Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Quốc Ân

Chùa Quốc Ân

366
0

Chùa Quốc Ân được kiến tạo vào năm 1684 trong lãnh vực của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Lúc đầu ngôi chùa nầy có tên là Vĩnh Ấn, cho đến năm 1689 thì chúa Nguyễn Phúc Trăn đã phê chuẩn miễn thuế hoàn toàn cho ngôi chùa nầy, lại giúp để tu tạo thêm và ban cho chùa một bức hoành phi có những chữ Sắc Tứ Quốc Ân Tự..

Vua Hiển Tôn triều Nguyễn cũng đã ban cho chùa hai câu đối như sau: 

Bối diệp phiên vân, lục thời thiền tụng kỳ phong nẫm; – Cà sa thấp vũ, nhật vị thanh cơ kiến do xương. – Bát bảo xán kim lương, hiễn nhật lâm quan, tiểu hữu nhân hữu cảnh; – Ngũ vân sinh ngọc đống, xuân quang triển toạ, hải bát thức, bất bi.

Nghĩa là: 

Mây phất phơ trên kinh lá bối, sáu thời thiền tụng, cầu hòa lợi phong đăng, – Mưa thấm khắp lớp áo cà sa, nhất vị thanh tu, gây duyên cơ phát đạt. – Đồ bát bảo rực rỡ rương vàng; vừng nhật chiếu đền thiền quang, mến được có người, có cảnh. – Mây ngũ sắc chói ngời cột ngọc; ánh xuân dồn về bảo tọa, vui thay không mất, không xa… 

Nếu đem so sánh chùa Quốc Ân với những ngôi chùa khác trong vùng cố đô Huế thì đây là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất, lại có những ảnh hưởng sâu xa trong lịch sử truyền thừa Phật Giáo ở vùng Đàng Trong, trải qua nhiều thế hệ và nhiều thế kỷ trong lịch sử cận đại của Phật Giáo. Chùa nầy xây cất trên quy mô rộng lớn, uy nghiêm, trải qua nhiều suy thoái, đã được trùng tu nhiều lần, nhưng đến nay vẫn không mất hẳn những nét cổ kính đặc thù cùa ngôi chùa, dù thời gian và chiến tranh đã phá hủy đi khá nhiều.

Khi bàn về nghệ thuật kiến trúc của chùa Quốc Ân, tác giả Ca Văn Thỉnh thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Hà Nội đã viết như sau: 

Chùa nầy được xây dựng theo quy cách của những ngôi chùa miền Bắc, chẳng hạn như chùa Phổ Minh ở Tức Mặc, chùa Dâu ở Bắc Ninh, chùa Thái Lạc ở Hưng Yên,chùa Bối Kê ở Hà Đông. Đặc tính chung của lối kiến trúc nầy là: Những câu đầu, xà thượng, xà hạ, con chồng ít so gờ chỉ và chạm trỗ, nên trông toàn thể có vẻ thô mạnh, nhưng lại làm nổi bật được những nét chạm trổ công phu, sống động, trên những thân trụ, trong lòng giá chiêng trống, và những ván bưng trên xà nách của chùa. Chính kỹ thuật nầy là những nét tiêu biểu cho những ngôi chùa ở Thần Kinh…

Vị tổ khai sáng của ngôi chùa danh tiếng nầy là Hoà Thượng Nguyên Thiều, một cao tăng từ Trung Hoa sang truyền giáo tại Việt Nam vùng Đàng Trong. Ngài sinh năm Mậu Tý (1648) quán tại vùng Hà Châu, tỉnh Quảng Đông, Tháng năm năm 1677, ngài đi theo những tàu buôn của những thương gia Trung Hoa sang Việt Nam tại vùng Đàng Trong, đến phủ Quy Ninh thuộc Bình Định và xin phép chính quyền lập chùa giảng kinh tại đây.

Cho đến tháng bảy năm 1680, ngài cùng hai đệ tử thân tín của mình lên đường ra vùng Thuận Hoá, để hoằng pháp, gặp những vị chân tu tại đây để trao đổi những Phật sự. Sau đó, ngài đã đứng ra lập chùa Phước Thành (tức là chùa Hà Trung sau nầy) thuộc huyện Hưng Phú, trên một quy mô khá rộng lớn. 

Vào khoảng tháng chín năm 1682, ngài đến kinh thành Huế, và đã được chúa Nguyễn mời vào phủ chúa để giảng kinh trong ba tháng trời và tổ chức an cư kiết hạ tại một ngôi chùa gần phủ chúa. Sau đó ngài đến vùng Phú Xuân, xin phép chính quyền để lập chùa Quốc Ân.

Theo truyền thuyết cho biết: Ngài Nguyên Thiều khi đến vùng nầy, một đêm nằm mơ thấy một vị Bồ tát (Thường Tinh Tấn Bồ Tát) khuyên ngài nên lập thêm chùa cho dân chúng học đạo, nghe kinh, để phát triển thêm Phật Giáo vùng Đàng Trong. Ngôi chùa nầy cũng bắt đầu từ đó. 

Cho đến tháng bảy năm 1687, ngài được chúa Nguyễn phái sang Trung Hoa trong nhiệm vụ mời thêm cao tăng truyền giáo và thỉnh kinh. Một số cao tăng cũng đã hưởng ứng và do uy tín vốn có của ngài Nguyên Thiều đã sang Việt Nam vùng Đàng Trong lúc bấy giờ. Phật Giáo vùng nầy lại thêm phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu. 

Ngài Nguyên Thiều cũng đã cung thỉnh một số Pháp cụ đến cúng dường tại chùa Quốc Ân; phần lớn đến nay vẫn còn được lưu giữ tại chùa nầy.

Hoà Thượng Thạch Liêm từ Trung Hoa cũng sang ngụ tại chùa Quốc Ân trong hai năm trời và thuyết pháp thường xuyên tại đây, thu nhận đệ tử, trước khi đi xây dựng những ngôi chùa khác. Ngài Nguyên Thiều đã viên tịch vào tháng 6 năm 1722, và Hoà Thượng Viên Chân, một đại đệ tử của ngài đã kế nhiệm chức vụ trụ trì ngôi chùa nầy.

Bảo tháp ngài Nguyên Thiều được xây lên sau lưng chùa Quốc Ân, nhưng về sau thì phần lớn đã bị phá hủy vàotrận chiến năm 1755. Hiến Tông Hoàng Đế đã ban Thụy Hiệu cho ngài là Hạnh Đoan Thiền Sư và sai lập đàn cúng bái trong suốt ba ngày trời. Hoàng Đế đã đích thân đến chiêm bái trong suốt thời gian nầy. Chùa Quốc Ân nổi tiếng là đã lưu trữ nhiều bộ kinh Phật Giáo cùng những Pháp cụ quý giá cho đến nay. Nhiều đại giới đàn cũng được tổ chức tại đây.

N.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here