Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Gieo những hạt giống thiện lành vào mảnh đất tâm mình

Gieo những hạt giống thiện lành vào mảnh đất tâm mình

89
0

Dù bạn có là Phật tử hay không phải là Phật tử thì trong bạn cũng có từ, bi, hỷ, xả và cũng cần thực tập từ, bi, hỷ, xả (bốn tâm vô lượng) một cách thường xuyên đối với mình và người.

Thực tập bốn tâm vô lượng có nghĩa là thực tập cứu khổ, ban vui, hoan hỷ, tha thứ, không chấp, không giữ những phiền não… Tất nhiên, muốn làm được điều đó ta cũng cần phải hiểu về nhân quả, về những giá trị của đạo đức làm người và hạnh phúc. Ta sẽ bắt đầu bằng việc quán chiếu khổ đau để thấy rõ hạnh phúc do chính mình kiến tạo, theo định luật nhân quả.

Định luật ấy xác tín bằng việc ta sẽ gieo trồng những hạt giống vào mảnh đất tâm mình (bằng ý-ngữ-thân) và nó chắc chắn sẽ nẩy mầm, lên cây và ra hoa, kết trái. Ta sẽ thấy được hoa trái bằng biểu hiện trong tâm và ngoài tướng của mình với hình hài cụ thể là nụ cười hoặc nước mắt…

Định luật ấy vì thế công bằng đến từng chi tiết, được miêu tả trong kinh điển Phật giáo là nhỏ như hạt bụi, sợi tóc, cái lông…, không hề bị chi phối bởi bất cứ thần quyền nào cả. Nó biểu hiện tùy theo duyên hiện tại, và được thọ nhận một cách cụ thể qua sự hiểu biết về nghiệp, về nhân-quả của ta.

Cụ thể, cũng đồng là thọ quả báo xấu (bệnh) mà có người thì sẽ chữa khỏi (do biết quay đầu sám hối, làm lành, lánh dữ) hoặc dù không khỏi nhưng hiểu rõ rằng tất cả những khổ đau đang biểu hiện nơi thân mình là do mình đã từng tạo tác nhân xấu nên chấp nhận một cách hoan hỷ (không trách trời, trách người, không than van…) nên nhìn họ đau mà không khổ, chết chóc mà không thảm sầu, bi lụy.

Người làm được vậy, biểu hiện được như thế là đã “cứu” được khổ cho chính mình (tâm không thọ khổ dù thân thọ đau), và ban vui được cho người (tạo ra niềm tin, xốc dậy nơi trái tim con người sự mạnh mẽ đối mặt với mọi đau khổ, ngay cả với cái chết). Và đó cũng chính là niềm vui hiến tặng cho những ai đang quá lo lắng, sầu khổ với tật bệnh, chết chóc… vốn là lẽ đương nhiên của con người (thân hợp thành bởi tứ đại: đất, nước, gió, lửa – nên có lúc không điều hòa sẽ bệnh đau, hoại diệt)…

Điều đó có nghĩa là, nếu bốn tâm vô lượng trong ta đủ lớn thì dù trong hoàn cảnh nào ta cũng có thể thuyết được một bài pháp hay, hiến tặng được bằng an cho người khác một cách mầu nhiệm bằng thân giáo, không phải chỉ bằng con chữ hay lời nói gió bay!

(Facebook Lưu Đình Long)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here