Đức Pháp Vương Gyalwang Drupa đời thứ 12 Jigme Pema Wangchen, người sáng lập và đứng đầu dòng Truyền Thừa Drukpa (Thiên Long) đang đích thân dẫn dắt các vị Rinpoche cao cấp và khoảng hơn 750 Tăng Ni Phật tử trong dòng truyền thừa Drukpa từ nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có 17 Tăng Ni ,Phật tử Việt Nam) thực hiện chuyến đi bộ chiêm bái các Thánh địatrên dãy Hymalaya.
Đây là sự kiện Phật giáo quốc tế mang tính lịch sử đã gây chấn động khắp năm châu , khơi dậy nguồn cảm hứng sâu xa tới đông đảo quần chúng thế giới. Hàng loạt các hãng thông tấn nổi tiếng thế giới như Reuters, thời báo Thế giới Tài Chính (the Financial World Bureau), thời báo Hindustan, thời báo Ấn Độ (the Times of India), thời báo hoàng gia Bhutan, v.vv… đều đăng tải thông tin về cuộc hành hương tâm linh giàu sức truyền cảm này.
Cầu nguyện
Cuộc hành trình kéo dài 42 ngày, xuất phát vào ngày 23/5/2009 từ vùng Manali (tiểu bang Hamachal Pradesh, Ấn Độ) xuyên qua các dãy núi Himalaya hùng vĩ thiêng liêng nằm ở miền Bắc Ấn, và chặng cuối của cuộc hành trình là tu viện Hemis (Ladakh) vào đầu tháng 7/2009.
Cho tới thời điểm này, đoàn hành hương vừa trải qua chặng đường rất vất vả để trèo lên đỉnh núi Drilbu Ri, một thánh địa linh thiêng của Chakrasamvara, cao hơn 5000m. Một số ít người đã không thể vượt qua được ngọn núi này bởi đá ở đây dầy đặc, nhưng hầu hết đã vượt qua ngọn núi với một ý chí quyết tâm mạnh mẽ. Một vài ngày trước đó băng tuyết sạt lở, khiến cho việc đi bộ trong tuyết và trèo lên đỉnh núi cao vốn đã vô cùng khó khăn càng trở nên gian nan hơn. Cũng chính vì lý do này mà hành trình bị chậm 2 ngày so với lịch trình do phải chờ hơn 300 chú la chở thực phẩm và lều trại khó khăn di chuyển trên tuyết để đuổi kịp đoàn người. Và để gấp rút đuổi kịp thời gian, đoàn người phải đi bộ từ 8 đến 14 tiếng mỗi ngày cho đến khi bắt kịp lịch trình ban đầu. Mọi thành viên trong đoàn từ Đức Pháp vương cho đến tất cả Tăng Ni Phật tử đều phải sử dụng dây thừng để vượt qua những đỉnh dốc cheo leo. Tất cả mọi người đều nở nụ cười hoan hỷ thể hiện sự mãn nguyện khi cuối cùng cũng leo lên được nóc nhà thế giới. Nhưng những nụ cười ấy nhanh chóng ngủm tắt khi các thành viên trong đoàn phát hiện có 3 xác chết đông cứng mà theo Đức Pháp vương họ là những người châu Á đã chết và đông cứng cách đây khoảng 6 tháng. Đức Pháp Vương và các thành viên trong đoàn đã làm lễ cầu nguyện hồi hướng cho các vong linh được siêu thoát. Trải nghiệm này đã dạy cho những người tham gia hành trình rằng tâm trí phải mạnh mẽ hơn thân xác vật lý nếu bạn muốn đạt được một thứ gì đó trong đời này. Nếu tâm bạn cứ cho rằng chúng ta không thể thực hiện được, thì mãi mãi chúng ta sẽ không thể đạt được, bởi vậy tâm bạn sẽ quyết định tất cả mọi thứ. (Nhứt thiết duy tâm tạo).
Một kênh truyền hình đã phỏng vấn Đức Pháp Vương rằng tại sao Ngài gọi chuyến hành hương đi bộ này là Pad Yatra (Đi bộ trên đỉnh nóc nhà thế giới)? Ngài cho biết có hai lý do, đó là ngoại cảnh và tâm linh. Về mặt ngoại cảnh, đoàn người sẽ hành hương tới dãy Himalaya, đảnh lễ các Thượng sư vĩ đại, các vị đại thành tựu giả quá cố, chiêm bái các sơn động và thảo am linh thiêng mà một thời các Ngài đã ẩn tu và thành tựu pháp, một vài thánh địa ở trên độ cao hơn 5000 mét so với mực nước biển, bởi vậy đó chính là nóc nhà thế giới. Xét về mặt tâm linh, trong cuộc hành trình này, hành giả không bị ràng buộc bởi những điều kiện giả tạm bên ngoài mà mình đang sống, và đây là cơ hội hiếm hoi để cắt bỏ được những điều kiện vật chất này. Để có thể tham gia cuộc hành trình, bạn cần có ý chí sắt đá và Bồ đề tâm mãnh liệt, bởi vì bạn đang thực nguyện một tâm nguyện không chỉ cho chính mình mà vì lợi ích của nhiều người khác nữa, những người không có phúc duyên như bạn tham gia hành trình tâm linh này. Ngoài ra, cuộc hành trình cũng nhằm gây quỹ giúp cải thiện giáo dục, y tế, môi trường và di sản tâm linh ở những vùng miền Himalaya hẻo lánh. Bởi vậy những người tham gia cuộc hành trình đang thực hành một công hạnh với nhiều khía cạnh mang lại rất nhiều lợi lạc cho bản thân và cho tha nhân.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drupa đời thứ 12, vị Thầy dẫn dắt tâm linh của dòng truyền thừa Drukpa đã kêu gọi các vị đệ tử trong dòng truyền thừa trên khắp thế giới tham gia cuộc hành trình tâm linh này. Nhân chuyến hành hương, Ngài muốn tự thân dẫn các đệ tử trải nghiệm thực hành tu tập trí tuệ Ba la mật, cắt đứt sự chấp ngã và thực hành pháp tu đặc biệt của dòng truyền thừa trong suốt chuyến hành hương đầy vất vả và gian nan trên đỉnh nóc nhà thế giới để chiêm bái những thánh địa linh thiêng. Đức Pháp Vương đang thân giáo dạy các đệ tử tôi luyện thân tâm, tích luỹ công đức và phát triển trí tuệ, khai phát tính giác bản nhiên qua việc quán chiếu sự rộng lớn bao la của thiên nhiên và khám phá khả năng của tự thân để tận dụng thân người quý báu mà tinh tấn tu tập, trải nghiệm hòa nhập với vẻ đẹp thực tại của thiên nhiên cũng như bản tánh tự nhiên của tâm thức. Và đem tất cả niềm hỷ lạc tự do, công đức tu tập mình tích lũy được hồi hướng đến sự giác ngộ của vô lượng chúng sinh. Một điểm quan trọng của chuyến hành hương Pad Yatra này cũng là nhằm tạo sự kết nối với người dân vùng núi Himalaya, giúp nâng cao nhận thức của họ về cách sống để yêu thương, đồng thời qua đó gửi đi thông điệp nâng cao nhận thức của toàn nhân loại về các vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay như ô nhiễm môi trường, sự ấm dần lên của trái đất, đói nghèo, bệnh tật, giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa. Với ý nghĩa xuất thế và nhập thế vô cùng tích cực và mạnh mẽ ấy, chuyến hành hương trên nóc nhà của thế giới được Đức Pháp Vương đặt tên là “Hành Trình Tâm Linh Vì Một Ngày Mai Tươi Sáng”.
Rinchen, một thành viên tham gia chuyến hành hương trên nóc nhà thế giới ở hành trình A, sau khi trở về đã viết rằng: “Tôi vừa trở về từ chuyến hành hương của chính tôi và cảm giác thật là tuyệt diệu. Không ai có thế hình dung được sức mạnh tinh thần như thế nào cho đến khi chính mình leo lên và leo xuống những dãy núi trải dài vô tận, những con đường dầy bụi bặm, tuyết và băng đá. Vì vậy tôi đã vô cùng sung sướng khi chứng kiến rất nhiều người đồng hành cùng vị đạo sự vĩ đại của chúng ta đang thực hiện chuyến hành hương khó khăn này. Sự gian nan và thiếu thốn tiện nghi rất cần cho những người dân thành thị như chúng ta để giúp chúng ta ý thức rõ về cuộc sống và sự tu tập của mình. Nó thiết lập niềm tin và lòng biết ơn đối với mọi người và toàn thế giới. . .
Theo Giác Ngộ