Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật: Tây du ký sự kỳ 3

Hành trình về đất Phật: Tây du ký sự kỳ 3

92
0

 

 

 

 

 

 

Ngày thứ hai , 27-6

Ayutthaya

 Tàu chạy đến 5 giờ sáng mới tới Ayutthaya. Trời còn tối. Xuống tàu đi một đoạn khoảng 100m thì ra bến đò. Thành phố nằm bên kia sông. Đi đò lúc trời còn tối cũng gợi một cảm giác phiêu lưu lạ lùng. Đò máy cập bến thì gặp một khu chợ. Các quầy bán thức ăn bắt đầu mở.  Claude ghé mua sữa đậu nành nóng và hai ống xôi (xôi trong ống tre). Khi đến một nhà nghỉ mà Claude quen biết lúc 6 giờ thì cả nhà vẫn còn ngủ. Đẩy cửa bước vào, chủ nhà vẫn không thức dậy. Một lúc sau mới nghe giọng của ai đó nói đóng cửa lại. Claude lại loay hoay vào bếp nấu nước.

Chủ nhà đến hơn 7 giờ 30 mới dậy đón khách và dẫn đi coi phòng. Phòng có hai giường và một quạt trần. Phòng vệ sinh chung bên ngoài. Tắm rửa xong, chúng tôi thuê xe đạp ngay ở cửa hàng đối diện bên kia đường và đi thăm thành phố.

Ayutthaya là môt thành phố nằm trên một cồn nổi vây bọc bởi ba con sông, cách Bang Kok 85km về phía bắc. Nhờ địa thế, đất đai thuận lợi thành phố đã phát triển mạnh về kinh tế và văn hóa và trở thành thủ phủ của một vương quốc mang tên Ayutthaya do vua U Thong (vương hiệu là Ramathibodi) thành lập và trị vì từ năm 1351đến năm 1369. Vua Ramathibodi có hai đóng góp lớn cho nền văn hóa Thái, một là chọn hệ phái Theravada du nhập từ Sri Lanka làm quốc giáo của Thái (trong khi tôn giáo chính của vương quốc Khmer láng giềng hồi ấy là Hindu hay Ấn Độ giáo), thứ hai là xây dựng bộ luật Dharmashastra. Bộ luật này được soạn thảo có tham khảo từ luật lệ Ấn Độ, nhưng phù hợp với phong tục người Thái và được áp dụng cho đến cuối thế kỷ thứ XIX.

Vương quốc này tồn tại trong 417 năm qua 33 đời vua. Ngoại thương phát triển mạnh từ thế kỷ thứ XVI với những thương gia đến từ Bồ Đào Nha, Pháp, Trung Hoa, Nhật Bản. Ayutthaya trở thành một trong những thành phố thịnh vượng nhất và đông dân nhất thế giới (1 triệu người) tính tới đầu thế kỷ thứ XVIII. Tuy nhiên, do những tranh giành quyền hành giữa các hoàng tử, đất nước bị suy yếu và bị người Miến mở những cuộc tấn công vào những năm 1750, 1760 và cuối cùng đánh chiếm vào năm 1767. Chỉ trong 7 tháng chiếm đóng, quân Miến Điện đã cướp bóc, đốt phá mọi công trình cung điện, chùa tháp được xây dựng rất nguy nga, đồ sộ. Ngày nay có thể thấy các phế  tích này ở khắp nơi. Các lớp vàng phủ bên ngoài các bảo tháp bị bóc trần, trơ ra lớp gạch bên trong. Rất nhiều tượng Phật bị chặt đầu, chặt tay chân. Công viên lịch sử với các chùa Phra Sisanpeth, Phra Ram, Mahathat, Ratchaburana tạo thành một quần thể di tích được UNESCO xếp vào hàng di sản thế giới.

Hoàng cung do nhiều đời vua xây dựng bây giờ chỉ còn nền móng bằng gạch, vài cột trụ và bức tường. Giữa khu vườn có ba ngôi mộ tháp kiểu Sri Lanka giống như kiến trúc của chùa Phật Ngọc – Wat Phra Kaew ở Bangkok. Ba tháp này là nơi cất giữ thiêng liêng tro cốt của ba vị vua trị vì trong thời kỳ Ayutthaya.

 

Wat Phra Si-sanpeth là một ngôi chùa riêng của hoàng gia, không có các sư lưu trú. Năm 1500, vua Ramathibodi II cho đúc một bức tượng Phật dát vàng cao 16m để các thành viên của hoàng gia hành lễ, tuy nhiên quân Miến Điện đã nung chảy toàn bộ lớp vàng trên bức tượng và cướp đi nhiều pháp khí. Sau này, vua Rama I (1782-1809) đã cho chuyển cốt của bức tượng này về chùa Wat Pra Chetaphun ở Bangkok.

 

Wat Phra Si Sanphet

 

Wat Chaiwatthanaram nằm kề bờ sông Chao Phraya do vua Prasat Thong xây dựng vào năm 1630. Chùa có nhiều nét tương đồng với kiến trúc Angkor Wat. Tháp chính, gọi là Prang Noi, được xây trên một nền cao gọi là núi Meru. Xung quanh là 8 tháp nhỏ hơn tạo thành một quần thể hình vuông khép kín. Các tháp này được nối với nhau bằng các dãy hành lang. Dọc theo các hành lang là 120 bức tượng Phật . Hầu hết các tượng Phật bị mất đầu hoặc mất tay.

 

 

WatChaiwatthanaram

 Wat Mahathat có tháp chính cao 46m, được khởi công xây dựng từ đời vua Bo rommarachathirat vào năm 1374 cho đến đời vua Ramesuan (1388-1395) mới hoàn thành. Nhà vua xây tháp để tôn trí xá lợi Phật.  Đây là một tu viện hoàng gia và là nơi có tịnh thất của Tăng Thống. Chùa có một tượng Phật ngồi bằng ngọc bích mà sau này vua Rama III di dời về Wat Naphrameru. Năm 1767 chùa cũng cùng chung số phận với Ayutthya là bị cướp phá và bị bỏ quên trong cỏ dại suốt mấy trăm năm. Đến năm 1956 bộ Mỹ Thuật mới khai quật và trùng tu. Người ta cũng đào được một gian phòng có nhiều châu báu và một hộp đựng xá lợi Phật. Trong vườn chùa có một đầu tượng Phật được một cây đa quấn lại có lẽ sau khi bị chặt ra, vứt lăn lóc dưới đất và cây cỏ vùi lấp.  

Wat Mahathat

 

Wat Mahathat

 

đầu tượng Phật quấn chặt trong rễ cây đa ở trong khuôn viên Wat Mahathat

 Đối diện với Wat Mahathat là Wat Ratchaburana, được xây dựng năm 1424. Chùa có các tháp lớn với mái vòm kiểu Khmer và các tháp nhọn hình bát giác thời kỳ Sukhothai.  Trong cuộc khai quật năm 1958 người ta tìm thấy một hầm ngầm với nhiều tượng Phật bằng đồng cũng như các vật dụng bằng vàng, ngọc. Các hiện vật được trưng bày ở nhà bảo tàng Chao Sam Phraya.  

 Wat Lokayasutharam nằm sau lưng Cung Điện và trường tiểu học Pratoochai. Ở đây có tượng Phật nhập niết bàn dài 37m, cao 8m, đầu tựa lên hoa sen. Chùa còn các phế tích của chánh điện, tháp chedi, tháp chuông, v.v.

 

Tượng Phật nhập niết bàn ở Wat Lokayasutharam 

Trong vòng 1,2 ngày không thể nào xem hết các di tích. Ayutthaya còn rất nhiều công trình Phật giáo mang tính lịch sử khác. Có thể tham khảo ở trang web:

 

Sau 7 tháng bị chiếm đóng và cướp bóc nặng nề, tướng Taksin thuộc vương triều Ayutthaya mới đánh đuổi được quân Miến Điện, giành lại chủ quyền và lên ngôi vua. Ông thành lập kinh đó mới ở Thon Buri, bây giờ là một phần của thành phố Bang Kok, bên bờ tây sông Chao Phraya. Vua cũng khôi phục lại nền văn học, mỹ thuật và tôn giáo.

Khi vua Taksin băng hà năm 1782, một vị tướng và bạn của ông là Maha Kasatsuk lên kế vị và đặt vương hiệu là Rama I, khai sinh vương triều Chakri. Ông vua này dời kinh đô sang bờ phía đông sông Chao Phraya, tức là Bang Kok ngày nay.

 

Trong ba thành phố, cũng là kinh đô của ba vương quốc cũ, Chieng Mai, Sukhothai và Ayutthaya thì Ayutthaya có nhiều công trình kiến trúc nguy nga nhất, các công trình được xây để tồn tại vĩnh viễn với thời gian, nhưng cũng là nơi thu hút, khơi gợi lòng tham nhất, cho nên cũng là nơi chịu sự cướp bóc, tàn phá nặng nề nhất. Nhưng những kẻ đi cướp bóc nước người thì có giàu có không? Miến Điện ngày nay là một trong những nước nghèo của thế giới. Cũng vậy, một số đoàn quân xâm lược một thời lừng lẫy, như Mông Cổ, Hy Lạp, Tây Ban Nha cũng không giàu có lâu nhờ chiến lợi phẩm. Mông Cổ hiện nay là một nước rất nhỏ. Hy Lạp là  một con nợ của “đế quốc” IMF và Tây Ban Nha chì là một cường quốc về bóng đá.

 

Nhưng Ayutthaya không phải chỉ là thành phố của các phế tích tuy rằng tầm vóc của thành không còn như trước (thời hoàng kim vào thế kỷ XVIII vương quốc này có 1 triệu dân, ngày nay tỉnh Ayutthaya chỉ có khoảng 800.000 dân và thành phố chỉ có khoảng 55.000 dân). Một số công trình tồn tại sau chiến tranh cũng rất đẹp đẽ, chứng tỏ được trình độ thẩm mỹ cao của người Thái. 

Dinh Wehat Chamrun 

Cung điện Amphoe Bang Pa-in, cách thành phô 18km về hướng nam

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here