Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa La Chử

Chùa La Chử

165
0

Làng La Chử ở phía tây bắc Kinh thành Huế, là một làng xưa. Theo nhiều họ xưa nhất trong làng như họ Hà chẳng hạn, thì con cháu đã xuống đến đời thứ 21, 22. Như thế ít ra làng cũng thành lập cách đây độ chừng 650 năm, vào cuối đời nhà Trần. Trong khoảng từ năm 1417 đến năm 1423 tl. khi Lê Lợi đánh quân Minh ở làng Hoành Sơn dưới chân Lam Thành mà sử đời Hậu Lê thường gọi là “Lục niên chiến đấu“, thì đã có ông họ Hà (khuyết danh) ở thôn La Chử, huyện Kim Trà, lộ Thuận Hóa, kéo quân tải lương thực và vũ khí ra tận Hoành Sơn để giúp Lê Lợi đánh quân Minh. Khi đánh thắng giăc, ông họ Hà đã được vua Lê Lợi phong làm Thái Liêu. Về sau, khi ông mất, dân lập đền thờ ngay trên nền nhà ông ở từ trước. Tương truyền, ông họ Hà này là người “sinh vi tướng, tử vi thần“, nên không lâu sau khi mất, ông đã hiển linh giúp dân rất nhiều. Trong sách “Ô châu cận lục“, Dương Văn An viết: “Hà công ( khuyết danh) người thôn La Chử, huyện Kim Trà, theo Lê Thái Tổ ở Hành Sơn, có công bình Ngô, được phong chức Thái Liêu, chỗ ông ở có đắp tòa thành đất, nay nền cũ hãy còn. Thường có hiển hiện linh ứng, dân bản hạt lập đền phụng thờ“. Và nói đến sự linh ứng của đền này, Dương Văn An nhắc lại một câu: “Một đền ở La Chử là cơ chỉ của Hà Công” (Sđd. tr. 56).


Vào đời Tây Sơn (1788-1801), La Chử là nơi đóng Tổng hành dinh của Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận công Võ Văn Dũng. Vùng đó hiện nay là đất Công Dinh, đã xây dựng trưởng Tiểu học cho học sinh toàn xã. Từ đất Tổng hành dinh này đến cơ chỉ Hà công thời xưa là một trục thẳng. Trên trục thẳng đó và gần đất Công Dinh xưa là một vùng đất cao ráo, trên vùng đất này chùa La Chử đã được xây dựng. Chùa xây dựng theo hướng nam chênh đông, như thế là tọa Càn hướng Tốn. Vị trí xây dựng ngôi chùa rất đặc biệt: Chùa ở trên một trục thẳng với cơ chỉ Hà công trước mặt với Tổng hành dinh tướng Võ Văn Dũng sau lưng; Vị trí ngôi chùa tọa lạc lại là vị trí trung tâm làng nên chùa ở sát vị trí đất Công Dinh, nhưng lại cách xa cơ chỉ Hà công. Sau lưng cuộc đất xây chùa và ở dưới thấp có một lạch nước nhỏ, bốn mùa đều có lưu thủy ôm bọc lấy cuộc đất. Trước mặt chùa nhìn thẳng ra một dãy hồ nhỏ của ba xóm kết lại; không có gì ngăn cản tầm nhìn của tượng Phật từ chính điện trong chùa nhìn ra. Bên trái dãy hồ là hàng tre của các xóm nhà dân kết liền chạy theo ba hồ nhỏ tạo thành một dãy dài xanh im mát. Bên phải dãy hồ là con đường làng chạy thẳng ra cơ chỉ Hà công.


Mặc dầu làng La Chử có thể đã thành lập vào dưới nhà Trần; nhưng cho đến trước năm 1945 tl. văn hóa làng quê La Chử lại in đậm sắc thái văn hóa đời Hậu Lê. Sắc thái văn hóa này có đặc trưng là chùa Phật, Văn Thánh, cây đa và Đình làng, chợ làng đều quy tụ trong một vùng ở trung tâm làng. Bởi thế nếu ta đứng ở vị trí chính là chùa La Chử, thì phía tay phải chùa, chỉ cách một bức thành, là nhà Văn Thánh. Nhìn chênh về hướng tây nam độ 50m có cây đa xanh tươi tỏa tán rợp mát cả một vùng rất đẹp. Rồi đến Đình làng xây mặt về hướng bắc; trước Đình có chi lưu sông Bạch Yến nối liền Sông Bồ với Sông Hương. Quanh vùng bóng cây đa to lớn ấy là chợ La Chử mà thông tục từ xa xưa gọi là “Chợ Chử“. Đình làng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ ba, Nhâm Tuất (1742). Nhưng đây có thể là lần tái thiết thành quy mô đồ sộ; bộ sườn có 5 gian 2 chái, có cột kèo to chắc; đã có câu ca dao trong dân gian: “Thình thình như cột đình La Chử“, mái lợp ngói âm dương. Kết cấu có hai đường tàu nóc: một đường chạy theo nóc chính trên cao; một đường chạy trên mái dưới phần thấp hơn. Nhưng cả hai đường tàu nóc ấy đều có trang trí rồng chầu bình hồ lô, khảm mảnh sứ lấp lánh; lại có hình ly, quy, phụng. Các góc đao hơi uốn cong lên phảng phất giống văn hóa kiến trúc đình làng ở miền Bắc vào thời Hậu Lê. Trước khi dựng lại đình làng một năm, tức vào năm 1741 tl., thì đã có một cuộc trùng kiến chùa làng. Chùa làng nguyên là một “thảo mao tự” được toàn dân làng dựng lập vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Dân làng còn truyền chính xác là vào năm Chính Hòa nguyên niên đời vua Hy Tông nhà Hậu Lê, tức là vào năm 1680 tl., dân làng đã dựng chùa tranh ở đây để đến cầu cúng vào ngày rằm và mồng một hàng tháng. Năm Cảnh Hưng thứ hai,Tân Dậu (1741); chùa được tái thiết khang trang. Mái ngói, vách gạch; cột kèo bằng gỗ quý chạm trổ. Bên ngoài trang trí tứ linh: long, lân, quy, phụng; có khảm mảnh sành mảnh sứ nhiều màu lấp lánh. Năm Cảnh Hưng thứ ba (1742) của vua Lê ở Bắc Hà, nhằm đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ở Nam Hà; chùa được ban biển hiệu “Sắc tứ Chúc Thánh Đạo Tràng” để treo trên chánh điện thờ Phật Như thế, biển hiệu chùa cũng được ban vào năm làm đình. Rất có thể Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đã ban biển hiệu này. Vì chúa Võ Vương có đạo hiệu là “Từ Tế Đạo Nhân” đã ban “sắc tứ” cho nhiều chùa ở quanh Đô thành Phú Xuân, như chùa Báo Quốc ở núi Hàm Long; chùa Quang Đức ở làng An Vân; chùa Khánh Van ở núi Lựu Bảo. Chúa cũng thường ngự ra nghỉ ngơi và ngoạn cảnh tại chùa Bạch Vân. Chùa còn di chỉ trên “Miếu Ông Ầm” hiện nay ở sơn phận làng Phụ Ổ, một làng kế cận phía tây làng La Chử, di chỉ cách chùa làng La Chử không xa lắm. Biển hiệu “Sắc tứ Chúc Thánh Đạo Tràng” này còn cho đến trước năm 1946, tức là trước khi chiến tranh vệ quốc đánh giăc Pháp xảy ra. Cổng chùa thời xưa xây cổ lầu, rất dày dặn, có ba cửa uốn vòm tròn ở trên để đi vào chùa. Tam quan này đứng trên nền cao đến ba tầng cấp. Bên trên có bức hoành đắp nổi ba chữ Hán: “La Chử Tự” bằng vôi nề khảm mảnh sành. Hai bên cổng giữa có hai vế đối;


Viễn quan sơn hữu sắc,


Cận thính thủy vô thanh.


Câu đối tuy không có chữ Phật nào cả, nhưng rõ ràng là đã thể hiện giáo lý Phật đà: “Thanh, sắc“, “hữu, vô” đều là những khái niệm của Phật giáo thường thuyết giảng. Hai bên cực tả hữu của tam quan cũng có hai vế đối:


Tây phương lai giáo cổ,


Nam diện tọa đường hanh (?)


Câu này chỉ miêu tả sử sách; không có ý nghĩa thâm viễn như câu trên. Đến thời Tây Sơn (1788-1801), tuy có lệnh cấm lập chùa; nhưng chùa làng La Chử vẫn được trùng tu, dân làng theo Phật giáo đông đảo, có cả đặt cả chứcHội thủ, mặc dầu chùa nằm giữa lòng khu quân sự thuộc Tổng hành dinh của Điện Tiền tướng quân Võ Văn Dũng sát ngay sau lưng chùa, mà ngày nay dân làng còn gọi là “đất công dinh“, chỉ cách chùa một con lạch nhỏ. Lại có nữ tướng Bùi Thị Xuân về lập trường luyện voi chiến ở đất Hạ Lang tại An Đô, chỉ cách La Chử có một làng Phụ Ổ. Phải chăng là vì trong làng có người con gái xinh đẹp họ Lê đã trở thành Điện Tiền Tướng quân phu nhân? Đó là bà Lê Thị Vi, ái nữ của ông Lê Công Học. Không những thoát được cảnh tàn phá, mà chùa còn được trùng tu vào năm Tân Hợi (1791), đạo hữu đông đảo, đã lập thành “hội chùa làng“, dặt ông Lê Công Học, nhạc gia tướng Võ Văn Dũng làm Hội thủ. Trong kỳ đại trùng tu này, người ta có chú tạo một quả hồng chung, hiện nay đang còn, và là quả chuông độc nhất trong nước Viêt Nam đã được chú tạo dưới đời vua Quang Trung (1788-1892) nhà Tây Sơn. Trên quả chuông này, người ta còn thấy tên Điện Tiền Tướng quân Võ Văn Dũng đã cùng vời phu nhân Lê Thị Vi, và nhạc gia là ông Hội thủ Lê Công Học, cùng toàn dân làng La Chử chú tạo vào năm Tân Hợi (1791) để cúng vào chùa. Trải qua hơn 200 năm, đến nay chuông trở thành bảo vật lịch sử không chỉ của riêng dân làng La Chử mà còn của cả quốc gia; vì chuông được chú tạo vào năm Tân Hợi (1791), thuộc niên hiệu Quang Trung năm thứ tư. Chuông mang niên hiệu của một vị anh hùng dân tộc, chói lọi trong lịch sử, mặc dầu trên chuông không khắc rõ hai chữ Quang Trung như trên quả chuông đồng của nữ tướng Bùi Thị Xuân dùng để ra hiệu lệnh luyện voi chiến, mà cho đến năm 1972 tl. của thế kỷ trước, chúng tôi đã được thấy trong một “đám chay” ở La Chử, nhưng nay dường như đã mất, hoặc chưa tìm thấy lại.


Đến triều nhà Nguyễn (1802-1945) chùa làng La Chử lại được trùng tu một lần vào năm Minh Mạng thứ 19, Mậu Tuất (1838); và một lần vào năm Thành Thái thứ 18, Bính Ngọ (1906). Qua những lần trùng tu tái tháêt, dân làng còn tạo ba ngôi tượng Tam Thánh: Quan Vũ, mặt đỏ râu dài, ngồi ở giữa; Quan Bình, mặt trắng, đứng hầu bên phải; đối diện là Châu Xương, mặt đen, con mắt mở lớn đầy tròng trắng, râu chổi xể, đứng hầu bên trái, tay cầm Thanh Long đao. Ba pho tượng bằng gỗ mít, lớn hơn người thật, có bệ gỗ cao, tôn trí trong tọa lung gương rất lớn; kiểu như cái khám rất đẹp, chiếm hết gian phía đông. Dân làng đi vào chùa, thấy ba pho tượng này, đều cung kính và sợ hãi. Ở gian phía tây, có thờ công đức; trên đó có bài vị của nhiều người có công đức với làng. Các vị anh hùng dân tộc dưới triều Tây Sơn như Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng, có phối thờ bà Lê Thị Vi, tướng quân phu nhân, thường gọi là “Bà Tư Đồ“; nữ tướng Tượng binh Bùi Thị Xuân, thường gọi là “Bà Tư Đồ Thái phó” có phối thờ bà Lê Công Thị Nhơn, người cúng đất Hạ Lang để nữ tướng Bùi Thị Xuân mở “Tập Tượng Trường“, thì được thờ ở một bàn thờ riêng về chái phía đông. Trước năm 1945, mỗi kỳ thu tế hàng năm, dân làng thường có vào rước thần vị và bát nhang của các vị ra đình để hợp tế; mặc dầu từ xưa đến nay, đúng vào ngày mà các vị đã hy sinh trên các giảo đài của Nguyễn Ánh vào năm 1801 tl. thì tạị bàn thờ các vị thiết ở chùa làng La Chử, dân làng vẫn tụ họp để làm lễ chánh kỵ vào hàng năm, để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc của một giai đoạn lịch sử rất chói lọi trong sử sách.


Gian giữa, trên vách sau có bức hoành dề bốn chữ: “Vạn Cổ Tâm Hương“, chính giữa thiết bàn thờ Phật. Ngày xưa tượng Phật tạc bằng gỗ mít. Chỉ trong khoảng từ 1940 đến 1942 tl. thì dân làng mới cùng Khuôn Tịnh Độ An Nam Phật Học Hội La Chử chú pho tượng Phật bằng đồng mà hiện nay đang còn thờ tại chùa. Chùa làng, tuy gọi là chùa, song thờ Thánh là chính. Có thể nói ở bất cứ chùa làng nào cũng đều có cách bài trí tôn thờ giống nhau. Đây có lẽ là một nét đặc trưng thuộc văn hóa làng xã truyền thống vừa có tính cách tín ngưỡng Phật giáo bình dân, vừa có tính cách văn hóa “Tam giáo đồng quy“: Phật-Khổng-Lão; mà chưa phải là Phật giáo thuần túy… Bộ sườn nhà của ngôi chùa là ngôi nhà rường một căn hai chái, vách gạch, mái lợp ngói liệt, đường tàu nóc có hai con rồng ở hai đầu quay mặt chầu vào bình hồ lô ở giữa; bốn góc mái đều có giao cù rất đẹp. Tuy là sườn nhà rường một căn hai chái; nhưng bên trước lại có ba dãy cửa bàn khoa song bản bằng gỗ lim chắc chắn. Ngoài cửa, có hai con hạc bằng gỗ, rất lớn, đứng trên lưng rùa rất cao. Hạc vươn cổ tới mái chùa, thiết trí ngay bên ngoài cửa chính như thay cho hai vị Hộ Pháp.


Phần nhiều những pháp tượng pháp khí nói trên đều bị thất lạc hoặc bị tan nát, gãy đổ trong thời chiến tranh. Năm 1961, dân làng tái thiết chùa một lần nữa, nhưng cổng chùa bị sập nát không xây lại được. Cặp hạc cũng gãy nát mất không còn dấu vết. May còn chuông đồng lịch sử, các pho tượng Thánh và những bộ sườn nhà chùa lổ chổ vụn nát. Các cánh cửa chùa cũng tan nát tiêu hoại mất..


Năm 1989, dân làng mở cuộc đại trùng tu ngôi chùa. Bộ sườn ngôi chùa bằng gỗ khi tháo ra, bị hư mục, không thể làm lại được. Người dân ở đây đành trùng tạo nhà chùa theo đề án đúc bê tông cốt thép và sơ đồ kiến thiết vẫn lớn như chùa cũ vì theo nền chùa cũ; nhưng có châm chế theo mẫu chùa Huế.


Cổng chùa được xây lại đồ sộ có tầng lầu, ba cổng vòm kiên cố đứng trên nền cổng cao như ngày xưa, và có phỏng theo các nét những cổng cổ của các chùa lớn ở Huế.


Sau cổng chùa, ở giữa sân có hồ nước tròn, giữa hồ nước có tượng Quán Thế Âm lộ thiên. Chùa có tiền đường, tả hữu có lầu chuông lầu trống. Ngôi chùa vẫn được trang trí theo các mô-típ truyền thống như rồng chầu pháp luân, bình hồ lô; tàu nóc chính thì vẫn là con nghê, con phụng, con rùa v.v… Lại có khảm mảnh sành mảnh sứ lấp lánh, mái đúc giả ngói âm dương … Câu đối và hoành phi đều lấy lại câu đối và chữ ngày xưa để viết hoặc đắp lại bằng xi măng. Cuộc trùng tạo ngôi chùa kéo dài trong nhiều năm, vì công sức của dân đóng góp theo từng vụ lúa, lại có sự ngoại hộ bằng tịnh tài của thiện nam tín nữ con dân trong làng ở xa gửi về. Phía đông vườn chùa có Niệm Phật Đường của Hội Phật Học và Gia đình Phật tử sinh họat định kỳ vào ngày rằm, mồng một mỗi tháng; và vào các dịp có lễ lớn.



Tam quan chùa LA Chử


Chùa La Chử rất nổi tiếng nhờ hai yếu tố sau:


Thứ nhất là vào thời Gia Long, Minh Mạng có hai ngài xuất gia và đều đắc pháp đại sư: Đó là ngài Tánh Họat Huệ Cảnh và ngài Tánh Thông Nhất Trí. Hai ngài đều là người họ Lê. Từ đường của họ Lê này ở phía đông-bắc sát vườn chùa. Dòng họ Lê này, trong nhiều đời, đời nào cũng có người “bán thế xuất gia” để giữ gìn chùa làng và tín ngưỡng Phật giáo trong dân làng. Hai vị Hòa thượng trên có thể là anh em chú bác, vì ngài Huệ Cảnh thuộc đệ nhất phái; còn ngài Nhất Trí thuộc đệ nhị phái. Thuở còn ấu thời các ngài đã được ông bà bên nội, bên ngoại và thân phụ thân mẫu dẫn đến chùa làng khi các vị đến chùa lạy Phật vào ngày rằm, mồng một. Vì được dưỡng dục trong không khí đạo hạnh của gia đình có tín ngưỡng Phật giáo thuần thành, và sớm gắn bó với ngôi chùa làng như vậy, nên cả hai ngài đều sớm phát triển được căn tính Phật chủng của mình. Cả hai ngài đều xuất gia tại chùa Báo Quốc, đều thờ ngài Đạo Minh Phổ Tịnh làm thầy.


Trong sách Hàm Long Sơn chí, ngài Tánh Thông Nhất Trí được ghi ở thứ 13, trong khi ngài Tánh Khoát (còn đọc là Tánh Hoạt, vì kỵ húy tên Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát) Đức Giai được ghi ở thứ 28. Gia phổ họ Lê, đệ nhị phái ở La Chử đã ghi ngài Tánh Thông thuộc thế đại đệ nhị trong phái, ngài đã ra làm quan “Đại phu đại lý tự, Tri phủ, Trung Thanh Bá Lê Công Diễn, hồi nhập Phật đạo nguyên lưu tam thập cửu thế, Linh Mụ Tự Tăng Cang, trùng kiến Kim Tiên Tự, pháp húy Tánh Thông, hiệu Nhất Trí A Xà Lê” .


Như vậy ngài Tánh Thông Nhất Trí đã xuất chính, nhưng treo ấn từ quan để xuất gia cầu học Phật pháp. Ngài đã đắc pháp đại sư với Phổ Tịnh thiền sư ở chùa Báo Quốc, được bổn sư truyền kệ phú pháp như sau:


Nhất Trí thể viên minh,


Tâm pháp bổn như nhiên;


Hư không thâu nhất điểm,


Kế tổ vĩnh lưu truyền .


Hòa thượng Tánh Thông Nhất Trí chính thức là Trú trì chùa Thánh Duyên, nhưng lại sung chức Tăng cang chùa Thiên Mụ. Ngài trùng kiến chùa Kim Tiên vào khoảng triều Thiệu Trị (1841–1847). Tháp mộ ngài ở chùa Kim Tiên. Long vị trong chùa đề gần như trong gia phổ: “Từ Lâm Tế nguyên lưu tam thập cửu thế, Linh Mụ Tự Tăng cang, trùng kiến Kim Tiên Tự, pháp húy Tánh Thông hiệu Nhất Trí A Xà Lê chi vị”. Nhưng bia tháp lại khắc: “Sắc tứ Thánh Duyên Tự Trú trì, sung Linh Mụ Tự Tăng cang, trùng kiến Kim Tiên Tự; húy Tánh Thông, hiệu Nhất Trí Hòa thượng”. Tháp được xây vào tháng 02, năm Tự Đức thứ 28 (1875), chứng tỏ rằng ngài viên tịch vào khoảng thời gian này. Vào triều Minh Mạng (1820-1840) ngài cũng đã trú trì ở chùa Viên Giác, long vị ở đây đã ghi ngài có pháp danh Tánh Thông và pháp hiệu là Long Hưng.


Ngài Tánh Họat Huệ Cảnh thì vào hàng đồng chân nhập đạo. Ngài sinh năm Mậu Ngọ (1798), đến chùa Báo Quốc xin xuất gia với Phổ Tịnh thiền sư. Ngài được bổn sư đặt cho pháp danh là Tánh Hoạt, tự là Đức Giai, nhưng vào năm Gia Long thứ 15 (1816), bổn sư của ngài viên tịch. Lúc đó ngài mới được 18 tuổi, ở lại cùng tu học với pháp lữ. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ngài được 34 tuổi; sang chùa Thiên Mụ cầu pháp với Hòa thượng Tế Chánh Bổn Giác, và ngài đã đắc pháp với Hòa thượng, được trao kệ phú pháp với pháp danh mới theo dòng kệ của ngài Vạn Phong Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng bên Trung Quốc.


Kệ phú pháp với pháp danh là Liễu Tánh, tự là Huệ Cảnh:


Thị pháp bổn lai như thị pháp,


Vô danh triển chuyển cưỡng an danh


Nhữ kim Liễu Tánh vô ngôn thuyết


Thủy giác như tư Huệ Cảnh minh.


(Dịch âm từ HLSC q.I, tờ 17a, dòng 3,4,5,6)


Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) ngài được bà Tống Thị cầu thỉnh về làm tọa chủ Trường Phước Tự. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) vua phong ngài làm Tăng cang chùa Thánh Duyên. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) ngài về lập thảo am Tường Vân ở gần núi Dẫn Khiêm. Ngài là sơ Tổ khai sơn ra chùa Tường Vân và là bạn thân với Tùng Thiện Vương. Ngày 13 tháng 04 năm Tự Đức thứ 19 (1866), vào giờ Ngọ, ngài an nhiên thị tịch. Đệ tử được ngài thế độ có đến 14 vị, trong đó nổi bật là ngài Hải Toàn Linh Cơ, về sau là Đệ nhất Tổ chùa Tường Vân. Số đệ tử quy y với ngài khoảng chừng 40 vị.


Thứ hai là quả chuông chùa: Chuông được chú tạo vào ngày tốt tháng Bảy năm Tân Hợi, Quang Trung thứ 4 triều Tây Sơn, nhằm tháng 8 năm 1791 tây lịch. Chuông này ngày xưa để ở trong chùa, góc tay trái (trong nhìn ra), về hướng đông, sát cửa ra vào. Chuông treo trên một cái giá gỗ sơn son có khắc niên đại tạo giá bằng mấy chữ “Bảo Đại nhị niên tạo”, ứng với tây lịch là năm 1927. Hiện nay giá ấy vẫn còn.



Chuông La Chữ


Chuông có hình dáng đẹp, cao 1m26. Phần quai chuông cao 0m34, phần thân chuông cao 0m92. Chu vi thân chuông, đoạn giữa thân đo được 1m74, chu vi phần gần miệng chuông là 1m80; đường kính lòng chuông ở phần thân đo được là 0m57. Từ thân chuông ra miệng chuông, phần loe này rộng được 0m09. Đường kính ở miệng chuông đo phủ bì bên này sang bên kia là 0m70. Độ dày của chuông khoảng dưới 0m01.


Cách trình bày, hoa văn và văn khắc trên chuông La Chử có phần đặc trưng về văn hóa dung hợp tam giáo và tư tưởng bình dân hơn là biểu lộ đạo Phật thuần túy.


Trên hết là quai chuông hình hai con mãng xà (còn gọi là con bồ lao) chầu đuôi với nhau và quay đầu ra hai ngả, bốn chân đạp lên đỉnh chuông. Phần quai chuông này được đúc dày dặn bề thế. Mắt, mũi, miệng và vi kỳ trên lưng mãng xà, vảy bao quanh mình mãng xà thật rõ, có vẻ mạnh và dữ; phần thân uốn cong lên để làm quai chuông thật đẹp, tạo thành một hình ô-mê-ga W cân đối, mỹ thuật.


Thân chuông chia làm hai phần. Từ đỉnh xuống đến nụ chuông đo được 0m63, phần từ nụ chuông xuống đến miệng chuông được 0m28. Chuông có đến 12 lỗ thủng, và nhiều vết đạn bắn qua thân chuông. Thân chuông được chia dọc thành 4 phần, cách nhau bằng bốn dải gân sóng. Mỗi dải có 4 đường sóng chạy song song từ trên xuống chiếm bề rộng bằng 0m08. Mỗi khung chữ nhật đứng trong bốn khung ấy dài đo từ trên xuống là 0m57, rộng đo theo chu vi là 0m35. Bên trên và ở chính giữa mỗi khung đề tên một mùa trong “tứ thời“, chữ khắc chân phương rất rõ.


Khung có chữ “Xuân“, trình bày hoa văn không nơi nào có; bên góc phải trên có hình hai cái lược: lược dày và lược thưa bằng sừng trâu; hình lược thưa có lưng uốn cong, hàng răng lược phẳng, hai đầu hai răng lược có bề rộng hơn hàng răng lược rất đều ở giữa. Lược dày có hai hàng răng lược hai bên, chính giữa là sóng lược. Răng lược hai đầu to hơn và hơi uốn cong lưng ra ngoài. Hoa văn này là một nét văn hóa, phong tục vô cùng đặc biệt và phổ thông trong đời sồng hàng ngày của dân gian, từ các thế kỷ trước cho đến trước năm 1945 vẫn còn thấy hai vật gia dụng này, đã được đưa vào trình bày lần đầu tiên và có lẽ là lần duy nhất ở chuông chùa La Chử. Hoa văn bên góc trái ô này là cái gương tròn có cán cầm và cái hoa. Nói chung cả hai hoa văn này là gương lược và hoa xuân, biểu hiện công việc trang điểm của người phụ nữ Việt Nam xưa. Trong khung này khắc tên họ và chức tước người chú tạo đại hồng chung rất rõ: “Hương Trà huyện, La Chử xã, Hội thủ Lê Công Học tín cúng. – Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng, chính thất Lê Thị Vi công đức”. Mấy chữ “Điện Tiền Thái Bảo” bị cào mờ rất khó đọc.


Khung có chữ “Hạ” trình bày hoa văn ở góc bên phải trên là hình cái quạt lá và hai cuốn sách ở bên trái. Phần thân khắc bài văn cầu cho dân làng được mọi sự tốt đẹp, càng ngày càng phát triển; khởi đầu bằng câu “Thượng triệt thiên đường hạ thông địa ngục …”.


Khung có chữ “Thu” hình trên, bên phải là bầu rượu đang bốc hơi, quanh cổ bầu rượu có cột vấn “dải “; bên trái cũng bầu hồ lô vấn “dải là“, nhưng đặt năm xiên. Phần giữa thân khắc niên đại tạo chuông: “Tân Hợi thu thất nguyệt cát nhật tạo”; tức là ngày tốt tháng bảy trong mùa thu năm Tân Hợi (tháng 8 năm 1791) chú tạo chuông này.


Khung có chữ “Đông“, bên trên có hoa văn bên phải là hai ngọn lá và bên trái là hình cây gươm. Thân giữa khắc bài kệ chuông: “Văn chung thanh, phiền não khinh…” là bài kệ mà chuông chùa nào cũng có khắc trên thân chuông.


Phần các góc bên dưới, mỗi ô có hình võ tướng. Cả 4 ô là 8 vị, biểu thị, “Kim Cang bát bộ”, được đúc nổi, áo giáp, mũ trụ và vũ khí như gươm, giáo, chùy, búa rất tinh tế, điệu múa võ rất đẹp.


Bốn nụ chuông trình bày giống nhau. Một nền tròn gồm hai đường viền trong và ngoài, ở giữa là những chấm hạt cườm chạy quanh song song với hai đường viền ấy, hình nụ tròn để đánh chuông nằm giữa hình trang trí đó. Đường kính đo theo vòng tròn ngoài là 0m105. Một vành đai quanh thân chuông nối liền 4 nụ chuông để phân chia phần trên đã mô tả với phần còn lại ở dưới. Vành đai này đúc nổi. Hai đường hoa văn hai bên chạy kèm một vành đai đúc nổi cao hơn. Vành đai này lại còn có hai đường chỉ chạy kèm hai bên; toàn bộ tạo thành hoa văn rất tỉ mỉ chạy quanh thân chuông. Mỗi hoa văn rộng được 0m03. Mỗi khung ở phần dưới rộng 0m12, dài 0m20 trình bày tứ linh cho cả 4 khung: “Xuân” có chim phụng bay, đầu và mỏ như chim keo, năm lông đuôi uốn rải rất đẹp; “Hạ” đúc hình con nghê, có thể đó là con lân, “Thu” hình con rồng; “Đông” hình con rùa mang hòm Kinh và miệng phun lửa. Dưới cùng giáp với miệng chuông laị có một đường hoa văn rộng 0m03.


Miệng chuông loe ra, được trình bày nhiều đường gân chạy vòng quanh để nâng lưng phần miệng chuông cao lên và rộng dần ra rất mỹ thuật.


Chuông chùa La Chử hiện nay trở thành bảo vật trong di sản văn hóa, tôn giáo của dân tộc. Dân làng đã từng bảo vệ chuông bằng cách bỏ xuống giếng sâu để tránh giặc. Khi yên lại trục lên đem treo để đánh. Trải qua bao biến cố của lịch sử chống ngoại xâm, chuông chùa La Chử đã được bảo vệ nhiều lần như thế. Nay thì chùa đã đựoc tái thiết, dân đã an cư lạc nghiệp, chuông lại được treo lên giá gỗ và sáng tối đều được thỉnh hồi chuông triêu mộ như truyền thống đã có hai trăm năm nay.




  • Hà Xuân Liêm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here