Trang chủ Phật học Đọc kinh 42 bài

Đọc kinh 42 bài

178
0

Kinh "Kinh Bốn Mươi Hai Bài" là dịch từ chữ Hán "Tứ Thập Nhị Chương kinh". Kinh này có nhiều bản chữ Hán. Bản lưu hành cho đến gần đây, theo sự ước đoán của Hòa thượng Trí Quang, căn cứ trên văn ngữ và văn phong, chắc ra đời sớm nhất vào khoảng đầu Tống. Hòa thượng tìm ra được bản xưa hơn, có lẽ là xưa nhất, mà Hòa thượng ước đoán đã có mặt từ thời hậu Hán hoặc Tam Quốc. So sánh hai văn bản, Hòa thượng rút ra nhiều nhận xét lý thú. Tôi học theo Hòa thượng để triển khai ba vấn đề mà tôi sẽ trình bày:

       1. Nội dung rất nguyên thủy của "Kinh Bốn Mươi Hai Bài";
       2. Vài nét đại thừa trong văn bản xưa;
       3. Những thêm thắt của ngữ ngôn Thiền trong bản mới.

I . Nội dung rất "Nguyên thủy"

"Kinh Bốn Mươi Hai Bài", như tôi vừa nói, được Trung Quốc dịch rất sớm, thời Hậu Hán. Có nơi còn ghi rằng "Kinh Bốn Mươi Hai Bài" là kinh đầu tiên ở Trung Hoa. Ðây là bốn mươi hai bài kinh ngắn, rất ngắn, rút ra từ các kinh lớn, chủ yếu là để huấn dụ các vị xuất gia. Tuy vậy, giới tại gia đọc kinh vẫn thấy lợi ích, mỗi ngày đọc một bài thì thấy ngày đó thơm. Ðó là cảm giác của tôi.

Kinh điển Phật giáo, như ai cũng biết, vô cùng rộng, vô cùng sâu. Trong biển kinh tạng mênh mông đó, làm sao rút ra 42 lời huấn dụ, vừa ngắn, gọn, dễ hiểu, vừa chứa đựng tinh túy của giáo lý? Chuyện khó đầu tiên của mọi việc trích tuyển là lựa chọn. Ở đây, sự lựa chọn không phải chỉ khó vì kinh điển mênh mông, mà còn khó vì trường phái trăm hoa đua nở.

Người tuyển chọn đã lấy một quyết định rõ rệt: Nhìn cây từ gốc, và gốc đó hiển nhiên là lý thuyết tứ diệu đế. Tứ diệu đế xuyên suốt quyển kinh, một cách nhất quán, từ đầu đến cuối.

Ngay từ bài đầu tiên: "Phật nói, từ biệt cha mẹ, xuất gia hành đạo, nên gọi là Sa môn. Thường giữ 250 giới, làm theo tứ đế, bước tới thanh tịnh, thành A-la-hán."

Ngay từ câu đầu tiên, và chỉ một câu đó thôi, lý tưởng tu hành của nguyên thủy đã được xác nhận trong bốn từ ngữ: tứ đế, giới, bước tới, A-la-hán.

Tứ đế , ai cũng biết: khổ, tập, diệt, đạo (khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ).

Giới: Sự tu dưỡng. Giới thường đi với Ðịnh và Tuệ. Trong quyển kinh này, tôi không thấy nói tới Ðịnh và Tuệ một cách khẩn thiết, mà chỉ thấy nhấn mạnh dai dẳng đến Giới. Có thể vì đây là quyển kinh dành cho các vị xuất gia. Cũng có thể vì ảnh hưởng Phật giáo Nguyên thủy.

Bước tới: Tâm chí bước tới. Quyển kinh nhấn mạnh đến hạnh tinh tấn mà tôi sẽ nói nhiều sau đây.

A-la-hán: Ngay từ câu đầu, quyển kinh đã xác nhận rằng lý tưởng của người tu hành là A-la-hán, nghĩa là lý tưởng của Phật giáo nguyên thủy. Phật cũng chỉ là một A-la-hán. Ðây là điểm mà Ðại thừa bác, là đầu mối của sự phát triển lý thuyết Ðại thừa.

Từ bài 2 trở đi, hầu như tất cả đều nói tới Giới, nghĩa là con đường đưa đến diệt khổ. Chịu khó phân chia tỉ mỉ và gượng ép, tôi thấy các vấn đề sau đây được đề ra:

    – Vô ngã: 1 bài
    – Vô thường: 2 bài
    – Thiện ác: 4 bài
    – Sám hối: 1 bài
    – Bố thí: 2 bài
    – Tinh tấn: ít nhất cũng 7 bài.

Ðề mục được nói nhiều nhất, như chỉ luồn kim từ bài đầu đến bài cuối, là ái dục. Quyển kinh, vì vậy rất nhất quán. Ðây là một lời khuyến cáo, nhắn nhủ khẩn thiết và ân cần: Muốn tu hành được , muốn đắc đạo , phải bỏ ái dục tận gốc.

Tôi lựa chọn một số bài để đọc ra đây, lần lượt theo thứ tự các đề mục vừa trình bày ở trên.

1. Vô ngã: Trong bài 18, và chỉ một bài thôi.

"Phật nói, một cách chín chắn và thuần thục, hãy tự nghĩ nhớ, trong cơ thể, bốn đại đều có tên riêng, không có cái ngã ký sinh ở đó. Ký sinh ở đó đi nữa thì cũng không vĩnh cửu, sự việc chỉ như ảo thuật mà thôi ".

Tứ đại, hiểu một cách thông thường, là đất, nước, gió, lửa, bốn nguyên tố tạo thành cái mà tôi gọi là Tôi. Một trong bốn nguyên tố đó bất thần đình công thì cái mà tôi gọi là Tôi đó chẳng còn thấy đâu nữa. Như đi coi hát xiệc.

2. Vô thường: Ðược nói trong hai bài 16 và 37. Tôi chỉ đọc bài 16:

"Phật nói, nhìn trời đất hãy nhớ vô thường, nhìn núi sông hãy nhớ vô thường, nhìn vạn hữu hình thái phong phú hãy nhớ vô thường. Giữ tâm trí như vậy thì đắc đạo mau chóng".

Bài 37, không cần đọc, ai cũng biết. Phật hỏi một vị Sa môn: Sinh mạng con người tồn tại trong bao lâu. Vị đó nói: "Trong vài ngày", tưởng như vậy là thuộc bài, không ngờ bị Phật chê. Vị thứ hai , láu lỉnh hơn, hạ xuống còn "một bữa ăn". Phật chê. Vị thứ ba sáng tạo tài tình: Sinh mạng con người không dài hơn một hơi thở. Thở ra, rồi không thở vào nữa: Thế là xong một kiếp người! Phật khen: "Hay thay, ông đáng được gọi là người hành đạo".

Tôi nghĩ: Vấn đề không phải là nói cho hay, cho bóng bẩy, vấn đề là nói cho thật. "Vài ngày" là không thật. "Một bữa ăn" là không thật. Trong chúng ta đây, ai cũng lẫm liệt ba bốn mươi năm trở lên. "Một hơi thở" là thật, không có gì thật hơn. Nói "một bữa ăn" hay "vài ngày" là còn thấy cái khối xương thịt này quá to, còn thấy mình quá vĩ đại. Hãy thử đặt con người trong cái vũ trụ vô cùng, trong thời gian vô tận thì nó là cái gì nếu không phải chưa được là hạt bụi? Saint Exupery vẽ một hình ảnh dộc đáo: Ông cho chú bé hoàng tử của ông lạc bước trên một hành tinh, nơi đó chỉ có độc nhất một người ở, và người đó làm mỗi công việc duy nhất là thắp cây đèn duy nhất ngoài đường. Hành tinh xoay một cái là sáng, xoay một cái là tối, vừa sáng vừa tối, cho nên người thắp đèn vừa mới thắp đèn là đã phải tắt đèn, vừa mới tắt đèn là đã phải thắp đèn, thắp, tắt, tắt, thắp liên tục. Sinh mạng con người cũng chỉ thế thôi: Vừa thắp đã tắt.

3. Thiện ác: Ba bài liên tiếp: 3, 5, 6. Bài 3 nói đến mười sự ác, bỏ mười sự ác đó thì được mười sự lành. Ba sự ác do thân mà ra: Sát sanh, trộm cướp, dâm dục. Bốn sự ác do miệng: Ly gián, mắng chửi, dối trá, thêu dệt. Ba sự ác do ý: Ganh ghét, tức giận, u mê. Mười sự tạo nên nghiệp. Tránh được mười sự đó thì "chắc chắn đắc đạo". Phật nói thế. Nhưng Phật tha cho chúng ta năm sự, chỉ buộc người tại gia chúng ta giữ ngũ giới thôi: Không sát sinh, không trộm cướp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu .

Trong chúng ta, chắc chẳng có ai sát sinh, nhưng các sự kia thì tôi không biết. Ngoài ra, có một thứ trộm cướp đang làm chúa tể hiện nay: Tham nhũng. Tham nhũng là trộm cướp, hãy nói thẳng như vậy. Ðại Trí Ðộ Luận định nghĩa trộm cướp là "không cho mà lấy"(2). Trong mánh mung tham nhũng, không bao giờ có sự "cho". "Có ba trăm lạng việc này mới xong" là không có cho, chỉ có lấy. Và lấy như vậy, tức là cướp mạng người, tức là sát sinh, Ðại Trí Ðộ luận nói rõ như vậy. Tôi trích:

"Mạng sống có hai: Trong và ngoài. Nếu cướp tài vật, ấy là cướp mạng ngoài, như kệ nói:

    Hết thảy các chúng sanh
    Lãy áo cơm nuôi sống
    Hoặc cướp hoặc trộm lắy
    Ấy gọi là cướp mạng" (3).

Ông (bà) tham nhũng, ấy là ông (bà) đang giết người. Ðố ông (bà) chạy thoát cho được. Phật nói trong bài 5: Hét lên một tiếng thì y như có tiếng vang dội theo; đi ra mặt trời thì y như có bóng mình đi theo với mình. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Sống ở đời mà chỉ ăn đô-la thì chết xuống âm phủ Diêm vương nó chẳng cho cơm mà nhai đâu, chỉ bắt nhai tiền.

Nhưng đó là Diêm vương. Phật thì không cho vậy: Ai cho ác, Phật trả lại lành:

"Có người nghe phong cách của Như Lai là giữ đại nhân từ, ác đến thì trả lành, nên đến mắng Như Lai. Như Lai yên lặng, không trả lời, thương họ làm thế là vì si cuồng. Mắng rồi, Như Lai hỏi, ông đem lễ vật biếu người, người không nhận thì lễ vật ấy đem về đâu? Ðem về cho tôi. Vậy ông mắng Như Lai , Như Lai không nhận thì ông cũng tự nhận lại, gây họa cho mình" (bài 5).

Và Phật khuyên hãy cư xử như thế này:

"Phật nói, người ác hại người hiền thì như ngửa mặt lên trời mà nhổ nước dãi, nước dãi không bẩn trời mà lại bẩn mình; như ngược gió tung bụi, không dơ người mà lại dơ bản thân" (bài 6).

4. Bố thí: Ðược nói trong hai bài 7 và 8. Tôi đọc bài 8:

"Phật nói , thấy người bố thí, hãy giúp một cách vui vẻ, thì cũng được phước báo. Hỏi, phước ấy có giảm bớt đi không? Phật nói, như lửa nơi một cây đuốc, hàng ngàn hàng trăm người đem đuốc đến lấy lửa ấy mà nấu ăn, soi sáng, lửa ấy vẫn như cũ. Phước ấy cũng như vậy".

Bố thí là hạnh số một trong đại thừa, nên tôi không nói nhiều ở đây, chỉ xin nói một cách thấp thấp và thực tế. Là như thế này: Người nào không muốn nhai đô-la trước mặt Diêm vương thì nên suy ngẫm bài kinh này. Hãy lấy đô-la đó mà làm việc thiện ngay từ bây giờ. Ðốm lửa mà người đó thắp lên từ ngọn đuốc trong bài kinh sẽ soi sáng đường đi của họ và không dẫn họ đi đến nơi tăm tối, chỗ mà ai có nợ đều phải trả.

5. Tinh tấn: Bởi vì tu là phải tinh tấn, cho nên bài nào cũng nói đến tinh tấn, rõ nhất là trong các bài 15, 17, 32, 33, 34, 38, 39. Tôi chỉ đọc ở đây 2 bài. Một đoạn trong bài 32:

"Phật nói , hành đạo là như một người chiến đãu với muôn người. Mặc áo giáp, cầm vũ khí, tiến ra chiến trường. Nhưng có kẻ khiếp đảm, tự lui mà chạy; có kẻ nửa đường bỏ về; có kẻ quyết chiến mà chết; có kẻ đại thắng mà về, thuyên chuyển lên cao".

Thế nhưng tinh tấn không có nghĩa là nóng nảy, quá độ, nhảy vọt. Bài 33 dạy như thế này, tôi nghĩ áp dụng trong bất cứ lãnh vực nào cũng đúng:

"Có vị Sa môn ban đêm tụng kinh tiếng nghe rất buồn, có vẻ hối tiếc, lưỡng lự, muốn trở về thế tục. Phật gọi mà hỏi, khi ông ở nhà thì đã làm gì? Thưa thường đánh đàn. Dây đàn chùng thì thế nào? Thưa không kêu. Dây dàn căng thì thế nào? Thưa mất tiếng. Căng chùng vừa phải thì thế nào? Thưa, âm điệu phát ra đủ cả. Phật nói, học đạo cũng phải như vậy, giữ tâm trí chừng mực thì đạo phải được".

Như vậy tu là vui hay buồn? Phật nói: Vui lắm; hãy nếm lời Phật nói rồi thấy như nếm đường phèn: bên ngoài cũng ngọt, hai bên cũng ngọt, ở giữa cũng ngọt, đâu cũng ngọt cả. Thích thú như vậy là đắc đạo (bài 39).

6. Khuất phục ái dục: Bây giờ tôi đến đề tài cuối cùng, đề tài quan trọng nhất, bàn bạc khắp cả quyển kinh, thử tính sơ sơ: bài 1, 2, 11, 12, 13, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 28, 29, 30, 31, 32, 40, 41. Ðó là ái dục; chặt đứt nó được thì thấy Niết bàn. Không một chữ nào trong quyển kinh nói đến thập nhị nhân duyên. Nhưng ai cũng biết ái dục là khâu quan trọng nhất trong mười hai nhân duyên, từ đó mà đưa đến sinh tử luân hồi, quẩn quẩn quanh quanh trong vòng sống chết.

Tôi chọn đọc vài bài, bài 2 trước tiên, vì bài này đưa ra hình ảnh vị Sa-môn nguyên thủy:

"Phật nói, cạo bỏ râu tóc, làm bậc Sa-môn, tiếp nhận lấy đạo, thì hãy rời bỏ tài sản thế gian, khất thực vừa đủ. Mỗi ngày đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm dưới cây ngủ một lần, thận trọng đừng thêm. Làm cho người u mê, tồi tệ chính là ái dục".

Ăn ngủ biết vừa đủ, đó là khuất phục ái dục. Khuất phục hoa danh (bài 19); khuất phục tiền của (bài 20); khuất phục sắc đẹp (bài 20, 22, 26); khuất phục sự ràng buộc vợ con (bài 21); khuất phục dâm, nộ, si (bài 23): khuất phục nữ sắc (bài 24); khuất phục tình dục (bài 27, 28, 29, 30), ôi, Phật thừa biết rằng cuộc chiến đãu đó gay go lắm, giống như con trâu cày ruộng, chân ngập trong bùn sâu:

"Phật nói, Sa-môn hành đạo là như con trâu mang nặng, đi trong bùn sâu, mệt nhọc đến mấy cũng không dám ngoái nhìn hai bên, mà phải di cho mau, rời khỏi bùn sâu, mới được nghỉ ngơi. Sa-môn coi ái dục còn hơn bùn sâu, nên thẳng tắp một mạch mà hành đạo, mới có thể thoát khỏi sự khổ lụy". (bài 41).

Nhưng chân lý là chân lý, và chân lý đó không phải chỉ đúng đối với các vị Sa-môn mà đúng cho tất cả mọi người, nghĩa là cho cả chúng ta . Giản dị vô cùng.

"Phật nói, con người do ái dục mà lo buồn, do lo buồn mà sợ hãi. Không ái dục thì không lo buồn, không lo buồn thì không sợ hãi" (bài 31).

Phật nói thêm: "Con người đói với ái dục thì cũng như cầm đuốc mà đi ngược gió, ngu mà không bỏ đuốc xuống thì tất bị cháy tay" (bài 23).

Ðúng là ngu! Biết ngu, ấy là bước đầu trên con đường diệt khổ. Rồi càng bước, càng thấy thanh tịnh. Bởi vậy quyển kinh kết thúc bằng một câu nói mà ai thể hiện đều thấy nhẹ nhàng: "Phật nói, Như Lai coi cái quý vàng ngọc như sỏi đá, coi cái đẹp tơ lụa như giẻ rách" (bài 42).

                                                                                                                                                                                                                                                                            (Còn nữa)

Cao Huy Thuần

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here