Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Thiên Mụ trong thắng cảnh Huế

Chùa Thiên Mụ trong thắng cảnh Huế

230
0

Năm 1609, chúa lại lập chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, Quảng Bình. Sau khi chúa dựng xong dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc, chúa lại cho lập một ngôi chùa gần đó, gọi là chùa Long Hưng, ở về mé Ðông của trấn.



Như vậy trong thâm ý của chúa Nguyễn, đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn. Cũng vì vậy cho nên sau này, các chúa Nguyễn đều tỏ vẻ sùng thượng đạo Phật và nhân dân Ðàng Trong cũng nghênh đón các vị du tăng Trung Quốc với một tấm lòng chân thật, mặn nồng. Trong thời đại chuyển tiếp giữa hai triều Minh Thanh, nhiều cao tăng Trung Hoa đã tới Ðàng Trong hành hóa. Một phần quan trọng của những tổ đình hiện nay là do các thiền sư Trung Hoa sáng lập.



Chùa Thiên  Mụ là một danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của cố đô Huế. Chùa được xây  trên đỉnh một ngọn đồi cao  ngay bên bờ sông Hương đối diện vùng đất Long Thọ. Trước cửa chùa có tháp kiến trúc theo hình bát giác, một kiểu bố cục theo hình bát quái. Tháp nầy gồm có 6 tầng đều nhau nhưng càng lên cao thì diện tích lại được thu nhỏ lại. Mỗi tầng có một mái nhỏ chìa ra với những đường nét trang trí khá tinh vi, đều đặn và sinh động lạ thường. Mỗi mặt có một cửa cuốn khá lớn hình chữ nhật nhưng chung quanh có nhiều mô hình long nguyệt. Trên cùng là một mái nhỏ 8 cạnh. Chính giữa có trang trí một hình nậm rượu có mũi nhọn. Chung quanh có những mô hình vân vũ.



Nhiều vị cao tăng từng được mời về làm trụ trì từ trước đến nay cho nên chùa trở thành nơi quần tụ nhiều thiện nam tín nữ đến nghe thuyết pháp. Có nhiều huyền thoại chung quanh lai lịch của chùa Thiên Mụ được nhiều sách báo xưa nay đề cập đến.



Một trong những mẫu chuyện đó đã kể lại như sau:  Từ những năm tháng trước đó, dân chúng trong vùng nầy đêm đêm thường thấy một bà già mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên một ngọn đồi mà chùa toạ lạc hiện nay. Bà cho biết như sau: Sau nầy sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa trong vùng nầy để tụ long khí để cho long mạch được bền vững. Sau khi nói xong thì bà ta biến mất.



Từ đó ngọn đồi nầy được gọi là Thiên Mụ Sơn (tức là ngọn núi của bà Trời).  Sau khi vào trấn thủ đất Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) thường đi tìm những vùng địa thế đặc biệt có đến vùng nầy và được dân chúng kể lại như  thế. Chúa Nguyễn tự nghĩ chân chúa đó chính là mình, cho nên đã khuyên dân nên xây chùa tại đây và đặt tên là Thiên Mụ Tự.



Nhưng nhiều giả thuyết đã không xác định như thời điểm đó. Theo các giả thuyết nầy thì nhiều chứng tích  cho rằng chùa đã được xây lên vào năm 1555, tức là khi chúa Nguyễn chưa ra đời.



Trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương văn An viết trong thời điểm đó cũng định cả đến tên của ngôi chùa này rồi.  Cũng có thể thời đó ngôi chùa tuy được dựng lên, nhưng chỉ là một thảo am nhỏ, kiến trúc chưa có gì là quy mô, rộng lớn như sau nầy. Thời điểm chúa Nguyễn cho dựng lại chùa vào năm 1601 và quy mô rộng lớn khang trang hơn trước.



Những triều Nguyễn đã cho xây dựng liên tiếp những phần còn lại trong quần thể chùa nầy. Năm 1665, ngôi chùa nầy cũng đã được chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu với những kiến tạo quy mô hơn.  Cuối năm 1695, Hoà thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) ở Quảng Đông được chúa Nguyễn Phúc Chu mời qua hoằng dương Phật Pháp tại ngôi chùa nầy. Tín đồ đến tham dự ngày càng đông đúc và chùa được nổi tiếng vang khắp nơi từ đó. 



Năm 1710, chúa Nguyễn cũng cho đúc một đại hồng chung và cũng đã viết một bài Ký để khắc trên chuông  nầy. Năm 1714,  Chúa sai Chưởng Cơ Tống Đức Đại đứng ra trông coi việc trùng tu và cũng đã mở rộng thêm ngôi chùa nầy. Trong dịp nầy, một chương trình trùng tu khá quy mô: chùa được xây thêm điện đài, nhiều đình viện chung quanh, nhà Tăng, nhà Tổ, vọng chuông.



Theo những tài liệu ghi chép lại đã có 22 công trình xây dựng trong dịp nầy.  Công tác chỉnh trang nầy kéo dài trên một năm trời vàcó đến 1012 người thợ và dân phu tham gia trong cuộc xây dựng lần nầy. Tất cả được mô tả là công trình khá hoành tráng. Sau khi sửa chữa xong, một lễ kỳ an kéo dài đến 3 ngày và chúa Nguyễn cũng cho khắc một bài Ký  do chính mình soạn thảo để làm kỷ niệm.



Nhà vua cũng nhờ 3 vị thiền sư Việt Nam sang Trung Hoa thỉnh hơn 1000 bộ kinh Phật Giáo nổi tiếng về tàng trữ tại ngôi chùa nầy để phát triển thêm tư tưởng Phật Giáo.  Cho đến đời Tây Sơn nắm quyền hành (1786-1801) thì chùa Thiên Mụ đã bị nạn binh đao tàn phá rất nặng nề.  Có đến 3/4 công trình đã bị hủy hoại.



Theo tài liệu của Phan huy Ich, đã có thời kỳ triều đình Tây Sơn đã dùng ngôi chùa nầy làm đàn Xã Tắc để cúng tế cầu đảo hằng năm. Đời nhà Nguyễn, vào những năm 1815 và 1831, vua Gia Long và vua Minh Mạng đã sai quan Lễ Bộ Tham Tri đứng ra điều khiển việc tu sửa lại ngôi chùa danh tiếng nầy.



Năm 1844, để kỷ niệm  bà Thuận Thiên Cao Hoàng  Hậu (vợ của vua Gia Long)  thọ 80 tuổi (Bát tuần Thánh Thọ), vua Thiệu Trị đã cử Thống Chế Hoàng Văn Hậu  đứng ra điều khiển việc kiến trúc lại ngôi chùa nầy trên  một quy mô rộng lớn: xây thêm tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyện, dựng lại hai tấm bia ghi  lại thơ văn nhà vua.



Chùa Thiên Mụ cũng được chọn làm một trong 20 thắng cảnh nổi tiếng của đất Thần Kinh, qua bài Thiên Mụ Chung Thanh:



Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên, Nguyệt tướng thường viên tự tại nhiên. Bách bát hồng thanh tiêu bách kết, Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên. Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm, Liêu lượng dẫn tiêu đạo vị huyền. Phân tích Thánh công thùy hải vũ, Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.



Nghĩa là:



Gò cao chùa cổ bên sông, An nhiên nguyệt tướng, mặt vòng tròn gương. Niệm tan phiền no sầu thương, Ba ngàn thế giới, tỉnh đường ba sinh. Chuông rền cảm giới u minh, Ban mai tiếng tụng, hiển linh đạo huyền. Thánh công Phật Tích  lưu truyền Nhân lành, quả tốt, khắp miền nước non.   (Bản dịch của Nguyễn Quảng Tuân)



Năm 1899, để đóng góp công đức cho chùa nhân dịp lễ Cửu Tuần Đại Tiết của bà Từ Dũ (vợ của vua Thiệu Trị), vua Thành Thái đã ra lệnh cho bộ Công tu bổ lại tháp Phước Duyên và dựng bia để kỷ niệm.  Năm năm sau đó (1904) một trận bão dữ dội đã gây cho ngôi chùa nầy nhiều thiệt hại nặng nề, mà trong đó, đình  Hương Nguyện đã bị sụp đổ. Mùa thu năm 1907 thì chùa  được trùng tu lại.



Tháng ba năm 1920, vua Khải Định lại cho dựng bia đá gần tháp Phước Duyên, để khắc một bài thơ ngự chế nội dung ca ngợi cảnh chùa.  Đợt sau cùng, chùa Thiên Mụ đã được đại tu bổ vào cuối năm 1957. Trong đợt nầy, phần lớn những  bộ phận kiến trúc trong điện Đại Hùng đều được thay thế bằng bê tông cốt sắt. Thiên Mụ trở thành một trong những danh lam nổi tiếng nhất của đất Thần Kinh. 



Thiên Mụ được nhắc nhở nhiều trong thi ca âm nhạc, hội họa nhiếp ảnh, để lôi cuốn du khách bốn phương cảngười nước ngoài.



Không một tập Kỷ Yếu nào viết về Huế mà không có hình tháp của Thiên Mụ. Cơ quan  UNESCO trong chương trình trùng tu Huế đã đưa Thiên Mụ lên hàng cao.  Đại hồng chung Thiên Mụ là được liệt vào một trong những công trình kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng củavùng đất Thần Kinh.  Căn cứ theo những tài liệu lịch sử và kiến trúc đất Thần kinh thì công trình đúc chuông nầy là do chúa Nguyễn  Phúc Chu (1691 – 1727) đề xướng.



Năm 1710 việc đúc đại hồng chung nầy hoàn tất. Một đại trai đàn được tổ chức vô cùng trọng thể sau khi chùa xây xong. Tính ra thì chuông  nặng trên 2000kg và chiều cao đến 2,5 mét đường kính của chuông là 1,4 mét. Trên mặt của chuông có khắc 8 chữ Thọ theo lối chữ triện; ở giữa thân chuông chia làm 4 khoảng, có khắc bài Minh của chúa Nguyễn Phúc Chu.



Những hình long,vân, nhật, tinh được chạm nổi; phía dưới khắc hình bát quái và sóng nước. Chuông có chiếc quai rất lớn đúc bằng đồng, hình sóng nước. Thân chuông được phân chia ra nhiều phần trang trí khác nhau.



 Nhiều vòng song song được bố trí đều từ quai đến đáy chuông. Vòng thứ 1: Vòng trang trí hoa dây.  Vòng thứ 2:  Bốn đôi rồng chầu mặt nguyệt. Vòng thứ 3: Tám chữ Phúc. Vòng thứ 4-  Vòng trang trí kỹ hà. Vòng thứ 5- Bài thơ của chúa Nguyễn. Vòng thứ 6 – Những đường song song trên có 4 vòng cao. Vòng thứ 7 – Hình hậu thiên bát quái.  Vòng thứ 8 – Hình bát bửu.  Vòng thứ  9- Hình sóng nước.



Tháp Phước Duyên (Thiên Mụ – Huế)



Tháp Phước Duyên nằm trong khu vực trước chùa Thiên Mụ Huế. Vào trung tuần tháng ba năm Giáp Thìn, niên hiệu Thiệu Trị thứ 4(1844), nhân ngày lễ bát tuần của Thái Hoàng Thái Hậu Nhân Tuyên Tử Khánh (tức Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, bà nội của vua Thiệu Trị), cũng là người nuôi dưỡng vua Thiệu Trị, vì mẹ của vua mất sau khi sanh xong có 13 ngày.  Vua cho lập chùa Diệu Đế (nơi vua Thiệu Trị sanh ra và sanh sống lúc còn nhỏ), đồng thời xây tháp bảy tầng trước Nghi Môn chuà  Thiên Mụ; tháp được đặt tên là Từ Nhân và đình Hương Nguyện ở trước tháp nầy.



Việc xây tháp Từ Nhân và đình Hương Nguyện được giao cho Hổ Uy Thống chế Huỳnh Văn Hậu làm Đổng Lý. Theo sách Đại Nam Thực Lục Chánh Biên có ghi chép về việc xây ngôi tháp nầy như sau:- Năm Giáp Thìn, Thiệu Trị thứ tư, tháng 3, lập Tháp bảy tầng ở chùa Thiên Mụ. Bắt đầu xây tháp bảy tầng chùa Thiên Mụ gọi là  tháp Từ Nhân, trước tháp xây đình Hương Nguyện, giao cho Hổ UyThống Chế là Huỳnh Văn Hậu đổng lý mọi việc… 



Việc xây tháp Từ Nhân và đình Hương Nguyện có lẽ cũng do bộ Binh phái thợ và binh lính đến xây cất như trường hợp chùa Diệu Đế (Gia Hội). Hiện chưa biết rõ việc xây tháp nầy được tiến hành như thế nào, vì không còn tài liệu nào lưu trữ; chỉ được biết tháp và đình được hoàn thành vào tháng 7 năm Ất Tị (1845); vua Thiệu Trị cho đổi tên là “Bảo Tháp Phước Duyên”.   Sách Đại Nam Thực Lục ghi thêm các chi tiết:- Năm Ất Tị, Thiệu Trị thứ 5, tháng 7, đổi tên tháp Thiên Mụ:  Tháp Từ Nhân xây xong, nhà vua đổi tên là “Phước Duyên bảo tháp”, lấy ý nghĩa là: mười phương công đức phước duyên, muônviệc đều lành…Sau đó, lại mở trai đàn tại chùa Thiên Mụ; sai Thự Chưởng Vệ Tôn Thất Cung và Thị Lang Tôn Thất Hiệp đổng lý việc trai đàn nầy.Khi bảo tháp mới tạo thành, nhà vua và những người trong Hoàng tộc cùng một số văn quan trong triều đến vãn cảnh, đồng thời cũng đã làm thơ văn để lưu niệm việc xây tháp và đình Hương Nguyện. Sau khi tháp Phước Duyên được hoàn thành, các Hoàng tửchọn ngày mồng 6 tháng 7 năm đó (Ất Tị) cung nghinh kim thân Thế Tôn đưa vào bảo tháp và tụng kinh Chúc Hổ. Năm sau (1846) vuaThiệu Trị viết văn bia kể lại việc xây tháp Phước Duyên và bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” khắc vào bia đá tại chùa nầy. Tháp Phước Duyên có 7 tầng, cao 5 trượng, 3 thước 2 tấc (21,2mét).



Tháp xây theo hình khối bát giác (có 8 mặt) bên trong, từ  tầng thứ 2 trở lên đỉnh có bực thang đi lên theo hình xoắn ốc.  Bảy tầng nầy thờ 7 vị Phật khác nhau: Tầng thứ nhất thờ Phật quá khứ Tì Bà Thi; tầng thứ hai thờ Phật Thi Khi; tầng thứ ba thờPhật Thi Xá Phù; tầng thứ tư thờ Phật câu Lưu Tôn; tầng thứ năm thờ Phật Câu Na Hàm Mâu Ni; tầng thứ sáu thờ Phật Ca Diếp; tầng thứ bảy thờ Trung Nhiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật; đứng hầu hai bên Ngài là Tôn Giả Ca Diếp và Tôn Giả An Nan.  Bảy tượng Phật nầy lúc trước bằng vàng y, tượng Phật ở tầng trên  cao lớn hơn tượng Phật ở tầng thấp. Tượng Phật Tì Bà Thi ở tầng dưới cùng nặng 25kg, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở tầng thứ 7 nặng đến 300kg. 



 20 THẮNG CẢNH



Thần kinh nhị thập cảnh, tức 20 thắng cảnh của đất Huế đã từng được vua Thiệu Trị xếp hạng và vịnh thơ hồi giữa thế kỷ XIX. Trải qua bao cuộc dâu bể, đến nay cả 20 thắng cảnh này hầu như đều đã không còn, hoặc giả còn thì cũng đã biến đổi rất nhiều. Trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tiền nhân, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nỗ lực đáng kể qua việc sưu tầm, dịch thuật và giới thiệu về 20 thắng cảnh này qua công trình Thần kinh nhị thập cảnh – Thơ vua Thiệu Trị (Nxb Thuận Hóa, Huế-1997). Tuy nhiên, sự giới thiệu về Thần kinh nhị thập cảnh trong công trình trên chủ yếu mới nằm ở khâu khai thác tư liệu và phần bình thơ; những thông tin về tình trạng hiện nay của 20 thắng cảnh ấy cùng những dấu ấn còn lại vẫn còn thiếu khá nhiều. Đây cũng chính là phần mà chúng tôi muốn bổ khuyết trong bài viết nhỏ này.  



Theo sự bình chọn, sắp xếp của vua Thiệu Trị, 20 thắng cảnh của đất Thần kinh gồm những cảnh được sắp xếp theo thứ tự sau:



1-Trùng Minh Viễn Chiếu (cảnh lầu Minh Viễn trong Tử Cấm Thành)  



2-Vĩnh Thiệu Phương Văn (cảnh vườn Thiệu Phương- trong Tử Cấm Thành)  



3-Tịnh Hồ Hạ Hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm-Trong Kinh Thành)  



4-Thư Uyển Xuân Quang (cảnh vườn Thư Quang- Trong Kinh Thành)  



5-Ngự Viên Đắc Nguyệt (cảnh vườn Ngự -trong Tử Cấm Thành)  



6-Cao Các Sinh Lương (cảnh hồ Nội Kim thủy -trong Hoàng thành)  



7-Trường Ninh Thùy Điếu (cảnh cung Trường Ninh-trong Hoàng thành)  



8-Thường Mậu Quan Canh (cảnh vườn Thường Mậu-trong Kinh thành)



9-Vân Sơn Thắng Tích (cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân)



10. Thuận Hải Qui Phàm (cảnh biển Thuận An)  



11. Hương Giang Hiểu Phiếm (cảnh sông Hương)



12. Bình Lãnh Đăng Cao (cảnh núi Ngự Bình)



13. Linh Quán Khánh Vận (cảnh quán Linh Hựu-trong Kinh thành)



14. Thiên Mụ Chung Thanh (cảnh chùa Thiên Mụ)



15. Trạch Nguyên Tao Lộc (cảnh đầu nguồn sông Hương)



16. Hải Nhi Quan Ngư (cảnh phá Hà Trung)  



17. Giác Hoàng Phạm Ngữ (cảnh chùa Gíac Hoàng-trong Kinh thành)  



18. Huỳnh Tự Thư Thanh (cảnh trường Quốc Tử Gíam)  



19. Đông Lâm Dực Điểu (cảnh rừng Đông Lâm-huyện Hương Thủy)



20. Tây Lãnh Thang Hoằng (cảnh suối nước nóng-huyện Hương Trạ


                                                                                           Kiêm Đạt








Nguồn tài liệu chính:



Pagode de Thien Mu – L. Bezacier – Tạp chi BAVH – 1932



Huế đẹp – Huế thơ – Nhiều tác giả – NXB Thuận Hoá –1997



Văn hoá mỹ thuật Huế – Chu Quang Trứ – NXB Thuận Hoá –1998



Lịch sử kiến trúc PGVN – Nguyễn Bá Lăng – Viện Đại học Vạn Hạnh – 1972



Danh lam nước Việt – Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương –NXB Mỹ thuật – 1995

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here