Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Hai ngọn nến hồng

Hai ngọn nến hồng

127
0

Ngôi chùa tôi đặt chân đến lần đầu tiên trên đất cố đô là chùa Từ Quang, một ngôi chùa cổ kính nằm bên cạnh đường tàu hỏa Bắc Nam dưới tán những cây ngọc lan, cây hoa đại gần trăm tuổi.


Bây giờ tôi không còn nhớ nổi ngày xưa mình đã đến ngôi chùa này bao nhiêu lần. Chỉ nhớ lần đầu tiên đi với một anh bạn sinh viên bên trường Y. Anh ta khuyên tôi: cậu muốn học có hiệu quả thì hãy lên chùa, trên đó vừa yên tĩnh lại thoáng mát, chắc chắn sẽ thi đỗ… Tôi nghe hai chữ thi đỗ mừng húm như người chết đuối vớ được chiếc phao. Vậy là sáng hôm sau tôi ngồi sau xe đạp theo anh lên chùa, bắt đầu những ngày ôn thi.


Ở chùa nhiều ngày nhưng tôi không có nhiều bạn. Ai đến đây cũng tranh thủ học thi. Tôi là người trong Nam lần đầu ra Huế, muốn làm bạn với những cô gái có mái tóc dài chấm lưng, có giọng nói đầm ấm như nước sông Hương cũng không được bởi không khí ở chùa thật trang nghiêm và tĩnh tại. Người bạn thân nhất của tôi lúc bấy giờ là chiếc ghế đá đã mòn theo năm tháng dưới bóng cây ngọc lan đang mùa hoa nở có mùi hương thoang thoảng.


Mỗi sáng, dù không quen biết nhưng tôi cũng phải chào hai ni cô ra vào. Mỗi khi tôi chào, hai cô gật đầu chào lại nhưng không nói câu gì. Nhìn hai cô tôi đoán chắc hai người trạc tuổi em gái tôi, tức cùng trang lứa với những cô gái đang ôn thi đại học ngoài kia. Hai cô có nét gì đó giống nhau đến nỗi nhiều hôm tôi nhầm giữa người này với người kia. Cả hai đều cao dong dỏng, làn da trắng mịn màng, khuôn mặt trái xoan sáng ngời và đôi mắt đen láy long lanh nhưng bình thản.


oOo


Tôi thi đỗ và trở thành sinh viên của một trường đại học trên đất cố đô. Ngày làm thủ tục nhập học, tôi nhận ra trong hai ni cô hôm nọ có một người học chung lớp với mình. Qua danh sách lớp, tôi biết cô tên Hiền Dịu, người Thừa Thiên, ở chùa Từ Quang.


Tuần học đầu tiên tôi chủ động làm quen. Cũng may ni cô Hiền Dịu vui tính, có trí nhớ hơn người nên còn nhớ tôi hơn là tôi nhớ cô loáng thoáng. Qua nhiều lần trò chuyện, tôi thấy cô dễ gần, có nét gì đó chững chạc, kín đáo, tự tin và nghiêm nghị trước mọi người. Một buổi trưa ngày thứ bảy tôi mời cô dùng cơm chay:


– Hôm nào mời anh lên thăm lại chùa, bộ thi đỗ giờ quên rồi sao?


– Không đâu, cô nghĩ tôi là người thế à?


– Vậy răng lâu chừ anh đi mô mà không thấy?


Ngồi trước người mặc áo nhà chùa, tôi từ tốn trả lời như đang bị hỏi cung:


– Tôi mới ra học, xa nhà nên còn bận nhiều việc. Vâng, nhất định rồi tôi sẽ lên thăm chùa, cô yên tâm.


Người chủ quán đặt hai đĩa cơm chay thoang thoảng thơm mùi dầu thực vật. Nhìn con tôm và chiếc đùi gà giả nằm bên những trái đậu bắp xanh ngắt, tôi đùa:


– Dám phá luật không?


Hiền Dịu cười, gắp “chiếc đùi gà” bỏ sang cho tôi.


– Hiền Dịu chỉ dùng đậu không thôi sao?


– Vâng, em chỉ  dùng đậu và chao, lâu giờ vẫn vậy, quen rồi anh à. Nhà anh có hay ăn chay không?


– Có, thường rằm và đầu tháng.


– Để làm gì?


– Bố tôi ăn chay để tĩnh tâm và chống béo. Mẹ ăn chay để cầu sự an lành, hạnh phúc cho gia đình.


– Còn anh?


– Ăn để cho cả nhà cùng ăn…


Sau này tôi thường kể chuyện gia đình mình cho Hiền Dịu nghe. Với tôi, mặc dù là con trai nhưng tình cảm mẹ con là số một. Ngày xưa mẹ thương tôi nhất nhà và bây giờ mặc dù mẹ không còn nữa nhưng tôi biết mẹ vẫn còn thương tôi nhất. Tôi kể chuyện gia đình, Hiền Dịu nghe rất chăm chú nhưng đôi mắt hơi buồn. Thấy thế tôi không dám hỏi nhưng rồi một hôm cô cũng kể chuyện đời mình  cho tôi nghe.


Hiền Dịu và Hiền Vâng là hai chị em sinh đôi có mặt ở chùa từ lúc tuổi sơ sinh. Hôm đó nhân một buổi sáng tháng tư, có một người phụ nữ trạc tuổi hai mươi xinh đẹp, một tay che nghiêng vành nón bước vội trong sân chùa đi ra, bất ngờ chạm mặt sư bà:


– Dạ bẩm, thí chủ đi mô mà vội vàng, chẳng may có việc chi?


Người phụ nữ ra vẻ lúng túng, không trả lời, chạy vội ra khỏi cổng chùa.


Biết có việc chẳng lành nhưng sư bà chẳng thể đưa tay vẫy gọi hay níu kéo. Bất ngờ trên đường vào trong, sư nhìn thấy hai đứa trẻ sơ sinh nằm trên manh chiếu có choàng tấm khăn với một túi áo quần trẻ để bên cạnh. Sư xem trong túi áo quần có một lá thư.  Thư có đoạn viết: “Con trót dại ở đời, sinh ra  hai cháu, bây giờ chẳng biết thế nào. Con đem gửi nhờ cửa Phật, nhà chùa thương tình độ lượng để hai cháu có chỗ nương nhờ… sau này con sẽ trở lại…”. Hôm ấy là ngày 14-4 âm lịch.


Hai đứa trẻ lớn lên trong tấm lòng từ tâm của nhà chùa. Sư bà đặt tên cho hai cháu là Hiền Dịu và Hiền Vâng với tâm niệm mong muốn hai cháu sẽ luôn luôn ngoan ngoãn hiền dịu, biết vâng lời và kính trên nhường dưới… Hiền Dịu và Hiền Vâng lớn lên cùng với lời kinh tiếng kệ nên tâm hồn ngày càng trong sáng, thánh thiện.


Thời gian trôi dần, thoáng chốc đã xa cái ngày tháng tư năm nào. Năm mười tám tuổi, Hiền Dịu và Hiền Vâng học xong lớp 12. Đợi mãi nhưng không thấy người phụ nữ ngày xưa trở lại, cuối cùng sư bà phải nói ra điều giấu kín bấy lâu nay với mong muốn cho lòng được thanh thản. Một hôm sư bà gọi Hiền Dịu và Hiền Vâng vào nói thật:


– … Cuộc đời mười tám năm qua của hai con là thế. Bây giờ hai con lớn rồi, sư không muốn các con bị ràng buộc, biết sự thật rồi các con có thể chọn lựa phần đời còn lại của mình.


Biết được sự thật về lai lịch của mình, Hiền Dịu và Hiền Vâng có phần bẽ bàng song lại thấy yêu thương chính mình hơn, càng quí trọng công ơn của nhà chùa, hai chị em không muốn dứt bỏ tấm lòng từ bi bác ái nơi cửa Phật. Một thời gian suy nghĩ, Hiền Vâng quyết định đi tiếp con đường nơi cửa Phật, dang rộng vòng tay sẵn sàng chia sẻ với những trường hợp bất hạnh trong cuộc đời. Vì thế bây giờ Hiền Vâng đang học năm thứ nhất Học viện Phật học ngoài Hà Nội, còn Hiền Dịu là sinh viên năm thứ nhất chung trường với tôi.


Giữ đúng lời với Hiền Dịu, sau đó mấy hôm tôi trở lại chùa Từ Quang, không phải một lần mà nhiều lần, nhiều năm liền. Sinh nhật lần thứ mười chín rồi hai mươi, hai mốt của Hiền Dịu, tôi đều có mặt.  


Tôi và Hiền Dịu chia tay vào sau sinh nhật lần thứ hai hai của em. Hôm ấy là một ngày tháng năm hoa phượng vĩ đỏ rực bờ sông Hương. Mỗi người một việc và lâu rồi hai người chưa có dịp gặp nhau. Từ phương Nam nắng gió, tôi biết bây giờ Hiền Dịu đang là cô giáo dạy trẻ ở Trường Niềm Vui trong thành phố nơi mình đã lớn lên. Đã đến ngày Phật đản, cầu mong hai ngọn nến hồng vẫn lung linh tỏa sáng như hai ngôi sao trên bầu trời.




  • Đào Văn Trực

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here