Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Chảy máu di sản

Chảy máu di sản

222
0

Ròng rã mấy năm, các kết quả thu được, chúng tôi sử dụng cho hai cuốn Mỹ thuật của người Việt và Mỹ thuật ở làng của tôi và anh Thượng. Đến đầu những năm 1990, tôi có soạn một cuốn sách nhỏ nhưng in đẹp: Điêu khắc cổ điển Việt Nam và mang về tặng mấy ngôi chùa mà chúng tôi đã tới nghiên cứu. Vị trụ trì một ngôi chùa kia bảo tôi: “Nhờ thầy nói hộ với ‘Trung ương’ xin tiền để nhà chùa thay mấy cái cột và tô lại tượng”. Vài năm sau, mấy cột xoan được thay vào hàng cột cũ và tượng bị tô lại đến… phát hoảng. Vị trụ trì chùa Tây Phương thì lo lắng thông báo việc mất cắp hai pho tượng và đôi câu đối bị kẻ trộm quật xuống, đục chữ cạo lấy vàng. Cụ bảo: “Thôi các thầy đừng viết, đừng giới thiệu nữa. Nó biết là quý, nó lấy hết! Không thể bảo vệ được đâu”. Chùa Bút Tháp lừng lẫy được chuyên gia Đức giúp kinh phí và kỹ thuật phục chế, nhưng đến khi so sánh các tượng nhỏ mới được tô sơn lại và ảnh anh Đỗ Huy chụp mươi năm trước thì quả thật là không nhận ra được.

Mấy chục năm nay, bỗng dưng có hàng trăm bộ sưu tập cá nhân về tượng cổ, có cả chùa tự tạo tại gia mà các chủ nhân hết sức tự hào về kho tượng chùa mà họ thu thập, mỗi nhà có đến hàng chục, thận chí hàng trăm pho tượng đủ các phong cách, các thời kỳ được ‘thỉnh về’. Hỏi “thỉnh” ở đâu thì họ bảo: “Hàng trôi nổi ấy mà”. Tôi có anh bạn vốn làm công tác Hán – Nôm ở Bảo tàng Mỹ thuật, có cô vợ họa sĩ mở cửa hàng bán đồ giả cổ, cô này lại có người em trai mở xưởng làm đồ giả cổ và một cậu em khác cũng buôn bán mặt hàng này. Sau “anh hán nôm” bị án 4 năm vì tội buôn bán đồ cổ, chẳng biết nội tình ra sao. Tương tự, có vụ mất tượng Chăm ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

Trên thế giới, thị trường đồ cổ cực kỳ phức tạp, mà một phần rất quan trọng của thị trường này là các tác phẩm điêu khắc Phật giáo hết sức huy hoàng. Có một điều chắc chắn là ở Việt Nam ta đang diễn ra nạn chảy máu nghệ thuật di sản rất ghê gớm, và những báu vật của kho tàng điêu khắc cổ tại các ngôi chùa Việt đang bị cướp phá, trộm cắp mỗi ngày. Những pho tượng bị cưa tay, cắt đầu, đục thân…, bị chở đi bằng xe máy và cả xe tải. Chúng biến mất trong đêm để rồi xuất hiện tại các bộ sưu tập tư nhân trong nước và sau đó là đào thoát qua các cửa khẩu, các đường mòn biên giới, ‘hợp pháp’ cũng có mà chui lủi cũng có. Trước tình trạng ấy, sự đau lòng của những người từng bỏ cả nửa cuộc đời để khảo sát, nghiên cứu kho tàng mỹ thuật cổ, tâm huyết với những tác phẩm đẫm mồ hôi nước mắt và niềm kính tín của cha ông như chúng tôi thật không thể nào tả xiết.

Sẽ là một thảm họa quốc gia và cả quốc tế nếu pho tượng Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay ở chùa Bút Tháp, pho Tam Thế ở chùa Thầy, Thập Bát La Hán ở chùa Tây Phương hay tượng Kim Cương ở chùa Mía…, những kiệt tác tiêu biểu của nền điêu khắc cổ dân tộc Việt bị cháy, bị đánh cắp, bị trộm bán ra nước ngoài, bị hư hại, hoặc bị phục chế sai!

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, tôi tin chắc rằng phần đóng góp lớn nhất cho kho tàng văn hóa nhân loại là các sáng tạo mỹ thuật cổ bao gồm điêu khắc gỗ ở các ngôi chùa Phật giáo Bắc Bộ, đồ gốm và điêu khắc ở các tháp Chăm, tượng của người Khmer, tượng nhà mồ Tây Nguyên. Đó là những hạt ngọc quý trên vương miện của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Và tất cả đang đứng trước nguy cơ bị tiêu hủy!

Riêng đối với tượng cổ ở các ngôi chùa Bắc Bộ, thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo cần cùng với Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương họp lại đưa ra một chiến lược và các biện pháp hữu hiệu để gìn giữ và quảng bá những thành tựu văn hóa quý báu này của dân tộc cũng như của Phật giáo Việt Nam.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 41 | NGUYỄN BỈNH QUÂN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here