Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Cầu nguyện và hồi hướng

Cầu nguyện và hồi hướng

106
0

BBT: Sau Tết người Phật tử và khách hành hương cùng nhau đi chùa, đi lễ hội rất đông đúc mà mục đích chính là để cầu an cho bản thân và gia đình cùng người thân bạn bè là một sinh hoạt rất phổ biến tại Việt Nam từ Bắc-Trung-Nam. Để việc cầu an đúng pháp BBT giới thiệu một bài viết ngắn của CTV Vô Ưu để quý vị cùng tham khảo.

***

Thành tâm cầu nguyện thì cũng được đáp ứng, tuy nhiên tùy theo tính chất của lời cầu mà người cầu sẽ nhận kếtquả của nó. Nếu lời cầu đúng tốt (thuận pháp) thì kết quả sẽ tốt đẹp, nếu lời cầu không đúng pháp thì sẽ rước lấy khổ đau. Vậy vấn đề không phải là có cầu hay không mà có tùy duyên thuận pháp hay không. Có người hỏi Phật có cần cầu giải thoát hay không. Phật dạy cầu hay không không quan trọng mà quan trọng là có làm đúng hay không. Và Ngài ví dụ: không phải là cầu có sữa bò mà là có vắt sữa đúng vú bò để lấy sữa hay không, nếu cầu sữa bò mà vắt sừng bò thì không bao giờ có sữa!

Ngay cả cầu Chư Phật, Chư Bồ-tát cũng đã sai rồi huống chi cầu Chư Thần. Phật Đạo là Không, Vô tướng, Vô tác, Vô cầu nên Phật dạy sống tuỳ duyên thuận pháp (Dhammanudhamma patipanno viharati) thôi chứ không cầu vì có sống đúng pháp thì tự nhiên được pháp hộ trì rồi (Dhamma dhammacari rakkhati). Nên tập sống vô ngã vị tha hơn là cầu tha lực cho bản thân mình.

***

Hồi hướng là đem tâm lực chia sẻ phước lực đến một hay nhiều đối tượng, như một người thân hoặc tất cả chúng sanh. Điều này giống như mình chia vui với một ai đó. Người được chia vui hoan hỷ theo niềm vui của người chia sẻ gọi là tùy hỷ công đức (Anumodana). Tùy hỷ công đức cũng là một điều phước, do đó người hồi hướng hoan hỷ thì người tùy hỷ cũng hoan hỷ theo, đôi lúc niềm vui của người tùy hỷ còn mạnh hơn cả người hồi hướng nữa, bởi vì điều này dựa vào thái độ tâm của người cho và người nhận. Vậy đem tâm lành hồi hướng phước báuđến người bệnh thì năng lượng ấy sẽ hỗ trợ tinh thần cho người bệnh và giúp người bệnh chóng bình phục. (Thầyđã chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy). Và điều này rất phù hợp luật nhân quả (ở mức độ hỗ trợ thôi, chứ không phải là yếu tố chính).

Nếu chia sẻ phước lành trực tiếp giữa người cho và người nhận thì quá tốt, nhưng hồi hướng cho một người ở xa,vắng mặt hay đã khuất vẫn có hiệu quả, vì tâm có thể cảm nhận được làn sóng tâm của người khác phát ra qua trường sinh học, như kiểu thần giao cách cảm, linh tri, hoặc như trong khí công phát khí chữa bệnh từ xa, và trong vật lý ném một viên sỏi xuống nước thì sóng sẽ lan ra xung quanh hay nhận âm thanh, hình ảnh qua làn sóng điện. Trong ba trường hợp: phát ý (t/h1), phát khí (t/h2), phát hình (t/h3) thì trường hợp hồi hướng thuộc về phát ý (phát ra một tâm lực) mạnh hơn 2 trường hợp sau rất nhiều vì ý không bị khí hay hình ngăn cản, nên có thể hồi hướng cho người đã khuất đang ở một cõi giới xa xôi nào đó mà không hề bị trở ngại.

Mặt khác, dù hồi hướng không kết quả đến người nhận (nhiều trường hợp vì một lý do nào đó mà người được chia vui không chịu nhận) thì tâm lực và phước lực này vẫn giúp cho người hồi hướng mở rộng tâm mình theo hướng vô ngã vị tha. Do đó việc hồi hướng tự nó là một phước lành đúng pháp. 

V.U

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here