Trang chủ Văn hóa - Lịch sử GS.TS Nguyễn Thuyết Phong: Kinh nghiệm, kiến thức về đạo Phật giúp...

GS.TS Nguyễn Thuyết Phong: Kinh nghiệm, kiến thức về đạo Phật giúp tôi tu tập bản thân *

101
0

Có tên trong các bộ từ điển bách khoa âm nhạc thế giới The New Grove (Anh), Garland (Hoa Kỳ), Iwanami Shoten (Nhật Bản), ông còn là tác giả một số bộ sách giáo khoa âm nhạc đang được áp dụng trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Ít ai ngờ ông là con trai một nông dân nghèo vùng sông nước Cửu Long.

Với công trình nghiên cứu Yếu tính “nước” trong âm thanh Việt Nam, ông đã tìm thấy sự giao thoa nào giữa thiên nhiên, con người và tâm hồn Việt?

Nước với người dân Việt Nam chính là nguồn sống, và âm nhạc vì thế cũng mang những yếu tính của nước: sự mềm mại, uyển chuyển, dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh. Những người nông dân bao thế kỷ đã làm việc đồng áng giữa những cánh đồng nước bao quanh, nước và nhạc đã trở thành hai yếu tố tích cực cộng hưởng, gắn liền với sự sống, mang dấu ấn khá rõ qua nhạc điệu từ những ngày đầu hình thành tộc người. Tính uyển chuyển độc đáo của âm nhạc Việt Nam tác dụng sâu sắc trong tư duy người Việt. Không có quốc gia nào dùng chữ “nước” để định danh như chúng ta. Nhạc cổ điển phương Tây giống như toán học, nhạc công luôn ngồi trước một bản nhạc. Còn nhạc truyền thống Việt Nam giống như đánh trên mặt nước, các nghệ nhân chỉ nhìn nhau chơi đầy ngẫu hứng trên những sợi dây đàn. Nói như thế không có nghĩa chúng ta không có lý thuyết âm nhạc. Hệ thống thang âm đã cấu kết chặt chẽ với tính ngẫu hứng, để tạo nên bản chất âm nhạc Việt Nam.

Có mặt trong hội đồng xét duyệt của UNESCO, góp phần giúp cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản thế giới, ông có buồn nhiều không khi cồng chiêng Tây Nguyên đang bị sân khấu hoá thô thiển?

 

Tranh luận lớn nhất giữa các học giả quốc tế khi xét duyệt là tiêu chí “gắn liền với đời sống người dân Tây Nguyên” chưa rõ nét, vì theo họ, dàn cồng chiêng Tây Nguyên không hoành tráng như Indonesia, mà đơn lẻ, rời rạc, mỗi nhà mỗi buôn chỉ chừng ba, bốn cái. Hơn nữa, cồng chiêng Tây Nguyên không phải là sản phẩm tự chế vì không có lò luyện kim loại ngay trong buôn. Tôi cho rằng cây đàn piano sản xuất ở Mỹ, nhưng Ba Lan vẫn có Chopin. Cồng chiêng có thể được chế tạo nơi khác, nhưng khi đến Tây Nguyên, nó phải được gò, đẽo cho đúng thang âm người Tây Nguyên. Hơn nữa, lý thuyết âm nhạc của người Tây Nguyên rất rõ. Đó là những giá trị phi vật thể quý giá. Lập luận của tôi đã giúp một lá phiếu để cồng chiêng được chấp thuận.

Từng dự nhiều festival gần đây, tôi vô cùng đau xót khi chúng ta đã không thể hiện đúng những điều đã cam kết với UNESCO, không tái tạo môi trường diễn xướng nguyên gốc như nhà rông, nhà sàn, hoặc những cộng đồng nhỏ trong một buôn. Việc giáo dục thế hệ trẻ về cồng chiêng cũng không được lồng trong các festival, để khắc phục ảnh hưởng tràn lan của đời sống hiện đại với âm nhạc Tây Nguyên. Tôi rất buồn, rất thất vọng khi thấy cồng chiêng xuất hiện trên những sân khấu lộ thiên.

Những ngày tháng sống cùng đồng bào Tây Nguyên, những liền anh liền chị vùng quê quan họ… để nghiên cứu nhạc cụ dân tộc đã cho ông những cảm nhận gì về lối sống, phương thức tồn tại và tâm hồn dân Việt?

Nhạc cổ điển phương Tây giống như toán học, nhạc công luôn ngồi trước một bản nhạc. Còn nhạc truyền thống Việt Nam giống như đánh trên mặt nước…

Một nhà nghiên cứu mà tách rời đời sống người dân thì không thể có những công trình khoa học giá trị. Đi điền dã nhiều, con người quốc tế trong tôi đã lồng làm một với con người dân gian. Sống nhiều với người dân Tây Nguyên, tôi ngạc nhiên tại sao đời sống đơn giản vậy mà họ lại có nền âm nhạc rất đa dạng, tinh tế. Dường như đời sống vật chất càng giản dị thì đời sống tinh thần lại càng phong phú. Âm nhạc Tây Nguyên rất giàu về ý. Tình yêu âm nhạc dường như chảy trong huyết quản của họ. Tôi chợt ngộ ra rằng người sáng tạo âm nhạc không nhất thiết phải giàu có, sang trọng, học hành đầy đủ. Cuộc đời còn có bao loại nhạc hay mà chúng ta chưa biết. Phải sống sát với thực tế mới hiểu được những dòng nhạc rất thành khẩn, trong sạch đó, gắn với bao câu chuyện đời thú vị. Đã xác định động cơ rõ ràng là phục vụ đất nước, phục vụ tình yêu âm nhạc, nên chuyện khổ, chuyện khó chẳng là gì khi mình đã dấn thân.

Xuất thân từ cái nôi đờn ca tài tử, ngày nhỏ ông được người dân Trà Ôn gọi là “thần đồng âm nhạc” bởi biết hát biết đàn trước khi biết đọc biết viết… Những người thầy vùng sông nước đã cho ông những bài học quý giá nào?

Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy Trầm Văn Kiên tức Mười Kiên – “sóng thần miền Tây”. Mỗi khi tiếng đàn của ông cất lên, không gian như lặng phắt. Ông thực sự là một thiên tài của Tây Nam bộ, thấu hiểu tường tận về đàn ca tài tử, hát bội, nhạc Phật giáo, có một trí nhớ hiếm thấy. Nhờ ông, tôi được lớn lên trong âm nhạc, hiểu giá trị của nhiều thể loại nhạc truyền thống, có được khái niệm chung về âm nhạc Nam bộ. Bà tôi, ông nội tôi là nông dân nhưng đều biết đàn ca xướng hát. Bảy tuổi tôi được cha gửi gắm cho thầy Mười Kiên. Gia đình làm một buổi lễ đơn sơ nhưng rất trang trọng, ra mắt ông tổ nhạc, để tôi được thầy nhận làm trò. Từ đây, tôi có thêm người cha thứ hai. Khi ra nước ngoài, tôi mới thực sự hiểu giá trị của thầy tôi, kiến thức rộng lớn vượt bậc của ông về âm nhạc. Thầy tôi là bậc đàn anh của ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu). Dù rất điêu luyện trong nghề nhưng tính cách ông vô cùng giản dị, đời sống thanh bạch. Cả đời ông coi việc truyền dạy cho học trò như một thứ đạo. Học nhạc với thầy là học sống. Ông dẫn tôi theo các đoàn hát, gánh nhạc lễ lang thang khắp vùng sông nước… Tuổi thơ ấy đã giúp tôi nuôi dưỡng ý chí làm sao mang âm nhạc dân tộc ra nước ngoài, giúp tôi đơn độc giữa xứ người, tự làm tự sống để hoàn thành luận văn tiến sĩ đầu tiên trên thế giới về âm nhạc Phật giáo, đúc kết từ hơn 260 tác phẩm để tìm ra những lý luận cơ bản nhất. Để theo đuổi việc học, tôi đã trải qua đủ mọi nghề kiếm sống, từ giữ kho, nấu ăn cho nhà hàng, đến chạy máy in… cái gì có thể nuôi sống là tôi làm. Tôi tốt nghiệp năm 1982, lúc đất nước đang còn khó khăn, nhìn về quê hương, gia đình, chẳng biết bao giờ về được. Một mình cô đơn với mảnh bằng trong tay, chỉ có hai dòng nước mắt.

Sự khác biệt nào làm nên bản sắc phong phú và thâm trầm của nhạc Phật giáo Việt Nam?

Những nhà nghiên cứu nước ngoài đã rất ngỡ ngàng, không ngờ Việt Nam nhỏ bé lại có một hệ thống hơn mười thể loại nhạc Phật giáo rất khác biệt. Âm nhạc Phật giáo dân tộc đã có hơn ngàn năm, mỗi miền lại có những nét đặc trưng rất riêng, với một hệ thống gồm hàng ngàn bài tụng, tán, hàng trăm nghi lễ đọc, xướng, thỉnh, kệ… được sáng tạo bởi các thiền sư, với những giai điệu rất hay trong hệ thống đại thừa. Dù đất nước chiến tranh liên miên, nhưng nhạc tính âm nhạc Phật giáo rất hiền hoà, không hề có nét giận dữ. Tinh thần ấy ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Ngôn ngữ tụng tán trong chùa đa số là thuần Việt, mặc dù có dùng chữ Hán, nhưng âm Hán – Việt, không đọc như âm của người Trung Quốc. Thời gian gần đây đã có những dấu hiệu của sự hồi sinh âm nhạc Phật giáo, như những nghi lễ trong các trai đàn chẩn tế, cầu siêu cho vong linh người chết trong chiến tranh Việt Nam. Đó là cơ hội làm sống dậy truyền thống tâm linh của người Việt, nơi nương tựa sâu xa cho con người.

 
 
Ảnh nhân vật cung cấp.

Theo ông, số phận của đờn ca tài tử đang gặp phải những thách thức nào?

Đờn ca tài tử đang gặp phải sự dao động dữ dội trong tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam trên con đường tìm kiếm những loại nhạc khác, và đánh mất tính nguyên thuỷ của mình. Để gìn giữ, không có cách nào khác hơn là giáo dục âm nhạc. Hệ thống giáo dục Việt Nam không có giáo dục âm nhạc, người ta tìm đến âm nhạc chỉ là để thoả mãn nhất thời, như thế làm sao không bị lai căng, mất gốc? Muốn tìm đến giá trị gốc, phải kết hợp giữa giáo dục âm nhạc và ứng dụng âm nhạc trong môi trường mới, dạy cho lớp trẻ thế nào là đờn ca tài tử, từ đó họ mới cảm được cái hay, cái đẹp. Không thể để các nghệ nhân dàn hàng ngang trên sân khấu mà gọi là đờn ca tài tử. Phải trả lại môi trường diễn xướng đúng nghĩa.

Từ Mỹ sang Nhật, rồi sang Pháp chỉ để nghiên cứu dân tộc nhạc học, có bao giờ ông bị lung lay trước những công việc có thể kiếm được tiền nhanh hơn, nhiều hơn? Triết lý đạo Phật đã giúp ông vượt qua những khúc quanh của cuộc sống như thế nào?

Tôi nhớ những ngày cơ cực trên đất Paris, thấy tôi khổ quá, một người bạn Pháp đã khuyên: “Mày đàn tranh hay thế, tại sao không vào xe điện ngầm đàn kiếm tiền cho đỡ đói?” Tôi nói với anh ấy rằng tôi có thể làm mọi nghề vất vả khác để kiếm sống, nhạc truyền thống dân tộc tôi là nhạc đỉnh cao, phải được trân trọng trên các sân khấu danh dự, không bao giờ dùng nó để lượm những đồng tiền nhỏ. Chọn ngành dân tộc nhạc học, lý tưởng của tôi là tìm hiểu một cách khoa học về con người và cách ứng xử của con người trước những vấn đề khác nhau của âm nhạc.

Kinh nghiệm, kiến thức về đạo Phật giúp tôi tu tập bản thân, có cái nhìn cởi mở hơn với những phận người khác nhau trong đời sống, cảm thấy gần gũi, hoà đồng ngay với những người nông dân lam lũ, bình dị ở mọi miền đất khác nhau, chia sẻ tư tưởng, sự khổ đau, chấp nhận sự khác biệt. Tôi cảm ơn tinh thần Phật giáo đã cho tôi rất nhiều bạn bè, giúp tôi biết yêu thương và hiểu về con người. Nhà tôi không có bàn thờ Phật nhưng Phật luôn luôn ở trong tâm tôi. Sống hoan hỉ sẽ kéo dài tuổi trẻ, dù cái già, cái chết sẽ đến, đó là nguyên lý của đạo Phật. Nếu hiểu rõ tinh thần đạo Phật là từ bi, trí tuệ và can đảm, thì không có gì phải sợ. Có duyên thì tới, chấp nhận, hoan hỉ, và sống lý tưởng.

Gia đình có lúc nghèo tới nỗi không nuôi nổi phải gửi tôi vào chùa, một nhà sư phải xả đồ tang khâu cho tôi chiếc áo… Trải qua hơn 60 năm cuộc đời, vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể, tôi chỉ là một thí dụ khi sống có lý tưởng sẽ thành công. Nếu không có lý tưởng thì không thể chờ đợi thành công.

Ông nghĩ gì về vai trò của người trí thức trong thời buổi hiện nay?

Với riêng tôi, có những lần thất vọng vì công việc của mình chưa đạt, những lần người ta không hiểu mình, nhưng bù lại, hy vọng nhiều hơn. Nhìn ra xã hội, điều khiến tôi buồn nhất là sự chưa hiểu nhau giữa người trong nước với những người sống ở nước ngoài lâu năm. Chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm mà những giá trị sống vẫn chưa được thể hiện đầy đủ, con người đang ứng xử rất tệ với nhau. Điều đó thể hiện rất rõ qua những thảm hoạ giao thông, bạo lực học đường, nạn trộm cắp, cướp giật ngang nhiên ngoài đường. Người ta không còn tin nhau nữa, cái gì cũng phải tiền mặt. Tham nhũng, hối lộ ngày càng phình to. Do đạo đức không được nuôi dưỡng, trình độ nhận thức về những giá trị còn mơ hồ, có một cuộc chiến ngấm ngầm vẫn tồn tại trong đời sống người Việt. Tôi chỉ mong người ta sớm hiểu nhau, sớm nhận ra những giá trị thật của cuộc sống, của con người, để yêu thương nhau hơn.

Nhiều người hỏi tôi tại sao cứ ôm ấp hoài cổ nhạc trong người? Tôi nghĩ nếu xoá bỏ quá khứ, tôi chẳng còn giá trị gì. Cuộc đời là biến chuyển, vô thường, nhưng một dân tộc mà cắt bỏ quá khứ của mình sẽ không bao giờ tìm được giá trị của hiện tại. Ước mơ của tôi là xây dựng được một đại học đa ngành quốc tế mang tên Đào Tấn, để đào tạo những con người mới vừa có ý thức bảo vệ giá trị dân tộc, vừa biết đón nhận giá trị tinh hoa thế giới, để xây dựng một Việt Nam phát triển, cởi mở hơn.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo:

“Con người thuần hậu, hay giúp đỡ người khác, không cầu danh cầu lợi. Là người đi tới nơi tới chốn trong mọi vấn đề liên quan đến âm nhạc dân tộc, tìm tận gốc, nhìn dưới nhiều góc độ, nghiên cứu một cách khoa học, những công trình của anh là đáng tin cậy. Có khả năng lôi cuốn người ta đến với nét phong phú đặc thù của âm nhạc cổ truyền, nhất là ở hải ngoại. Cố gắng hết mình làm nảy sinh sự sống cho âm nhạc dân tộc cả trong nước và ngoài nước”.

GS.TS Trần Ngọc Lợi:

“Hơn 20 năm biết anh qua những chương trình giảng dạy về dân tộc nhạc học tại các đại học Mỹ, tôi rất hãnh diện về anh, một người Việt Nam đã làm cho nhiều cộng đồng Mỹ, Pháp phải nể phục. Vừa am hiểu tường tận về âm nhạc, vừa biết rất nhiều loại đàn, vừa ca hay, những buổi thuyết trình của anh lúc nào cũng hết sức hào hứng, đông nghẹt người tham dự. Đam mê và thiết tha với nhạc truyền thống, anh mải miết với việc truyền bá với tinh thần xả thân, thiện nguyện, không màng tới chuyện tiền bạc. Một người hết sức vui vẻ và nghiêm cẩn, cái gì ra cái đó, làm việc với tinh thần tận tuỵ ít có. Ngay cả trong những lúc khó khăn, mệt mỏi nhất, anh luôn giữ được nụ cười hỉ xả, thân thiện”.

Theo SGTT.VN

* Nhan đề do BBT đặt lại cho phù hợp với trang nhà lieuquanhue.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here