Nhân dịp kỷ niệm di sản 800 năm thành lập dòng truyền thừa Drukpa – “Thiên Long truyền thừa” và 15 năm dòng truyền thừa này được gây dựng và phát triển ở nước ta, vào lúc 2 giờ chiều hôm nay, mùng 6/12/2007, phái đoàn của tông phái Phật giáo Drukpa – “Thiên Long truyền thừa” Tây Tạng do Đức Pháp Vương Gyalwang Dpukpa đời thứ XII làm trưởng đoàn đã tới Sân bay Quốc tế Nội Bài – Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày Việt Nam.
Tháp tùng Đức Pháp Vương có nhị vị Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rimpoche đời thứ IX, Thuksey Rimpoche đời thứ II và 9 vị Đại đức tăng.
Có mặt tại Nội Bài từ lúc 11 giờ sáng, BTV PTVN nhận thấy, đón phái đoàn tại sân bay có gần 100 Tăng Ni đến từ Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc…, nhất là các vị tu tập theo Kim Cương thừa – Mật tông Tây Tạng: Đại đức Thích Minh Hiền, Thích Minh Trí, Thích Minh Tuệ, Thích Minh Tông, Ni cô Thích Đàm Phú, v,v. Và khoảng hơn 2.000 Phật tử tại gia. Ga hàng không Quốc tế Nội Bài tràn ngập cờ Phật, hoa, khăn choàng trắng và đông đặc Phật tử. Có lẽ chưa bao giờ ở nơi đây đông đúc, náo nhiệt như thế!
Đặc biệt, đi đón đoàn còn có rất đông thanh niên Phật tử. Riêng Câu lạc bộ TNPTVN tại Hà Nội cũng tổ chức một Phái đoàn gần 20 thành viên. Đi bằng cả ô tô và xe máy. Háo hức một cách kỳ lạ. Vì đến đón quá sớm, nên bữa trưa phải ăn lót dạ tại Căng-tin sân bay. Nhìn xung quanh, thấy nhiều đoàn Phật tử khác cũng như thế.
Khi Phái đoàn tiến ra tiền sảnh, tiếng niệm ÁN MA NI BÁT MINH HỒNG – OM MANI PADME HUM vang lên như ấm dậy, đậm chất Mật tông.
Đức Pháp Vương, các vị Nhiếp Chính Vương và các vị cùng đi, vị nào cũng trẻ trung, tươi vui, an lạc trong các Pháp phục lạ mắt, và có sức “hấp dẫn” đến kinh ngạc. Cả phi trường như sôi lên, ai cũng muốn xô đến để ôm chầm lấy các Ngài. Ai chạm được vào các Ngài, ôm được chân hay được xoa đầu… thì sung sướng vô cùng. Vất vả lắm, các vệ sĩ mới đưa được các Ngài vào trong xe ô tô. Ô tô len mãi mới ra khỏi được đám đông khổng lồ để lăn bánh về trung tâm Hà Nội.
Được biết, “Druk” theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Rồng”, cũng có nghĩa là tiếng sấm. Vào năm 1206, đúng tròn 800 năm trước, Pháp Vương Tsangpa Gyare Yeshe Dorje nhìn thấy điềm lành chín rồng thiêng bay thẳng lên trời từ thánh địa Namdruk liền quyết định đặt tên dòng truyền thừa mệnh danh là “Drukpa” nghĩa là “Thiên Long Truyền Thừa”.
Đức Pháp Vương Gyalwang Dpukpa đời thứ XII đến Hà Nội hôm nay – hóa thân hiện tại còn có pháp danh Jigme Mingyur Wangyi Dorje Tinley Kunkhyab Pel Zangpo. Phụ thân là Đức Kyabje Bairo Rinpoche, hóa thân Thánh giả Vairochana Đại dịch giả và là Đạo sư tôn quí của tự viện Zhichen miền Đông Tây Tạng. Mẫu thân là Konchok Paldon thuộc dòng dõi cao quý của đấng Nyang, Đạo Sư Nyang vĩ đại là vị Terton đầu tiên trong số ba vị khám phá kho tàng chính trong lịch sử.
Ngài đản sinh tại thánh địa “Hồ Liên Hoa” Tso Pema, nơi từng là Vương quốc Zahor thuộc bang Himachal Pradesh Ấn Độ. Ngài giáng sinh vào buổi bình minh ngày mùng mười tháng giêng năm Quý Mão thuộc cung thứ 16 theo lịch Tây Tạng tức năm 1963. Trong lúc các Đạo sư vân tập nơi hồ Tso Pema tổ chức đại pháp hội Tse Chu, đang trình diễn vũ điệu đầu tiên của tám hóa thân Đạo sư Liên Hoa Sinh thì Đức Thiên Long Chí Tôn giáng thế.
Từ thuở nhỏ, Ngài đã bộc lộ bản chất của bậc Thánh nhân siêu phàm. Lòng từ bi của Ngài hiển bày nhậm vận tự nhiên, luôn bảo vệ muôn loài, lo lắng quan tâm ngay cả những sinh linh nhỏ bé thấp kém nhất. Trong những thiên tư khác của Ngài đặc biệt có trí tuệ liễu tri vạn pháp bí mật bất khả tư nghì.
Trong khi đó, Đức Hộ trì Quy y Drukchen Dungsey Rinpoche là “Con trai tôn quý” của Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X, đang nỗ lực đi tìm hóa thân mới của Ngài. Rinpoche nhiều lần đến Dharamsala gặp Đức Dalai Lama thỉnh cầu lời khai thị và minh tỏ linh kiến, ngoài ra Ngài còn thỉnh cầu sự trợ giúp rất nhiều vị Đại Đạo sư như Đức Gyalwang Karmapa cùng thiền định về hậu thân Pháp Vương Gyalwang Drukpa, tất cả sự tiên tri của các Ngài xuất hiện từ Trí tuệ căn bản đều trùng hợp nhau.
Năm Bính Ngọ 1966, Đức Hộ trì Quy y Rinpoche và Đức hộ trì Quy y Doengyu Nyima cùng một nhóm ít người đến khu người Tây Tạng ở Dalhousie, nơi gia đình Bairo Rinpoche đang cư trú. Sau khi tìm được hóa thân, các Ngài cử hành đại lễ tịnh hóa thân nghiệp và cúng dường Pháp y cho Ngài tại tự viện Khampa Gar (ngôi tự viện mới của Khamtrul Rinpoche) cũng ở Dalhousie. Không lâu sau tại Dharamsala, Đức Dalai Lama làm lễ giá kéo và ban cho Ngài Pháp danh Tenzin Jigdrel Lodoe ” Đấng Pháp Vương Vô Úy”.
Năm Đinh sửu 1967 vào ngày 14 tháng giêng lịch Tây Tạng, theo thiên văn học thì đây là một ngày cát tường để tăng trưởng công đức, nghi lễ đăng quang Pháp Vương dòng truyền thừa của Ngài đã diễn ra huy hoàng, tráng lệ tại tự viện Darjeeling ở Tây Bengal. Thành phần tham dự đại lễ có: Ngài Chok Rato Chuwar Rinpoche thay mặt Đức Dalai Lama và chính phủ Tây Tạng lưu vong; các đại diện ba ngôi tự viện Sera, Drepung và Ganden; các đại diện Đức Gyalwang Karmapa; Kyabje Pawo Rinpoche tự viện Nenang; đại diện Raja xứ Sikkim; Thượng tọa Tsechu Rinpoche từ Bhutan; chính quyền địa phương và chính quyền Tây Tạng ở Darjeeling; đại diện tất cả tự viện trong vùng; chư Tăng tự viện Sangag Choeling; các thí chủ và hàng ngàn Phật tử dòng Drukpa đến từ khắp mọi miền.
Ngài học đọc, học viết từ Đức Hộ trì Quy y Thuksey Rinpoche tôn quý là Bản sư – Chủ của Ngũ Bộ Phật. Thuksey Rinpoche dạy Ngài ghi nhớ tất cả kinh văn, nghi thức hành lễ và các nghi quỹ. Dần dần, Ngài thụ nhận toàn bộ các quán đỉnh của dòng truyền thừa Drukpa, các bài pháp giảng nghĩa lý giải thoát, kinh điển truyền thừa làm nền tảng cho: giáo lý Đại Thủ Ấn, Sáu Pháp Du Già của Naropa, Sáu vị Bình Đẳng, Bảy Pháp Duyên Sinh, Pháp Khẩu Truyền của chư Dakini… Như vậy, Ngài lĩnh hội trọn vẹn dòng cam lồ giáo pháp tinh túy và thâm sâu của dòng truyền thừa Drukpa từ Đức Thuksey Rinpoche.
Pháp Vương không hề phân biệt mà rất cung kính vô số Đạo sư thuộc tất cả dòng phái khác và nghiên cứu tham học nhiều giáo pháp thuộc tân phái, cổ phái. Ngài đặc biệt kính ngưỡng chư Pháp Vương đứng đầu Ngũ Bộ Phật, quý Ngài là: Đức Hộ Trì Quy y Kyabje Thuksey Rinpoche, Đức Hộ Trì Quy y Kyabje Dujom Rinpoche, Đức Hộ trì Quy y Kyabje Trulshik Rinpoche, Đức Pháp vương Dalai Lama Hộ Trì Thành Tựu Mọi Tâm Nguyện , Đức Hỷ Lạc Như Lai Pawo Rinpoche tự viện Nenang, Kyabje Dodrubchen Rinpoche, Kyabje Ontrul Dampa, Thánh giả Drubwang Kunzang Dorje Dampa và người cha tôn quý của Ngài Đức Vairochana (Bairo Rinpoche).
Sau khi phát nguyện hoan hỷ chư vị Đạo sư bằng ba phương pháp, Pháp Vương đã duy trì được các hoạt động giác ngộ phổ độ giải thoát chúng sinh theo Chín thừa cao quý. Do đó, sự hóa thân của Ngài tượng trưng bản chất bất hoại tối thắng của Kim Cương.
Dòng truyền thừa Drukpa được truyền vào nước ta từ năm 1992 do cố Hòa thượng Thích Viên Thành – Viện chủ chùa Hương, Hà Tây, theo lời mời của ngài Đại sứ nước Anh tại Bhutan lúc bấy giờ, với tâm nguyện đem sự thực hành của giáo phái này để phát triển tâm linh trong nước.
Tới nay, chư vị Tăng Ni Phật tử là đệ tử của cố Hòa thượng Viên Thành vẫn duy trì tu tập theo dòng truyền thừa Drukpa – Thiên long truyền thừa với sự hướng đạo của các bậc thầy khác nhau trong tông phái, đặc biệt là Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, là người sáng lập, đứng đầu dòng truyền thừa Drukpa của Phật giáo Tây Tạng.
Được biết, trong 3 ngày ở Việt Nam, Phái đoàn sẽ tham gia chủ trì các Pháp hội Quán đỉnh cầu nguyện Quốc thái dân an và pháp thoại tại chùa Quang Ân – Thanh Trì, Hà Nội; chùa Vạn Niên – Tây Hồ, Hà Nội; Chùa Hương – Mỹ Đức, Hà Tây; Chùa Hà Tiên và Ni viện Tây Thiên – Vĩnh Phúc.
Xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh đón Đoàn do BTV ghi được tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.