Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đặc sắc lễ Phật đản cố đô Huế

Đặc sắc lễ Phật đản cố đô Huế

111
0

Đại lễ Phật đản tại TT Huế là một nét đặc trưng văn hóa tâm linh đã có ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống Tăng, Ni và tín đồ Phật tử. Từ thời Chấn hưng Phật giáo đến nay Đại lễ Phật đản tại Huế đã trở thành một lễ hội của quần chúng với nhiều chương trình hoạt động từ các Tổ đình, Tư viện đến các tư gia Phật tử. Kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2557 Bản tin Phật đản đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Khế Chơn, Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT Huế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản tại TT Huế về những nét đặc săc của Phật đản tại cố đô.

PV: Kính bạch Hòa thượng, tiếp nối truyền thống Phật giáo xứ Huế, xin Hòa thượng cho biết năm nay BTS GHPG tỉnh TT. Huế đã có kế hoạch tổng thể và đặc sắc truyền thống gì để tổ chức Đại Lễ Phật đản PL. 2557?

Hòa thượng Thích Khế Chơn: Phụng hành Thông bạch số 48/TB/HĐTS của Trung Ương Giáo Hội, BTSGHPG tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có Thông tư số 69/TT/BTS gởi đến các cấp giáo hội hướng dẫn về việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2557 tại tỉnh nhà. Sau đó BTS và Ban tổ chức đã có nhiều phiên họp mở rộng đến các ban ngành trực thuộc Ban trị sự, Ban trị sự PG các huyện thị, Ban hộ tự các Niệm Phật đường, các đạo tràng, đoàn chúng cư sĩ Phât tử, các GĐPT để triển khai kế hoạch Đại lễ Phật đản với nhiều hình thức như thiết trí lễ đài, biểu tượng PG, trang hoàng cờ đèn và biểu ngữ nơi công cộng, lễ Rước Phật, Diễu hành xe hoa, Phóng sanh đăng, triển lãm hình ảnh và tư liệu Pháp nạn 1963, Diễn giảng chánh pháp, đặt vòng hoa tưởng niệm, thăm viếng các gia đình Thánh tử đạo, trình diễn văn nghệ, từ thiện cứu tế, họp mặt tọa đàm, cắm trại… Đặc biệt đại lễ Phật đản năm nay cũng là lễ kỉ niệm 50 năm Pháp nạn 1963 – ngày mà phong trào Tăng Ni phật tử việt nam khởi phát phong trào tranh đấu chống chế độ Ngô Đình Diệm, đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội. BTS GHPGVN tỉnh TT Huế sẽ cử hành lễ bạch Phật khai kinh tuần lễ Phật đản PL. 2557 và lễ bạch Phật khởi đầu cho tuần lễ tưởng niệm giác linh chư tôn đức Tăng Ni đã thiêu thân vì chánh pháp và Anh linh các Thánh tử đạo đã bỏ mình vì sự sống còn của Đạo Pháp. Ban tổ chức sẽ thành kính dâng hương hoa tưởng niệm trước các bảo tháp của chư tôn đức Tăng Ni đã tự thiêu tại Huế và dâng hương hoa tưởng niệm đến các anh linh Thánh tử đạo. Cùng thăm viếng thân nhân gia đình các thánh tử đạo vào ngày 9 tháng 4 năm quý tỵ và lễ dâng hương hoa, đốt nến tưởng niệm tại đài Thánh tử đạo vào lúc 19 giờ tối 12 tháng Tư năm Quý Tị.

Tất cả mọi hình thức tổ chức cúng dường Đại lễ Phật Đản, Tăng Ni Phật tử Thừa Thiên Huế đều thành kính nhất tâm cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, Đạo Pháp  trường tồn, thế giới hòa bình và chúng sanh an lạc.

PV: Kính bạch Hòa thượng, lễ Rước Phật là một nét truyền thống văn hóa tâm linh của Phật giáo xứ Huế, Đại lễ Phật Đản năm nay lễ Rước Phật sẽ diễn ra trên lộ trình, bằng phương tiện, bao nhiêu đoàn rước Phật và dự tính có khoảng bao nhiêu  người đi tham dự?

Hòa Thượng Thích Khế Chơn: Lễ Rước Phật là một nghi lễ truyền thống văn hóa tâm linh Phật giáo trong mùa Phật đản tại Huế đã có từ xưa và được kế thừa liên tục cho đến hôm nay. Về hình thức rước Phật thì mỗi năm có một sự thay đổi, có năm thì rước bằng xe hoa, bằng thuyền hoa hay có năm rước bằng đi bộ. Tuy rằng, hình thức có khác nhưng tất cả để tỏ bày được một tâm niệm ngưỡng mộ, chí thành, lòng tôn kính vô biên của người con Phật trong ngày Đản sinh thiêng liêng lịch sử.

Lễ rước Phật năm nay thì nội dung và hình thức cũng giống như năm Vesak 2008. Đoàn rước Phật gồm 21 đội hình từ lễ đài chùa Diệu Đế sau khi cử hành lễ Mộc dục, tiền đạo của đoàn Rước Phật sẽ qua cầu Gia hội, từ từ đi qua đường Trần Hưng Đạo, rẽ trái qua cầu Trường Tiền đến đài Thánh Tử Đạo,  đi dọc đường Lê Lợi, rẽ trái Điện Biện Phủ và dừng lại đầu đường Sư Liễu Quán, lúc này kim thân Đức Phật sẽ được cung nghinh tôn trí tại lễ đài chùa Từ Đàm.

Tham gia đoàn Rước Phật ngoài chư tôn đức Tăng Ni và các Ban ngành trực thuộc BTS, số lượng đạo hữu cư sĩ và GĐPT dự kiến từ 6 đến 7 ngàn người. Hiện giờ tiểu ban Rước Phật đã chuẩn bị 7000 băng Kính Mừng Phật Đản in trên vải vàng chữ đỏ và 7000 hoa đăng. Đây là mới tổng quát, vì số lượng có thể nhiều hơn, do một số các đơn vị chưa đăng kí danh sách. Dọc đường Lê Lợi sẽ có 74 chiếc xe hoa đậu nguyên tại vị trí và có 30 khóm tre thiết trí hoa sen trang hoàng trên đường Rước Phật tăng phần trang nghiêm thiêng liêng và mầu nhiệm.

PV: Bạch Hòa thượng, sau lễ Rước Phật và Diễu hành xe hoa, đây là một nét đặc sắc của Phật giáo tỉnh nhà, xin Hòa thượng cho biết có bao nhiêu buổi diễu hành xe hoa và sẽ đi qua lộ trình như thế nào trong dịp Đại lễ Phật Đản PL. 2557?

Hòa thượng Thích Khế Chơn: Lễ Diễu hành xe hoa cúng dường Đại Lễ Phật đản PL. 2557 tại GH tỉnh nhà chúng ta năm nay với số lượng là 74 chiếc xe hoa do các ban ngành trực thuộc BTS tỉnh. BTS PG các huyện thị, các tự viện, Niệm Phật đường, Đạo tràng chúng cư sĩ Phật tử, các gia đình Phật tử tự nguyện phát tâm cúng dường. Xe hoa sẽ diễu hành trong 2 đêm 13 và 15 tháng Tư. Chiều 13 tháng Tư lúc 15 giờ, tất cả xe hoa sẽ được tập bên phải đường Trần Hưng Đạo, tiền đạo giáp cầu Trường Tiền, hậu đạo đến cầu Giả Viên, theo hướng về cầu Gia Hội, tập kết theo vị trí đồ án và số thứ tự mà BTC đã qui định. Lễ chính thức khai mạc Diễu hành sẽ cử hành vào lúc 18 giờ, tại khán đài Thương Bạc sau đó có hiệu lịnh xuất phát sẽ theo lộ trình như sau: từ đường Trần Hưng Đạo rẽ trái đường Huỳnh Thúc Kháng, rẽ trái đường Mai Thúc loan vào cửa Đông Ba, rẽ phải Đoàn Thị Điểm, rẽ trái Đặng Thái Thân, rẽ phải Lê Huân, rẽ trái Thạch Hãn, rẽ trái Nguyễn Trãi, rẽ phải Yết Kiêu, ra cửa Hữu, rẽ phải Lê Duẩn, rẽ phải Tăng Bạt Hổ, đến cầu Chợ Dinh, rẽ trái đến đường Nguyễn Sinh Cung, qua Đập Đá, rẽ trái Nguyễn Công Trứ, rẽ phải Bà Triệu, đi thẳng Nguyễn Huệ, rẽ phải Lí Thường Kiệt, rẽ phải Đống Đa, đến nhà Văn hóa Trung tâm, sau đó giải tán. Đây là đêm diễu hành xe hoa trong thành Phố.

Chiều ngày 15 tháng Tư năm Quí tị, tất cả xe hoa được tập kết về chùa Từ Đàm tại đường Sư Liễu Quán, Phân Bội Châu, Điện Biên Phủ có đồ án qui định. Sau phần nghi lễ cầu nguyện, đoàn xe hoa sẽ từ đường Sư Liễu Quán rẽ trái Điện Biên Phủ thẳng đến Đàn Nam Giao, rẽ trái Phan Bội Châu thẳng đến cầu Bến Ngự, rẽ phải Nguyễn Huệ, rẽ trái Đống Đa thẳng đến ngã sáu vào sân của nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh, các xe hoa được sắp đặt diễu hành tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương trà sẽ theo lộ trình từ đường Hà Nội, rẽ trái qua cầu Phú Xuân, rẽ trái Lê Duẫn, qua cầu An hòa, rẽ trái đường Lý Thái Tổ và diễu hành về các huyện thị, lộ trình do BTS PG các huyện thị sắp xếp. Các xe hoa được sắp đặt diễu hành về thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc sẽ theo lộ trình đường Hùng Vương, qua cầu An Cựu, về An Dương Vương, rồi về các huyện thị. Còn xe hoa huyện Phú Vang đi thẳng đường Lê Quí Đôn, rẽ trái Bà Triệu, qua Quốc lộ 49 và diễu hành về huyện. Mỗi đoàn xe hoa của mỗi huyện thị dự định là 12 chiếc.

Lộ trình về các huyện thị do ban trị sự của các huyện thị sắp xếp trình BTC và các cơ quan chức năng tại huyện thị để xin được quan tâm giúp đỡ.

Riêng chiều 14 tháng Tư đoàn xe hoa sẽ đậu dọc theo đường Lê Lợi từ đài thánh tử đạo lên đến cầu Ga và đường Nguyễn Huệ. Xe hoa chỉ phát ánh sánh không phát âm thanh. Đến khi đoàn Rước Phật vào khuôn viên chùa Từ Đàm xong thì đoàn xe hoa mới diễu hành đi ngang qua lễ đài chính ở chùa Từ Đàm.

Xin cám ơn Hòa thượng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here