Trang chủ Phật học Giới thiệu về nghiệp: Bài 6: Thoát khỏi vô minh-Kết luận

Giới thiệu về nghiệp: Bài 6: Thoát khỏi vô minh-Kết luận

99
0

Khi chúng ta nhìn vào cơ cấu về cách những chủng tử nghiệp và tập khí chín muồi như thế nào, đặc biệt là các chủng tử nghiệp, thì tất cả đều liên quan đến thái độ của ta đối với niềm vui và nỗi buồn thăng trầm mà ta trãi qua.

Ở đây, ta có hai yếu tố tinh thần đồng hành đáng kể với những kinh nghiệm vui buồn. Yếu tố thứ nhất là “tham ái”. Khi kinh qua hạnh phúc, chúng ta khao khát – nghĩa là chúng ta có sự tham muốn rất mạnh mẽ – để không xa rời hạnh phúc. “Bạn đừng bỏ đi, hãy ở đây với tôi hoài, bạn có thể ở lại lâu hơn không” – đại loại là những điều như thế khi ta đang vui vẻ với người nào đó. Hay ta đang hưởng thụ và cảm thấy hạnh phúc với việc ăn bánh sô cô la, nên ta không muốn rời xa niềm vui ấy. Vì vậy nên ta tiếp tục ăn thêm, ăn nữa và nhiều hơn nữa, có phải không? Đó là tham ái. Rồi khi trãi qua bất hạnh, chúng ta muốn lánh xa nó càng nhanh càng tốt. Bên dưới cả hai điều này là yếu tố tinh thần thứ hai – một thái độ mạnh mẽ đồng hóa với cái “tôi”, một cái “tôi” vững chắc, với những gì ta đang trãi qua. Tôi phải có niềm vui này và bất cứ điều gì mang lại cho tôi hạnh phúc, hơn nữa và nhiều hơn nữa, và không tách rời khỏi nó. Tôi phải cách biệt với những gì tôi không thích. Tôi không thích những điều bạn đang nói, vì thế, tốt hơn hết là bạn hãy im đi, không thì tôi sẽ la hét với bạn.

Khi ta trãi qua sự buồn vui thăng trầm trong cuộc sống với niềm khát khao này và một sự đồng hóa mạnh mẽ về một cái “tôi” vững chắc với những gì đang xảy ra, điều mà sau rốt, căn cứ trên vô minh – việc này khiến cho tất cả các chủng tử nghiệp này chín muồi. Theo phương cách đó, chúng ta đang duy trì sự thăng trầm, lên xuống của niềm vui và nỗi buồn, lập đi lập lại tất cả những hành vi trước đây của mình, bởi vì đây là những gì chín muồi từ những chủng tử ấy. Điều thật đáng sợ là sự vô minh này có mặt trong mỗi thời khắc của niềm vui và nỗi buồn. Nó tạo tác thêm những khoảnh khắc hạnh phúc và khổ đau, và chúng cũng sẽ đồng hành với vô minh. Tâm vô minh mà chúng ta trãi nghiệm hiện nay là kết quả của tâm vô minh trong quá khứ, khi ta đã kinh qua hạnh phúc và buồn đau.

Vòng tuần hoàn tái diễn thiếu kiểm soát này, chu kỳ tự duy trì này, chính là điều mà Phật giáo gọi là “luân hồi” (“samsara”). Nếu ta có thể thoát khỏi sự vô minh này thì toàn bộ hệ thống của nghiệp sẽ tan rã và ta sẽ thoát khỏi luân hồi. Nếu ta thay thế vô minh bằng sự thấu hiểu đúng đắn – tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết điều này nghĩa là gì, mà chỉ nói về ý tưởng tổng quát – nếu chúng ta thay thế sự vô minh bằng sự thấu hiểu đúng đắn, thì sẽ không có cơ sở cho cái “tôi” vững chắc này – không căn cứ địa cho việc “tôi phải có điều này và không có điều kia.” Không có tham ái, vì thế không có sự khởi động của các khuynh hướng và tập khí này. Và nếu không có điều gì khởi động các yếu tố này, bạn không thể nói rằng bạn vẫn còn có những khuynh hướng và tập khí.

Tôi sẽ cố gắng cho một thí dụ. Nếu bạn có khuynh hướng thấy những con khủng long thì khi chúng bị tuyệt chủng, bạn sẽ không nhìn thấy chúng nữa khi đi trong rừng, có phải không? Trước kia đã có khuynh hướng này: khi đi trong rừng, tôi luôn luôn thấy khủng long. Bây giờ không còn khủng long, nên đã không còn khuynh hướng để thấy chúng nữa. Dùng thí dụ ấy, khi không còn gì để khiến cho một khuynh hướng chín muồi, đó là một con khủng long đi trước mặt bạn, khiến cho một khuynh hướng nhìn thấy con khủng long chín muồi, nếu không có gì để khởi động khuynh hướng đó, bạn sẽ không còn nó nữa. Và nếu các chủng tử nghiệp không chín nữa bởi vì không còn các chủng tử đó nữa, thì chúng ta không trãi qua sự thăng trầm của hạnh phúc và bất hạnh nữa, chắc chắn là ta sẽ không kinh nghiệm bất cứ sự vô minh nào đi kèm với nó nữa; điều đó cũng mất đi.

Đây là cách mà chúng ta thoát khỏi toàn bộ tình trạng luân hồi này. Ta không còn kinh qua sự bất toại nguyện, bất an, thăng trầm của vui buồn, thay vì vậy, ta có một kinh nghiệm rất vững chãi của một loại hạnh phúc rất khác biệt, một phẩm chất rất khác biệt – không phải là loại hạnh phúc lẫn lộn với vô minh, và không phải loại hạnh phúc “tôi đã thắng cuộc nên đây là phần thưởng của tôi.” Nó là niềm hạnh phúc mà chúng ta kinh nghiệm khi thoát khỏi một hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ một thí dụ đơn giản, tuy không phải là một thí dụ chính xác, cho sự tiếp cận với những gì mà điều này đề cập đến là niềm hạnh phúc mà ta cảm nhận khi ta cởi đôi giày chật ra vào cuối ngày – đó là một sự vui vẻ thoải mái vì ta đã thoát khỏi cái đau này.

Cũng như thế, điều mà ta sẽ kinh nghiệm với sự giải thoát là những hành động của ta không còn bị lèo lái vì sự thôi thúc cưỡng ép của nghiệp, khiến ta hành động theo một cách nào đó, kinh nghiệm những điều nào đó. Đúng hơn, nếu ta đang tu tập, vượt qua cả sự giải thoát, để trở thành một vị Phật thì yếo tố dẫn dắt hành động của ta sẽ là lòng bi mẫn – ước mong cho người khác thoát khổ và những nguyên nhân của nỗi khổ này.

Lời Kết Luận

Đây là một giải thích căn bản về một số nguyên tắc liên hệ đến nghiệp. Có rất nhiều, nhiều điều hơn nữa để ta có thể nói và giải thích. Một số vấn đề được giải thích bằng những nguyên tắc phổ biến, như loại hành động này đưa đến loại ảnh hưởng này, và nếu yếu tố này có mặt thì kết quả sẽ mạnh mẽ hơn, và nếu nó không có mặt – nếu tình cờ, bạn làm điều gì trái ngược với hành động có mục đích – ảnh hưởng sẽ khác biệt, và v.v…Có rất nhiều chi tiết về vấn đề này.

Cũng như thế, về mặt những gì sẽ chín trong hiện tại thì rất khó khái quát hóa bằng các nguyên tắc, bởi vì nó chịu ảnh hưởng của tất cả các yếu tố khác đang xảy ra chung quanh ta. Điều gì xảy ra cho ta hiện nay, chúng ta không chỉ khái quát hóa bằng các nguyên tắc chung chung, bởi vì những gì xảy ra trong hiện tại chịu ảnh hưởng của tất cả những yếu tố khác đang diễn ra. Hãy thử nghĩ nếu như bạn gặp tai nạn trên đường, điều gì đã khiến việc này xảy ra? Về phía những người khác, đó là nghiệp đã khiến họ đi trên con đường đó, cùng các điều kiện giao thông, thời tiết và điều kiện đường xá. Rất nhiều yếu tố đã tụ họp lại trong trường hợp này để tạo ra một tai nạn chín muồi trong hiện tại.

Nếu thích thú về đề tài này thì chúng ta sẽ có một không gian rộng lớn để khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của nó. Càng học hỏi về nghiệp, tôi nghĩ nó càng hữu ích cho việc vượt thắng sự khống chế của nghiệp, để ta không chỉ tự giải thoát mình ra khỏi nỗi khổ luân hồi, mà còn có thể hỗ trợ người khác tốt hơn.

A.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here