Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Cúng dường Phật đản đích thực

Cúng dường Phật đản đích thực

92
0

Chương trình văn nghệ chiếm mất thời gian của chúng tôi nhiều hơn cả. Chúng tôi tập múa hát suốt cả tháng vào mỗi đêm, từ rằm tháng ba đến ngày 12 tháng 4 âm lịch là tổng duyệt để mong có đêm văn nghệ xuất sắc phục vụ cho bà con quê mình. Sự đầu tư công sức của các anh chị huynh trưởng thường được đáp lại bằng đêm văn nghệ đọng lại trong lòng người xem nhiều ấn tượng. Ấn tượng không phải vì chương trình văn nghệ gồm những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng diễn xuất mà chính là những đoàn sinh nghiệp dư như chúng tôi. Tuy vậy, mà tiết mục nào cũng mua những tràng pháo tay thật nồng nhiệt. Thỉnh thoảng MC lại đọc lên những phương danh của khán giả ủng hộ vì “hâm mộ” những “ca sĩ”, “nghệ sĩ” như chúng tôi. Đó là một trong những động lực khiến chúng tôi hát hay hơn, múa đẹp hơn, chương trình mỗi năm mỗi hoành tráng hơn để không phụ với tấm lòng người phật tử cũng như dân chúng ở đây.

Quê tôi là một tỉnh ở miền trung khô cằn sỏi đá, hằng năm chịu cảnh khó khăn sau mỗi cơn giận dữ của bão lũ đi qua. Đối với tôi, mãnh đất này đã nuôi lớn tôi những ngày tấm bé và mớm cho tôi những lý tưởng yêu đời mến đạo. Cứ mỗi độ Phật đản về, lễ đài được trang trí thật lộng lẫy, hoành tráng và trang nghiêm. Tuần Phật đản diễn ra với các hoạt động cắm trại của GĐPT cũng như thời khóa tụng Kinh của các bác trong khuôn hội, làm cho chùa nhộn nhịp và vui hẳn lên. Suốt cả tuần chúng tôi “đóng đô” tại chùa với niềm vui sướng vô hạn.

Năm nay, tại xứ Huế mộng mơ, mùa Phật Đản lại về tôi cũng rộn ràng, hân hoan nhưng không còn cái cảm giác của 20 năm về trước nữa có thể bị pha chút cảm nhận với tình huống thực tại. Tất nhiên quanh tôi không phải là những bác trong khuôn hội chùa quê, cũng không còn trong vòng tay yêu thương của các anh chị, không được động viên, hướng dẫn, nhắc nhở của các anh chị trưởng, hay nhởn nhơ vui đùa tung tăng hồn nhiên như đàn chim non líu lo ca hát. Một sự thật rằng “không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông” đã nói lên được điều đó.

Đức Phật ra đời mang chân lý vi diệu giúp thế nhân bớt khổ, thêm vui. Một thông điệp đem niềm vui vĩnh cửu đến với nhân loại: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Cuộc sống nếu không có những ngang trái đau thương thì Thế Tôn chắc chắn không xuất hiện ở đời. Và cái khổ sâu xa chắc thật mà chúng sanh đang gánh chịu đã làm thái tử Siddhatha quyết chí bỏ lại đằng sau tất cả xa hoa mỹ lệ, đi tìm con đường thoát ly chúng. Một việc làm chấn động cõi trời người mà từ trước đến nay chưa ai làm được! Trải qua bao gian nan tự chiến đấu với nội ma và ngoại cảnh suốt sáu năm trong rừng sâu núi thẳm. Bằng nỗ lực thiền định suốt 49 ngày đêm, đến khi sao mai xuất hiện, thì kho tàng Phật tánh trong thái tử đã được khai mở, Thái tử hoát nhiên đại ngộ. Từ đó Ngài được tôn xưng là Thế Tôn, và ánh từ quang chân lý bừng sáng trùm khắp cả vũ trụ soi tận hang cùng ngõ hẽm theo gót chân hoằng hóa của Ngài. Nhân kỷ niệm ngày đức Phật ra đời không gì hơn chính mỗi chúng ta thể hiện bằng những hành động thiết thực từ trong nhận thức đến biểu hiện bên ngoài hay nói cách khác chính là phải chế tác bằng những suy tư đúng đắn, lời nói chân thật và làm những điều chơn chánh. Chúng ta hân hoan chào đón đức Phật ra đời không chỉ những hoạt động mang nặng hình thức mà còn khơi dậy cội nguồn uyên nguyên hay tìm lại đức Phật của chính mình. Niềm hạnh phúc an lạc, thâm sâu trong tận đáy lòng hiện khởi khi chúng ta biết buông tất cả. Sự nhẹ nhàng tĩnh lặng có được khi tâm không còn vướng bận bất cứ một ý niệm nào. Phật đã về. Đúng! Ta đã thấy Phật trong ta, ta cũng tìm thấy Phật trong Tăng đoàn và tìm thấy Phật trong những người chung quanh. Điều này chẳng phải đức Phật đã thọ ký cho mỗi chúng ta hơn 2500 năm trước? Để diện kiến Phật trong ta và trong mọi người chính là chúng ta sống trong chánh niệm hay tỉnh thức từ đó có cái nhìn sâu sắc với vạn vật vũ trụ. Lý vô thường, vô ngã được thấu hiểu minh bạch và dòng tư duy tuôn chảy mang màu sắc Tứ vô lượng tâm, đó mới chính là sự tiếp nối của đức Phật. Như vậy, Phật không ở đâu xa mà ở quanh ta. Phật hiện rất rõ ràng và cụ thể mà ta có thể tiếp xúc được ở đâu và bất cứ nơi nào. Ngài cũng có mặt trong những khó khăn của nội tâm và ngoại cảnh, nhưng trong mỗi khó khăn ấy Phật đối diện, nhận biết rồi chuyển hóa chúng và cố nhiên Phật ở đâu thì quốc độ Ngài ở đó vậy.

Từ những mùa Phật đản tại một vùng quê vào cái thời thiếu thốn, kinh tế khó khăn mà Phật tử ở đây xây dựng được nếp sống sinh hoạt thuần thiện trong tinh thần kính ngưỡng biết ơn Đức Từ phụ nhân ngày đản sanh của Ngài, đã khắc sâu vào tâm khảm của tôi cho mãi đến sau này. Để có được điều này phải nói đến sự chân thành phát xuất từ nguồn tâm tha thiết kính ngưỡng trong sự hòa hợp đáng quý. Đức tính hòa ái khiến cho mọi người có mặt trong nhau với tư duy, lời nói và hành động đúng đắn. Phật trong ta xuất hiện đánh tan bao ngã tính, tham ái và mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng được thực thi viên mãn.

Phật đản năm nay lại về trong bối cảnh xã hội gặp nhiều thiên tai nhân họa trong nước cũng như trên thế giới. Từ việc băng hoại nhân phẩm; tai nạn xe lửa; sập hầm đá đến thiên tai động đất, sóng thần xảy ra nhiều nơi để lại bao đau thương mất mát mà con người phải gánh chịu; nhiệt độ trái đất ngày một nóng lên đe dọa môi trường sống v .v… càng cho chúng ta thấy rõ diễn biến của của vũ trụ quan qua chân lý nhân quả không sai chạy, mà thực chất phần lớn là do con người tạo nên. Thế gian đã luôn chịu tác động, xáo trộn, bất an như thế thì chúng sanh không thể nào tránh khỏi sự thống khổ được. Nói khác hơn là khổ đế bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh. Sự tiến bộ văn minh của khoa học ngày nay thông qua thành tựu về phương tiện giao thông, tin học, điện thoại… cứ ngỡ như nhân loại ngày một gần gủi nhau hơn, niềm vui chan hòa trong nhân loại, nhưng thực tế con người vẫn còn phập phồng lo âu trước sự đổi thay của cuộc sống. Duy chỉ điều còn lại là mỗi một chúng ta phải sống có thiện tâm, có cái nhìn thấu rõ thực tế để không còn bám víu trong từng sát na ý niệm. Một bản tâm rỗng lặng sẽ phát sinh sự tĩnh tại và sức mạnh nội lực rất lớn tạo thành một năng lượng. Năng lượng này tuy vô hình mà khả năng chi phối làm ảnh hưởng đến tâm thức tha nhân và vũ trụ bất khả tư nghì. Thế nên, để bảo vệ môi trường sống, để chuyển hóa quan điểm tác thành nghiệp quả bất thiện, rất mong mọi người “dừng lại” để “thấy” sự việc đang diễn ra mà có hành động thiết thực mang lại lợi ích chung cho toàn thể nhân loại. Xin cùng nhau chắp tay nguyện cầu thế giới thái bình, người người an vui trong ánh sáng hào quang của đức Từ Phụ.

M.K

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here