Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 11:...

Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 11: Jetavana, Sravasti

125
0

Đây là khu vườn mà thương gia giàu có tên là Sudatta, biệt hiệu là  Anāthapindika (hay Cấp Cô Độc, tức là người là chu cấp cho người cô độc, những người nghèo khổ không nơi nương tựa) đã mua từ Thái tử Jetakumāra (hay Kỳ đà) để dâng cúng cho Đức Phật làm nơi cư trú và giảng dạy trong mùa mưa.

Chúng tôi thức dậy sớm và đón xe rickshaw để đi ra bến xe khách Lucknow. Ở đây không có xe đi Sravasti. Người bán vé bảo chúng tôi cứ ra bãi xe hỏi xe đò nào đi Baraich, khi tới bến xe Baraich thì  tìm xe đi Sravasti. Claude lặp đi lặp lại tên này mấy lần ấy vậy mà không thể nào phát âm cho giống người địa phương. Cũng như tên thành phố Lucknow, người ta phát âm là Luck + know còn Claude thì phát âm là Luck + now. Địa danh Baraich người ta phát âm như Ba + rike, còn Claude thì phát âm là Ba+ raque. Thế nên khi hỏi người ta không hiểu. Phải hỏi ba bốn người mới có người đoán ra.  Và vì thế chúng tôi cũng không chắc  anh lái xe đò  có thật sự hiểu và đưa mình đến đúng nơi.

Bản đồ các di tích Phật giáo

  

Một bản đồ di tích khác, gọi là Buddha Circuit

Baraich cách Lucknow chừng 120 km. Đến đó phải đổi sang xe khác đi chừng 40 km mới tới. Trên xe gặp một sinh viên bắt chuyện với Claude. Thanh niên ở xứ Ấn rất thích trò chuyện với người phương Tây như để tập thực hành tiếng Anh vậy. Chưa đến thành phố Sravasti nhưng anh này bảo chúng tôi xuống đi. Thế thì xuống. Đó là một ngã ba đường. Chúng tôi đi theo nhánh đường khác với hướng xe đò chừng 200m thì thấy có một ngôi chùa Sri  Lanka. Vào trong chúng tôi hấy một vài vị sư đang ngồi ăn cơm trong im lặng. Chúng tôi quay ra và nhìn thấy bên kia đường có một vườn cây. Phải chăng đây là vườn Kỳ Đà-Cấp Cô Độc?

Lúc ấy là 12 giờ trưa. Chúng tôi thấy nôn nao trong dạ. Thấy có một phòng bán vé, chúng tôi đến hỏi mới biết các di tích Phật giáo đều đặt dưới sự quản lý của một cơ quan của chính phủ:  Archeological Survey of India (Khảo Cổ) thành lập năm 1861 dưới sự lãnh đạo của Sir Alexander Cunningham . Việc nghiên cứu các văn bản cổ, đi tìm, đối chiếu với thực địa, khai quật, bảo tồn các di tích Phật giáo đều do các nhà khảo cổ người Anh, người Đức khởi xướng, thực hiện trong thế kỷ thứ XVIX, XX trong thời gian nước Anh đô hộ Ấn Độ.  Chính Cunningham tìm ra khu vườn này vào năm 1863.

Vào vườn, tôi đi như bước đi trong mơ. Tôi cứ ngỡ ngàng không hiểu làm sao mà mình lại đến được nơi mà các bậc thánh đã từng cư trú. Ông trưởng giả Sudatta, người ở Sravasti, hồi ấy gọi là Savatthi (trong kinh gọi theo âm Hán Việt là Xá Vệ), kinh đô của nước Kosala (Kiều- tát-la). Ông nhà giàu này vốn có tình thương mênh mông với những người nghèo khổ. Ông rất rộng rãi trong việc nuôi dưỡng người già, người bệnh, người nghèo, và ông cũng được người đời kính mến đặt cho biệt hiệu Anāthapindika.

Trong một chuyến đi buôn sang nước láng giềng Maghada (Ma-kiệt-đà) , đến kinh thành Rajagaha (Vương Xá), ở lại nhà ông anh vợ Sudatta mới nghe nói tới Đức Phật. Nhà ông anh lúc ấy đang rộn ràng chuẩn bị bữa cơm cúng dường Đức Phật và giáo đoàn vào trưa hôm sau. Sudatta hỏi Đức Phật là ai mà được mọi người kính trọng như vậy. Khi nghe ông anh vợ giải thích Đức Phật là một bậc giác ngộ hiếm có giữa thế gian, Sudatta cũng đâm ra nôn nao mong ngóng giờ phút gặp Đức Phật và ông không thể ở nhà chờ đợi.

Chuyện xưa còn kể rằng suốt đêm hôm ấy Sudatta chỉ ngủ chập chờn, và ông đã thức dậy ba lần giữa đêm khuya.Lần thứ tư khi trời chưa sáng ông đã đi ra khỏi nhà đến vườn Trúc Lâm, nơi Phật đang cư trú để gặp ngài. Khi thấy bóng một người đang bước đi trong vườn ông đã ngỡ mình nghe tiếng gọi của ngài: Sudatta, hãy đến đây!. Khi đến gần ngài Sudatta cảm nhận đây là Đức Thế Tôn và đã sụp lạy ngài và ngài đã trò chuyện với Sudatta mà kinh điển thì gọi là ban cho Sudatta một bài pháp. Chắc hẳn Sudatta được học về một phương tiện mới để giúp đỡ người đang đau khổ, ngoài phẩm, thuốc men, y phục  – đó là nói cho người khác nghe về bản chất của cuộc đời, về giáo pháp để từ đó họ tự cứu lấy mình.

Ông đưa Đức Phật và chư tăng về nhà anh vợ. Sau bữa cơm, Sudatta lại thỉnh mời Đức Phật trở lại vào hôm sau nữa để mình được cúng dường, vì đây là buổi trai tăng của ông anh. Sau đó ông thỉnh mời Đức Phật sang Sravasti  để ban bố giáo pháp cho dân chúng ở đây. Đức Phật nhận lời. Ông liền trở về nước đi tìm một nơi để Đức Phật và chư tăng cư trú trong thời gian ở đây.

Chuyện ông mua khu vườn này cũng là một câu chuyện kỳ thú vì khu vườn mà ông chọn được lại thuộc về thái tử Kỳ Đà. Thái tử thì đâu có cần bán cho nên người ta kể rằng thái tử nói với ông trưởng giả rằng nếu ngươi muốn mua thì hãy đem vàng lót hết khu vườn này –  chỉ là một lời nói để tỏ thái độ kiêu ngạo mà thôi. Nhưng Sudatta là môt thương gia, mua bán chỉ cần dựa trên thỏa thuận bằng lời nói. Ông sai người nhà chở vàng đến lót trong vườn. Vị thái tử cũng choáng váng, nhưng không thể nuốt lời bèn hỏi mục đích của việc mua vườn. Ông trả lời là để cúng dường cho Đức Phật, người đem giáo pháp để cứu chúng sinh thoát khổ. Dù vàng chưa đủ trải khắp vườn Thái tử nói ông Sudatta hãy dừng lại. Thái tử xin đóng góp một phần vào việc cúng dường này. Vì vậy trong kinh chúng ta thường nghe Đức Phật thuyết pháp ở Kỳ thọ- Cấp Cô Độc viên, là cây của thái tử Kỳ Đà và vườn của ông Cấp Cô Độc.

Thuở ấy Đức Phật cũng như tăng già (Sangha) không cư trú tại một nơi cố định để lập chùa như ngày nay mà đi đó đi đây để truyền bá giáo pháp. Nhưng theo thông lệ của các tu sĩ thời bấy giờ thì vào mùa mưa, côn trùng sinh sôi nảy nở nhiều đi lại sẽ giẫm đạp và vô tình giết hại nhiều chúng sinh, do đó họ thường ở lại một nơi gọi là tịnh xá để an cư mùa mưa (monsoon retreat). Đức Phật và giáo đoàn của ngài cũng theo thông lệ đó.

Ở Việt Nam cũng có một giáo đoàn gọi là hệ phái Du Tăng Khất Sĩ do ngài Minh Đăng Quang thành lập vào cuối thập niên 1940  cũng qui định chư tăng ni không được lưu trú tại một tịnh xá lâu (quá 3 tháng). Tăng ni đi khất thực và thuyết pháp độ sinh. Nhưng sau 1975 do chính sách quản lý hộ khẩu, mọi người phải cư trú tại một nơi nhất định nên lệ này phải bỏ và do có một số sư giả đi xin ăn nên giáo hội khuyến cáo chư tăng ni bỏ luôn việc đi khất thực. Ngày nay giáo đoàn ấy vẫn giữ tên Khất Sĩ nhưng bỏ đi chữ Du Tăng.

Khoảng năm thứ tư sau khi Đức Phật thành đạo ngài về an cư ở đây.  Nhưng khi hết mùa an cư thì chư tăng ở các nơi lại muốn tìm gặp Đức Phật để được nghe pháp. Vì thế Đức Phật lại kéo dài mùa an cư của ngài thêm một tháng để các đệ tử từ xa có thể về gặp ngài. Sravasti hay Savatthi là nơi Đức Phật trải qua khoảng 25 mùa an cư, trong đó 19 mùa ở tịnh xá Kỳ Viên và 6 mùa ở tịnh xá Pubbarama ở gần đó  trong 45 năm hành đạo của ngài.

Như vậy thời gian mà Đức Phật ở lại Savatthi là rất lâu. Các học giả cho  biết ngài đã giảng 871 kinh (sutta) ở trong thành này, trong đó giảng 844 kinh ở Kỳ Viên, 23 ở Pubbarama và 4 kinh ở vùng ngoại ô Savatthi. Có 6 kinh được đưa vào Digha Nikaya (Trường Bộ Kinh), 75 kinh đưa vào Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh), 736 đưa vào Samyutta  Nikaya (Tương Ưng Bộ Kinh) và 54 kinh đưa vào Anguttara Nikaya (Tăng Chi Bộ Kinh).

Các đại thí chủ, nghĩa là những người hay cúng dường cho Đức Phật và giáo đoàn, ngoài trường giả Cấp Cô Độc, còn có Visakha, Suppavasa, và vua Pasenadi (Ba –tư-nặc) của nước Kosala.

Hồi đó thành Savatthi có tới 57 ngàn hộ gia đình, hầu hết đều qui y Tam Bảo.

Một hôm An Nan gặp Đức Phật  nói rằng nhiều Phật tử muốn gặp để thăm viếng, đảnh lễ ngài, nhưng có khi đến đây thì ngài lại đi hoằng hóa phương xa, vậy thì phải làm sao. Đức Phật bảo A Nan  lấy một nhánh cây bồ đề chỗ Đức Phật giác ngộ đến trồng trong vườn. Ai đến đây thấy cây bồ đề là thấy Phật. Thấy cây bồ đề là nhớ đến việc tu hành, và chỉ có tu hành, giác ngộ mới gặp được Phật. Vì dù gặp Phật cũng chỉ thấy hình tướng của một con người, chưa thật sự gặp Đức Như Lai.

Cây bồ đề được đặt tên là cây bồ đề A Nan và cây ấy vẫn còn đây. Dù là cây con, cây hậu duệ nhiều đời của cây bồ đề A Nan thì thông điệp của Đức Phật vẫn là thế: hãy tu hành và tự giải thoát. AnhClaude hỏi ngồi thiền trước hay đi nhiễu quanh trước. Theo phong tục Ấn Độ thì khi người ta đến gặp Đức Phật họ thường đi nhiễu quanh ba vòng để tỏ lòng kính trọng rồi mới tìm chỗ ngồi xuống.Tôi nói tùy ý.  Anh Claude tới gốc cây ngồi xuống, còn tôi đi nhiễu quanh bảy vòng rồi mới ngồi.

Cây bồ đề A Nan

Sau đó, anh Claude một mình đi quanh. Còn tôi thì gặp một ông già làm vườn dẫn đi thăm nhà ở hay tịnh xá của Đức Phật (người Ấn gọi là Gandhakuti). Đến đó tôi cũng gặp một vị sư người Ấn Độ đang chiêm bái. Tôi nhờ người làm vườn chụp cho tôi và vị sư một tấm. Ông già này đưa máy lên bấm đại chẳng ngắm nghía lôi thôi. Ông lại đi hái một nắm bông trang màu đỏ, nhét vào tay tôi và chỉ cho tôi chỗ để dâng cúng lên Đức Phật. Phong tục của họ cũng hay. Chỉ cần và bông hoa dại, hay vài cánh hoa cũng đủ. Nhưng cách tốt nhất để dâng cúng lên Đức Phật vẫn là công phu tu hành, là giới, định, tuệ.

Gandhakuti, tịnh xá hay nhà ở của Đức Phật

Tôi xin phép cúng dường vị sư, và sư gật đầu. Sau đó, sư đọc một bài kinh ngắn. Ông già làm vườn dẫn tôi và cả vị sư đi quanh và chỉ nào là giếng nước, nào là hồ, giảng đường, tăng xá, v.v. Ông nói bằng tiếng Ấn và một ít tiếng Anh. Nhưng chỉ cần quan sát thực địa, nền móng là mình cũng hiểu được trước đó đây là phòng ở hay tháp. Các tháp có lẽ xây sau thời của các ngài. Hiện nay chỉ còn nền tháp, nhưng có các bảng ghi bằng tiếng Anh tháp tưởng niệm các ngài Lahula (La Hầu La), tháp Angulimala, v.v.

Tháp đánh dấu tịnh xá Gandhakuti 

Lễ Phật trước Gandhakuti

Chúng tôi nấn ná trong vườn khá lâu, đi quanh hai lần. Lại gặp một ông già làm vườn khác đến nhét vào tay mấy tờ giấy vàng (giống như ở Thái Lan) và ra hiệu cho tôi dán lên cây bồ đề A Nan, rồi dán lên tịnh xá của Phật. Tôi cũng làm theo vì nhập gia thì tùy tục. Mà đây cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Phật. 

Đứng trong vườn chúng tôi nhìn thấy bên trái xa xa có tượng Phật rất lớn. Ông già cho biết đó là chùa Thái Lan. Còn ở bên phải, sát với khu vườn là chùa Trung Hoa. Phía bên ngoài khu vườn còn có chùa Đại Hàn, Sri Lanka, Myanmar, Tây Tạng. Ngoài ra ở Sravasti còn có tháp Angulimala và tháp ông Cấp Cô Độc.

Ra khỏi vườn chúng tôi lang thang trên con đường nơi có nhiều chùa của các nước. Chúng tôi ghé  thăm một vài nơi và cuối cùng đi vào một chùa Ấn Độ. Có bốn vị sư đang ngồi chơi trong sân, dưới bóng một cây xoài. Khi thấy chúng tôi vào họ lấy thêm ghế mời ngồi. Chúng tôi trò chuyện một lúc thì vị sư trẻ nhất đem ra mấy trái xoài, gọt và mời ăn. Xong lại vào lấy hai trái thuộc một loại xoài khác ra, to hơn và ngon hơn, mời ăn. Sau đó lại còn đem ra một bình nước, rót cho chúng tôi rửa tay. Đang đói bụng vì chưa ăn trưa, và khát nước vì đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ, tôi nghĩ đây là thức ăn mà Đức Phật đã gửi đến cho chúng tôi. Tôi xin phép cúng dường  thì các sư đứng lên, đọc một bài kinh ngắn, có lẽ để chúc cho chúng tôi an lành.

Chúng tôi đi ra đường và đón xe đò lúc 3 giờ và gần 7 giờ mới về tới guesthouse. Buổi tối khi nói chuyện với bà chủ nhà thì mới biết được bà cũng là một Phật tử. Bà nói chúng tôi không ngồi thiền, không đi chùa,  mà chỉ ở nhà chuyên tụng kinh Pháp Hoa. Hóa ra chủ và khách cũng có một điều gì đó chung có thể gọi là”đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

T.N.B 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here