Trang chủ Chư tôn Thiền đức Phật giáo Thuận Hoá CHƯ TÔN THIỀN ĐỨC THUẬN HOÁ – (phần 2)

CHƯ TÔN THIỀN ĐỨC THUẬN HOÁ – (phần 2)

1083
0

 

CHƯ TÔN THIỀN ĐỨC THUẬN HOÁ (phần 2)

  1. T sư Nguyên Thiều (1648 – 1728)
    Chùa Quốc Ân – Huế

Về Tổ sư Nguyên Thiều, hiện chúng ta có nhiều tài liệu. Gần chúng ta nhất là các bài viết tiếng Pháp của các ông Émile Gaspardone với nhan đề là Bonzes des Mings réfugiés en Annam[1]. Tuy mới đây nhưng tài liệu rất khó kiếm; ông Léopold Cadière viết hai bài nhan đề là La Pagode Quốc Ân: Le fondateur[2] và La Pagode Quốc Ân: Les divers supérieurs[3]. Về Hán văn, chúng ta có bộ Đại Nam nhất thống chí, Duy Tân năm thứ 3 (1910)[4]; bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên đời Gia Long[5] đều có nói đến ngài Tạ Nguyên Thiều. Nhưng, tài liệu chính nhất thì phải nói là tấm bia đá trùng khắc, do Hoà thượng Liễu Chơn Từ Hiếu, Trú trì chùa Quốc Ân đã thực hiện, rất trung thành với bản chính hiện còn ở tháp Tổ Nguyên Thiều. Bia trùng khắc cách đây hơn 100 năm, để ở chùa Quốc Ân.

Tài liệu về Ngài còn rất nhiều như trên đã dẫn; song sự tích của Ngài rất khó viết, vì những mâu thuẫn về danh hiệu và mâu thuẫn về niên đại. Ở đâu, hình như người ta cũng đoán định hơn là cung cấp lịch sử chính xác. Chỉ nói danh xưng không mà thôi, hiện nay chúng ta cũng đã thấy lúng túng. Tại Huế có hai nơi đáng để ý là bia lăng tháp Ngài và chùa Quốc Ân:

  1. Bia lăng gắn ở bình phong đề: 敕 賜 國 恩 堂 上 臨 濟 諱 元 韶 壽 宗 諱 行 端 老 和 尚 之 塔Sắc tứ Quốc Ân đường thượng Lâm Tế huý Nguyên Thiều Thọ Tôn thuỵ Hạnh Đoan Lão Hoà thượng chi tháp“.
  2. Long vị ở chùa Quốc Ân đề: 敕 賜 國 恩 堂 上 臨 濟 正 宗 三 十 三 世 諱 元 韶 上 壽 下 尊 老 和 尚Sắc tứ Quốc Ân đường thượng Lâm Tế chánh tông tam thập tam thế huý Nguyên Thiều thượng Thọ hạ Tôn Lão Hoà thượng“.
  3. Tại chùa Viên Thông ở phía Tây Nam núi Ngự Bình còn có một bản khắc Chánh Pháp Nhãn Tạng của Ngài Chơn Kim Pháp Lâm thực hiện vào khoảng 1889, thuộc dòng kệ của ngài Minh Hải Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh Quảng Nam lại đề là: 第 三 十 三 世 諱 超 白 上 煥 下 碧 號 壽 尊 和 尚Đệ tam thập tam thế huý Siêu Bạch thượng Hoán hạ Bích hiệu Thọ Tôn Hoà thượng“.
  4. Tại chùa Giác Lâm ở Sàigòn, một ngôi chùa cổ có từ 1744, thì long vị đề là: 敕 賜 國 恩 堂 上 臨 濟 正 宗 三 十 三 世 上 煥 下 碧 諱 超 白 老 祖 和 尚Sắc tứ Quốc Ân đường thượng, Lâm Tế chánh tông tam thập tam thế, thượng Hoán hạ Bích huý Siêu Bạch Lão Tổ Hoà thượng“.
  5. Tại một ngôi tháp vọng ở chùa Kim Cang, Đồng Nai lại đề: 國 恩 金 剛 堂 上 三 十 三 世 諱 超 白 煥 碧 和 上 祖 師 之 塔Quốc Ân Kim Cang đường thượng tam thập tam thế huý Siêu Bạch Hoán Bích Hoà thượng Tổ sư chi tháp“.

Tất cả sách sử triều Nguyễn đều dùng “Tạ Nguyên Thiều, tự Hoán Bích…” hoặc “Hoán Bích Thiền sư”. Ông Léopold Cadière viết: “Ngài họ Tạ, tên thời niên thiếu của Ngài là Hoán Bích. Nguyên Thiều là danh xưng trong đạo[6]. Câu văn đoán định của L. Cadière xét ra sai cả hai ý. Ông viết: “Tên thời niên thiếu của Ngài là Hoán Bích”; ông Cadière không hiểu về Phật giáo. Một nhà sư làm gì có tên thời niên thiếu? Nếu là tên ngoài đời thì người ta gọi là thế danh, và khi đã xuất gia, ít ai dùng tới.

Nói chung, chúng ta hiện có đến bốn danh xưng khác nhau để gọi Ngài: Nguyên Thiều – Siêu Bạch – Hoán Bích – Thọ Tôn.

Nghiên cứu cách danh xưng trong các chùa Huế, người ta thấy rằng, các nhà sư thường có một Pháp danh và Pháp danh theo chữ trong dòng kệ của Bổn sư truyền đặt cho, nên cũng gọi là huý; huý có nghĩa là cấm, tránh nói đến; trên long vị khi viết huý thường viết tách đôi “thượng… hạ…”; nhà sư lại có một Pháp tự và một Pháp hiệu; sau khi viên tịch, nhà sư có tên thuỵ. Thường người ta gọi nhà sư theo “Pháp hiệu”.

Cho nên, nói như sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, “Hoán Bích” là tên “tự” của Ngài thì đúng hơn. Và tất cả các bộ sử trong Sử quán triều Nguyễn gọi là “Hoán Bích Thiền sư” cũng vì thế.

Theo cách viết ở long vị Ngài tại chùa Quốc Ân, thì ghi: “huý Nguyên Thiều thượng Thọ hạ Tôn…“; tại bia tháp viết “huý Nguyên Thiều Thọ Tôn“. Như vậy, huý hay Pháp danh của Ngài là Nguyên Thiều, Thọ Tôn là pháp tự,

Từ xưa tới nay, người ta chỉ gọi Ngài là Nguyên Thiều. Khi nói đến Tổ Giác Phong ở trước, chúng tôi có viện dẫn một tư liệu hãy còn lưu trữ tại chùa Quốc Ân – Huế, ký vào năm Chính Hoà thập ngũ niên (1694) nói về việc cấp đất cho chùa Quốc Ân dựng tháp Phổ Đồng, thấy có tên hai Ngài là “Nguyên Thiều và Giác Phong“. Trong giới Phật giáo Huế cũng gọi là Ngài Nguyên Thiều. Trong bi ký, long vị và các sách ở Sử quán như Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam liệt truyện tiền biên đều không thấy dùng chữ “Siêu Bạch”; trừ ra ba chỗ là bản Chánh Pháp nhãn tạng (1889) ở chùa Viên Thông; trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược của Hoà thượng Mật Thể (1942) và ngôi tháp vọng ở chùa Kim Cang – Đồng Nai.

Trong sách Việt Nam Phật giáo sử lược[7], Hoà thượng Mật Thể đã luận giải rằng: Ngài Nguyên Thiều đã thọ giới với một Ngài có chữ “Hạnh” ở đầu, theo dòng kệ của ngài Vạn Phong Thời Uỷ ở chùa Thiên Đồng (Trung Hoa) truyền xuống là:

祖 道 戒 定 宗   方 廣 證 圓 通

行 超 明 實 際,了 達 悟 真 空。

Phiên âm:     

Tổ đạo giới định tông    

Phương quảng chứng viên thông.

Hạnh siêu minh thật tế,   

Liễu đạt ngộ chơn không…

 Tạm dịch:     

 Giới định là tông chỉ,  

Rộng khắp chứng thần thông;

 Hạnh vượt sang bờ Thật, 

Tỏ ngộ đến chơn không.     

Nhưng đồng thời Ngài cũng thọ giới với Ngài Bổn Khao Khoáng Viên Hoà thượng ở chùa Báo Tư (Trung Hoa) như bia chùa Quốc Ân đã ghi. Ngài Bổn Khao Khoáng Viên là đệ tử của Ngài Đạo Mân Mộc Trần, đời thứ 31 thuộc dòng Lâm Tế, theo bài kệ của Ngài:

道 本 元 成 佛 祖 仙,

明 如 紅 日 麗 中 天。

靈 原 廣 閏 慈 風 普,

照 世 真 燈 萬 古 傳。

                 Dịch âm:                       

                                       Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên,

                                      Minh như hồng nhật lệ trung thiên.

                                      Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ,

                                      Chiếu thế chơn đăng vạn cổ truyền.

                 Tạm dịch:                      

                                      Đạo vốn thâm sâu Phật Tổ Tiên,

                                      Sáng soi tuyệt đẹp cõi trung thiên;

                                      Nguồn linh thấm rộng làn gió tốt,

                                      Đèn tuệ chiếu khắp vạn cổ truyền.           

Nếu theo dòng kệ trên thì Ngài đến chữ Siêu cho nên có huý là Siêu Bạch; với dòng kệ dưới thì Ngài đến chữ Nguyên cho nên có huý là Nguyên Thiều. Hoà thượng Mật Thể viết trong ngoặc đơn: (Hiện nay chùa Quốc Ân – Huế thì theo dòng kệ chữ “Nguyên”, tức là theo dòng kệ của ngài Đạo Mân [Mộc Trần]; chùa Thập Tháp (Bình Định) thì theo dòng kệ chữ “Siêu”, tức là dòng của ngài Vạn Phong).

Thuyết nói về chùa Quốc Ân có một chỗ đúng là vào năm 1915, Léopold Cadière viết về các Ngài ở chùa Quốc Ân – Huế, có thấy một tiếu tượng của ngài Mộc Trần, thờ ở bàn thờ Tổ. Ngài Mộc Trần chính là Tổ sư Đạo Mân, tức là Quốc sư Hoàng Giác, huý Thông Thiên ở chùa Thiên Đồng bên Trung Quốc, mà Ngài Nguyên Thiều đã mang theo tôn trí thờ ở chùa Quốc Ân (B.A.V.H, 1915).

Điều này chứng tỏ Ngài đã thọ giới với Bổn Khao Khoáng Viên Hoà thượng như văn bia viết là điều có thật. Vì ngài Đạo Mân Mộc Trần là bổn sư của ngài Bổn Khao Khoáng Viên. Theo bài kệ thì ngài Nguyên Thiều Hoán Bích đứng hàng thứ ba của chùa Thiên Khai, nhưng đứng hàng thứ hai của chùa Báo Tư (Trung Hoa). Tuy nhiên, đúng thì có một mà mâu thuẫn rất nhiều. Bởi vì, thế thì Ngài phải truyền Pháp cho các Ngài có chữ “Thành” mới đúng. Trái lại, tất cả dòng kệ này đều truyền xuống cho các Ngài ở các chùa trong Nam mà không hề có ở chùa Quốc Ân – Huế. Nhất là các Ngài ở chùa Đại Giác ở Biên Hoà và chùa Giác Lâm ở Gia Định.

Tại chùa Quốc Ân – Huế cũng có thờ long vị nhiều Ngài trong số các chữ theo dòng kệ ấy; nhưng chỉ có thờ long vị mà không có người ở thật. Chỉ có ngài Như Hán Nguyên Cát (tịch năm 1914), Như Đông Đắc Quang (1945); và một số chữ “Hồng” thì cũng rất muộn. Như vậy, đúng theo dòng kệ, thì trong Nam phải là ngài Nguyên Thiều truyền xuống, không phải là ngài Siêu Bạch.

Còn theo dòng kệ của ngài Vạn Phong Thời Uỷ ở chùa Thiên Đồng, lấy ngài Tổ Định Tuyết Phong làm đầu thì các Ngài ở chùa Quốc Ân phải do ngài Siêu Bạch truyền xuống mới đúng, chứ không phải là ngài Nguyên Thiều.

Theo bài kệ này thì dưới ngài Siêu Bạch có một loạt các Ngài có chữ “Minh” ở trước, nhưng không phải đệ tử của ngài Nguyên Thiều cả, mà có thể có người gọi Ngài là sư thúc, có người gọi Ngài là sư bá. Như ngài Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn ở Thuận Hoá; ngài Minh Hải Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam; ngài Minh Giác Kỳ Phương ở lại chùa Vĩnh Ân; Minh Hằng Định Nhiên làm Trú trì 64 năm ròng rã ở Quốc Ân; Minh Vật Nhất Tri khai sơn chùa Kim Cang ở Biên Hoà; Ngài Minh Lý (?) ở lại chùa Thập Tháp – Bình Định; Minh Lượng Nguyệt Ân khai sơn chùa Hòn Sấm; lại có ngài Minh Trí Nguyệt Hành, Minh Dung Pháp Thông v.v… Các Ngài có chữ “Minh” này truyền xuống cho đệ tử đều theo dòng kệ lấy ngài Tổ Định Tuyết Phong làm đầu. Cho nên, ngài Minh Hoằng Tử Dung thì có Thiệt Diệu Liễu Quán, Thiệt Vinh Bảo Hành; ngài Minh Vật Nhất Tri thì có ngài Thiệt Thành Liễu Đạt, Thiệt Thoại Tánh Tường; ngài Minh Hải Pháp Bảo có đệ tử là Thiệt Dinh Chính Hiển; ngài Minh Lượng Nguyệt Ân thì truyền xuống Thiệt Địa Pháp Ẩn; các Ngài có chữ “Thiệt” truyền xuống chữ “Tế” và v.v… Các Tổ truyền xuống một vài đời lại biệt xuất dòng kệ mới.

Theo bia ở chùa Quốc Ân thì Ngài Hoán Bích có họ Tạ, ra đời vào năm Mậu Tý, ngày 15 tháng 5 vào giờ Tuất, tính sang Tây lịch là vào ngày 08-7-1648 vào lúc 7-9 giờ tối. Quê hương của Ngài là huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quốc Sử Quán. 6) chép: “Tạ Nguyên Thiều tự Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi xuất gia tu ở chùa Báo Tư, làm đồ đệ của Hoà thượng Khoáng Viên. Thái Tông Hoàng đế Ất Tỵ năm thứ 17 (1665), Nguyên Thiều đi theo thuyền buôn qua Quảng Nam, lưu trú tại phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di-đà, giảng truyền Phật giáo; kế ra Phú Xuân sơn, tỉnh Thuận Hoá dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Đồng Phổ, sau phụng mạng Anh Tông Hoàng đế qua Quảng Đông rước Thạch Liêm Hoà thượng và thỉnh tượng Phật, chuông khánh; lúc trở về phụng sắc cho trú trì chùa Hà Trung [….] hưởng thọ 81 tuổi [….], Hiển Tông Hoàng đế ban cho thuỵ hiệu Hạnh Đoan Đại sư và làm một bài “ký” ghi chép công đức”[8]

Tất cả lời văn được các sử thần ghi chép trong Đại Nam liệt truyện tiền biên đều đã có trong “Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích Đại sư tháp ký minh” do Đại Việt Quốc chúa Nguyễn Phúc Thụ (1723-1738) ban khắc ở bia tháp mộ Ngài. Trong đoạn văn trên có nhiều điểm đáng bàn luận.

Trước hết là năm qua Nam của Tổ Nguyên Thiều Hoán Bích. Thái Tông Hoàng đế là niên hiệu truy phong tặng của chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Ất Tỵ năm thứ 17, trùng vào năm Cảnh Trị thứ 3 đời Lê Huyền Tôn của nhà Lê ở Bắc Hà. Tính theo các niên hiệu của vua Lê và chúa Nguyễn thì đều trùng khớp với năm 1665 Tây lịch. Song tính theo số tuổi kể từ năm sinh đến năm xuất gia, theo văn ghi trong bia và trong sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, thì các tài liệu trên này đều sai. Năm 19 tuổi, Bính Ngọ (1666) Ngài mới xuất gia đến chùa Báo Tư để thọ giới với Bổn Khao Khoáng Viên Hoà thượng, thì làm sao năm Ất Tỵ (1665) Ngài qua Nam cho được?

Cho nên, sau khi tính toán rất kỹ càng cách tính năm theo can-chi, ta phải nói cho rằng Ngài qua Nam vào năm 1677, tức là năm Đinh Tỵ.

Bia chúa Nguyễn lại viết Ngài thọ 81 tuổi mà sách Đại Nam liệt truyện tiền biên đã nhắc lại, và Ngài viên tịch vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân, tính sang Tây lịch là ngày 20-11-1728. Lấy năm mất, trừ năm tuổi thọ, người ta vẫn đến năm sinh là (1648)[9].. Văn bia cũng cho là Ngài hoằng hoá ở đất Nam Hà trong 51 năm. Lấy năm viên tịch trừ cho năm ở trên đất Nam Hà, ta vẫn đến năm 1677 đúng như năm qua Nam đã tính ở trước. Cho nên, dù nói thế nào thì niên đại Ất Tỵ (1665) vẫn là niên đại không chính xác để tính cho việc Ngài đổ bộ Quy Ninh vào lúc đó, so với năm sinh, năm xuất gia, năm viên tịch và số tuổi thọ, số năm Ngài hoằng hoá trên dải đất Nam Hà và Thuận Hoá.

Ngài Nguyên Thiều Hoán Bích qua Nam Hà không theo lời thỉnh mời của chúa, mà Ngài đã đến đây theo hoạt động riêng của Ngài (văn bia chùa Quốc Ân). Ngài “đi thuyền buôn qua Quảng Nam trú tại phủ Quy Ninh[10], tức là Ngài đã theo chân những người Trung Hoa” (văn bia), có thể là để tránh tình trạng xã hội bất ổn cuối đời Minh đầu Thanh. Trong thời gian trú tại phủ Quy Ninh, Ngài đã dựng chùa Thập Tháp và giảng truyền đạo Phật: “Chùa Thập Tháp ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn, sau chùa có 10 cái tháp Chàm, cho nên đặt tên như vậy, nay đổ nát hết rồi. Bản triều thời Thái Tông, Đường tăng Hoán Bích Hoà thượng xây cất chùa ấy, thời Hiển Tông sắc ban biển ngạch đề “Thập Tháp Di-đà Tự” và liễn đối…”.[11]

Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp ở Quy Ninh – Bình Định thì sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quốc Sử Quán. 6) nói tiếp: “Kế ra Phú Xuân Sơn, tỉnh Thuận Hoá, dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Đồng Phổ”, chứ không nói là Ngài đi đường biển, ghé lại Tư Dung lên làng Hà Trung để dựng chùa Phổ Thành. Đại Nam nhất thống chí cũng chỉ ghi: “Chùa Hà Trung ở xã Hà Trung, đời Hiển Tông bản triều sư Hoán Bích làm Trú trì ở đó”. Như vậy, chùa Hà Trung là một ngôi chùa làng đã có từ trước, Ngài chỉ ghé lại đình trú một thời gian, rồi lên Phú Xuân Sơn lập thảo am, để trở thành chùa Vĩnh Ân. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, thì có lẽ làng Hà Trung được khai lập vào đời chúa Nguyễn Hoàng, bởi trong sách Ô châu cận lục của Dường Văn An, tên làng này chưa có. Một luận cứ chắc chắn cho giới thuyết này là sách Hải ngoại kỷ sự viết vào năm 1695, trong đó Hoà thượng Thạch Liêm đã miêu tả mấy cây tùng cổ ở chùa Hà Trung như sau: “Chợt thấy một cây tùng xanh rợp bóng, một cổ thụ đã mấy trăm năm! [……]. Sau điện có những cây tùng lớn đến mấy ôm, ngọn queo cành cỗi, rậm rạp ly kỳ; thực là những thiên niên cổ thụ, trên đọt tùng sầm uất, lá xoắn từng nắm tròn; theo lời “Truyện ký” bảo đọt tùng xoắn thành nắm tròn, đào dưới gốc có củ phục linh và hổ phách; nhưng ta chẳng dám nói “Thuyết” ấy ra sợ làm hại đến cây quý”.

Theo các sách đã dẫn ở trên thì ngài Nguyên Thiều đổ bộ Quy Ninh vào năm 1676. Năm 1677 dựng chùa Thập Tháp ở Bình Định, kế đó ra Phú Xuân Sơn lập Vĩnh Ân Am vào khoảng từ 1682 đến 1684. Như thế khoảng cách giữa hai mốc thời gian chỉ có từ 5 đến 7 năm. Nếu nói rằng Ngài xây dựng Phổ Thành Tự ở làng Hà Trung, thì làm gì có được những cây tùng kỳ cổ đã hàng trăm năm như lời Thạch Liêm Hoà thượng miêu tả vào năm 1695, tức là cách thời gian ngài Nguyên Thiều lên đình trú ở chùa làng Hà Trung trong khoảng thời gian là 10 năm. Cho nên, cái thuyết cho rằng ngài Nguyên Thiều xây dựng Phổ Thành Tự tức chùa làng Hà Trung là một thuyết đáng ngờ. Mà chắc chắn hơn Phổ Thành Tự là tên hiệu chùa làng Hà Trung đã có từ thời gian lâu xa trước đó rồi.

Chùa Vĩnh Ân đã được khai sơn vào năm nào? Sách Đại Nam nhất thống chí triều Duy Tân chép: “Chùa Quốc Ân ở ấp Phước Quả. Tục truyền do Hoán Bích Đại sư xây cất, bản triều Hiển Tông có ban cho hai bức liễn đối…bên tả có khắc 8 chữ: 國王天縱道人御題Quốc Vương Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề” nay đương còn. Và trước chùa có tháp Phổ Đồng cũng do Hoán Bích Đại sư xây, sau bị binh hoả tàn phá, Gia Long năm đầu Mật Hoằng Hoà thượng tu bổ lại, chùa chiền rộng rãi mỹ quan. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng không cho ta thêm chi tiết nào rõ ràng hơn. Theo Tự phổ chùa Quốc Ân thì vào năm Chính Hoà thứ 5 (1684) vào thời vua Lê Hi Tôn ở Thăng Long, và Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ở Thuận Hoá, vị chúa này có ban cho một ngân khoản trợ cấp để ngài Nguyên Thiều xây dựng chùa. Như vậy chùa có thể xây dựng vào 1682 hoặc 1684 mà không quyết đoán được năm nào, chùa được xây dựng như thế nào? Không có sách sử gì để lại, chỉ nói rằng ngay bên cạnh chùa, Ngài có xây dựng một kiến trúc gọi là Phổ Đồng tháp.

Năm Chánh Hoà thứ 10, ngày 17.5. Kỷ Tỵ (13.7. 1689). Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế, tức là chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) đã phê chuẩn một sắc lệnh miễn thuế đất ruộng của chùa và đổi tên Vĩnh Ân tự thành “Sắc Tứ Quốc Ân Tự”. Như vậy, tên chùa Quốc Ân mà sách Đại Nam nhất thống chí đã viết, là có từ năm Kỷ Tỵ (1689) vậy.

Tuy nhiên, hiện nay còn một vấn đề mà người ta cũng không thể giải quyết cho chính xác được. Nguyễn Phúc Tần mất năm Đinh Mão (1687) thì ngôi chúa được người con của ông là Nguyễn Phúc Thái tiếp nối (1687-1691). Nguyễn Phúc Thái đã phái Ngài Nguyên Thiều Hoán Bích về Trung Quốc để tìm mời các danh tăng và thỉnh các Ngài về Thuận Hoá. Không biết Ngài được phái đi vào năm nào, nhưng vì việc phải xảy ra trong khoảng 1687 cho đến 1691 là khoảng thời gian trị vì của chúa Nguyễn Phúc Thái. Không biết Ngài đi trong bao nhiêu năm, và khi Ngài vắng mặt tại chùa Vĩnh Ân thì ai thay Ngài ở đây. Phải chăng là ngài Minh Giác Kỳ Phương mà người ta cho là đệ tử của Ngài? Cũng không biết Ngài về lại chùa trước hay sau việc chúa Nguyễn Phúc Thái ra lệnh miễn giảm toàn bộ thuế cho đất đai nhà chùa, và ban đổi hiệu chùa là “Sắc Tứ Quốc Ân Tự”. Chỉ biết rằng khi về thì không có ngài Thạch Liêm – là người chúa phán phải mời cho được – cùng đi với Ngài, và Ngài đã mang về nhiều tượng Phật và nhiều Pháp khí để thờ. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên chép: “Lúc trở về phụng sắc cho trú trì chùa Hà Trung”. Sự bổ dụng này mang dáng dấp một sự thất sủng hơn kính trọng. Hà Trung là một làng nằm mất hút vào cuối một đầm nước mặn trên một vùng đất cát, về phía nam Kinh thành hơn nửa ngày đi bộ. Chính tại ngôi chùa này mà thuyết truyền cho rằng Ngài đã thiết trí pho tượng Phật Quan Thế Âm rất lớn bằng đá và cho rằng đó là pho tượng quan trọng nhất mà Ngài đã thỉnh từ Trung Hoa về; hiện nay đang còn, là một bảo vật của Phật giáo Thừa Thiên – Huế.

Một tài liệu ký vào năm Chánh Hoà thập ngũ niên (1694) tức là đã ở vào thời trị vì của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) nói về việc đào giếng và cấp đất cho Tháp Phổ Đồng ở chùa Quốc Ân thì vẫn còn thấy tên Ngài Nguyên Thiều và Ngài Giác Phong. Sau giới đàn Ất Hợi (1695), khi đoàn thuyền của Ngài Thạch Liêm trở về Trung Hoa, đi ngang chùa Hà Trung, Ngài có miêu tả cảnh chùa rất đẹp, và ghé lại chùa thì được “Cai bá, Giám tự rước ta vào trong điện để cúng chay, Giám tự nguyên cũng là một thụ giới đệ tử[12]. Như thế, chứng tỏ rằng cho đến 1694 và 1695 Ngài Nguyên Thiều vẫn còn ở chùa Quốc Ân. Sử kiện này phải chăng là vì không mời được Thạch Liêm Hoà thượng qua Nam mà Ngài bị thất sủng đối với chúa Nguyễn Phúc Thái? Nhưng qua các đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và chúa Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) thì Ngài vẫn được trọng vọng và được thỉnh trú trì cả chùa Quốc Ân, còn chùa Hà Trung giao cho vị Giám tự. Tình trạng trú trì hai chùa ấy hiện nay vẫn thấy ở nhiều chùa Huế.

Chúa Nguyễn Phúc Thụ đã viết: “Ngài đã đi, đã về và đã hoàn thành sứ mạng với nhiều thành công và đã đem lại nhiều thành tựu to lớn.”[13]

Vì đó mà việc trọng vọng và để Ngài trú trì hai chùa là việc khả hữu. Ông Léopold Cadière nêu lên trong một bài ông viết về các Ngài trú trì ở chùa Quốc Ân về vấn đề trú trì hai chùa của Ngài Nguyên Thiều mà ông cũng xác nhận là điều có thể có, ông cho là ngài Nguyên Thiều đã viên tịch tại chùa Quốc Ân, vì ông dựa vào hai chứng cớ: Sau khi Ngài viên tịch, người ta mới bổ tới ngài Minh Hằng Định Nhiên, đệ tử của Ngài làm vị Trú trì thứ nhất để thay Ngài; và tháp mộ Ngài được xây ở xứ Cửa Hoá gần chùa Quốc Ân.[14]

Ở trên chúng tôi có viện dẫn lời chúa Nguyễn Phúc Thụ (1723-1738) viết trong bia “Sắc tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Đại sư tháp ký minh“, có câu: “Trong những cuộc luận đạo, Ngài đã chạm đến chỗ tột cùng vi diệu“, thì câu nhận định này đã biểu hiệu được hai mặt. Một mặt là câu nói ấy đã biểu lộ được trình độ thâm hiểu được Phật pháp, của vị chúa Nam Hà, và có thể là của cả giới Tăng sĩ Phật giáo Nam Hà vào thế kỷ thứ XVIII tl. Điều này không phải chúng tôi võ đoán. Bởi vì trước khi viên tịch, Ngài đã truyền lại bài kệ:

寂 寂 鏡 無 影

明 明 珠 不 容

堂 堂 物 非 物

寥 寥 空 勿 空

                                                          Phiên âm:

                                               Tịch tịch kính vô ảnh

                                              Minh minh châu bất dung

                                              Đường đường vật phi vật

                                              Liêu liêu không vật không.

                                                        Tạm dịch:

                                           Lặng lặng kính không ảnh

                                           Ngời ngời ngọc chẳng hình

                                           Rỡ rỡ vật không vật

                                          Quạnh quạnh không chẳng không.

Dĩ nhiên, bài kệ tuy ngắn, nhưng nội hàm giáo pháp và học lý vi diệu nhất mà Tổ Nguyên Thiều muốn khai thị và hoằng truyền thì đều đã có trong đó cả. Và có lẽ vị chúa Nam Hà đã “ngộ” được phần nào cái vi diệu ấy; cho nên chúa mới làm bài “minh” xưng tán Tổ như sau:

優 優 般 若          堂 堂 梵 室

水 月 優 遊           戒 持 戰 慄

湛 寂 孤 堅            卓 立 可 必

觀 身 本 空            弘 法 利 物

遍 覆 慈 雲             普 照 慧 日

瞻 之 嚴 之             泰 山 屹 屹

  Phiên âm      

   Ưu ưu bát nhã      Đường đường phạm thất,

 Thuỷ nguyệt ưu du     Giới trì chiến lật,

 Trạm tịch cô kiên         Trác lập hà tất

 Quán thân bổn không     Hoằng pháp lợi vật

   Biến phú từ vân           Phổ chiếu huệ nhật

  Chiêm chi nghiêm chi     Thái sơn ngật ngật

                                                           Tạm dịch:       

  Cao siêu bát nhã              Rỡ ràng Chùa thất

 Trăng nước rong chơi       Giữ giới nghiêm nhặt

 Lặng trong riêng vững      Ắt hẳn đứng cao

 Quán thân vốn không       Hoằng pháp lợi sanh

 Mây lành che khắp           Vầng tuệ chiếu cùng

 Nhìn ngài, ngưỡng ngài    Cao ngất núi Thái.

Đây cũng là mặt thứ hai của câu nhận định xưng tán Tổ Nguyên Thiều vậy.

Tóm lại, theo như trên chúng tôi có dẫn và tham khảo thêm trong “Lịch sử truyền thừa phái Lâm Tế Chúc Thánh” của thầy Như Tịnh Tổng kết các đệ tử của ngài hành đạo khắp các tỉnh thành ở Đàng Trong thời bấy giờ gồm: 1. Ngài Minh Hằng Định Nhiên (…?-1793): trú trì chùa Quốc Ân, Huế; 2. Minh Trí Thiện An (1679-1740): trú trì chùa Tây Thiền, Huế; 3. Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo (1670-1746): khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng Nam; 4. Minh Lượng, Thành Đẳng Nguyệt Ân (1686-1769): khai sơn chùa Phổ Bảo Hoằng Truyền[15] và khai sơn chùa Hòn Sấm, Khánh Hoà; 5. Minh Dung, Thành Chí Pháp Thông: khai sơn chùa Hoàng Long; 6. Minh Giác Thành Đạo Kỳ Phương (1682-1744): trú trì chùa Thập Tháp, Bình Định; 7. Minh Vật Nhất Tri (…?-1786): khai sơn chùa Kim Cang, Đồng Nai; 8. Thành Nhạc Ẩn Sơn (…?-1776): khai sơn chùa Châu Thới, Bình Dương và chùa Long Thiền Biên Hoà; 9. Thành Ngộ Nghiêm Am: trú trì chùa Linh Thứu; 10. Thành Duyệt: khai sơn chùa Quang Yên[16], Quảng Nam v.v…

  1. Thiền sư Tánh Tu Chí Khả (1710 – 1744)
    Chùa Quốc Ân – Huế

(Đang biên tập)

  1. Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (1670-1746)

Chùa Chúc Thánh – Quảng Nam

Thiền sư Minh Hải (1670–1746) thế danh Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) nhằm năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ là Lương Đôn Hậu, thân mẫu là Trần Thục Thận, anh trai là Lương Thế Bảo, em trai là Lương Thế Định, Ngài là người con thứ 2 trong gia đình. Thuở thiếu thời, Ngài đã tỏ ra thông minh khác người và có tâm hướng về đạo Phật. Năm Mậu Ngọ (1678), Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Quảng Châu, lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 9 tuổi. Sau một thời gian dài tu học, khi tuổi vừa tròn 20 thì Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo. Như vậy, Ngài nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của ngài Vạn Phong–Thời Ủy.

Năm Ất Hợi (1695), Ngài cùng với các ngài Minh Vật–Nhất Tri, Minh Hoằng–Tử Dung, Minh Lượng–Thành Đẳng v.v… trong Hội đồng Thập sư cùng Hòa thượng Thạch Liêm thể theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu sang An Nam truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng Phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó, đoàn ra Thuận Hóa, được chúa Nguyễn Phúc Chu đón tiếp trọng thể và thỉnh về ngụ tại chùa Thiền Lâm. Ngày mồng 1 tháng 4 năm Ất Hợi (1695), giới đàn được khai mở do ngài Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng.

Giới đàn truyền các giới Sa–di, Tỳ–kheo và Bồ–tát với tất cả 1.400 giới tử, trong đó có cả các vương hầu khanh tướng. Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu được truyền riêng một đàn giới và được Hòa thượng Đàn đầu ban cho pháp hiệu là Thiên Túng đạo nhân.

Sau khi giới đàn thành tựu viên mãn, ngày 28 tháng 6 năm Ất Hợi (1695), phái đoàn trở vào lại Hội An để chờ thuyền về nước. Tại Hội An, đoàn trú tại chùa Di Đà (14) và thể theo lời thỉnh cầu của chư Tăng cũng như bổn đạo, ngài Thạch Liêm lập đàn truyền giới cho 300 giới tử. Ngày 19, đoàn rời Hội An ra Cù lao Chàm, lên thuyền chờ gió. Ngày 30 thuyền nhổ neo nhưng bị nghịch gió nên phải trở lại Hội An. Ngày 12 tháng 10, chúa Nguyễn mời ngài Thạch Liêm trở lại Phú Xuân lập đàn cúng Phật truyền giới một lần nữa tại chùa Linh Mụ. Sau đó đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý (1696) ngài Thạch Liêm cùng với phái đoàn trở về Quảng Đông và không qua nữa. Sau khi ngài Thạch Liêm về nước, có một số vị trong phái đoàn ở lại An Nam, trác tích khai sơn hoằng hoá như ngài Minh Hoằng–Tử Dung, (khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hoá); ngài Minh Lượng–Thành Đẳng, (khai sơn chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An); ngài Minh Hải–Pháp Bảo (khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô, Hội An). Từ những ngày đầu tiên ở nơi mảnh đất đầy cát bụi này, Ngài chỉ lập một thảo am để tịnh tu phạm hạnh. Dần dần hương giới đức của Ngài lan tỏa khắp mọi nơi, ảnh hưởng đạo đức đến người dân phố Hội và các vùng phụ cận nên đồ chúng ngày một quy ngưỡng tham học.

Thấy cơ duyên hóa độ đã đến, Ngài chính thức khai đường giảng pháp, tiếp Tăng độ chúng. Sau gần 50 năm sang An Nam trác tích hoằng hóa, đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Ngài gọi đồ chúng đến dặn dò và đọc kệ phú chúc:

原 浮 法 界 空,  真 如 無 性 相;  

若 了 悟 如 此 ,   眾 生 與 佛 同 。

                             Nguyên phù pháp giới không                   

 Chơn như vô tánh tướng

                               Nhược liễu ngộ như thử                            

     Chúng sanh dữ Phật đồng

 Tạm dịch:

Pháp giới như mây nổi,      

Chân như không tánh tướng;

Nếu hiểu được như vậy,

Chúng sanh với Phật đồng.

Sau khi phú chúc cho hàng môn đệ xong, Ngài thâu thần thị tịch, trụ thế 77 tuổi. Đồ chúng cung thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp ở phía tây nam trong khuôn viên Tổ đình Chúc Thánh, Hội An, Quảng Nam.

Thiền sư Minh Hải và việc xuất kệ truyền thừa:

Sau khi quyết định trụ lại Hội An để hoằng hoá, tổ Minh Lượng khai sơn chùa Vạn Đức và Tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh. Ngài Minh Lượng truyền pháp theo bài kệ của ngài Đạo Mân Mộc Trần, còn ngài Minh Hải biệt xuất riêng một bài kệ truyền thừa. Từ đó, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam xuất hiện một dòng phái mới, đó là thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Sau khi quyết định trụ lại Hội An để hoằng hóa, tổ Minh Lượng khai sơn chùa Vạn Đức và tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh. Ngài Minh Lượng truyền pháp theo bài kệ của ngài Mộc Trần Đạo Mân, còn ngài Minh Hải biệt xuất riêng một bài kệ truyền pháp. Từ đó, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam xuất hiện một dòng phái mới, đó là thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Ngay từ những ngày đầu lập thảo am nơi phố Hội, để cho sự truyền thừa có quy củ dài lâu, tổ Minh Hải đã biệt xuất một bài kệ truyền pháp. Bài kệ truyền pháp của Ngài như sau:

明 實 法 全 彰                      印 真 如 是 同

祝 聖 壽 天 久                      祈 國 祚 地 長

得 正 律 為 宗                      祖 道 解 行 通

           覺 花 菩 提 樹                      充 滿 人 天 中         

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương     Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu          Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

  Đắc Chánh Luật Vi Tông [17]        Tổ Đạo Giải Hành Thông

        Giác Hoa Bồ Đề Thọ                        Sung Mãn Nhân Thiên Trung

Nghĩa là:

(Khơi sáng pháp chân thật         Tánh chân như là đồng

Cầu Thánh quân muôn tuổi          Chúc đất nước vững bền

Giới luật nêu trước tiên           Giải và hành nối liền

                  Hoa nở cây giác ngộ           Hương thơm lừng nhân thiên)

        (Thích Nhất Hạnh dịch)

Bài kệ truyền pháp của tổ Minh Hải đã được Ngài xác lập ngay từ những ngày đầu lập thảo am tu hành tại xứ Cẩm Phô, Hội An. Vì thế, những đệ tử đầu của Ngài được đặt pháp danh là chữ THIỆT và pháp tự là chữ CHÁNH.

Chính sự xác lập ngay từ đầu này giúp chúng ta ngày nay dễ dàng nhận ra vị thiền sư nào là đệ tử ngài Minh Hải. Bởi vì, cùng thời với Ngài, có rất nhiều vị thiền sư thuộc đời 34 dòng Lâm Tế với pháp danh chữ MINH theo bài kệ của ngài Vạn Phong–Thời Ủy hoằng hóa tại Đàng Trong. Các vị này cũng cho đệ tử pháp danh chữ THIỆT theo câu kệ: “Hành siêu minh thiệt tế”. Nếu không có pháp tự bằng chữ CHÁNH đứng đầu thì chúng ta khó phân biệt vị nào thọ giáo với thiền sư Minh Hải. (Theo tư liệu từ “Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh- Thích Như Tịnh)

  1. Thiền sư MINH HẰNG Định Nhiên (? – 1793)

Chùa Quốc Ân – Huế

Ngài theo dòng kệ của Bổn sư Siêu Bạch truyền xuống. Lúc Tổ Nguyên Thiều Siêu Bạch viên tịch vào năm 1728 thì Thiền sư được cử làm Trú trì kế thế ở chùa Quốc Ân. Ngày sinh và nguyên quán đều không rõ. Sách chỉ ghi rõ Thiền sư viên tịch vào năm Quý Sửu (1793) dưới thời Tây Sơn, sau khi vua Quang Trung mất một năm (1792). Và lúc Thiền sư trú trì tại chùa Quốc Ân, số điền thổ của chùa lên đến 10 mẫu, của đàn việt cũng nhiều. Thiền sư là người cẩn trọng, một mặt giữ gìn của cải vật chất, Pháp tượng, Pháp khí của chùa kỹ càng cho đến đời Tây Sơn; một mặt Thiền sư lo lắng hoằng hoá giáo Pháp Lâm Tế của Bổn sư truyền lại thật chu đáo.

Theo sự khảo cứu của ông Léopold Cadière (1) thì tháp Thiền sư Minh Hằng Định Nhiên được xây bên cạnh tháp Tổ Nguyên Thiều ở xứ Cửa Hoá. Tháp rất lớn, nhưng tiếc thay, không có bia tháp. Thật là một thiệt hại lớn cho Phật giáo Huế.

Thế nhưng theo khảo sát thực địa, chúng tôi không tìm thấy tháp của Ngài Định Nhiên trong vùng tháp của Ngài Nguyên Thiều.

11.Thiền sư Minh Vật Nhất Tri (? – 1786)
Chùa Quốc Ân – Huế

Cũng theo Hoà thượng Mật Thể, Thiền sư Minh Vật Nhất Tri là đệ tử đắc truyền của Tổ Nguyên Thiều – Siêu Bạch. Thiền sư Minh Vật Nhất Tri vào hoằng hoá tại đất miền trong mới khai thác; có long vị thờ ở chùa Quốc Ân – Huế. Pháp phái của Thiền sư cũng khá long thịnh; truyền đến đời thứ 41 là Thiền sư Trí Thắng Bích Dung lại biệt xuất một dòng kệ, nhưng hiện nay không thấy các Thiền sư thuộc dòng kệ Bích Dung này truyền ở đâu, kế thế được mấy đời?

Theo Long vị của Ngài được thờ tại chùa Kim Cang (Đồng Nai), phía sau có ghi: “Thập nguyệt sơ thập nhật viên tịch” và “Tuế thứ Đinh Mùi niên (1787) trọng xuân nguyệt cát nhật tạo“. Như vậy ngày tịch là ngày 10 tháng 10, tức khoảng năm 1786 (Bính Ngọ).

  1. Thiền sư Minh Giác Kỳ Phương (1682-1744)
    Chùa Quốc Ân – Huế

 Cho đến nay, chúng ta chưa có sử liệu ghi rõ tộc tánh và quê quán của thiền sư Minh Giác Kỳ Phương. Chỉ biết ngài là đệ tử của tổ Nguyên Thiều nên có pháp danh Minh Giác hiệu Kỳ Phương, nối pháp đời 34 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 13 pháp phái Tổ Định Tuyết Phong. Ngoài ra, ngài còn được bổn sư cho pháp danh Thành Đạo, thuộc thế hệ thứ 4 pháp phái Đạo Mân Mộc Trần. Chính vì thế, khi ban pháp danh cho đệ tử, ngài cũng truyền xuống cả hai dòng kệ [18]. Trong thời gian tổ Nguyên Thiều hành đạo tại Quốc Ân, ngài phụ giúp bổn sư trong vai trò Hóa chủ để lo cho đời sống tăng chúng tu học. Năm 1716, thiền sư Tánh Đề Đạo Nguyên viên tịch, ngài vâng lệnh bổn sư trở về Bình Định đảm nhận trú trì chùa Thập Tháp. Tại đây ngài độ nhiều đệ tử hữu danh như: Thiệt Kiến Liễu Triệt, Phật Tĩnh Từ Nghiêm, Phật Đăng Nhật Lệ…v.v.

Tiếp nối công hạnh bổn sư, ngài vận động khắc ván in các bộ kinh như: Bán nguyệt tụng giới thức (Kỷ Dậu, 1729); Phạm Võng kinh – thượng hạ (Kỷ Dậu, 1729); Kim Cang trực sớ – thượng hạ (Long Đức thứ 5, 1735). Ngài còn trước tác bộ Quy ước thiền đường, một tác phẩm có giá trị định hướng những quy chế tu tập cho tăng sĩ trong thế kỷ XVII và suốt cả chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam về sau.

Ngoài trách nhiệm trú trì chùa Thập Tháp, ngài còn chứng minh khai sơn các chùa trong tỉnh như: Chùa Thắng Quang (huyện Hoài Nhơn), chùa Thiên Đức (huyện Tuy Phước), chùa Thanh Sơn (huyện Hoài Ân).

Ngài sinh giờ Tuất, ngày mồng 9 tháng 9 năm Nhâm Tuất [1682] và viên tịch giờ Ngọ ngày 16 tháng 3 năm Giáp Tý [1744], thế thọ 63 tuổi, trú trì chùa Thập Tháp được 28 năm. Long vị thờ tại tổ đường ghi như sau: “Tự Lâm Tế chánh tông tam thập tứ thế Di Đà đường thượng thượng Kỳ hạ Phương húy Minh Giác lão Hòa thượng liên tòa嗣 臨 濟 正 宗 三 十 四 世 彌 陀 堂 上 上 琦 下 芳 諱 明 覺 老 和 上 蓮 座”. (Theo tài liệu tạp chí Liễu Quán số 23, tr. 34, Thích Như Tịnh)

  1. Thiền sư Thật Vinh Bảo Hạnh (1667-1748)

Chùa Từ Đàm – Huế

Thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh là đệ tử truyền thừa của Tổ Minh Hoằng Tử Dung, thuộc đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế tại Đàng Trong. Về ngày sinh ngày thị tịch thì căn cứ vào tư tiệu của Tác giả Đồng Dưỡng trong bài “Phát hiện một số tư liệu có liên quan đến Thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh” đăng trong Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 133 ra ngày 15.07.2011; và xin được bổ sung vào tiểu sử của Ngài mà trước đây đã đăng ở tập 1 trang 100 trong Chư tôn Thiền đức và Cư sĩ hữu công, xuất bản năm 2011. Theo tư liệu của Tác giả thì ngày sinh của ngài Thiệt Vinh Bảo Hạnh sinh ngày 27 tháng 7 năm Đinh Mùi (1667) và mất ngày mồng 7 tháng 6 năm Mậu Thìn (1748) cũng phù hợp với thời gian trong Chánh Pháp Nhãn Tạng mà ngài đã cung cấp cho đệ tử là ngài Tế Cảm Linh Phù vào giữa mùa Hạ năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748) cũng vào khoảng tháng 5. Ngài là Tổ khai sáng chùa Sắc tứ Viên Tịnh mà Long vị tại Tổ đình Từ Đàm đã viết: 敕 賜 圓 淨臨 濟 正 宗 三 十 五 世 上 寶 下 行 實 榮 老 和 尚 猊 座 (Sắc tứ Viên Tịnh Lâm Tế chánh tông tam thập ngũ thế thượng Bảo hạ Hạnh huý Thiệt Vinh lão Hoà thượng nghê toà); Sau khi ngài rời chùa Ấn Tông vào Khánh Hoà khai sơn chùa Vạn Thiện ở Phụng Thuỳ Sơn và truyền pháp cho ngài Linh Phù Tế Cảm vào tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1749) với bài kệ phú pháp:

佛 祖 宗 風 正 法 傳         三 十 五 世 燈 高 懸

我 今 付 汝 為 後 裔         心 燈 續 焰 永 綿綿

Phiên âm:     

Phật tổ tông phong chính pháp truyền,

 Tam thập ngũ thế đăng cao huyền.

Ngã kim phú nhữ vi hậu duệ,

Tâm đăng tục diệm vĩnh miên miên.

   Tạm dịch:     

Phật tổ tông phong chính pháp truyền,

Ba mươi lăm tổ vẫn y nguyên.

Ta nay trao lại dòng tâm pháp,

Tỏ rạng ngàn năm ngọn đèn thiền.

Ngoài việc ở tại Sắc tứ Viên Tịnh, theo tài liệu: “Qui sơn cảnh sách cú thích ký” còn cho biết ngài cũng đã trú tại chùa Quảng Phước trên núi Thiên Hỷ thuộc phủ Diên Ninh và đã cùng với các đệ tử thực hiện bản in “Qui sơn Cảnh sách cú thích ký” nầy vào năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu (1739) để lưu truyền.

Long vị tại chùa Vạn Thiện Khánh Hoà đề: 敕 賜 圓 淨 傳 臨 濟 正 宗 三 十 五 世 上 寶 下 行 諱 實 榮老和尚覺 靈 (Sắc tứ Viên Tịnh truyền Lâm Tế chánh tông tam thập ngũ thế thượng Bảo hạ Hạnh huý Thiệt Vinh lão Hoà thượng giác linh). Hiện nay chúng tôi vẫn chưa thấy có tài liệu nào nói về chùa Viên Tịnh chỉ biết tại chùa Vạn Thiện có bia đá khắc chữ Việt của Tỷ-kheo Thích Chơn Thiện, Trú trì hiện nay có ghi: “Ngài Linh Phù húy Tế Cảm tựThiện Ứng thuộc phái Lâm Tế, đời thứ 36. Ngài là đệ tử của Tổ Sắc tứ thụy hiệu Viên Tịnh thượng Thiệt hạ Vinh hiệu Bửu Hạnh phái Lâm Tế đời thứ 35 khai sơn Phụng Thùy Sơn Vạn Thiện. …” khắc ngày 02.03.2003. Mặc dầu vậy chúng tôi vẫn chưa xác minh được các tài liệu này, vì vậy xin được nêu ra ở đây mà thôi.

Tháp ngài là một trong năm tháp được Sơn môn chuyển về vườn chùa Báo Quốc trong dịp Pháp làm con đường Nam Giao tân lộ thời Thành Thái 1897. Và rồi đến năm 2017 bảo tháp ngài được di dời lên khu Tịnh Địa Từ Đàm thuộc phường An Tây thành phố Huế về hướng Nam chùa Thiền Tôn và cách độ 800 mét.

*

14.Thiền sư Linh Phù Tế Cảm (? – ?)
Chùa Vn Thiện – Huế 

Thiền sư Linh Phù – Tế Cảm tự Thiện Khoáng còn có tên Keo người phủ Quy Nhơn Bình Định, thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 36, là đệ tử của Tổ Thiệt Vinh – Bửu Hạnh khai sơn Sắc tứ Viên Tịnh đời thứ 35 dòng thiền Lâm Tế khai sơn Tổ đình Vạn Thiện ở núi Hoàng Ngưu thuộc phủ Diên Khánh, Dinh Thái Khang (nay thuộc tỉnh Khánh Hoà).

Thiền sư Linh Phù – Tế Cảm năm sinh và tịch của ngài thì chưa được rõ. Nhưng ngài đã được Tổ Thiệt Vinh phú pháp tại Vạn Thiện vào tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1749) với bài kệ:

佛 祖 宗 風 正 法 傳

三 十 五 世 燈 高 懸

我 今 付 汝 為 後 裔

心 燈 續 焰 永 綿 綿

Phiên âm:  

Phật tổ tông phong chánh pháp truyền,

Tam thập ngũ thế đăng cao huyền.

Ngã kim phú nhữ vi hậu duệ,

Tâm đăng tục diệm vĩnh miên miên.

Tạm dịch:  

Phật tổ tông phong chính pháp truyền,

Ba mươi lăm tổ nối đèn thiền.

Ta nay giao phó cho hậu duệ,

Bể khổ chúng sinh Bát-nhã thuyền.

Theo Chánh pháp nhãn tạng hiện đang lưu giữ tại chùa Vạn Thiện – Khánh Hoà.

Căn cứ vào bia tháp, Thiền sư là vị khai sáng Am chủ tại núi Đại An tức là Đại Điền ngày nay.

Theo truyền thuyết dân gian, ngài là vị Thiền sư hành trì miên mật pháp môn Tịnh Độ và đã chứng nhiều năng lực phi phàm như:

– Chăn một bầy trâu đen, một thời gian đã biến thành trâu trắng.

– Ngài có thể dùng tay không khuấy vào chảo nước sôi…

Khi đạo duyên viên mãn Thiền sư xả báo thân, môn đồ lập đàn trà tỳ và lập tháp tôn thờ tại đây.

Long vị thờ ngài được viết: 嗣 臨 濟 正 宗 三 十 六 世 上 靈 下 符 善 應 諱 際 感 老 祖 和 尚 覺 靈Tự Lâm Tế chánh tông tam thập lục thế thượng Linh hạ Phù Thiện Ứng huý Tế Cảm lão tổ Hoà thượng giác linh“.

Tháp ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa Vạn Thiện, thuộc huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hoà.

  1. Tổ sư Minh Hoằng Tử Dung (? – ?)
    Chùa n Tôn – T Đàm – Huế

Đối với Phật giáo Huế thì Tổ Minh Hoằng Tử Dung là vị Sơ Tổ của Thiền phái Tử Dung – Liễu Quán ở Đằng trong. “Chùa Từ Đàm: Ở trên gò ấp Bình An. Tương truyền chùa do Tử Thông[19] Hoà thượng dựng, lại có tên chùa Ấn Tôn”.

Lời ghi chép quá đơn sơ, Những tấm bia đá dựng ở chùa Chúc Thánh – Quảng Nam, lại chỉ nói Ngài là: “Người Đại Thanh, qua An Nam, trác tích Thuận Hoá, lập chùa Ấn Tôn“.

Tuy nhiên, một sự may mắn là tại chùa núi Phụng Sơn ở phủ Bình Khang còn có một bản Chánh Pháp Nhãn Tạng khắc vào giữa tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), và trong quyển Liệt Tổ thiền truyện của ngài Bổn Quả Khoáng Viên khắc tại Trung Quốc, sau các Đại sư ở Thuận Hoá trùng khắc và tục biên; một bản Chánh Pháp Nhãn Tạng của ngài Chơn Kim Pháp Lâm soạn năm 1889 (Hiện chùa Viên Thông – Huế tàng bản) đã giúp chúng ta biết được các chi tiết sau:

Vào cuối đời Minh, tông Lâm Tế rất long thịnh ở Thiên Đồng Sơn và Khánh Sơn. Tại Thiên Đồng Sơn có phái Thiên Đồng Viên Ngộ; từ chùa Thiên Đồng có ngài Thông Thiên được phong làm Quốc sư hiệu là Hoằng Giác gọi là Quốc sư Thông Thiên Hoằng Giác, ở vào đời thứ 31 dòng Lâm Tế. Ngài này truyền thừa theo kệ của ngài Vạn Phong Thời Uỷ; chúng tôi gọi là “kệ chùa Thiên Đồng“:

祖 道 戒 定 宗

方 廣 證 圓 通

行 超 明 實 際

了 達 悟 真 空

Phiên âm:  

Tổ Đạo Giới Định Tông,

Phương Quảng Chứng Viên Thông,

Hạnh Siêu Minh Thật Tế,

Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.

Tạm dịch:  

Giới định là tông chỉ,

Rộng khắp chứng thần thông;

Hạnh vượt sang bờ Thật,

Tỏ ngộ đến chơn không.

Đồng thời Ngài cũng biệt xuất kệ và ra khai sơn chùa Thiên Khai. Kệ của Ngài là:

道 本 元 成 佛 祖 仙,

明 如 紅 日 麗 中 天。

靈 源 廣 閏 慈 風 普,

照 世 真 燈 萬 古 傳。

Phiên âm:  

Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên

Minh Như Hồng nhựt lệ trung thiên

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ

Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền;

Tạm dịch:  

Đạo vốn thâm sâu Phật Tổ Tiên,

Sáng soi tuyệt đẹp cõi trung thiên;

Nguồn linh thấm rộng làn gió tốt,

Đèn tuệ chiếu khắp vạn cổ truyền.

cũng đồng thời Ngài tự đổi Pháp huý thành Đạo Mân Mộc Trần; đó là kệ chùa Thiên Khai.

Ngài viên tịch vào triều Lê, không rõ năm nào chỉ thấy ghi ngày 16 tháng 11.

Có thể Ngài đã qua Nam với nhiều Ngài có chữ “Minh” đứng trước, các Ngài có thể ở chùa Thiên Đồng, có thể ở chùa Thiên Khai, chùa Báo Tư v.v… Nhưng đều đi một lần với ngài Nguyên Thiều Hoán Bích vào năm 1676 hoặc 1677, cùng đổ bộ lên Quy Ninh. Ở đây, chúng tôi sẽ nói đến mấy vấn đề cần yếu sau:

Trong bộ sách Việt Nam Phật giáo sử lược (1942), đã được in lại nhiều lần, Hoà thượng Mật Thể cho rằng: Tổ Minh Hoằng Tử Dung qua Thuận Hoá một lần với ngài Thạch Liêm vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) để ngồi trên ghế Thập Sư ở giới đàn chùa Thiên Mụ; sau giới đàn Ngài ra lập chùa Ấn Tôn. Đoạn này, rất cần đến sự đính chính của hậu thế chúng ta. Thứ nhất, ngài Thạch Liêm qua Thuận Hoá năm Ất Hợi (1695) đời Nguyễn Phúc Chu, chứ không phải qua vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái. Thứ hai, đại giới đàn năm Ất Hợi (1695) mở tại chùa Thiền Lâm chứ nhất định không phải là ở chùa Thiên Mụ. Thứ ba, tất cả chư Tăng trong đại giới đó đều là người Trung Quốc đệ tử của Thạch Liêm Thiền sư chứ không có ai khác, cho nên Tổ Minh Hoằng Tử Dung chưa chắc có tham dự đến giới đàn này.

Cũng trong sách nói trên, Hoà thượng Mật Thể đã dịch câu này trong văn bia: “Nhâm Thìn hạ, Hoà thượng lai quảng tấn toàn viện” thành ra như thế này: “Năm Nhâm Thìn (1712) mùa hạ, Hoà thượng vào Quảng Nam dự lễ Toàn Viện” (?). Có lẽ Hoà thượng Mật Thể đã theo bản Pháp văn của Louis Sogny trong bài Le premier Annamite… ở B.A.V.H. Số 3 năm 1928, khi nói đến Tổ Từ Lâm. Thực sự, có lẽ câu ấy muốn nói rằng mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712) ấy, lễ an cư kiết hạ được tổ chức rất quy mô ở thiền viện Thiền Lâm thuộc vùng đất rất rộng trước mặt chùa Từ Đàm hiện nay; có thể chư Tăng ở Thuận Hoá – Quảng Nam vân tập về đây và toàn viện đã cung thỉnh ngài Tử Dung ở Ấn Tôn gần đó đến làm Thiền chủ. Cách chấm câu ấy có thể là: “Hoà thượng lai, quảng tấn toàn viện” tức là Hoà thượng đến, coi sóc nhắc nhở chu đáo mọi việc và sách tấn, khuyến khích chư Tăng để khai lễ cho chư Tăng vào hạ.

Phương pháp hoằng giáo của sơ Tổ Minh Hoằng Tử Dung đúng là phương pháp của chư Thiền Tổ trong phái Lâm Tế chánh tông; tức là trao công án cho đệ tử “tham”. Công án Tổ Minh Hoằng Tử Dung đã trao cho Tổ Liễu Quán là: 萬法歸一一歸何處 “Vạn Pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?”. Yếu chỉ của Thiền Lâm Tế là đốn ngộ. Không kể lâu hay mau, khi vị Đại sư tham công án đến tột cùng, hoát nhiên ngộ đạo. Vị Thiền sư ngộ đạo sẽ biểu lộ bằng một hành động mà thế nhân thấy rất kỳ quặc, khác thường; hoặc làm một bài “kệ” để trình Tổ. Thấy đệ tử đạt, Thiền Tổ liền ấn chứng, người ta còn gọi là “ấn khả”, và chính vị Thiền sư được ấn khả đó là Tổ kế thế của vị Tổ trước.

Tổ Liễu Quán đắc Pháp ở Sơ Tổ Minh Hoằng Tử Dung đúng theo truyền thống thiền phái Lâm Tế ấy. Theo truyền thuyết thì trong kỳ kiết hạ năm Nhâm Thìn (1712); sau khi Tổ Liễu Quán trình Kệ “Dục Phật” – rất tiếc là bài kệ này không được chép lại – Sơ Tổ Minh Hoằng liền “ấn khả“. Từ giờ phút được ấn khả thì “y bát” của Minh Hoằng Tử Dung Sơ Tổ tại Ấn Tôn Hoàng Long Sơn, đã đi về núi Thiên Thai. Sau một thời gian Thiền phái Tử Dung – Liễu Quán phát triển rực rỡ khắp cõi Thuận Hoá và lan ra cả Nam Hà từ thế kỷ thứ XVIII, kéo dài cho đến tận ngày nay.

Tháp của Tổ Minh Hoằng Tử Dung trước đây được xây dựng trong khuôn viên chùa Từ Đàm, nhưng sau đó do Pháp mở đường Nam Giao cắt vườn chùa làm hai mảnh, nên tháp của Tổ Tử Dung phải di dời qua gởi ở góc vườn chùa Báo Quốc. Và đến năm 2017, có duyên lành chùa đã tạo mãi sở đất tại phía Nam tổ đình Thiền Tôn thuộc phường An Tây, làm khu Tịnh địa Từ Đàm và đã di táng chư vị Tổ sư Từ Đàm từ Tổ đình Báo Quốc lên xây tháp tôn thờ tại đây.

Theo sử liệu “Lịch truyền Tổ đồ” của ngài Như Như tục biên còn lại đã viết: “Tổ Minh Hoằng Tử Dung tiếp nối dòng thiền Lâm Tế đời thứ 34; theo Thiền phái Vạn Phong Thời Uỷ thì thuộc đời thứ 14, dòng thiền Long Trì Chánh truyền thuộc đời thứ 6. Tổ sư huý Minh Hoằng, nguyên tịch người Quảng Đông Trung Hoa, ngài sinh vào đầu thời nhà Thanh theo truyền thống Nho học, sau chuyển hướng Thiền học nương theo Tổ sư Siêu Trường Đại Xa được Tổ thế độ và ban pháp tự Tử Dung, lúc đầu ngài ở Quảng Đông sau sang Đại Việt thuộc xứ Quảng Nam chấn tích khai sơn chùa Ấn Tông ở đồi Hoàng Long xứ Thuận Hoá. Ngài là bậc Pháp nhãn thanh cao, tài đức kiêm lược, hai giới Tăng và Tục đều đến học hỏi, thường sống nơi thanh vắng và thường hướng dẫn công án cho đồ đệ. Đến cuối thời Lê ngài thị tịch ngày 16 tháng 11 và được Môn đồ xây dựng bảo tháp trong khuôn viên chùa bên phải. Đến năm Thành Thái thứ 9 (1897) thời Pháp vì xây dựng đường lộ nên Chư Sơn Môn đã di táng sang vườn chùa Báo Quốc ở phía Đông trong một khu vực có 5 tháp mà tháp Tổ sư cáo lớn nhất ở chính giữa, nhưng Long vị của ngài vẫn thờ tại chùa Ấn Tôn Từ Đàm như cũ”. Nay thì toàn bộ tháp chư Tổ Từ Đàm đã được di dời lên khu Tịnh Địa như nói ở trên./.

 

(Còn tiếp…)

[1] Tạp chí Sinologia No 1 (1949) tr.14-17.

[2] BAVH, 1914, các trang 147-161.

[3] BAVH, 1915 các trang 305-308.

[4] Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, tập II, tờ 43b-44a, tập III tờ 41a.

[5] Quốc Sử Quán, Đại Nam liệt truyện tiền biên, tập VI tờ 23-24.

[6] L. Cadière, La pagode Quốc Ân: Le fondateur tr.149, trong kỷ yếu Hội Đô thành hiếu cổ – Huế 1914.

[7] Mật Thể, Sđd, Đà Nẵng, Minh Đức xb, 1960.

[8] Đại Sán Hán Ông, Hải ngoại kỷ sự, phần khảo cứu của Giáo sư Trần Kính Hoà, đoạn 3, tr.256-257 – UBDSLVN – Viện Đại học Huế, 1963.

[9] Ta nên nhớ cách tính tuổi của Trung Quốc và Việt Nam ta, bao giờ cũng có +1, tức là kể cả năm bà mẹ mang thai. Cho nên cách tính theo Dương lịch có sự sai chạy 1 năm.

[10] Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên do Trần Kính Hoà khảo cứu, Sđd tr.257.

[11] Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, Duy Tân tam niên (1910) Quốc Sử Quán. 9 tỉnh Bình Định, mục Tự Quán – Trần Kính Hoà chú dẫn ở phần khảo cứu Sđd. tr.157.

[12] Đại Sán Hán Ông, Hải ngoại ký sự tr.133 – Viện Đại học Huế 1963.

[13] Chính văn bia ở chùa Quốc Ân – Tham khảo thêm L. Cadière, BAVH tr. 156.

[14] Léopold Cadière, La pagode Quốc Ân. Les divers supérieurs in BAVH 1915 tr. 305-306.

[15] Chùa nầy đã bị tàn phá thời Tây Sơn. Chùa Phổ Bảo hiện nay tại Tuy Phước là do Thiền sư Toàn Ý Phổ Bảo đời 37 theo kệ phái Chúc Thánh khai sơn.

[16] Chùa nầy xưa thuộc tổng Phú Chiêm, phủ Điện Bàn. Nay không còn dấu vết.

[17] đúng theo bài kệ, Tổ Minh Hải đặt là chữ Tông (宗), nhưng vì sau phạm tên húy của vua Thiệu Trị nên chư Tổ viết trại thành chữ Tôn (尊) hoặc Tuyên ()

(1)     L. Cadière, La pagode Quốc Ân, les divers supérieurs, in BAVH 1915 tr.306-308.

[18] Vì có hai pháp danh nên khi truyền xuống đệ tử cũng theo hai dòng kệ Tổ Định Tuyết Phong và Đạo Mân Mộc Trần.

[19] Sở dĩ viết chữ “Tử Thông” vì phạm huý vua thời ấy nên viết trại thành chữ Thông.

 

Thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh (1667-1748) Phụ lục

PHÁT HIỆN MỘT SỐ TƯ LIỆU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN

THIỀN SƯ THIỆT VINH BẢO HẠNH

                                                                 Đồng Dưỡng

Trong một lần tìm đọc các kinh sách chữ Hán, chúng tôi vô tình phát hiện hai bản in Vu Lan Bồn tân sớ và Qui sơn cảnh sách cú thích. Cả hai bản in đều khá xưa, được khắc in dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, có niên đại gần 300 năm. Các tờ đầu và phần nội dung chỉ in nguyên theo tư liệu Trung Quốc, đâu đó ở một số tờ, khi có khoảng trống, người ta mới in chen một số dòng ghi tên công đức, hoặc cho biết nơi tồn ván khắc. Bỏ qua các phần đó, lật tìm các tờ cuối mới biết rõ lai lịch bản in. Thường thì phía sau có đề bài bạt, niên đại và một phần chiếm số tờ nhiều nhất là danh sách thập phương tín cúng. Cả ba phần sẽ cung cấp nhiều sử liệu có liên quan đến các vị thiền sư. Và ở trong hai bản in này cho ta biết lai lịch về thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh[1].

Theo các tư liệu đã công bố, thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh là đệ tử của tổ Minh Hoằng Tử Dung, chùa Ấn Tông (nay là chùa Từ Đàm-Huế) và là huynh đệ với ngài Thiệt Diệu Liễu Quán (chùa Thiền Tôn-Huế). Hiện nay, tại chùa Từ Đàm (Huế) và Vạn Thiện (Khánh Hòa) đều có long vị thờ. Riêng bảo tháp của ngài, xưa được an lập trong khuôn viên chùa Từ Đàm, khi người Pháp mở đường Nam Giao, tháp được chuyển vào trong vườn chùa Báo Quốc. Tấm bia tháp khá xưa được làm bằng đá sa thạch đề: “Sắc tứ Viên Tịnh Bảo lão hòa thượng chi tháp 敕 賜 圓 淨 寶 老 和 尚 之 塔”. 

Tấm bia tháp của Thiền sư Bảo Hạnh

Mới đọc qua văn bia, khó mà biết được đích xác danh tính của ngài. Việc dùng tên chùa liên kết với chữ đầu trong pháp danh của người được thờ trong tháp là một hiện tượng xuất hiện khá nhiều trong văn bia tháp tổ có niên đại thời chúa Nguyễn. Lần hồi có thể truy cứu được rõ là nhờ long vị đặt tại chùa Từ Đàm đề rõ như sau: “Sắc tứ Viên Tịnh Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão  hòa thượng nghê tòa 敕 賜 圓 淨 臨 濟 正 宗 三 十 五 世 上 寶 下 行 諱 實 榮 老 和 尚 猊 座[2]. Như thế, ngài Thiệt Vinh Bảo Hạnh thuộc đời 35 phái Lâm Tế, từng trụ trì chùa sắc tứ Viên Tịnh. Một câu hỏi đặt ra, chùa Viên Tịnh thuộc về địa phương nào, hay nó nằm gần ở Huế.

Phần trên, chúng tôi có nói bản in Vu Lan Bồn kinh tân sớ được khắc in vào thời chúa Nguyễn tại Đàng Trong. Theo một tờ gần cuối cho biết bản in do tỳ kheo Tâm Châu Vĩnh Hưng khắc ván vào năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) và bản gỗ được lưu trữ tại chùa Hội Tông. Tờ cuối ghi danh sách công đức gồm 5 dòng, mỗi dòng 15 chữ. Còn mặt sau thì bỏ trống. Do bỏ trống như thế nên một vị nào đó đã có chép 6 dòng chữ hán vào đây; chứ thực ra phần chép này không có liên quan gì đến bản kinh mà ta nói trước. Phần này có ba chữ tông, Thiệt và thời đều không tuân thủ lệnh kiêm húy nhà Nguyễn; cho thấy người viết vào bản kinh phải thực hiện điều đó trước lệnh kiêm húy ban ra. Ở dòng thứ năm, có mất 4 chữ của một bài kệ nên bài kệ không còn được nguyên vẹn.

Chúng tôi xin cung lục như sau, dòng thứ nhất đề: “Tự Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế, Phụng Thùy sơn thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão hòa thượng nghê tọa 嗣 臨 濟 正 宗 三 十 五 世 鳳 垂 山 上 寶 下 行 諱 實 榮 老 和 尚 猊 座”. Dòng thứ hai ghi: “Nguyên sinh Đinh Mùi niên thất nguyệt nhị thập thất nhật tuất thời lai 元 生 丁 未 年 七 月 二 十 七 日 戌 時 來” và dòng tiếp ghép: “Mậu Thìn niên lục nguyệt sơ thất nhật sửu thời khứ 戊 辰 年 六 月 初 七 日 丑 時 去 ”. Nghĩa là sinh giờ Tuất ngày 27 tháng 7 năm Đinh Mùi, Mất giờ sửu mồng 7 tháng 6 năm Nhâm Thìn. Đây chính là bản chép lại một long vị của một ngôi chùa nào đó thờ Thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Có thể người chép thuộc về pháp phái hoặc do tinh thần giữ gìn tư liệu chăng? Dòng đầu viết “Phụng Thùy sơn” mà không ghi tên chùa như long vị đề “Sắc tứ Viên Tịnh tự”. Đối chiếu niên đại ngài Liễu Quán, chúng ta xác định rõ được năm sinh, năm mất của ngài Bảo Hạnh. Tổ Liễu Quán sinh năm Đinh Mùi (1667) mất năm Nhâm Tuất (1742), suy ra tổ Bảo Hạnh sinh năm Đinh Mùi tức năm 1667, cùng năm với ngài Liễu Quán; mất năm Mậu Thìn, tức năm 1748. Như Thế, ngài Bảo Hạnh thọ hơn ngài Liễu Quán 6 tuổi và ngài mất năm 82 tuổi.

Ba dòng tiếp theo ghi chép một bài kệ như sau: “Xuất phái kệ:

Minh thiệt tế an thiền

Tâm (thuỵ) đoan tánh lãng nhiên

Hải trừng châu tự hiện

Vân ……………………..

Nhất cự đằng quang viễn

Vạn đăng tục diệm liên

Thánh hiền hưng thiệu thuật

Đại pháp vĩnh di truyền“.

明 實 際 安 禪

心 (瑞) 端 性 朗 然

海 澄 珠 自 現

雲 ………

一 炬 騰 光 遠

萬 燈 續 燄 連

聖 賢 興 紹 述

大 法 永 貽 傳

Ba chữ “xuất phái kệ” đây được hiểu là xuất kệ truyền thừa pháp phái tức bài kệ truyền thừa. Xưa nay, chúng ta chỉ biết có mấy vị xuất kệ hoặc tục kệ như ngài Minh Hải Pháp Bảo, Liễu Quán. Qua tư liệu này, chúng ta biết được một bài kệ truyền thừa nữa do ngài Bảo Hạnh viết. Tuy bài kệ không còn nguyên vẹn nhưng nó cung cấp một tư liệu quí hiếm. Trong các vị đệ tử của ngài Minh Hoằng Tử Dung, đã biết được hai ngài Bảo Hạnh và Liễu Quán xuất kệ truyền thừa. Vì thế, pháp phái này có xu hướng phân tông lập phái khá mạnh. Tiếc rằng sự truyền thừa pháp phái do ngài Bảo Hạnh truyền xuống không còn kế đăng nên các tư liệu đi dần vào quên lãng.

Trong Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức cho biết ở cuối văn bản của bản Chính Pháp Nhãn Tạng[3] (có nơi gọi là Pháp Quyển) mà ngài Bảo Hạnh ban cho đệ tử Linh Phù Tế Cảm có ghi niên đại là giữa hạ năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), nhờ vậy nên xác định được là Thiền sư Bảo Hạnh thị tịch sau khi phú pháp cho ngài Tế Cảm không bao lâu.

Cuộc đời thiền sư Bảo Hạnh gắn bó với hai nơi là Thuận Đô và Diên Ninh. Theo ông Nguyễn Hiền Đức, chùa Viên Tịnh nằm về núi Phụng Thùy. Núi Phụng Thùy vào thời chúa Nguyễn thuộc phủ Diên Ninh. Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Khánh Hòa cho biết Phủ Diên Ninh sau đổi sang tên Diên Khánh, lệ vào dinh Bình Khang, kiêm lí ba huyện: Hoa Châu, Phước Điền và Vĩnh Xương. Do địa giới rộng lớn và chưa có điều kiện điền dã về đây nên chưa xác định núi Phụng Sơn nằm về thôn, xã, huyện nào bây giờ. 

Một tư liệu nữa có ghi chép một Phật sự của thiền sư Bảo Hạnh. Đó là bản in Qui sơn cảnh sách cú thích ký. Ở cuối quyển hạ cho biết: “Diên Ninh phủ Thiên Hỉ sơn Quảng Phước tự tỳ kheo Thiệt Vinh, đệ tử Tạng Châu, Phụng Tiên, Lập Kiệt, Văn Cử, Thiên Giáng, Đạo Tuyết, Đạo Kiểu đồng trữ Cảnh sách cú thích thượng hạ nhị quyển bản tàng lưu thông. Dĩ tư công đức, tứ ân tổng báo, tam hữu câu tư, phúc tuệ viên minh, tảo đăng giác địa. Vĩnh Hựu Kỷ Mùi xuân nhật, tỳ kheo Bảo Hạnh Vinh huân mộc hòa nam cẩn thức

Tạm dịch:

Tỳ kheo Thiệt Vinh chùa Quảng Phước, núi Thiên Hỉ, phủ Diên Ninh cùng các đệ tử Tạng Châu, Phụng Tiên, Lập Kiệt, Văn Cử, Thiên Giáng, Đạo Tuyết, Đạo Kiểu khắc ván Cảnh sách cú thích gồm hai quyển thượng hạ để lưu thông. Lấy công đức này đền đáp bốn ơn, cứu giúp ba cõi, phúc tuệ tròn đầy, sớm lên bờ giác. Tỳ kheo Bảo Hạnh Vinh tắm gội, cúi đầu kính cẩn cho biết vào ngày xuân năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu (1739).

Dựa vào thông tin trên, xác định, ngoài công tác trụ trì chùa Viên Tịnh trên núi Phụng Thùy, Thiền sư Bảo Hạnh còn trụ tại chùa Quảng Phước trên núi Thiên Hỉ. Cả hai địa danh này cũng thuộc phủ Diên Ninh mà ta nói ở trước. Bản in được sự giúp đỡ đặc biệt của hàng môn đồ thiền sư, các vị sư này đều chỉ biết tên mà chưa xác định rõ lai lịch từng vị. Không biết họ sau này hành đạo ở đâu? Bản in được thực hiện vào năm Kỷ Mùi (1739) niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5, lúc đó ngài cũng đã lớn tuổi.

Một nghi vấn đặt ra cho chúng ta là tại sao sư được lập tháp và thờ tại chùa Từ Đàm (nguyên là Ấn Tông tự). Không lẽ sau khi tổ Minh Hoằng Tử Dung viên tịch, sư kế đăng trụ trì mà sao không phải là ngài Liễu Quán. Bởi vì, lúc đó, sư Liễu Quán đang hành đạo tại Thuận Đô nên việc trông nom chùa chiền dễ hơn ngài nhiều. Văn bia tháp, long vị đều ghi ngài gắn liền với ngôi chùa Sắc tứ Viên Tịnh mà không đề “trụ trì Ấn Tông tự” để dễ xác định chức danh. Trước khi viên tịch, sư đã phó chúc trao truyền pháp quyển cho ngài Linh Phù Tế Cảm. Có thể sư viên tịch tại núi Phụng Thùy, theo di chúc của ngài, một phần được đưa về chùa tổ lập tháp phụng thờ, một phần được an tàng trong khuôn viên bổn tự. Điều này cũng có thể xảy ra đối với các vị thiền sư sống thời chúa Nguyễn. Các ngài sau khi viên tịch, môn đồ hỏa táng là chính, chứ không địa táng như bấy giờ.

Tóm lại, qua phát hiện một số bản khắc in kinh thời các chúa Nguyễn, chúng ta đã từng phần công bố một số tư liệu có liên quan đến thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Đầu tiên xác định được niên đại sống, các ngôi chùa có liên quan, một số Phật sự do sư đứng ra khắc ván in kinh. Chúng ta còn chưa xác định thiền sư quê quán ở đâu, và các ngôi chùa Viên Tịnh, Quảng Phước hiện còn hay mất. Đành phải bỏ dấu hỏi vì chưa có điều kiện khảo sát kỹ vùng đất Khánh Hòa, chờ một dịp khác, chúng ta sẽ tiếp nghiên cứu về ngài nhiều hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb KHXH, H. 1971.
  2. Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Nxb Lá Bối, S. 1970.
  3. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, Nxb TP HCM.
  4. Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn, Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2010.
  5. Vu lan bồn tân sớ, bản in năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), thư viện chùa Viên Giác-Hội An.
  6. Qui sơn cảnh sách cú thích, bản in năm Vĩnh Hựu Kỷ Mùi (1739).

Chú Thích:

[1] Ông Nguyễn Hiền Đức là người đầu tiên phát hiện về thiền sư Thiệt Vinh Bảo Hạnh. Còn sách Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa kế thừa tư liệu của Nguyễn Hiền Đức và có ý kiến cho ngài Bảo Hạnh khai sơn chùa Vạn Thiên ở núi Phụng Thùy sơn. Trên thực tế, tại chùa Vạn Thiện có long vị thờ ngài đều đề “Sắc tứ Viên Tịnh truyền Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế, thượng Bảo hạ Hạnh húy Thiệt Vinh lão hòa thượng giác linh” mà không đề “khai sơn Vạn Thiện tự”. Thực ra, khai sơn chùa Vạn Thiện là ngài Ân Tùy mà long vị có ghi chép và chùa Vạn Thiện ở trên núi Hoàng Ngưu. Hai tác giả nhầm cho chùa Vạn Thiện ở núi Phụng Thùy sơn, thực ra chùa sắc tứ Viên Tịnh mới nằm về núi này. Cần phải đính chính sự sai lầm này.

[2] Dựa theo tư liệu trong sách Chư Tôn thiền đức Phật Giáo Thuận Hóa, tr. 92.

[3] Bảng Chính pháp nhãn tạng cho biết thầy của ngài Minh Hoằng Tử Dung là Đại Sa Như Trường chứ không phải ngài Nguyên Thiều Siêu Bạch.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here