Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Góp ý tu chỉnh hiến chương GHPGVN

Góp ý tu chỉnh hiến chương GHPGVN

90
0

Vì thế, việc điều chỉnh và sửa đổi Hiến chương là công tác quan trọng của Giáo hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của Tăng, Ni, Phật tử cả nước trước những thời cơ và thách thức của thời đại.
 
Không thời điểm nào bằng thời điểm này, Tăng Ni, Phật tử cả nước hướng về Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc với niềm tin về một sự đổi mới toàn diện, sâu sắc và mang tính đột phá. Hy vọng Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội có thể hiểu được những niềm tin và sự kỳ vọng ấy để cùng quyết tâm tạo nên một Giáo hội uy tín, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để đưa Phật giáo Việt Nam bước vào một trang sử mới.
 
Sau đây là những đóng góp theo tinh thần Thông tư số 089/TT/HĐTS của Hội đồng Trị sự GHPGVN:
 
CHƯƠNG I
DANH HIỆU – HUY HIỆU – ĐẠO KỲ
ĐẠO CA – TRỤ SỞ
 
Điều 1: Tổ chức Phật giáo Việt Nam cả nước lấy danh hiệu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viết tắt là GHPGVN.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 1: Tổ chức Phật giáo Việt Nam có danh xưng đầy đủ là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, viết tắt là GHPGVN.
 
(Giải thích: “Danh hiệu” khác nghĩa với “danh xưng”, bỏ chữ “cả nước” vì hiện nay GHPGVN đang mở rộng sinh hoạt tại nhiều nước)
 
Điều 3: Đạo kỳ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cờ 5 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam và phần tổng hợp 5 màu trên (tiêu biểu cho hào quang của Đức Phật).
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 3: Đạo kỳ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cờ 5 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam; gồm 6 ô: 5 ô 5 màu được xếp theo hàng dọc và 1 ô 5 màu được xếp theo hàng ngang.
 
(Giải thích: Không phải phần tổng hợp của 5 màu trên, vì tổng hợp của 5 màu trên thì phải cho ra màu thứ 6, và không phải tượng trưng cho hào quang của đức Phật, vì ý nghĩa của lá cờ Phật giáo lịch sử đã ghi rõ)
 
Điều 4: Đạo ca của GHPGVN là bài “Phật giáo Việt Nam” của nhạc sĩ Lê Cao Phan.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 4: Đạo ca của GHPGVN là ca khúc “Phật giáo Việt Nam” của nhạc sĩ Lê Cao Phan.
 
Điều 5 : Trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt tại Chùa Quán Sứ, số 73 Phố Quán Sứ – Hà Nội.  
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 5: Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Văn phòng 1 Trung ương GHPGVN – Chùa Quán Sứ, số 73 Phố Quán Sứ – Hà Nội; Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN – số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh.
 
Văn phòng Trung ương GHPGVN gồm: Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, hai Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, hai Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội, các Phó chánh Văn phòng, Uỷ viên Thư ký Hội đồng Trị sự. Văn phòng Trung ương Giáo hội có nhiệm vụ soạn thảo chương trình nghị sự cho các Hội nghị thường niên, Hội nghị mở rộng của Giáo hội, lập biên bản Hội nghị, lưu giữ hồ sơ của Hội đồng Trị sự, phổ biến các quyết định của Hội đồng Trị sự, báo cáo các hoạt động của Hội đồng Trị sự. Mọi thông tư, công văn, nghị định thay mặt Trung ương Giáo hội trước khi ban hành cần thông qua ý kiến của các thành viên trong Ban thường trực Hội đồng Trị sự.
 
(Giải thích: Sự quản lý của Giáo hội phải là sự quản lý được thống nhất về mặt chủ trương, quan điểm, vì thế cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Văn phòng Trung ương Giáo hội để tránh tình trạng các văn bản được ban hành không đúng với chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên. Việc thông qua ý kiến của Ban thường trực HĐTS đòi hỏi văn bản đó phải đảm bảo được chuyển tới các Uỷ viên Thường trực góp ý trước khi thông qua và ban hành, tránh được tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa hai Văn phòng Trung ương Giáo hội, đảm bảo tính khách quan, công khai, thể diện và uy nghiêm của GHPGVN. Với tiến bộ của công nghệ thông tin như hiện nay, việc gửi văn bản đến các thành viên không quá 1 giờ đồng hồ.)
 
CHƯƠNG II
MỤC ĐÍCH – THÀNH PHẦN
 
Điều 6 : Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hòa, hợp nhất các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 6: Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là xây dựng một hệ thống tổ chức vững mạnh, có uý tín nhằm điều hòa, hợp nhất các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam, hộ trì hoằng dương Phật pháp, tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc và góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới.
 
(Giải thích: nhấn mạnh thêm việc “xây dựng một hệ thống tổ chức vững mạnh, có uý tín”)
 
Điều 9 : Thành phần nhân sự các cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những Tăng Ni và cư sĩ có năng lực, đạo hạnh và tiêu biểu của các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam, có công đức với đạo pháp, dân tộc và trung thành với tổ quốc.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 9: Thành phần nhân sự các cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những Tăng Ni, Cư sĩ có năng lực, đạo hạnh, đại diện tiêu biểu trong các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam, có công đức với đạo pháp, phụng sự dân tộc và trung thành với Tổ quốc.
 
CHƯƠNG III
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
 
Điều 11 : Hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm:
 
1. Cấp Trung ương, gồm có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự.
 
2. Cấp Tỉnh, Thành là Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
 
3. Cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh là Ban Đại diện Phật giáo Quận hội, Huyện hội, Thị hội, Thành hội, với chức năng quyền hạn, sự hoạt động được quy định theo Nội quy do Giáo hội ban hành. 
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 11: Hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có hai Hội đồng: Hội đồng Chứng Minh và Hội đồng Trị sự. Hội đồng Trị sự được tổ chức theo các cấp hành chính như sau:
 
1. Cấp Trung ương: Hội đồng Trị sự và các ban ngành trực thuộc trung ương.
 
2. Cấp Tỉnh, Thành: Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
 
3. Cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh: Ban Đại diện Phật giáo Quận hội, Huyện hội, Thị hội, Thành hội, với chức năng quyền hạn và các hoạt động được quy định theo Nội quy do Giáo hội ban hành.  
 
(Giải thích: Ghi rõ như vậy thì mới khu biệt được việc quản lý các cấp theo ngành dọc)
 
CHƯƠNG IV
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
 
Điều 12 : Hội đồng Chứng minh của Giáo hội gồm các vị Hòa thượng tiêu biểu của các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam có 70 tuổi đời, 50 tuổi đạo trở lên, không giới hạn số lượng và được Đại hội Phật giáo toàn quốc suy tôn.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 12: Hội đồng Chứng minh gồm chư vị Hòa thượng tiêu biểu của các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam có đạo hạnh, trí tuệ với 75 tuổi đời, 55 tuổi đạo trở lên được Đại hội Phật giáo toàn quốc suy tôn. Đức Pháp chủ là ngôi vị chứng minh tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
(Giải thích: Tăng tuổi đời, tuổi đạo lên 5 năm cho phù hợp với tuổi mãn nhiệm của thành viên HĐTS, liền đó có thể cung thỉnh chư vị này vào HĐCM)
 
Điều 13 : Các vị Hòa thượng trong Hội đồng Chứng minh tại vị trọn đời. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt mới phải phế vị, do quyết định của Hội đồng Chứng minh với đa số quá bán biểu quyết tán thành.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 13: Chư vị Hòa thượng trong Hội đồng Chứng minh không giới hạn số lượng, được tại vị trọn đời. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt mới phải phế vị, do quyết định của Hội đồng Chứng minh với đa số quá bán biểu quyết tán thành. Thành viên Hội đồng Chứng minh không kiêm nhiệm chức danh khác trong Hội đồng Trị sự.
 
(Giải thích: Vừa là thành viên của HĐCM, vừa là thành viên của HĐTS giống như ông Bộ trưởng ngồi cả ở hai bộ. Rất bất hợp lý!).
 
Điều 14 : Hội đồng Chứng minh suy cử một Ban Thường trực gồm có Đức Pháp chủ, các vị Phó Pháp chủ, các vị Giám luật, một vị Chánh Thư ký, các vị Phó Thư ký. Nếu có chức vị trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh bị khuyết thì Ban Thường trực thỉnh thành viên Hội đồng Chứng minh để bổ sung trong kỳ Hội nghị gần nhất của GHPGVN và thông báo cho Hội đồng Trị sự biết để được suy tôn. Nếu là Pháp chủ, vị thay thế gọi là Quyền Pháp chủ; Nếu các chức danh khác gọi là kiêm nhiệm. Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh có nhiệm vụ:
 
a. Chứng minh các Hội nghị Trung ương và Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
b. Hướng dẫn và giám sát các hoạt động của Giáo hội về mặt đạo pháp và giới luật.
 
c. Phê chuẩn tấn phong chức vị giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
d. Ban hành Thông điệp về Phật đản, Thư chúc tết và tình hình GHPGVN trong những tình huống đặc biệt.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 14: Hội đồng Chứng minh suy cử một Ban Thường trực gồm có Đức Pháp chủ, các vị Phó Pháp chủ, các vị Giám luật, một vị Chánh Thư ký, các vị Phó Thư ký.
 
Nếu chức vị trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh bị khuyết thì Ban Thường trực thông báo với Hội đồng Trị sự biết để phối hợp tổ chức suy cử thành viên Hội đồng Chứng minh vào vị trí bị khuyết trong Hội nghị trung ương GHPGVN gần nhất. Nếu là Pháp chủ, vị thay thế gọi là Quyền Pháp chủ; các chức danh khác gọi là kiêm nhiệm.
 
Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh có nhiệm vụ:
 
a. Chứng minh các Hội nghị Trung ương và Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
b. Hướng dẫn và giám sát các hoạt động của Giáo hội về mặt đạo pháp và giới luật.
 
c. Thẩm định và Phê chuẩn tấn phong chức vị giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
d. Ban hành Thông điệp về Phật đản, Thư chúc tết và tình hình GHPGVN trong những tình huống đặc biệt.
 
(Giải thích: Câu “Thông báo cho Hội đồng Trị sự biết để được suy tôn” không ổn trong hành văn. Thêm từ “thẩm định” vào vì HĐCM hoàn toàn có ý kiến đối với các danh sách được giới thiệu trước khi phê chuẩn. Nếu không có thẩm định thì việc cầm bút phê còn có ý nghĩa gì, khi cấp dưới đã “quyết”).
 
CHƯƠNG V
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
 
Điều 16: Hội đồng Trị sự thành phần có tối đa 147 thành viên, gồm các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Cư sĩ của Giáo hội do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tiền nhiệm đề cử và Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy cử. Thành viên của Hội đồng Trị sự có thể bị bãi miễn nếu quá bán tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 16: Hội đồng Trị sự có tối đa 275 thành viên, gồm thành viên của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, các Uỷ viên và Uỷ viên dự khuyết Hội đồng Trị sự. Thành viên của Hội đồng Trị sự do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tiền nhiệm đề cử và Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy cử. Thành viên của Hội đồng Trị sự không kiêm nhiệm các chức danh khác tại Hội đồng Chứng minh và phải tham gia đầy đủ các cuộc họp thường niên của Giáo hội. Thành viên Hội đồng Trị sự có thể bị bãi miễn nếu quá bán tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành. Tuổi đời của các thành viên Hội đồng Trị sự không quá 75 tuổi.
 
(Giải thích: Hiến chương ghi 147 thành viên mà không đưa 48 Uỷ viên dự khuyết vào là thiếu đầy đủ (tổng cộng 195 thành viên). Đề nghị tăng lên 275 thành viên HĐTS (cả chính thức và dự khuyết) theo phân bổ như sau: Ngoài các vị Thường trực (nhiệm kỳ cũ), nên bổ sung Trưởng Ban Trị sự các tỉnh, thành phố (lớn), trưởng các ban ngành viện TW vào Ban thường trực HĐTS, tăng Ban Thường trực lên tối đa 75 thành viên [hiện nay là 45 thành viên, nhưng đa số không trực tiếp nắm bắt hoạt động thực tế tại các BTS tỉnh, thành, hay các Ban, viện TW]. Uỷ viên HĐTS: mỗi ban TW 4 vị = 40 vị; mỗi viện 2 vị = 10 vị; mỗi BTS thêm 1 vị = 60 vị, ưu tiên các Ban, Tỉnh, Thành lớn từ…3, 5, 10 đến 15 vị = 50 vị, còn lại là các Uỷ viên dự khuyết = 40 vị [trải đều các ban, viện, tỉnh thành]. Lưu ý: điều 16 cũ ghi: thành viên gồm các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Cư sĩ là không hợp với định nghĩa mang ý nghĩa chức vụ hành chính. Thành viên của Hội đồng Trị sự không kiêm nhiệm các chức danh khác tại Hội đồng Chứng minh và phải tham dự đầy đủ các cuộc họp, vì tình trạng đi họp chiếu lệ đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc họp).
 
Điều 19: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có tối đa 45 thành viên.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 19: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có tối đa 75 thành viên, hoạt động tích cực và hoàn thành các trọng trách được giao.
 
(Giải thích: Vì Ban thường trực là Ban cao nhất của HĐTS, Phật sự có được thúc đẩy hay không tuỳ thuộc vào trí tuệ của cả tập thể, do đó vào Ban này là để làm việc, giám sát hoạt động của các ban, ngành, viện, tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc chứ không phải để chia ghế, giữ ghế cho hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác)
 
Điều 21 : Các Ngành hoạt động của Giáo hội gồm có:
 
1. Ban Tăng sự.
2. Ban Giáo dục Tăng Ni.
3. Ban Hướng dẫn Phật tử, gồm 2 Phân ban: Phân Ban Cư sĩ Phật tử, Phân Ban Gia đình Phật tử.
4. Ban Hoằng pháp
5. Ban Nghi lễ.
6. Ban Văn hóa.
7. Ban Kinh tế Tài chính.
8. Ban Từ thiện Xã hội.
9. Ban Phật giáo Quốc tế.
10. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
11. Các Ủy viên Pháp chế.
12. Các Ủy viên Kiểm soát.
 
Các Ban và Viện có thể thành lập các Phân ban, Phân Viện để phụ trách các chuyên ngành hoạt động theo Nội quy riêng được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 21 : Các Ngành hoạt động của Giáo hội gồm có:
1. Ban Tăng sự
2. Ban Giáo dục
3. Ban Hướng dẫn Phật tử
4. Ban Hoằng pháp
5. Ban Nghi lễ
6. Ban Văn hóa
7. Ban Kinh tế – Tài chính
8. Ban Từ thiện – Xã hội
9. Ban Phật giáo Quốc tế
10. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
11. Các Ủy viên Pháp chế
12. Các Ủy viên Kiểm soát
 
Các Ban và Viện có thể thành lập các Phân ban, Phân Viện để phụ trách các chuyên ngành hoạt động theo Nội quy riêng được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y. Thành viên của các Ban, Viện này không kiệm nhiệm chức vụ ở các Ban, Viện khác.
 
(Giải thích: Đề nghị bỏ chữ “Tăng Ni” trong cụm từ “Ban Giáo dục Tăng Ni” vì vừa thừa, vừa bó hẹp ý nghĩa của Giáo dục Phật giáo. Bỏ cụm từ “gồm 2 Phân ban: Phân Ban Cư sĩ Phật tử, Phân Ban Gia đình Phật tử” vì nó thuộc Nội quy riêng của Ban Hướng dẫn Phật tử. Bỏ các dấu chấm phía sau các Ban, thêm hai gạch nối vào Ban Kinh tế – Tài chánh và Ban Từ thiện – Xã hội. Cần phải quy định rõ trong Hiến chương về việc kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ tại các Ban, ngành, bởi điều đó sẽ dẫn đến các hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng, trong khi các Tăng, ni trẻ tốt nghiệp ở các trường viện ra lại không được cơ cấu vào các Ban, ngành, viện một cách hợp lý).
 
Điều 23 : Nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự là 5 năm.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 23: Nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự là 5 năm. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng Trị sự, của các Trưởng Ban, ngành không quá 3 nhiệm kỳ.
 
(Giải thích: Lãnh đạo cần phải thích nghi với thời đại, nên việc quy định nhiệm kỳ vô cùng cần thiết và quan trọng trong việc tạo ra sinh khí cho Giáo hội. Đó cũng là ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo đối với tương lai của đạo pháp và dân tộc).
 
Điều 25 : Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội thay mặt Giáo hội về mặt pháp lý Nhà nước trong các mối quan hệ của Giáo hội ở trong và ngoài nước. Một trong ba Phó Chủ tịch Thường trực thay thế Chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt.  
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 25: Chủ tịch Hội đồng Trị sự là chức vụ cao nhất trong Hội đồng Trị sự. Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Giáo hội về mặt pháp lý Nhà nước trong các mối quan hệ của Giáo hội ở trong và ngoài nước. Khi Chủ tịch vắng mặt, một trong ba vị Phó Chủ tịch Thường trực sẽ trực tiếp điều hành các công việc của Hội đồng Trị sự. Tuổi đời của Chủ tịch Hội đồng Trị sự không quá 75 tuổi.
 
(Giải thích: Quy định tuổi đời của Chủ tịch HĐTS bằng với tuổi đời của các thành viên HĐTS không chỉ giúp trẻ hoá HĐTS mà còn làm tăng vai trò của HĐCM một khi các vị lãnh đạo HĐTS mãn nhiệm và tham gia vào HĐCM. Đến lúc đó, Giáo hội hoàn toàn có thể tổ chức một HĐCM một cách thiết thực và tập trung trí tuệ nhiều hơn. Bước chuyển đổi ban đầu này đòi hỏi quý vị lãnh đạo phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân, vì sự phát triển của Tổ chức Giáo hội và vì tương lai của đạo pháp. Điều 25 cũ, dùng từ “sẽ thay thế” không ổn vì đây chỉ là vắng mặt, trách nhiệm là lĩnh giao chứ không phải thay thế).
 
CHƯƠNG VI
TỈNH HỘI – THÀNH HỘI
 
Điều 27 : Ban Trị sự do Đại hội Đại biểu Tăng Ni, cư sĩ thuộc Tỉnh hay Thành phố trực thuộc Trung ương suy cử trong hàng Tăng Ni và cư sĩ tại địa phương, được Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y bằng quyết định. Trưởng Ban Trị sự phải là một vị Tăng sĩ. Ban Trị sự có thể thỉnh Quý Hòa Thượng tại địa phương vào Ban Chứng minh cho Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.
 
Nơi nào không đủ điều kiện thành lập Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội thì lập một Ban Đại diện gồm có: Một Chánh Đại diện, hai Phó Đại diện, một Thư ký, một Thủ quỹ và các ủy viên. Chánh Đại diện phải là một vị Tăng hoặc Ni do Trung ương Giáo hội chỉ định.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 27: Ban Trị sự gồm các vị Tăng Ni, cư sĩ tại địa phương do Đại hội Đại biểu Phật giáo Tỉnh hay Thành phố trực thuộc Trung ương bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín, được Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y bằng quyết định. Trưởng Ban Trị sự phải là một vị Tăng sĩ, không kiệm nhiệm chức vụ ở các Ban Trị sự tỉnh, thành khác. Ban Trị sự có thể thỉnh mời Quý Hoà thượng đạo cao đức trọng tại địa phương vào Ban Chứng minh của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.
 
Tỉnh, thành nào không đủ điều kiện thành lập Ban Trị sự thì lập một Ban Đại diện gồm có: Một Chánh Đại diện, hai Phó Đại diện, một Thư ký, một Thủ quỹ và các ủy viên. Chánh Đại diện phải là một vị Tăng hoặc Ni do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chỉ định.
 
(Giải thích: Không nên dùng từ “suy cử”, vì cấp tỉnh thành hoàn toàn có thể thí điểm bầu các chức danh thông qua việc bỏ phiếu kín. Đây là cấp quan trọng giữ ổn định cho các sinh hoạt của Giáo hội. Vì thế để tránh tình trạng có nơi thì do BTS nhiệm kỳ trước “suy cử” cho nhiệm kỳ sau, tạo nên phe cách, có nơi thì do chính quyền “ngầm” can thiệp vào công tác nhân sự, tạo ra sự chồng chéo, không minh bạch. Do đó, hãy để cho toàn bộ Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu tại địa phương quyết định bằng lá phiếu của mình. Thực tế, ở Điều 29, chương VII, chúng ta cũng đã sử dụng khái niệm “bầu” (bầu cử). Ban thường trực HĐTS cần ra quy chế riêng tránh tình trạng kiêm nhiệm chức vụ ở nhiều tỉnh, thành, tạo lợi những quyền lợi không giới hạn, gây ra những tiêu cực trong việc bổ nhiệm trụ trì các tự viện… Lưu ý: trong đoạn hai của Điều 27, thay cụm từ “Trung ương Giáo hội chỉ định”bằng “Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chỉ định” cho rõ nghĩa hơn).
 
Điều 28 : Nhiệm kỳ của Ban Trị sự là 5 năm. 
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 28 : Nhiệm kỳ của Ban Trị sự là 5 năm. Nhiệm kỳ của Trưởng Ban Trị sự không quá 3 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ của các Phó Trưởng ban Trị sự và Trưởng các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự không quá 4 nhiệm kỳ. Tuổi đời của Trưởng ban Trị sự không quá 75 tuổi.
 
(Giải thích: Chỉ có cơ chế rõ ràng như vậy thì mới đảm bảo không thui chột ý chí, tâm nguyện của thế hệ kế cận, giúp họ trưởng thành và đủ khả năng kế thừa, đảm nhận các trọng trách mà Giáo hội giao phó. Tuổi đời không quá 75 tuổi, vì nếu quá 75 tuổi thì đã đủ quy định để cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh).
 
CHƯƠNG VIII
ĐẠI HỘI – HỘI NGHỊ
 
Điều 31 : Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp 5 năm một kỳ, do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội triệu tập để:
 
1. Kiểm điểm hoạt động của Giáo hội trong 5 năm qua.
2. Ấn định chương trình hoạt động 5 năm tới.
3. Suy cử Hội đồng Trị sự.
4. Sửa đổi Hiến chương của Giáo hội nếu cần và thông qua Hiến chương sửa đổi.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 31: Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc họp 5 năm một lần, do Chủ tịch Hội đồng Trị sự triệu tập để:
1. Tổng kết, đánh giá hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ qua.
2. Ấn định, triển khai chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ tới.
3. Suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh. Suy cử thành viên Hội đồng Trị sự.
4. Sửa đổi Hiến chương của Giáo hội (nếu cần) và thông qua Hiến chương đã sửa đổi.
 
(Giải thích: Cụm từ “Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam” chưa chuẩn và không phổ biến. Thay từ “kiểm điểm” ở mục 1 thành “Tổng kết và đánh giá”, thêm từ “triển khai” ở mục 2, thêm cụm từ “Suy tôn thành viên của Hội đồng Chứng minh”, vì Đại hội nào chúng ta cũng suy tôn thành viên HĐCM).
 
Điều 32 : Thành phần Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm:
 
– Hội đồng Chứng minh
– Hội đồng Trị sự
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 32: Thành phần tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc gồm:
– Hội đồng Chứng minh
– Hội đồng Trị sự
 
Điều 35: Xin sửa cụm từ “Kiểm điểm” thành “Tổng kết, đánh giá”.
 
Điều 37 : Xin sửa cụm từ “Suy cử Ban Trị sự” thành “Bầu Ban Trị sự nhiệm kỳ mới”.
 
CHƯƠNG IX
GIÁO PHẨM
 
Điều 41: Được tấn phong Hòa thượng những Thượng tọa từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên được tính theo Hạ lạp, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và Dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương Giáo hội thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 41: Tấn phong giáo phẩm Hòa thượng đối với những Thượng tọa từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên được tính theo Hạ lạp, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và Dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương Giáo hội thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành.
 
Điều 42 : Được tấn phong Thượng tọa những Tăng sĩ từ 45 tuổi đời, 25 tuổi đạo trở lên được tính theo Hạ lạp, có đạo hạnh, công đức với Đạo pháp và Dân tộc do Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn và tấn phong tại Hội nghị Trung ương Giáo hội và tại Đại hội Phật giáo toàn quốc, với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 42: Tấn phong giáo phẩm Thượng tọa đối với những Tăng sĩ từ 45 tuổi đời, 25 tuổi đạo trở lên được tính theo Hạ lạp, có đạo hạnh, công đức với Đạo pháp và Dân tộc do Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn và tấn phong tại Hội nghị Trung ương Giáo hội và tại Đại hội Phật giáo toàn quốc, với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành.
 
(Giải thích: Bỏ chữ “được” vì nó mang hơi hướng của sự ban bố, xin cho)
 
CHƯƠNG X
TUYÊN DƯƠNG – CÔNG ĐỨC – KỶ LUẬT
 
Điều 47 : Đối với những Tăng Ni vi phạm về giới luật, tùy theo mức độ vi phạm ngành Tăng sự các cấp phối hợp cùng Ban Đại diện và Ban Trị sự căn cứ Luật Phật chế để xét xử và giải quyết. Trường hợp không giải quyết được, Ban Trị sự trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để giải quyết; nếu vẫn không được thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh xử lý theo Luật Đạo.  
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 47: Tăng Ni là thành viên do cấp cở sở Giáo hội quản lý, nếu vi phạm về giới luật, pháp luật, thì tùy theo mức độ vi phạm ngành Tăng sự các cấp phối hợp cùng Ban Đại diện và Ban Trị sự căn cứ Luật Phật chế để xét xử và giải quyết. Tăng Ni là thành viên của Ban Trị sự, Hội đồng Trị sự vi phạm về giới luật, pháp luật, tuỳ theo mức độ Ban Thường trực Hội đồng Trị sự căn cứ Luật Phật chế để xét xử và giải quyết. Trong trường hợp không giải quyết được những vi phạm của thành viên Ban Trị sự, Hội đồng Trị sự, thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cần đệ trình lên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh xử lý theo Luật Đạo.  
 
(Giải thích: Các thành viên thông thường thuộc cấp cơ sở của Giáo hội thì các cấp khác hoàn toàn có thể giải quyết. Không thể có chuyện “không giải quyết được” để đến nỗi phải đẩy hết trách nhiệm lên Hội đồng Chứng minh. Ghi rõ như vậy để BTS, HĐTS có ý thức trách nhiệm cao hơn trong trường hợp để xảy ra những vi phạm)
 
CHƯƠNG XI
TÀI CHÍNH – TÀI SẢN
 
Điều 49: Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có động sản, bất động sản hợp pháp:
a. Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp.
b. Do các thành viên Tăng Ni, Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp hiện hành.  
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 49: Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm động sản và bất động sản hợp pháp:
a. Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi, hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp.
b. Do các thành viên Tăng Ni, Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp.
Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là bất khả xâm phạm, được Giáo hội bảo hộ và quản lý.
 
(Giải thích: Tài sản của Giáo hội là công sức, xương máu của tiền nhân, tiên tổ để lại, không ai có quyền xâm phạm, làm tổn thương nó dưới mọi hình thức. Vì vậy, nên bỏ cụm từ “quản lý chung theo luật pháp hiện hành” vì đã là tài sản được tạo mãi và đóng góp tự nguyện một cách hợp pháp thì Giáo hội mặc nhiên “bảo hộ” và “quản lý” nó một cách hợp pháp. Thực tế, ở Hiến chương tu chỉnh lần trước tuy chỉ có khái niệm “bảo hộ”, chưa bổ sung khái niệm “quản lý”, nhưng cũng không chèo kéo thêm cụm từ “chung theo luật pháp hiện hành” một cách chung chung dễ bị suy diễn như vừa qua về tiền công đức).
 
CHƯƠNG XII
SỬA ĐỔI HIẾN CHƯƠNG
 
Điều 50 : Chỉ có Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có quyền sửa đổi Hiến chương này và phải được hai phần ba tổng số đại biểu Đại hội biểu quyết.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 50: Chỉ có Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc mới có quyền sửa đổi Hiến chương này và phải được hai phần ba số đại biểu trong Đại hội biểu quyết.
 
Điều 51 : Dự án sửa đổi Hiến chương do Hội đồng Trị sự đề nghị lên Đại hội Phật giáo toàn quốc biểu quyết thông qua.
 
Đề nghị sửa:
 
Điều 51: Dự án, kế hoạch sửa đổi Hiến chương sau khi đã hoàn thiện quá trình góp ý, tu chỉnh, Hội đồng Trị sự có trách nhiệm đề nghị lên Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc biểu quyết thông qua.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here