trượt chân. Anh chàng kêu lên “shit”. Chắc là đau quá, anh không còn kiềm chế được.

Ga xe lửa Chieng Mai không lớn, nhưng sạch và đẹp. Có đầy đủ tiện nghi cho khách giống như sân bay. Lại có trồng cây cảnh và am thờ Phật. Tàu khởi hành lúc 4:30. Đi qua các ga nhỏ nào cũng thấy trang trí vườn cảnh với nhiều hoa lá. Chiều tối Claude dùng resistance cắm vào ổ điện trên tàu để nấu nước chế mì gói. 

Ga xe lửa Chieng Mai

Trên đường đi chúng tôi đã bỏ qua một thành phố quan trọng đối với lịch sử Thái Lan, đó là Sukhothai. Thành phố ấy nằm giữa đoạn đường từ Chieng Mai đến Ayutthaya. Xưa kia đó là một vương quốc thành lập từ năm 1238 và tồn tại 200 năm, hầu như đồng thời với vương quốc Lanna (Chieng Mai). Trước đó vùng này cũng thuộc đế quốc Khmer. Vào lúc đế quốc này suy yếu, hai anh em Po Khun Bangklanghao và Po Khun Phameung thành lập vương triều Phra Ruang và mở rộng vùng cai trị, chiếm hết thung lũng thượng lưu sông Phraya và buộc một số nước nhỏ khác làm chư hầu. Một ông vua đời sau tên là Ramkhamhaeng là người sáng chế ra chữ Thái năm 1328 và cũng là người thỉnh mời các nhà sư Theravada truyền bá đạo Phật ở đất nước này. Nhưng rồi vương triều cũng bị suy yếu do sự tranh giành ngôi báu và bị vương quốc phía nam là Ayutthaya đánh chiếm và sáp nhập vào năm 1438.

T.N.B 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here