Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Hàn Quốc: Lần đầu tiên Đại tạng kinh Cao Ly được mở...

Hàn Quốc: Lần đầu tiên Đại tạng kinh Cao Ly được mở cửa cho công chúng

667
0

GN – Đại tạng kinh Cao Ly hay Bát vạn Đại tạng kinh (팔만 대장경: Palman Daejanggyeong), một tập hợp các bản khắc kinh Phật trên 81.000 khối gỗ, sẽ được mở cửa cho công chúng tham quan vào cuối tháng này tại chùa Heian-sa (Hải Ấn tự), ngôi chùa chứa các hiện vật thiêng liêng tại Hàn Quốc. Đây sẽ là lần đầu tiên bộ Đại tạng kinh Cao Ly được phổ biến rộng rãi đến quần chúng.

Đại tạng kinh Cao Ly được chạm khắc trên 81.258 khối gỗ in vào thế kỷ XIII. Bộ mộc bản này có giá trị cao về văn hóa, đồng thời là một ví dụ điển hình về kỹ thuật in ấn và xuất bản tiên tiến vào thời điểm đó. Mỗi khối gỗ đều được chuẩn bị một cách tỉ mỉ, hệ thống, các văn tự cũng được chạm khắc rõ ràng và đều đặn. Không có bất kỳ một lỗi sai hay đính chính nào với 52.382.960 chữ, được xếp thành hơn 1.496 đề mục và 6.568 tập. Mỗi miếng gỗ có kích thước 70x24cm, dày khoảng 2,6 – 4cm và nặng khoảng 3 – 4kg. Cho đến hiện tại, các khối gỗ thậm chí có thể dùng để in ra các bản sao của Đại tạng kinh một cách hoàn chỉnh và sắc nét. Bộ Đại tạng này hiện được lưu giữ tại chùa Heian-sa (해인사), một trong những ngôi chùa chính của tông Tào Khê (Jogye) của Phật giáo Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Lần đầu tiên Đại tạng kinh Cao Ly được mở cửa cho công chúng ảnh 1
Toàn cảnh chùa Heian-sa, nơi lưu giữ Đại tạng kinh Cao Ly

Vua Gojong của triều đại Goryeo tin rằng Đại tạng kinh Cao Ly sẽ gia hộ cho việc bảo vệ vương quốc và đánh đuổi quân xâm lược Mông Cổ. Vì vậy, sau khi bản gốc của Tam tạng bị mất trong trận xâm lược của người Mông Cổ vào năm 1232, vua Gojong đã ra lệnh làm lại các bản khắc gỗ để cầu nguyện sự gia hộ và che chở từ Đức Phật. Mộc bản ngày nay đã được đông đảo các học giả Phật giáo công nhận về độ chính xác, chất lượng và giá trị nghệ thuật tuyệt vời.

Công việc chạm khắc bắt đầu vào năm 1237, dưới thời kỳ vương quốc Goryeo (918 – 1392) và hoàn thành vào năm 1248. Tam tạng kinh điển Koreana là Bảo vật quốc gia vào năm 1962 và được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới và năm 2007. Vào năm 2000, toàn bộ Đại tạng kinh Cao Ly đã được đánh số để dễ dàng giữ gìn và bảo quản.

Hàn Quốc: Lần đầu tiên Đại tạng kinh Cao Ly được mở cửa cho công chúng ảnh 2
Đại tạng kinh Cao Ly được chạm khắc tỉ mỉ trên từng khối gỗ

“Trong quá khứ, bộ Tam tạng kinh điển này đã được tạo ra với hy vọng vượt qua các cuộc khủng hoảng của quốc gia, vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng thông điệp này cũng có thể được áp dụng đối với hoàn cảnh quốc gia hiện nay đang bị dịch Covid-19 hoành hành”, Hòa thượng Jingak Sunim tại chùa Heian-sa cho biết.

Nhà chùa cho biết các tour du lịch công cộng sẽ được mở vào lúc 10 giờ sáng và 2 giờ chiều vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần kể từ ngày 19-6-2021. Mỗi chuyến tham quan sẽ kéo dài 50 phút và tối đa 20 khách.

Hàn Quốc: Lần đầu tiên Đại tạng kinh Cao Ly được mở cửa cho công chúng ảnh 3
Nơi lưu trữ và bảo quản Đại tạng kinh Cao Ly

Đại tạng kinh Cao Ly có quy mô lớn hơn nhiều so với Đại tạng kinh Pali truyền thống, bao gồm nhiều kinh văn bổ sung và các nội dung khác, chẳng hạn như du ký Phật giáo, từ điển tiếng Phạn và Trung Quốc và tiểu sử của các đại đệ tử. Kinh văn được khắc một cách cẩn thận vào 81.352 khối in bằng gỗ một cách chính xác.

Bởi sự tinh vi trong quá trình biên tập, biên soạn và đối chiếu nên Đại tạng kinh Cao Ly được coi là bộ chính xác nhất trong số các bộ Tam tạng được viết bằng chữ Hán cổ.

Chùa Heian-sa được xây dựng lần đầu vào năm 802, là một trong ba ngôi chùa Phật giáo lớn nhất tại Hàn Quốc và đại diện cho ba ngôi Tam bảo: chùa Tongdo-sa ở tỉnh Nam Gyeongsang tượng trưng cho Đức Phật, chùa Heian-sa đại diện cho Giáo pháp và chùa Songgwang-sa ở tỉnh Nam Jeolla đại diện cho Tăng đoàn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here