Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Cảm nghĩ về ngày Đại lễ Phật đản

Cảm nghĩ về ngày Đại lễ Phật đản

129
0

Ngày nay, lễ Phật Đản đã trở thành một Đại lễ của Liên Hiệp Quốc. Mừng thay, nhân loại đồng tu!

Những chân lý gì trong Phật giáo được tìm thấy trong thế giới để thế giới hưởng ứng Phật giáo?

Trước hết là cảnh thái bình. Thanh bình là cảnh đời mà Phật giáo, tôn giáo diệt khổ, tha thiết chủ trương và đặt lên hàng đầu. Nhà đại thi hào Anh William Wordsworth trong bài phê bình văn học nói những văn sĩ thường hay dùng những biến cố tai họa để dựng chuyện nhưng ai dùng ít tai họa từng nào thì hay từng đó, cho nên văn sĩ dùng ít tai họa thì đứng trên văn sĩ phải dùng nhiều tai họa. Và như thế thì văn sĩ không dùng tai họa nào là văn sĩ đứng cao nhất, tức là nên chỉ có thanh bình là hay hơn cả. William Shakespeare cũng viết “no enemy”, không có kẻ thù, là hay nhất, là vui nhất. William Saroyan, Văn sĩ nổi tiếng của Mỹ, cũng viết: “bạn hãy quăng súng đi, và người bạn sẽ được nhẹ nhàng thoải mái”. Henry David Thoreau, một đại tư tưởng gia của Mỹ cũng cùng đời vào trong một góc bình yên để vui hưởng giá trị tâm linh, và chủ trương không quân đội.

Phật giáo lấy Tâm là căn bản. Tâm tức Phật, Phật tức Tâm. Robest Frost, Đại Thi hào Mỹ viết:

“Một điều lập nguyện ở trong Tâm
Là Tâm là bến Hải Trùng âm.
Giữ một nét cong thiên thu mãi,
Bờ nghe, nghe mãi hải trùng âm."


Và cứ thế từng đợt sóng thế hệ, thế hệ này thế hệ khác đi về Tâm. Với Henry David Thoreau, tình nơi Tim thì bất diệt. Một tác giả thời sơ khai văn học Mỹ nói rằng: “Kiến thức của cái đầu, tức của cái trí, không quan trọng lắm. Kiến Thức của Tim, tức của Tâm, mới quan trọng”.


Phật giáo lánh xa tình dục, xem tình dục là xấu xa, hèn hạ. William Shakespeare viết tình dục hứa thiên đường, nhưng thiên đường đó dẫn con người về địa ngục, Charles Darwin khi nói về Thuyết Tiến hóa Động vật viết con người không thể xóa nhòa được dấu vết gốc cội hèn hạ, tức thân căn, trên thân thể mình. Thân căn là một gốc cội hèn hạ.

Phật giáo chủ trương giải thoát, tức phải giải thoát khỏi cái thân căn hèn hạ thuộc động vật, thuộc cầm thú để thành thiện tri thức, để thành Như Lai cao quý. Khi Charles Darwin nói thân căn con người là hèn hạ, như thế hàm ý có một Darwin khác, cao quý ở bên trong, tức thiện tri thức, tức Như Lai để thấy thân căn đó là hèn hạ, là thuộc cầm thú. Henry David Thoreau cũng nói bất cứ ở đâu trên thế gian này mà có một người giúp tôi giải thoát khỏi tình dục thì tôi sẽ đến đó ngay và xin làm đệ tử, vì giải thoát khỏi tình dục là con đường đi thẳng về Thượng Đế, tức là đi thẳng về Như Lai, Victor Hugo, văn sĩ lỗi lạc của Pháp cũng nói khi hai vợ chồng đến với nhau thì tâm hồn nên quỳ xuống cho thiêng liêng để vượt qua cái thấp hèn của tình dục. Và còn có nhiều người khác ở các nước khác nói lên những đức hạnh như thế!

Khi Phật giáo đi vào nhân loại, và nhân loại đã có sẵn mầm mống chân lý Phật giáo thì sự phát triển của lẽ phải, của đức hạnh là một thuận duyên. Vả lại những chân lý Phật giáo, nhân cách Phật giáo trong cõi vô lậu nên hoàn hảo, và vì thế những mầm móng lý tưởng của thế gian gặp môi trường Phật giáo sẽ lớn lên hoàn hảo. Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc tạo ra thuận duyên đó. Cầu mong Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc sẽ dẫn tới một nhân loại mới, thật sự trí thức, sống hạnh phúc êm đềm với nhau mãi mãi, trong thanh bình vĩnh viễn.
 

Nguyễn Tư Trừng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here