Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ GIÁO LÝ CỦA ĐẠO PHẬT DÀNH CHO NGƯỜI TRẺ

GIÁO LÝ CỦA ĐẠO PHẬT DÀNH CHO NGƯỜI TRẺ

303
0

Vậy khả năng giác ngộ không chỉ dành cho người già hay người giỏi. Sự giác ngộ vĩ đại dưới cội bồ đề của Đức Phật chỉ là sự viên mãn của tâm thức giác ngộ, mà thái tử Tất Đạt Đa đã có định hướng từ thời niên thiếu (7 tuổi). Đức Phật thành đạo, vẫn còn rất trẻ đến nỗi các giáo chủ, trí thức đương thời phải hoài nghi rằng: “Ngài còn quá trẻ làm sao giác ngộ được?”. Phật dạy: “Giác ngộ không nằm ở tuổi tác mà ở sự tinh cần tu tập“(Kinh Trung Bộ).

Đệ tử của Ngài, ngoài năm anh em Kiều Trần Như là những người cao tuổi và có mối quan hệ đặc biệt với Đức Phật, thì người thanh niên đầu tiên được Đức Phật hóa độ là chàng thanh niên giàu có Yasa. Đức Phật đã dạy cho Yasa đạo lý: “Đời có những mặt khổ đau và cũng có những mặt mầu nhiệm. Dục lạc lôi cuốn thì đau khổ, không bị dục lạc lôi cuốn thì thân tâm an ổn và tiếp nhận được thế giới chân thực chứ không phải ảo ảnh như thế giới của dục lạc. Khổ đau không phải là bản chất của đời sống, khổ đau là do thái độ sống và cách nhìn sai lạc về cuộc đời”. Yasa cảm động xin xuất gia, những người bạn thân của Yasa nghe Yasa đi tu họ cũng xuất gia, đều là những chàng trai trẻ tuổi từ 20 đến 30, khoảng 54 vị. Như vậy, 60 người là con số giáo đoàn đầu tiên ở vườn Lộc Uyển, gồm 55 người là trẻ tuổi. Nhưng vị Tỳ kheo giác ngộ trẻ ấy, bắt đầu chuyển bánh xe Pháp, với sức khỏe và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã thành công trong việc mở rộng ánh đạo Trí tuệ và Từ bi.

Điều đó vô cùng trái ngược nếu ai đó bảo rằng đạo Phật là bi quan, yếm thế, chán đời,…Đạo Phật càng không phải là một “viện dưỡng lão” chỉ dành cho những ai không còn sức đấu tranh vật lộn với đời, khô khan nhựa sống mới tìm đến gởi gắm nương nhờ tấm thân “về chiều” nơi cửa Phật như câu nói “trẻ vui nhà, già vui chùa” thì quả là một sự hiểu lầm đáng tiếc! Không biết rằng đạo Phật là hiện thân của sự Giác ngộ và Trí tuệ.

Tuổi trẻ – mùa xuân của đời người: Thể lực và sức khỏe sung mãn; thể xác và tâm hồn luôn rạo rực cháy bổng với những nhu cầu hết sức tự nhiên của con người. Như vậy, chúng ta thấy: Sự giác ngộ nhanh chóng, mạnh mẽ phải ở thanh niên. Những hoạt động giáo dục truyền bá tinh thần chân lý mạnh mẽ và hiệu quả cũng phải ở nơi tuổi trẻ. Và giáo lý Phật dạy rất phù hợp với tuổi trẻ. Tuổi trẻ có thể thực hành giáo lý của Phật để xây dựng bản thân, gia đình và xã hội. Vì người trẻ tuổi có trái tim đầy nhiệt huyết, một trái tim phụng sự hết mình cho lý tưởng nhân loại cao đẹp. Tha thiết tầm cầu học đạo trên tinh thần “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Tất cả điều kiện thuận duyên đó, tạo nên những tiền đề buổi ban đầu hết sức tốt đẹp giúp hoàn thiện phẩm hạnh và đạt được những giá trị tuyệt đối đích thực cho cuộc đời người. 

Song, với xu hướng phát triển về tất cả mọi phương diện đến “chóng mặt” của thời đại đã phần nào làm xói mòn đi lý tưởng cao đẹp buổi ban đầu của một bộ phận người trẻ tuổi. Chúng ta không mang tâm đùng đẩy trách nhiệm xã hội. Nhưng phải xác định rằng, quá trình xã hội hóa ngày càng cao, chất lượng cuộc sống ngày càng tiện nghi hiện đại chính là những sự cám dỗ có ma lực hấp dẫn thật cao, có thể đánh gục bất cứ ai không giữ vững lập trường chí nguyện của mình.

Một sự nguy hại vô cùng, nếu để cái sơ tâm thiện buổi ban đầu bị thoái hóa. Phải luôn sống tĩnh thức và nghiêm khắc với chính mình, đừng bao giờ quá dễ dãi và “vô tư” đối với chính bản thân để mặc nhiên chịu sự chi phối của những dục vọng thấp hèn, để rồi một đời lẩn quẩn mãi trong dòng xoáy của quỹ đạo “lục dục thất tình” oan uổng. Như chúng ta đều biết, một cuộc sống không xác định được mục đích, phương hướng, lý tưởng để tôn thờ và trung thành thì có khác chi một “đời sống thực vật”? Tuy rằng, họ vẫn còn hằng hữu, còn sinh hoạt nói cười…nhưng thật ra họ đã “chết” từ lâu. “Chết chưa được chôn!”. Vì chính năng lượng Bồ đề tâm hao hụt của họ không đủ năng lực cứu lấy một “linh hồn phẩm hạnh” quá vãng!.

Đạo Phật đã làm gì để giúp giải quyết các vấn nạn này? Đạo Phật luôn chú trọng giáo hóa con người trẻ tuổi. Vì con đường thực nghiệm tâm linh luôn có sự nhiệt tình, nhạy bén và ý chí mạnh mẽ. Tuổi trẻ có thể đáp ứng các yêu cầu ấy. Vấn đề là cần có chính sách vĩ mô, qua đó tổ chức tập hợp thanh niên Phật tử ở cơ sở; xây dựng chương trình giáo dục thích hợp với tâm lý và nhu cầu của thanh niên. Để những thanh niên ưu tú xứng đáng là Trưởng tử của Như Lai, người con đắc lực của Giáo hội ta cần phải vun trồng trong tâm thanh niên cách sống có lý tưởng, có mục đích, có dũng mãnh – tinh tấn và trí tuệ.

Đã sinh ra trong biển Phật pháp,
Phải góp công gì với chúng sanh.

Đúng vậy! Hãy thật sự sống đúng nghĩa lý tưởng. Đừng bao giờ dùng mục đích cứu cánh để biện minh phương tiện. Thà đốt một que diêm còn hơn đồng tình thỏa thuận với bóng đêm. Lý tưởng của tuổi trẻ là phải dấn thân, phải phục vụ hết mình xả thân vì Đạo pháp. “Đừng hỏi Đạo pháp làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm được gì cho Đạo pháp”. Hãy thổi kèn Chánh pháp; đánh trống Từ bi; khêu đèn Trí tuệ và treo cao ngọn cờ Giải thoát để một ngày mai trên khắp tất cả mọi nẻo đường hoàn vũ – nơi nào cũng in bóng dấu chân người con Phật.
Chương trình giáo dục thanh niên Phật tử cần định hướng mục đích: tạo môi trường, điều kiện cho thanh thiếu niên Phật tử tu dưỡng đạo đức, nâng cao nhận thức về bản chất và giá trị của đời sống, rèn luyện bản thân để có khả năng xây dựng đời sống hạnh phúc, thông qua lý tưởng của một người Phật tử trên cơ sở bốn phạm trù mà Phật dạy cho người Phật tử trong kinh Tăng Chi:

1. Xây dựng lý tưởng hướng thượng, củng cố niềm tin vào giá trị đạo đức, giải thoát qua nhân cách của Phật, Phật pháp và cộng đồng Tăng chúng.

2. Thiết lập nguyên tắc sống với năm giới, mười giới. Qua đó, giáo dục ứng xử chuẩn mực nơi hành vi và ngôn ngữ, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần, tâm lý đạo đức.

3. Xây dựng các mối quan hệ hài hòa như quan hệ giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, thầy tổ, chủ tớ, tập thể, xã hội, quốc gia, nhân loại, thiên nhiên… nói chung là để có khả năng sống hài hòa với con người và thế giới chung quanh.

4. Phát triển trí tuệ, khả năng tự tri để vượt qua chi phối bản năng: tham, sân, lười biếng, manh động, hoài nghi. Thiết lập một tâm hồn ổn định, trầm tỉnh, tự chủ và sáng suốt (Kinh Tăng Chi, chương 4 pháp).

Hãy quan tâm giáo dục để thanh niên có phẩm chất tốt, có lý tưởng sống đẹp, có ý thức về giá trị văn hóa truyền thống và có khả năng xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc. Hãy giúp cho thanh niên thấy được giá trị của chính mình và cống hiến giá trị ấy cho đời. Đó là cách làm cho nguyên khí của quốc gia hưng thịnh. Đó cũng là một cách làm có ý nghĩa “Hộ quốc an dân”. 

                                            TK. Thích Đức Trường-nguồn: ngoinhaphatphap.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here