Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Quang Ðức

Chùa Quang Ðức

239
0

Vào thế kỷ thứ XVIII tl. làng An Vân là một xã lớn, thuộc tổng An Vân, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thụân Hóa.


Tọa lạc trên bình nguyên rộng rãi, nhưng chùa Quang Đức đã lấy Thất Giới Sơn làm trấn sơn. Từ cổng tam quan chùa nhìn ra xa, có 7 chỏm núi như bình phong ở trước mặt. Chỏm cao nhất làm bình phong cho chùa. Từ chùa đi lên trước mặt, giữa đồng bằng rộng lại có một cái hồ thiên tạo rất sâu, dân gian truyền khẩu là “Hồ Bò”, vì trong một thời đại xa xăm nào đó, có một sao băng, tức là một vẩn thạch, rớt xuống đào thành hồ sâu rộng, làm cho người chăn và đàn bò đang ăn cỏ ở đó biến mất luôn, cho nên truyện cổ tích dân gian đã đặt cho hồ cái tên là “Hồ Bò”. Vì có núi, có hồ, cho nên tuy ở bình nguyên khoáng dã, nhưng phong cảnh chùa vẫn rất mỹ lệ, có đủ sơn thủy hữu tình. Chùa Quang Đức đã xuất hiện trên cõi đất Thuận Hóa này đã lâu lắm; ít ra cũng đã trên 250 năm nếu không muốn nói là hơn… Nguyên lai có hai vị Ưu-bà- di tức là tín nữ tu tại gia, kiến lập nên. Người ta còn biết rất rõ tên hai vị này là bà Hà Thị Thanh và bà Hà Thị Thái. Lúc mới kiến lập không biết hai vi Ưu-bà-di này đã đặt cho thảo am tên gì. Rất có thể hai bà này là người thuộc nội viện của chúa Nguyễn Phúc Thụ cũng có thể đọc là Trú hoặc Chú, (1725-1738). Khi chúa mất hai bà vẫn chưa có con, nên mới xin ra dựng am tranh, thờ Phật để tu hành. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) hiệu là Từ Tế Đạo Nhân, mới sắc tứ biển hiệu chùa là Quang Đức Tự, chưa nói đến các ý nghĩa khác, ta chỉ để ý đến hai chữ ”quang đức” là cũng có thể thấy được phẩm hạnh hai vị Ưu-bà-di đó là thế nào; bởi vì quang đức có nghĩa là cái đức sáng. Ca ngợi phẩm hạnh hai vị Ưu-bà-di mà thật tình lại cũng ca ngợi vị tiên vương của mình, người đã tạo ra được những nhân vật tốt, thời đại tốt như thế đó! Cho nên ba chữ “Quang Đức Tự” lại chính tay chúa viết, nếu không có một ý nghĩa gì cao xa, chắc không có sự kiện đặc biệt đó. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã viêt: “Chùa Quang Đức ở xã An Vân, huyện Hương Trà, năm Đinh Mão của triều Thế tông thứ nhất cho biển ngạch vàng, biển khắc năm chữ “Sắc tứ Quang Đức Tự”, phía tả biển khắc 8 chữ “Quốc vương Từ Tế Đạo Nhân ngự đề” (Sđd. tr. 178. HN.1969) Năm Đinh Mão ứng với năm 1747 tây lịch. Tính đến năm 2005 tl. tấm biển hiệu chùa do Quốc vương Từ Tế Đạo Nhân ngự đề đã tồn tại được 258 năm. Hiện tại, khi chúng tôi viết những dòng này thì biển hiệu chùa Quang Đức Tự vẫn còn treo tại chùa Quang Đức tại An Vân, đây thật là một văn vật có giá trị lịch sử vô cùng quý giá đối với Phật giáo xứ Huế. Xét lịch sử thì năm Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên làm chúa là năm Mậu Ngọ; năm ông xưng Vương và đúc ấn Quốc Vương là năm Giáp Tý (1744). Ngày 03 tháng 4 ra lệnh đúc ấn Quốc Vương, ngày 12 tháng 5 năm đó cử hành lễ lên ngôi, xưng Vương hiệu, đổi Chính dinh Phú Xuân ra làm Đô Thành Phú Xuân (15-5 và 26-5-1744). Năm Đinh Mão nhằm năm 1747 tl. sau năm xưng Vương đến 3 năm. Chúng tôi nghĩ có lẽ nhân dịp xưng Vương hiệu, đúc quốc ấn, cải tổ triều chính, Võ Vương cho tái thiết chùa rất lớn và ký sắc lệnh “Sắc tứ Quang Đức Tự”, nhưng phải đến ba năm sau việc mới hoàn thành, nên biển hiệu chùa khắc chậm, trong khi trên giấy tờ thì thì lệnh ban đã có từ năm mới lên ngôi chúa. Chùa Quang Đức lúc ấy có lẽ rất lớn lao. Vì ngoài biển hiệu chùa hiện còn, thì dân cho biết còn có một bức hoành đã bị nước lụt cuốn trôi về đến làng Đức Bưu; dân làng này vớt được, đem vào treo thờ ở chùa làng, đã hơn 100 năm rồi. Điều này đúng, chúng tôi đã đến chùa làng Đức Bưu khảo sát thực tế và thấy có bức hoành sơn son và đề bốn đại tự: “Thế Tôn Bảo Điện”, nguyên để thờ ở điện Phật chùa Quang Đức tại làng An Vân. Lạc khoản niên hiệu và cách khắc dấu ấn, dấu kiềm, cách đề ngày tháng và câu “Quốc Vương Từ Tế Đạo Nhân ngự đề” cùng các mô-típ rồng xung quanh đều giống y biển hiệu chùa “Quang Đức Tự” hiện nay. Dân ở làng Đức Bưu cũng xác nhận là bức hoành của Quang Đức Tự An Vân do lụt trôi về, người dân ở đây đã vớt được dem vào treo ở chùa làng này. Hai bức hoành có điểm khác nhau là về khuôn khổ và cách trình bày để viết chữ: biển hiệu chùa Quang Đức Tự viêt dọc theo hình chữ nhật đứng, bức hoành ở chùa làng Đức Bưu viết ngang theo hình chữ nhật nằm. Những điểm giống nhau: Bên trên mô-típ rồng lượn, đuôi ở bên trái lượn qua bên phải, uốn trở lại và ngửng đầu ra chính giữa không trung. Trán rồng có chữ “Vương”. Ở dưới có sóng biển, mây, có hai con cá hóa rồng chầu mặt vào giữa. Hai bên có 4 con rồng lượn. Tất cả các câu về lạc khoản thì ở biển hiệu chùa Quang Đức An Vân và ở bức hoành tại chùa Đức Bưu, đều trình bày giống nhau.


Trải qua thời Tây Sơn (1788-1801), chùa chiền quanh vùng Phú Xuân bị phá hủy và chư Tăng bị giải tán để sung vào đạo quân đi đánh giặc Thanh, chùa Quang Đức đã bị ảnh hưởng nặng. Chùa bị bỏ hoang phế, chuông đồng bị lấy đem nấu đồng đúc súng.


Vào mấy thế kỷ trước, có thể vào nửa thế kỷ thứ XIX tl. trở về trước, tuy là ở đồng bằng, nhưng vùng có chùa Quang Đức vẫn là nơi gò đồi cây cối hoang rậm, chỉ có mồ mả san sát; cho nên không người săn sóc trong khoảng hơn mười năm là chùa trở thành hoang tàn trong cảnh cây cỏ ngập lút rậm rịt. Đây là giai đoạn đầu, kể từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát ban biển hiệu, chùa Quang Đức đi vào tình trạng đồi phế thiếu sự chăm sóc.


Đến lúc Nguyễn Ánh lấy lại kinh thành Phú Xuân (1801), chùa được dân làng tái thiết; nhưng chuông chùa, pháp tượng pháp khí đều mất sạch, may còn lại biển hiệu chùa. Trong hơn một thế kỷ, không thấy sách ghi chép về chùa Quang Đức. Đến năm Thành Thái thứ 18, Đinh Mùi, 1907 mới có Đại sư Thanh Giáo Huệ Quang về trú trì, trùng kiến chùa và chú tạo chuông, tượng. Đại sư thuộc thế thứ 41 dòng thiền Lâm Tế, tức là thế đại thứ 7 của dòng Thiền Liễu Quán Nam Hà. Năm Bảo Đại thứ 11, Đinh Sửu năm 1937, chùa được trùng tu khang trang, vách gạch, mái ngói, nóc chùa có hình lưỡng long triều nguyệt, các góc mái có giao cù. Trong chùa có nhiều tượng Phật được sơn thếp lại, hiện còn một câu đối:


Đâu Suất không gian huệ nhật hữu quang tam giới đạt


Niết bàn lạc cảnh thiền môn vô tỏa thập phương khai


Lạc khoản đề bên phải (người đứng đọc) “Bảo Đại thập nhất niên, quý thu” (1937), bên trái đề tên người phụng cúng: “Quan viên phụ: Nguyễn Bá Thoan. Tế, tử. nữ: Nguyễn Bá Kỉnh, Nguyễn Bá Nhiệm, Nguyễn Thị Đằng, Nguyễn Bá Cúc, Cao đẳng sĩ tử Nguyễn Bá Mậu…”


Ba năm sau, vào năm Bảo Đại năm 14, Canh Thìn (1940), chùa lại được trùng tu một lần nữa. Lúc này, có làm thêm một phòng giảng ở đằng sau. Ông Nguyễn Bá Kỉnh làm Hội trưởng Khuôn Tịnh Độ thuộc An Nam Phật Học Hội là người đứng ra mở cuộc trùng tu chùa và xây thêm phòng giảng. Tại đây vân tập hội viên nhiều “vức” Tịnh Độ như Đốc Sơ, An Hòa v.v… về sinh hoạt thường kỳ.


Trước năm Ất Dậu, 1945, vì vườn chùa có nhiều cây cối rậm rạp, nhà cửa cổ kính nên có nhiều lúc chùa hội họp, sinh hoạt của cách mạng từ trước thời khởi nghĩa giành độc lập. Trong chiến tranh chống Pháp, nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra ở vùng An Hòa, Đốc Sơ, An Vân, nên chùa Quang Đức lại rơi vào tình trạng hoang phế lần thứ hai.


Năm 1962, dân làng đã góp công của trùng tu tiền đường. Năm 1993, dân làng An Vân đã đóng góp tiền của và công sức, có ông N.B.H. ngoại hộ để trùng tu chùa. Lần trùng tu này người ta thay đòn tay ở tiền đường, sửa các cửa gương vỡ bể; sơn sửa biển hiệu chùa và các pho tượng Phật bằng gỗ rất quý từ thời xưa còn lại; sắp đặt lại sự thờ tự trong chùa cho trang nghiêm hơn.Trong hai năm 1996 và 1997 mới đây, các hội viên trong hội chùa làng, có gia đình hai ông N.B.H. và N.B.T. ngoại bộ tiền của, đã cùng với thiện nam tín nữ của chùa ở nhiều nơi vân tập về, đóng góp tiền của và công sức để làm lại phần hậu điện; sắp đặt lại sự thờ tự có quy cũ trang nghiêm và sạch sẽ hơn trước nhiều.


Kiến trúc chùa Quang Đức hiện nay là như sau: Từ đường Lý Nam Đế 6/4 trong làng đi ra khỏi hàng tre, người ta theo con đường chạy giữa cánh đồng khoáng dã rộng rãi một đoạn lên hướng tây, hai bên đường là ruộng lúa, và những thửa đất trồng khoai lang; rồi rẽ về hướng bắc để vào chùa; con đường tiếp tục chạy thẳng ra đồng ruộng; bên tay trái là một khu đất trồng nhiều cây cao im mát, tượng Quán Âm bằng đá trắng lộ thiên trên đài cao rất trang nghiêm; qua hàng tre thưa lá phía tây khu đất, tầm mắt nhìn ra đồng ruộng bát ngát, núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp nối nhau chạy ở phía tây rất xa; cảnh thật đẹp. Bên tay phải: trên dãy tam cấp để vào sân chùa, bốn không trụ cao với bốn vế của hai câu đối, đầu trụ có hoa sen búp. Phía tay phải cổng chùa, có lối đi vào chùa, được giới hạn bởi hai hàng cây cắt xén đều đặn, thấp ngang nửa ngời đi vào. Vườn chùa tuy không rộng, chỉ độ 08 sào, nhưng nằm trên một vùng đất cao hơn ruộng đồng xung quanh nhiều. Lại có nhiều cây lưu niên cao, vươn cành tỏa bóng; hoa cảnh trồng trên mặt đất ngang tầm vai người đi, đơm hoa kết trái sum suê đẹp mắt. Qua mấy không trụ là sân chùa đúc bằng ciment. Một cái đỉnh bằng ciment cồt thép rất lớn đặt chính giữa cổng, bên trong một gốc thiên tuế có tuổi thọ gần trăm năm nay. Cây và đỉnh như thay cho bình phong. Ngôi chùa và tiền đường nằm sau cái sân hẹp ấy; tuy nhiên vần có sự hài hòa tỷ lệ cân xứng giữa nhà chùa và bốn trụ tam quan ở trước.


Nhà chùa là ngôi nhà ba gian hai chái, bốn mặt vuông vức; thường gọi là kiểu nhà “tứ vị tam gian”, thấp bé; mái lợp ngói, vách gạch, làm từ năm Bảo Đại thứ 8, Qúy Dậu (1933), cách nay (2005) đã 72 năm. Tiền đường rộng rãi, được trùng tạo vào năm 1962 tl. Phía tay trái (nhìn ra) là ngôi nhà làm Tăng xá và nhà khách xây sát vào nửa phần sau vách hướng nam của chùa. Một nhà bếp tiếp theo về phía nam nhà khách. Ở góc tây nam trong vườn trước mặt nhà khách còn một cái am xưa, trước đây thờ gì không ai rõ, hiện nay còn bỏ trống không được thờ lại. Trong nhìn ra, về phía tay phải, cách một hàng cây, bên kia vườn chùa là miễu “Khai canh khai khẩn” của làng An Vân. Mở cửa tiền điện vào bên trong, chính giữa là bàn thờ đức Phật đản sinh rất lớn; bên góc phải thiết trí hồng chung cổ có bốn chữ “An Vân Tự Chung”, lạc khoản trên chuông khắc “Thành Thái thập bát niên” (1907), bên góc trái để giá trống. Phía trước tượng đức Phật đản sinh, trên cao treo bức hoành hiệu chùa (sẽ nói rõ ở sau). Hai bên trước chùa, sau lưng tượng Phật đản sinh, có một câu đối hai vế hai bên chạm nổi 12 hình người, mỗi vế 6 hình. Không rõ tích gì; đối không có lạc khoản! Hai đầu trái phải lại có hai vế đối rất hay, cũng không có lạc khoản:


“Tiền vô thủy, hậu vô chung, pháp tính bản lai thường trú;


Sanh bất tăng, diệt bất giảm, bát nhã nhất thiết giai không”


Trong ngôi chùa chính, cách thiết trí thờ tự vẫn theo cách truyền thống của chùa Huế. “Tiền Phật điện, hậu Tổ linh”. Có hai cửa thông ở hai bên. Tuy nhỏ, nhưng kiểu kiến trúc hoàn toàn là của chùa Huế; không phải kiểu kiến trúc chùa làng. Điện Phật có ba án thờ. Bàn thờ chính giữa có tượng Phật Thích Ca thuyết pháp. Bên trong là một cái bàn gỗ chân cao 1m.80 từ xưa còn lại. Trên bàn này có đến ba hàng tượng. Trước hết có bốn tượng: tượng Địa Tạng, tượng Di Lặc, tượng Thích Ca; tượng Quán Âm thủ quyển. Những tượng nay đều nhỏ, nhưng là tượng từ xưa còn lại, rất quý. Hàng các tượng sau kê cao hơn; gồm có pho tượng Cửu Long tạo thành một cái khám nhỏ, bên trong có tượng Phật đản sinh, hai bên tượng Cửu long có hai thị giả. Bộ tượng này cũng từ xưa truyền lại. Hiện nay ở Huế, rất ít chùa còn tượng này! Bên sau kê cao hơn nữa để thờ ba pho tượng Tam Thế Phật, nguyên xưa chạm bằng gỗ mít, nay sơn lại giả màu đồng; bên tay phải (người chiêm lễ) tượng Tam Thế là pho tượng Quán Âm; bên tay trái là pho tượng Chuẩn Đề 18 tay. Gian bên phải (nhìn vào) có tượng Thập Điện Minh Vương; đối qua bên trái có tượng Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu .


Ở hậu Tổ thì chính giữa vẫn theo truyền thông chùa Huế là có chân dung Tổ Bồ Đề Đạt Ma, và tuy không còn long vị, nhưng lại có một bảng vẽ hình các bài vị. trong lòng ghi những vị sư có đến trú trì tại Quang Đức Tự. Xét về mặt văn hóa Phật giáo thì thì chùa Quang Đức còn giữ được nhiều pháp khí pháp tượng quý báu; Các tượng thờ vừa nói trên, trừ tượng Phật dản sinh và tượng đức Phật Thích Ca thuyết pháp ở bàn giữa, còn tất cả các tượng khác tuy nhỏ nhưng đều là tượng cổ còn lưu giữ được, nên tính văn hóa, mỹ thuật có nhiều điều khả thủ.


Biển hiệu chùa Quang Đức Tự là một văn vật đặc trưng của văn hóa Phật giáo Huế. Có ba ngôi chùa được chính tay chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ngự đề và ban “sắc tứ”, thì hiện nay còn hai chùa còn biển hiệu quý báu ấy là chùa Báo Quốc và chùa Quang Đức; còn biển hiệu chùa Khánh Van thì đã bị mất từ lâu. Trong sách Đại nam nhất thống chí, các sử thần trong Quốc Sử Quán đã chép một câu cho cả ba chùa là ”Năm Đinh Mão bản triều Thế Tông thứ nhất” Một nét đặc thù là trong khi biển hiệu chùa Báo Quốc được khắc theo chiều ngang của một bức hoành, thì biển hiệu chùa Quang Đức khắc theo chiều đứng; lại có hình những ấn triện khắc trên biển hiệu chùa như sau: ấn vuông chính giữa hai chữ “sắc tứ” là quốc ấn có sáu chữ triện: ‘Quốc vương vĩnh trấn chi bảo”. Hai chữ “sắc tứ” đọc theo kiểu chữ Hán từ phải qua trái. Một ấn thuẫn trước chữ “Tuế thứ…”. Ấn tròn dưới chữ “Ngự đề” có bốn chữ triện “Quốc chúa Nam Hà”. Ấn vuông: “Đại khối giả ngã dĩ văn chương”(?). Đinh Mão, nhằm năm 1747 tl. “Gia bình nguyệt” là tháng Năm. “Cốc đán”: ngày tốt.


Tuy nhỏ bé, nhưng chùa Quang Đức là một ngôi chùa cổ ở xứ Thuận Hóa, có lịch sử gần 300 năm. Văn vật hiện còn để làm chứng tích cho thời gian lâu dài ấy là biển hiệu chùa rất có giá trị lịch sử. Chuông chùa với những lời khắc trên chuông, những tượng Phật, tượng Bồ tát tuy nhỏ, nhưng toàn là tượng bằng gỗ thời xưa còn để lại, các câu đối trong chùa, cũng là những văn vật chứng tích qua các thời có trùng tu, trùng kiến ngôi chùa xưa này.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here