Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Cửa người

Cửa người

110
0

Một lần gặp thi sĩ Hoàng Cầm ở nhà bác Đặng Đình Hưng, hôm đó bác Cầm đọc một bài thơ mới. Bài thơ dài, tôi chỉ nhớ mỗi một câu để lẩy vào mình, để vận vào tình cảnh của mình. “Em cười như lá mỏng/ Tựa cửa vào chiêm bao”. Cái cửa chiêm bao đó thật mơ mộng, từ đó đến nay tôi không còn gặp cái cửa nào như vậy nữa. Câu chuyện thực và câu chuyện nhớ lại sau gần 30 năm có thể không trùng khít nhưng thôi, tội gì mà chả cho quá khứ đó sang sang thêm tí chút.

 
 
Cửa (cổng) chùa Láng.

Cách đây vài năm gia đình nhà cô vợ tôi ở Mỹ phải họp để quyết định xem ai được ở chung với bà ngoại. Từ bác cả đến cậu út ai cũng có lý của người ấy chưa kể bà mẹ vợ tôi phân trần bao nhiêu năm đi làm ăn xa, nay về hưu muốn được đón bà về ở để phụng dưỡng. Cuối cùng thì vợ chồng nhà dì Bé thắng cuộc, nguyên do giản dị thế này. Dì Bé sang Mỹ từ nhỏ, mấy chục năm ở xứ người nhưng chả hiểu sao dì lại là người giữ được nếp sống của người Việt nhất. Dì bảo “Một mẹ già bằng ba then cửa”, một câu thành ngữ hay mà ngay cả những người trẻ ở trong nước cũng không biết hoặc không còn dùng nữa. Dì nói xong, cả nhà đều nhất trí bỏ phiếu thuận để dì được ở với bà. Thế là hợp nhất vì cả hai người đều thích lối sống cổ. Lẽ đương nhiên chẳng ai hiểu theo nghĩa đen, ở với bà để bà trông nhà giúp, nhưng đến gia đình nào thấy có người già trong nhà, tự nhiên thấy an lành, thấy ấm cúng hơn thì phải.

Tại sao người ta không nói ghép nhà/sân, nhà/mái mà lại nói nhà/cửa? Hướng cửa cũng là hướng nhà, ai làm nhà mà chả muốn chọn hướng tốt như sinh khí, diên niên, thiên y hoặc phục vị rồi còn sơn (vị trí của cửa), rồi còn kích thước nữa. Hiểu như vậy thì thấy cửa với nhà là một. Còn cái câu “Một năm làm nhà, ba năm làm cửa” chứng tỏ để có một bộ cửa ưng ý, hình thức kiểu cách gì, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật ra sao thì phải mất rất nhiều thời gian để làm hoặc để kiếm tiền mà làm. Cửa nào mà chả là khuôn mặt của một ngôi nhà. Cửa ván lùa, cửa bức bàn, cửa thượng song hạ bản… mỗi thời có một kiểu mặt của mình. Cửa chùa Láng, Hà Nội rất độc đáo, mái không nằm trên đầu cột mà treo ở lưng chừng giữa các cột. Cửa chùa Kim Liên có bộ mái đồ sộ trên hàng cột thấp, nhỏ nhưng không bị cảm giác đè xuống nặng nề mà trái lại mái tam quan trông như con chim phượng đang vỗ cánh bay lên. Cổng chùa Mía, Sơn Tây chính là gác chuông…

Nhân cái dịp đưa mấy người quen ở nước ngoài đi du xuân và chụp ảnh các cổng làng ở đồng bằng Bắc bộ. Tôi có bàn với họ: cái cổng làng cũng là bản tính của người Việt, đóng thì không đóng chặt, mở thì chỉ mở hé. Tức là chỉ mở hé và khép hờ thôi. Nếu không đóng thì làm sao bảo tồn được truyền thống qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nếu không mở thì làm sao giao lưu được với bên ngoài, nhận được cái hay của bên ngoài vào để làm giàu mình. Hai cánh cổng của làng Việt như một cái van đóng mở tuỳ thì. Đóng – khép, mở – hé. Cái cánh đóng, giúp bảo tồn, cánh mở giúp hoà nhập. Đó là đặc điểm trong cách giao lưu của người Việt với bên ngoài.

 
 
Cửa (cổng) chùa Kim Liên.

Tôi đi thăm nhiều ngôi chùa cổ, thấy có những cửa sổ hình tròn, trang trí bát quái. Thế có nghĩa là khi càn khảm cấn chấn… đến thì Phật giáo đã ở đây rồi. Họ cùng chia nhau ảnh hưởng và chung sống hoà bình với nhau cũng như từ đầu công nguyên khi Phật giáo đến Việt Nam nó tự nguyện kết hợp với tín ngưỡng bản địa (thờ tứ pháp) để tồn tại và phát triển. Ở Việt Nam không có mâu thuẫn tôn giáo.

Vừa rồi các vị trường lão ở làng Chùa (quê của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều) quyết định xây lại cái cổng làng. Ai cũng biết là chả thể nào dựng lại được cái đã mất nhưng vẫn cứ phải làm để đề trên cổng dòng chữ Vọng tự nhập xuất. Cái cổng cũ đã bị đổ từ thời chiến tranh nhưng những chữ đó thì vẫn còn, còn trong đầu những người già của làng Chùa. Họ muốn con cháu họ hàng ngày ra vào, đi về nhìn thấy những chữ đó để biết cách mà sống. Thiều giải thích với tôi: “Những người già của làng tôi nói nghĩa của bốn chữ đó là: nhìn chữ để biết việc ra vào. Và tôi hiểu: chữ ở đây là văn hoá. Việc “ra vào” ở đây là phép hành xử với cuộc đời. Không có văn hoá thì không biết sống như thế nào”.

Hôm nọ về quê của người bạn chơi, một làng cổ nằm bên sông Đáy. Quê anh ấy vẫn nghèo, chùa của làng còn nguyên, chưa bị trùng tu, tam quan chùa nhỏ nhắn, bên phải cổng chính viết hai chữ Phương tiện, bên trái hai chữ Tuỳ duyên. Đúng ngày rằm nhưng chùa vẫn vắng vẻ. Tôi ngồi nói chuyện với sư thầy một lúc lâu, chuyện kinh kệ, chuyện Phật pháp. Tôi thắc mắc về mấy chữ ngoài cửa chùa. Sư thầy im lặng nghe, mãi khi tiễn tôi ra cổng, mới nói: Tuỳ duyên là cứ tuỳ duyên mà sống. Quá khứ thì đã qua, tương lai hay niết bàn cũng là chưa tới, yên tâm vui vẻ sống ở cuộc đời thật của hiện tại này đi đã. Còn duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Bận tâm làm gì. Buồn hay vui, hạnh phúc hay bất hạnh, chính hay lệch, danh hay lợi, đỉnh cao hay vực sâu, gặp gỡ hay chia ly thì cũng chỉ là phương tiện.

Cái cửa chùa Phương tiện – Tuỳ duyên ở quê nhà bạn tôi là cửa đạo mà cũng là cửa đời, cửa người, cửa cho mọi người, cửa cho mỗi người.

 
 
Then cửa
 

 L.T.C (Kiến trúc & đời sống)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here