Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Giáo lý Phật giáo là bệ đỡ tinh thần cho nhân loại

Giáo lý Phật giáo là bệ đỡ tinh thần cho nhân loại

93
0

Trong không gian yên ả, thanh bình đến kỳ lạ của khuôn viên chùa Bà Đá- trụ sở Thành hội Phật giáo Hà Nội – mặc dù nơi này chỉ cách khu phố trung tâm nhất của Hà Nội vài chục bước chân, Đại đức Thích Minh Trí – Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chánh thư ký Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, thành viên Tiểu ban Trang trí Ban điều phối Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008, đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở với phóng viên Đại đoàn kết trước ngày diễn ra sự kiện quan trọng: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008


Tâm trạng phấn chấn của tôi cũng giống mọi tăng ni, phật tử


PV: Thưa thầy, tâm trạng của thầy lúc này, trước một sự kiện: Đại lễ Phật đản lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc tế tại Việt Nam?


– Sự phấn chấn của bản thân tôi chắc chắn cũng giống như các tăng ni, phật tử khác ở Việt Nam. Nhà nước cùng Giáo hội đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản tại Việt Nam là niềm vinh hạnh cho toàn thể tăng ni, phật tử. Vesak còn là niềm may mắn cho nhân loại vì những nền tảng đạo đức của đạo Phật đã được thế giới công nhận và phù hợp cho thời kỳ hiện đại của chúng ta khi mà toàn thế giới bắt đầu phải suy xét đến những vấn đề về môi trường, sinh thái, đạo đức đối với từng quốc gia nói riêng và đối với toàn thế giới nói chung. Tôi tin tưởng rằng giáo lý của Phật giáo sẽ là bệ đỡ tinh thần cho nhân loại


* Theo thầy, điều gì khiến Phật giáo đã có sức lan tỏa tới nhiều quốc gia trên thế giới và trải qua 2500 năm, đạo Phật đã có tới 500 triệu phật tử?


–  –  Đây chính là biểu hiện của sự bình đẳng. Trong tất cả các vị giáo chủ thì Đức Phật là người bình đẳng nhất. Cái vĩ đại thứ 3 của Đạo Phật là sự tự do. Đối với những người theo đạo Phật trong một gia đình có thể vợ theo, chồng không theo, hoặc con cái không theo, điều đó không quan trọng, mà đều bắt nguồn ở từ tâm. Bởi vậy cho nên đối với Đạo Phật theo là sự tự nguyện chứ không bắt ép. Vì thế Đạo Phật là một tôn giáo tự do nhất. Giáo lý rất cơ bản của Đạo Phật là Tứ đế, tứ thánh đế, thập nhị nhân duyên…Đây là một hệ thống giáo lý rất sâu sắc mà Đức Phật đã giác ngộ được có thể tóm tắt bằng cặp từ: từ bi và trí tuệ. Chính với mục đích cao cả này mà Phật giáo từ khi Đức Phật thành đạo thì tư tưởng của Ngài đã được lan truyền không những chỉ ở Ấn Độ mà ra các quốc gia. Người dân Việt Nam cũng rất là vinh hạnh đón nhận được giáo lý của Đạo Phật. Và có những thời gian Phật giáo đã được coi là quốc đạo như thời Lý Trần.


Lộ trình để đạt tới giác ngộ không bao giờ thay đổi


* Nhưng trong bối cảnh xã hội ngày nay đang rất phát triển, không hiểu Phật giáo liệu có biến đổi theo cùng thời đại không? Thưa thầy!


– Phật giáo chia làm 2 phần là phần xã hội và phần tâm linh. Ngôn ngữ Phật giáo gọi là thế gian pháp và xuất thế gian pháp. Pháp thế gian thì có thay đổi. Tư tưởng của Phật giáo luôn luôn thay đổi theo thời đại để cho phù hợp với căn cơ (tức là trình độ của chúng sinh) và đây cũng chính là đường lối giáo hóa của Đức Phật: Tùy thời (tùy từng thời gian khác nhau, tùy từng địa điểm khác nhau, tùy từng trình độ khác nhau) mà chúng ta giáo hóa khác nhau. Đó chính là pháp thế gian. Còn pháp xuất thế gian từ hồi Đức Phật cho đến giờ vẫn không thay đổi. Pháp xuất thế gian chính là lộ trình để đạt tới giác ngộ.


* Thưa thầy, nhưng rõ ràng hình như xưa kia các bậc xuất gia đã đề cao sự khổ hạnh để đạt tới sự giải thoát?


– Vấn đề tu khổ hạnh hay không khổ hạnh tùy từng người, tùy từng điều kiện còn thực chất ai cũng phải có thời gian chuyên tu bởi vì nếu chưa đạt được Phật lực, nội lực chưa đủ mà đi làm công việc nọ công việc kia thì dễ bị lôi kéo. Cho nên người tu hành ngoài việc tham gia công việc xã hội vẫn phải có những thời gian nhất định để chuyên tu, thứ 2 là tham gia việc xã hội cũng không phải là vì thế mà tuỳ tiện không giữ Giới.


* Trong lịch sử nước nhà, ở vào những thời kỳ mà Phật giáo được coi là quốc giáo, đóng góp của các nhà sư là rất lớn trong những công việc đại sự của quốc gia. Ngày nay, các bậc tu hành cũng không lánh việc đời, thưa thầy?


– Đối với Phật giáo từ xưa đến nay, tăng ni đều tham gia rất nỗ lực vào các công việc xã hội bằng nhiều hình thức như từ thiện, nhân đạo….Đó có thể hiểu là những công việc xã hội, còn Phật giáo chỉ tham gia chính trị chứ không làm chính trị. Tham gia là các tăng ni cũng đóng góp phần nào đó vào những cuộc vận động của chính quyền. Phật giáo tham gia để nói lên tiếng nói của mình, nói lên cái nhu cầu của tăng ni phật tử, đề xuất với nhà nước có những chính sách phù hợp. Phật giáo cũng nằm trong khối đại đoàn kết dân tộc. Kể cả xưa kia các thiền sư được coi như những bậc quốc sư cũng chỉ là cố vấn chứ các ngài không tham gia triều chính.


Không thánh thần nào ban phát được hạnh phúc


* Thưa thầy! Có một vấn đề rất tế nhị là thế này: Không thể phủ nhận nhiều năm nay, chùa chiền ở khắp nơi đã khang trang lên rất nhiều nhờ sự chung tay của phật tử. Nhưng trong số những đồng tiền cúng vào chùa có không ít trường hợp là nhờ tham nhũng, trộm cắp, buôn lậu…Liệu cái quan niệm rất thực dụng ngày nay rằng cứ cúng nhiều tiền vào chùa là có thể giải thoát được mọi tội lỗi có đúng không?


– Nhà chùa không có trách nhiệm đi điều tra xem đồng tiền cúng vào chùa có nguồn gốc thế nào. Điều quan trọng nhất là người ta cúng một đồng tiền vào chùa có thành tâm hay không. Nếu một đồng tiền là do sức lao động của họ thì rất quý. Nhưng nếu những đồng tiền đó có thể không được minh bạch lắm nhưng khi họ đã cúng vào chùa thì đó cũng là một biểu hiện rất đáng mừng vì có thể trong điều xấu của họ cái tính thiện vẫn còn trỗi dậy trong tâm họ.


Việc có tội thì phải chịu tội, đó là luật nhân quả. Còn việc cúng vào chùa là để hưởng cái phúc về sau.


* Thầy có nói đến những vấn nạn toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt. Mặt khác, con người ngày nay vẫn không ngừng tự làm khổ nhau bằng sự ghen ghét đố kị. Đứng ở góc độ triết lý của Phật giáo, thầy có lời khuyên thế nào cho mọi người trong cuộc mải mê đi tìm hạnh phúc vốn rất mong manh?


– Để định nghĩa hạnh phúc rất khó. Nhưng chúng ta đi tìm hạnh phúc không gì bằng quay trở về với chính nội tâm của chúng ta. Bởi vì hạnh phúc và đau khổ không có một bậc thần thánh nào ban phát hay xử phạt mà hạnh phúc và đau khổ đều do tâm của chúng ta. Cho nên chúng ta muốn tìm hạnh phúc thì không gì bằng chúng ta quay trở về với nội tâm của chúng ta, sống với chính chúng ta. Còn phương pháp theo tôi, chúng ta muốn đạt được hạnh phúc càng nhiều thì tâm chúng ta càng phải mở rộng nhiều bấy nhiêu. Tâm chúng ta cũng như là cánh cửa, khi chúng ta càng mở rộng trái tim của chúng ta đến với mọi người thì chúng ta càng đón nhận được những luồng gió tốt đẹp.


* Trân trọng cảm ơn Đại đức Thích Minh Trí!




  • Cẩm Thúy (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here