Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đi chùa cầu an

Đi chùa cầu an

107
0

Đầu năm, Phật tử có truyền thống đến chùa để cầu an, với ước nguyện một năm mới sẽ có nhiều bình an, sức khỏe, thuận lợi trên con đường mưu sinh.

Cầu an cho mình và cho cả gia đình. Một nét sinh hoạt rất đẹp. Chỉ tiếc nỗi, có người không hiểu đúng về phương pháp thực tập này, nên chỉ tới gởi cái tên, cúng dường ít đồng, nghe đọc tên xong, vái vài vái, lạy vài lạy rồi lật đật về, đọc tên xong là Phật đã chứng minh cho, khỏi phải đợi xong buổi lễ làm gì. Và vì vậy, một truyền thống đẹp bị nhìn nhận sai lệch, bị thất truyền, cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc

Phương pháp Phật chỉ bày là để thực tập, để hành trì chứ không phải chỉ để tin, để ỷ lại, để cầu nguyện suông, để hiểu suông, hay chỉ đặt trên bệ thờ mà chiêm ngưỡng. Cho nên, khi Phật tử đến chùa dự lễ, ít nhất vị Trụ trì hay một vị xuất gia trong chùa cần để ra vài mươi phút để giải thích cho mọi người nghe ý nghĩa của sự “An” mà mình muốn “Cầu”, để cho sự tác ý của người đến chùa được sâu sắc, và buổi lễ trở thành một buổi tu học chứ không phải là có kẻ cầu xin và có vị ban ơn. Có kẻ ngồi dưới thấp cầu xin và có vị trên cao ban ơn, đó không phải là đạo Phật.

Đức Phật đã đặt toàn bộ con đường vào đôi chân của chúng ta, và chính chúng ta phải tự đi trên những hướng đường để đến đích. Thế Tôn không phải là một vị thần linh ban ân sủng hay trừng trị bất kỳ ai. Ngài chỉ là vị thầy thuốc trị liệu thân tâm tài giỏi, đã bào chế ra rất nhiều bài thuốc hay. Ngài cũng chỉ là một vị dẫn đường tốt, luôn chỉ dẫn con đường đúng đắn và an toàn nhất cho mọi người về nơi hạnh phúc. Uống thuốc hay đi theo con đường đó không, là tùy vào sự nhận thức và trách nhiệm của mỗi người (Kinh Di Giáo). Toàn bộ giáo lý ngài truyền trao lại chính là những bài thuốc và con đường dẫn đến hạnh phúc ấy. Việc còn lại là chính tự thân mỗi chúng ta tự quyết định lấy.

Chúng ta hãy lắng lòng để cảm nhận thêm một điều mà bậc Thầy của trời người đã từng khẳng quyết:“Những ai sau khi Như Lai diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một pháp gì khác; dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy là những vị tối thượng” (Trường bộ, Kinh Đại Bát Niết Bàn). Chúng ta, những đệ tử Phật, hiểu gì qua những lời dạy ngắn ngủi đó?

Rõ ràng, mình chính là vị cứu rỗi cho chính mình, chứ không hề có một năng lực nào khác nữa. Vậy thì, tại sao trong sinh hoạt của đạo Phật lại có mặt lễ cầu an và cầu siêu? Có phải điều đó đi trái lại với tinh thần đức Phật đã chỉ dạy? Có phải ta đang giao phó toàn bộ cuộc đời cho một đấng khuất mặt nào đó?

Mỗi một chúng ta đều chứa đầy đủ hạt giống của từ bi và trí tuệ, nhưng bên cạnh đó cũng xen lẫn rất nhiều hạt giống xấu ác. Chính hạt giống xấu ác này, nếu được chăm sóc kỹ lưỡng và thường trực thì sẽ nẩy mầm lớn mạnh, sẽ khỏa lấp tất cả những tâm thức tốt đẹp. Cần có một sức mạnh để chuyển hóa. Người chuyển hóa giống như một người nông dân cày ruộng và gieo hạt, biết cày thế nào là đúng cách, khi nào là đúng thời và gieo những hạt giống nào trong thời tiết nào để nó phát triển tốt và cho năng suất cao. Sự chuyển hóa ấy đôi lúc cũng cần đến những tác động bên ngoài, cũng giống như người bệnh cần thuốc để điều trị, người lạc lối cần nghe theo người dẫn đường thông minh. Chúng ta cũng cần một lời kinh thức tỉnh, một người thầy khai sáng để tâm trí được đánh thức sau những tháng ngày dong ruổi ngủ mê quên đường trở về an trú trong hạnh phúc chân thật. Cầu an hay cầu siêu là một trong những pháp thực tập để ta nhận ra những nhiệm mầu và nhận ra sự trở về chân thật đó.

Tổ chức một buổi lễ cầu an tại chùa, đó là việc làm rất ý nghĩa, rất có giá trị, nếu chúng ta thực hiện với suy nghĩ chân chính (Chánh tư duy) và cái nhìn đúng đắn (Chánh kiến). \

Trước tiên, chúng ta nói về mục đích Cầu An.

Cầu An là hai từ ngắn ngủi nhưng bao hàm nhiều nghĩa. Từ “An” thì ai cũng hiểu rồi. An tức là sự an ổn, an lạc, thanh thản, bình yên, chung quy là tất cả những gì đem tới sự thảnh thơi trong cuộc sống chén cơm, manh áo, bát gạo, đồng tiền, trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Còn chữ “Cầu” theo quan niệm Phật giáo thì thật rộng rãi và sâu sắc. Cầu ở đây không phải là cầu xin, là van xin, là quỵ lụy trước một đấng thần linh siêu hình có khả năng hô mưa gọi gió, ban ơn giáng nạn. Cầu có nghĩa là mơ ước, là mong muốn, là nguyện vọng, là hướng nhìn về một vấn đề gì. Mình mơ ước học giỏi thì không thể chỉ ngồi đó mà ảo vọng từ năm này qua năm khác, phải cần nỗ lực học tập thì ước mơ đó mới có thể thành sự thật. Mình mong muốn có một cuộc sống đầy đủ thì không thể ngày nào cũng lười biếng nhác nhớm chẳng chịu làm việc, hay la cà quán rượu quán cà phê mà thèm khát một tương lai tươi sáng được. Phải hết lòng làm việc dựa trên khả năng, sức lực và nhân đức của mình thì mong muốn ấy mới không còn là giấc mơ, nó sẽ thành sự thật. Cũng vậy, khi nguyện vọng, ao ước về một cuộc đời bình an cả vật chất lẫn tinh thần thì mình phải biết cách sống trọn vẹn với tâm nguyện đó.

Thường thường chúng ta suy nghĩ rằng, khi nào gia đình thật sung túc về tiền bạc thì khi đó gia đình mới yên ổn ấm no được. Hẳn nhiên, tiền bạc của cải là một trong những nhân tố không thể thiếu để quyết định vào đời sống của chúng ta. Nhưng bạn thử đi tới một ông giám đốc, một vị bộ trưởng để hỏi thẳng: Ông có cảm thấy hạnh phúc và an lạc thật sự hay không? Người đó có thể sẽ trả lời bạn bằng một cái lắc đầu, họ không trả lời bằng miệng. Cái lắc đầu đó cho bạn biết họ rất thiếu thốn về một cuộc sống bình dị yên ổn. Cái vỏ bọc bên ngoài vẫn thường đánh lừa chúng ta rất tài tình. Nhà càng lớn họ càng thấy cô đơn trống vắng. Địa vị càng cao họ càng thấy lo lắng sợ hãi. Khổ đau trong họ là có thật. Trong lúc đó, có những người nông dân, những thợ thuyền tầm thường lại được sống rất nhẹ nhàng thoải mái bên cạnh gia đình mình. Có thể vật chất họ không đầy đủ, nhưng hạnh phúc họ là vô bờ bến. Hạnh phúc của họ là có thật. Và chính hạnh phúc trong tâm hồn đã nuôi dưỡng, đã vỗ về, đã chỉ dạy cho cả gia đình họ nhận ra được giá trị chính thực của cuộc đời, thấy được bạc tiền không phải là thước đo của hạnh phúc, mà một nội tâm vui vẻ, người thân hòa đồng quý trọng nhau mới là hạnh phúc rất thật. Họ là những người biết “thiểu dục tri túc”, ít tham muốn và luôn luôn biết vừa đủ. Những nhà nghiên cứu tâm lý đạo đức cũng từng xác định về vấn đề này: “Trong lĩnh vực khoái cảm vật chất, khoái cảm càng mạnh thì càng ngắn ngủi. Cường độ của khoái cảm tỷ lệ nghịch với độ dài thời gian tồn tại. Trong lĩnh vực những khoái cảm về tinh thần, nhân tố thời gian có một vai trò hoàn toàn khác: thời gian tác động có lợi cho con người. Ở đây không có qui luật tỷ lệ nghịch, ngược lại, cường độ khoái cảm càng cao trong lĩnh vực này thì nó càng kéo dài” (Banzeladze, Ðạo đức học, Nxb. Hà Nội, 1985). 

Đó mới là cái An mà đệ tử Phật cần Cầu. 

Cha mẹ luôn thương yêu nhau. Con cái luôn quý mến cha mẹ. Mọi người trong gia đình luôn biết ngồi lại chia sẻ, lắng nghe nhau trong sự cảm thông sâu sắc, trong sự tin tưởng tuyệt đối, trong sự không phán xét tất cả niềm vui nỗi buồn. Thực tập như vậy chúng ta sẽ đi dần đến và sống chung với hạnh phúc bền vững. Sự an lạc đâu cần phải tìm kiếm từ bên ngoài. Chính mỗi một thành viên trong xã hội này đều có thể tự tạo dựng cho mình đời sống an ổn và hạnh phúc đúng nghĩa. Sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc đúng nghĩa, nếu lòng chúng ta chưa an. An ổn và hạnh phúc đó được bồi đắp trên tình thương, sự tôn trọng, sự bảo vệ mạng sống và sức khỏe của nhau, nghĩa là chúng ta phải thực tập năm giới căn bản của đệ tử Phật: Không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không uống rượu bia và sử dụng các chất gây rối loạn tâm trí.

Buổi lễ cầu an để nhắc nhở chúng ta một lần nữa ý thức rõ rệt về vấn đề thực tế này.

N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here