Con trai vừa biết bơi đã theo cha làm nghề đãi sạn. Con gái theo mẹ chạy chợ với mớ dưa hành củ kiệu. Lớn một chút thì trĩu nặng gánh bắp hay rổ bánh Nậm, Ít, Lọc rao bán khắp đường phố.
Sau ngày đất nước thống nhất, theo chính sách đổi mới, gia đình chị cũng như bao cư dân sống trên vạn đò sông nước đã được di dời đến một vùng đất mới không quá xa thành phố. Cuộc sống định cư nơi đây cũng đã khá nhiều thay đổi. Các em chị và những đứa trẻ trong làng định cư đều được cắp sách đến trường. Cha chị chuyển sang nghề đạp xích-lô. Để cải thiện cho cuộc sống gia đình, chị cùng mẹ, hai mẹ con hai gánh bánh canh nóng hổi rao bán tại các bến xe. Ban đêm chị cắp sách đến học các lớp xoá mù chữ ở các chùa do các Sư cô làm từ thiện đứng lớp. Cuộc sống tuy chưa có gì sung túc nhưng vẫn trôi qua trong bình yên êm ả.
Bỗng một hôm trong khi chở hàng cho khách, cha chị giữa đường bị tai biến, được mọi người đưa vào bệnh viện. Khi mẹ con chị đến nơi thì ông đã tắt thở. Cha mất quá ư đột ngột, trụ cột của gia đình đã gãy đổ, cả nhà hụt hẫng đau thương. Tâm trí của mẹ rơi vào hoảng loạn, từ đó cứ đau ốm liên miên. Trong nhà có chút tư trang, tiền bạc do hai mẹ con chắt chiu dành dụm lâu nay cũng lần lượt tiêu hao. Giờ đây chị chỉ còn lại một người mẹ dở khóc dở cười và ba đứa em còn đang nhỏ dại. Chị bỗng dưng đã trở thành một người cha, người mẹ, người chị vừa thiếu chữ nghĩa vừa trong tay không một chút vốn liếng. Mới hơn 20 tuổi nhưng chưa một ngày được vui hưởng tuổi thơ, nay chị lại phải vác trên vai gánh nặng gia đình với ngần ấy sự sống. Ngày mai, rồi ngày mai nữa chị phải làm sao? Đêm nay là không biết bao nhiêu đêm rồi, chị không làm sao chợp mắt được. Đêm lắng chìm trong u tịch. Tiếng côn trùng rỉ rả. Tiếng rên khe khẽ của mẹ. Tiếng trở mình của các em. Bây giờ gia đình chị đã hoàn toàn rơi vào cảnh bi đát. Dạo này gánh bánh canh của chị càng ngày càng ế ẩm. Thời mở cửa, những tiệm ăn cao lầu, ốp-la, mì, phở; những tiệm cà-phê, nhà hàng sang trọng, người tiêu dùng vừa ăn vừa nhâm nhi ly cà-phê, vừa túc tắc nghe nhạc. Gánh bánh canh của chị chỉ còn bán cho giới bình dân. Đã bao nhiêu ngày gia đình chị phải ăn bánh canh thừa bán ế trong ngày để thay cơm. Với tình trạng này thì cơm còn chưa đủ ăn chứ nói chi đến thuốc thang của mẹ, học hành của em! Rồi chị hình dung cảnh các em của chị bỏ học: đứa xấp vé số, đứa thùng xi đánh giày lang thang khắp phố, hoặc đứa nối gót cha liêu xiêu trên chiếc xích-lô trong cảnh đông về. Bất giác nước mắt chị tuôn trào.
Mãi suy nghĩ miên man mà trời đã gần sáng. Chị nghe tiếng chuông chùa ngân lên trong xóm. Tiếng gà đã gáy sang canh. Chị choàng dậy, lật đật chuẩn bị gánh hàng mai. Ra đến đường cái thì trời đã sáng.
Gánh đong đưa chạy dọc theo dòng sông mà đầu vẫn suy nghĩ mông lung. Bỗng chị nghe bên kia đường sau cánh cửa của một khu vườn nhà có tiếng gọi: “Bánh canh! Bánh canh! Bánh canh qua đây!”
Chị quảy gánh bánh canh. Tay chị run lên vì mừng. Nhà thật đông người. Chị bán mà múc không kịp tay. Trong khi chờ đợi khách ăn, chị nghe họ bàn bạc với nhau. Một người trong số họ, hình như là anh cả của gia đình nói: “Các em thử nghĩ xem. Ba mất sớm, mẹ ở vậy suốt đời tần tảo nuôi nấng chúng ta nên người. Công ơn chưa có ngày đền đáp. Chúng ta trở về đây trong cảnh mẹ đau nặng, anh đau lòng lắm. Ở các nước Tây phương người ta có ngân hàng máu, tim, gan, thận… anh muốn đưa mẹ đi chữa nhưng sợ mẹ sức yếu, không chịu nổi đường sá xa xôi”. Nói xong, người anh lại thở dài, rồi tiếp: “Giá chi! Giá chi có ai chịu cho mẹ một quả thận, để mẹ sống tiếp với anh em ta hết đời, được như thế anh sẽ đền bù xứng đáng cho họ”.
Nghe qua câu chuyện, chị hiểu rõ mấy anh em nhà kia có người mẹ bệnh nặng cần phải thay thận mới sống. Người chỉ có một trái thận vẫn sống được khoẻ mạnh. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời chị nghe câu chuyện thật lạ như thế. Bất giác chị nhớ đến có lần có đoàn cứu tế do một Sư cô hướng dẫn đến thăm và phát quà cho khu định cư ở chỗ chị. Sư cô thuyết pháp. Sư cô kể chuyện tiền thân. Chuyện kể một người con gái, là tiền thân đức Phật, chặt cánh tay để cứu cha bị bệnh. Lúc nghe Sư cô kể chuyện ấy, chị chỉ cười và nhủ thầm, thời đại văn minh rồi mà cô kể chuyện gì không chút thực tế. Bây giờ, nghe người anh cả của nhà kia nói vậy, chị cảm thấy câu chuyện tiền thân ấy sao hôm nay thật gần gũi vô cùng.
Chị trở về. Lại thêm một đêm nữa chị thao thức trằn trọc mãi không ngủ được. Nằm gác tay lên trán, chị suy nghĩ thật nhiều: Một cánh tay của người con gái cứu cha đời xưa có khác gì một quả thận để cứu mẹ hôm nay? Vậy ta, ta có thể cắt bớt một trái thận của ta để cứu người mẹ đó mà cũng cứu cả đàn em? Rồi chị nghĩ đi, nghĩ lại “lỡ chết ta bỏ mẹ, bỏ em thì sao? Phân vân, lo lắng, đắn đo chị chưa dám quyết định".
Đột nhiên chị bỗng có một quyết định thật mạnh mẽ. Lặng lẽ chị đến trước bàn Phật, quỳ xuống rất lâu… Thời khắc như ngưng đọng. Trên cao, mẹ hiền Quan Âm đang mỉm cười nhìn chị. Nụ cười như luân lưu trong từng làn da thớ thịt của chị. Chị âm thầm khấn nguyện. Lạy mẹ tầm thanh cứu khổ!…
“Chúng con khổ, nguyền xin cứu khổ,
Chúng con khổ, nguyền xin tự độ”.
Chị thức dậy, bình minh đã xuyên qua kẽ lá, cỏ cây, vạn vật reo vui, như sáng rực trong lòng chị một niềm tin thật vững vàng.
Chị đến và bước vào nhà mấy anh em nọ. Với quyết tâm của mình, chị trình bày hoàn cảnh của bản thân, của gia đình. Chị trình bày một cách mạch lạc thiết tha. Mấy anh em nhà nọ lắng nghe với một sự cảm thông thân thiết. Tâm tư của những người con hiếu đạo gặp người chị dịu hiền như có nhân duyên từ vô thỉ, như kết hợp quá dễ dàng.
Giờ đây nơi thành phố xa trong một bệnh viện lớn, xung quanh chị là người thân trong gia đình nọ. Còn chị, chị chỉ có một mình, cộng với tôi, người chị mới quen. Tôi nhìn gương mặt chị, trông chị thật bình tĩnh, trong ca mổ, chị đi vào giấc mơ thật thanh nhàn. Hình ảnh đức Phật mỉm cười tự tại – giọng thuyết pháp êm ái của Ni cô.
– Một cánh tay của người con gái xa xưa,
– Một quả thận của chị hôm nay.
Chập chờn trong giấc ngủ say. Xa mà gần, hư mà thật. Vô tướng-thật tướng là tâm. Lạy Phật từ bi. Lạy đức Tầm thanh cứu khổ.
Khi chị tỉnh dậy thì ca mổ thành công. Thật là một hạnh phúc vô biên cho những người chị hiền, con hiếu.
Kể từ đó tôi không còn gặp lại chị. Thời gian thấm thoắt trôi. Mới hôm nào mà nay đã gần 20 năm. Tình cờ một hôm gần đây tôi gặp lại chị. Chị cũng đã gần 50 tuổi rồi mà trông vẫn tươi tắn và đẹp hẳn ra. Gặp tôi chị mừng lắm. Chị cho tôi biết mẹ chị vẫn còn khoẻ và ba đứa em đều đã thành đạt. Đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, đứa em gái út là cô giáo dạy trẻ, tất cả đều đã lập gia đình. Riêng chị không lấy chồng. Chị ở vậy chăm sóc mẹ, giúp đỡ cho hai em và các cháu. Rảnh rỗi chị đi chùa tụng kinh. Tôi nhìn chị với một tấm lòng khâm phục vô cùng. Muốn lấy câu chuyện của chị làm đề tài cho các em trong tổ chức Gia đình Phật tử nhưng chị không đồng ý. Chị nói: “Xấu hổ lắm. Nghèo quá cùng đường mới làm thế để cứu khổ cả nhà. May mà nhờ Phật gia hộ”.
Ôi chị! Một tâm hồn bình dị mà trong sáng vô cùng. Chị là đoá sen từ trong ô trược vươn lên. Một đoá sen trong bùn mà chẳng vướng mùi bùn.
T.H