Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đọc “Thấy Phật”: Một thế giới tươi đẹp, nhẹ nhõm và an...

Đọc “Thấy Phật”: Một thế giới tươi đẹp, nhẹ nhõm và an lành

157
0

Lời BBT: "Thấy Phật", tản văn của tác giả Cao Huy Thuần do Nxb Tri Thức ấn hành trong mùa Phật Đản vừa qua đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Báo chí giới thiệu về "Thấy Phật" đã nhiều, ở đây  website Liễu Quán xin giới thiệu lại một bài viết trên tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ ở một thành phố được xem là thủ phủ của miền Tây, Tây đô: Cần Thơ. Ý nghĩ của sự giới thiệu này cũng ở đó, ở những đặc điểm văn hóa của vùng đất này.

“Thấy Phật” là tập tản văn của tác giả Cao Huy Thuần – hiện là giáo sư đại học tại Pháp, thường tham gia giảng dạy tại Học viện Phật giáo quốc gia ở Huế (NXB Tri Thức phối hợp cùng Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành quý II-2009). Tập sách không đặt ra những vấn đề cao xa, nhưng hướng nhân sinh quan của con người đến Chân – Thiện – Mỹ một cách nhẹ nhàng và sâu lắng.

 
“Thấy Phật cũng chỉ bình thường vậy thôi. Không phải ở trên ngôi sao kia, mà ở ngay trong lòng. Ra đời cách đây 2.546 năm, đức Phật vẫn còn ở quanh ta để luôn luôn nói với ta tiếng nói từ trong tâm, rằng: Ta sinh ra làm người, và từ người, chứ không từ đâu khác” (trang 74) – đoạn kết của bài tản văn “Thấy Phật” (được dùng làm tựa cho cả tập sách) cũng là tinh thần chung của gần 350 trang viết với 32 câu chuyện.

Đọc “Thấy Phật”, độc giả như thấy ánh sáng soi rọi tâm hồn cùng sự an lành và hạnh phúc trong tâm. Giác ngộ Chân – Thiện – Mỹ không phải là hành trình quá vất vả – nếu như mỗi người đều biết hóa giải tham, sân, si và thù hận theo cách gần gũi với mình nhất. Tác giả chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: “Trong khi cơn giận đang kéo mình đi, nghĩ đến bất cứ một cái gì khác để cắt đứt nó. Một hình ảnh đẹp. Một người thân. Một câu thơ. Một câu kinh. Nghĩ đến thôi, không cần đọc, nghĩ chớp một cái, rồi nếu bám theo được một chữ thì cố bám. Câu kinh nằm lòng của tôi là: Chận được cơn giận, khi đang bùng lên, như thể hãm được, xe chạy có đà, thì người như vậy, Như Lai gọi là, người lái xe giỏi, còn những người khác, chỉ cầm cương hờ” (trang 134). Với một phong cách thể hiện dễ hiểu, dung dị, suốt gần 350 trang sách như ẩn chứa kiến thức và triết lý uyên thâm của một trí thức. Chẳng hạn như câu chuyện về chữ “Nhẫn” làm quà tặng cho cô cháu gái nhân ngày cô lên xe hoa. Nhẫn ở đây không là chuyện để đó chờ ngày phục thù như Hàn Tín hay Việt Vương Câu Tiễn trong truyện Tàu, mà là: “Đừng nghĩ rằng nhẫn là nhịn nhục. Giữa hai người thương nhau không có cái chuyện nhục. Giữa hai người thương nhau cũng không có cái chuyện chịu đựng. Nhẫn là trái ngược với tiêu cực, với thụ động. Đang giận mà ngưng giận: không có gì tích cực hơn. Đang tự ái mà dẹp tự ái: không có gì dũng cảm hơn. Nhẫn là chiến thắng” (trang 281). Tác giả khiến người đọc hoàn toàn bị cuốn hút vào những câu chuyện vừa gần với “đời”, vừa chở “đạo”, lại vừa thấm đẫm tinh thần dân tộc.

Để trả lời câu hỏi của con gái về chữ “Trinh” trong văn hóa dân tộc, tác giả mượn câu Kiều nói với Kim Trọng sau 15 năm lưu lạc chốn thanh lâu: “Chữ trinh còn một chút này” và cảm thán: “Chưa ai định nghĩa chữ trinh như thế! Tuyệt vời! Cao ngất! Và một chút ấy nằm ở đâu? Ở trong đầu!… Là vậy, Nguyễn Du của dân tộc ta vô cùng phóng khoáng, phóng khoáng mà không để mất cái gốc. Cái gốc ở đây là nhìn nhận một giá trị. Giá trị ấy, đại thi hào của ta trân quý, nhưng không hiểu nó với cái đầu chật hẹp của luân lý thống trị” (trang 56). Còn có nỗi niềm nhớ quê hương của một người sống xa Tổ quốc vào thời khắc giao thừa được tác giả viết thành những câu chữ thấm thía: “Sáu giờ chiều mùa đông ở Pháp là mười hai giờ khuya ở quê hương tôi. Sáu giờ chiều là giao thừa giả. Nhưng đố ai dám gọi giao thừa của chúng tôi là giao thừa Việt kiều. Trong thiêng liêng của hương trầm và chuông mõ, trong thành kính của những đứa con ruột thịt ở xa, tất cả những gì buộc nó không phải là Việt Nam, chiến tranh, cơm áo, ngờ vực, thù hận, tất cả mọi thế lực và luật pháp trên thế gian này, tất cả chiến thuật, toan tính, tất cả đều là giả dối với nó, chỉ có một cái là luật thôi: Nó là Việt Nam” (trang 17).

“Thấy Phật” còn khiến người đọc mỉm cười với những câu chuyện ngụ ngôn hài hước và thâm thúy như “Chuyện con lừa”, “Nhìn lên”, “Con dê và cái ghế”, “Bài học đầu tiên”, “Con trâu và chú Tư”… Độc giả cảm thấy thấm thía chuyện con lừa được sinh ra vốn vô tư lự, nên cũng chẳng sợ chúa sơn lâm là sư tử; nhưng sau khi bị cáo giảo hoạt làm cho nó biết nhiều thứ, lừa không còn vô tư nữa: vừa nhìn thấy sư tử đã co giò chạy thẳng như những con thú khác!

“Thấy Phật” mở ra cho người đọc một thế giới mà ở đó, cuộc sống tươi đẹp, nhẹ nhõm và an lành.

Theo Báo Cần Thơ
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here