Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Dạy nên người cũng đã quá khó huống hồ phải hướng dẫn...

Dạy nên người cũng đã quá khó huống hồ phải hướng dẫn cho thành người giải thoát (*)

103
0

Được sống lâu năm với nghề giáo, chúng con luôn thấu hiểu tâm trạng của người học sinh vào dịp đầu năm học cũng như dịp tan trường kỳ nghỉ Hè hay tốt nghiệp. Chúng con xin phép được chia sẻ niềm vui với tất cả quý Tăng, Ni sinh hiện diện.

Đứng về phía công việc bảo trợ, chúng con thiết nghĩ sự đóng góp cúng dường lẻ tẻ của các đạo hữu Phật tử khó lòng đáp ứng kịp với toàn phí của trường trong từng năm học. Tuy vậy tâm thành hướng thiện khi các đạo hữu cúng dường cũng là điều rất đáng kể. Các đạo hữu luôn luôn cầu mong trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế cùng với hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo Tăng tài đúng tầm với sứ giả Như Lai để sống hết mình vì an lạc và hạnh phúc của số đông, phù hợp với ước vọng của Liên Hiệp Quốc khi cho rằng Đức Thích Ca Mâu Ni là một nhà văn hóa lớn của nhân loại và Phật giáo rất trí tuệ, nhân bản, thiết thực và hòa bình (lượt trích một đoạn trong diễn từ của Hòa thượng Thích Chơn Thiên đọc trong lễ cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học khóa IV).

Các chi tiết đó cho ta thấy rằng trong nền giáo dục nói chung của nhân loại, có hai nấc bậc nối tiếp nhau: Thứ nhất là dạy thành người, mục tiêu chung của giáo dục trong mọi quốc gia; thứ hai là hướng dẫn kẻ đã nên người trở thành người giải thoát, đúng là mục tiêu tối hậu của giáo dục Phật giáo.

Chúng con rất am hiểu cái cảnh vật đổi sao dời đang đem lại khó khăn quá lớn cho giáo dục. Nội việc dạy nên người không thôi cũng đã quá khó lòng huống hồ phải hướng dẫn cho thành người giải thoát. Cuộc sống hiện nay đang phơi bày nhan nhãn những sự việc liên quan đến tham và sân, cụ thể là những bản tin không vui mà báo chí hằng ngày đã đăng tải về việc phá hoại nhỏ, lớn môi trường, với lắm trường hợp phá rối an sinh xã hội như tham ô, cướp của, giết người…Còn về si thì gần như rộng khắp hơn và khó thấy hơn vì thường là nhân dẫn đến quả tham và sân; còn ở mức cao hơn thì si là do vọng tưởng, chấp trước dẫn đến mọi nổi khổ trên đời.

Ngày xưa, ngôi chùa được thiết lập vào nơi thanh vắng, rất thích hợp cho những phút tĩnh tâm. Nay thì nhà dân đã lần lần mọc lên gần chùa rồi sát chùa, không tránh khỏi cảnh ồn ào nhộn nhịp của quán cà phê hay những nơi tổ chức karaoke. Thậm chí các sản phẩm của công nghệ thông tin đã len lỏi vào chùa.

Ngoài ý tưởng ca ngợi kết quả tốt đẹp của các Tăng, Ni sinh đạt loại giỏi, khá giỏi, chúng con còn nhận biết tác động của tích cách vô thường nên đông đảo Phật tử chúng con rất thông cảm đến những sai chạy đã vấp phải trong học tập của một số Tăng, Ni sinh mà tuổi đạo chưa nhiều hơn tuổi đời bao nhiêu.

Chúng con vẫn vững tin rằng với nếp sống chùa của xứ Huế, rồi đây Tăng, Ni sinh sẽ tiếp nối được truyền thống Phật giáo mà các ngài cao Tăng chùa xứ Huế đã để lại. 

ĐH. C.T.N

(*) trích bài phát biểu tại lễ khai giảng khóa VI trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế sáng 7/10/2011.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here