Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ca Huế trên sông Hương

Ca Huế trên sông Hương

169
0

Tất cả chúng ta đều tham gia vào những sinh hoạt khác nhau trong xã hội. Ngoài những hình thức lao động trí óc hay chân tay vốn cần thiết cho vận động bình thường và thường xuyên của xã hội, chúng ta còn tạo ra những sinh hoạt văn hóa và tinh thần nhằm bồi dưỡng và nâng cao đời sống tinh thần nhằm bồi dưỡng và nâng cao đời sống phi vật chất, và luôn cả những sinh hoạt tiêu khiển để thư giãn vui chơi góp phần tái tạo lao động cho con người. Trong những sinh hoạt vừa văn hóa vừa tiêu khiển thường nghe thấy ở Huế, có hình thức ca Huế được nhiều người ưa chuộng, và nhất là ca Huế trên sông Hương thì lại càng đặc biệt.

Huế là vùng đất nằm ở phần giữa chiều dài của đất nước. Vị trí địa lý này góp phần thuận lợi cho nó thừa hưởng và gạn lọc tất cả những gì hay đẹp của hai đầu đất nước và tuỳ theo đó mà tiếp thu những gì thích hợp với mình.

Huế lại là một vùng đất của Champa cổ. Những nét văn hoá về ăn uống, âm nhạc, còn để lại ít nhiều vết tích. Trong những làn điệu âm nhạc cổ truyền, ta vẫn nhận ra đó đây ảnh hưởng âm nhạc Chiêm Thành.

Huế đã từng là thủ phủ và cố đô, cho nên nó vừa là vùng đất quy tụ tinh hoa văn hoá, là nơi đâm chồi nảy lộc của những nét quý đẹp của nghệ thuật.

Văn hoá nghệ thuật, nói chung, tạo nên bản sắc truyền thống của Huế. Với thời gian, bản sắc này càng được tô đậm thêm, nhờ vào thiên nhiên hữu tình, nhờ vào tinh thần hiếu cổ của người dân, và để bù đắp vào những khía cạnh khác (như kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, công nghệ…) vốn xưa nay không phải là điểm mạnh của Huế.

Kể từ 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di tích văn hoá thứ 410 của thế giới. Đó là một sự kiện lịch sử quan trọng đối với cả nước, và đối với Huế nói riêng để cho nó thêm vững tin bảo tồn vốn cổ và không ngừng phát huy mặt mạnh của mình.

Hệ quả của sự kiện nói trên là sự chọn lựa Huế của cộng đồng quốc tế làm địa điểm Lễ hội năm 2000. Đây là một vinh dự lớn giúp nâng cao nhận thức của người dân đối với thành phố của mình sao cho xứng đáng với sự đánh giá đầy tôn quý của người đối với mình.

***

Nhìn lại các chương trình liên hoan và lễ hội, để giới thiệu Huế với quan khách ở trong nước cũng như ngoài nước, bên cạnh những mục tuồng và múa cung đình, người ta đưa ra một số bài bản ca Huế.

Qua những mục ca Huế, người thưởng thức được nhìn ngắm lại cách phục sức trang trọng của các nhạc công và nghệ sĩ, những nhạc cụ (tranh, nguyệt, tỳ, tam, nhị…), những làn điệu: Lưu thuỷ, Hành vân, Nam ai, Nam bình, Cổ bản… cùng những lời lẽ của người xưa để lại, như những tâm tình nghệ sĩ đối với một thời buổi, hay những xúc cảm đối với thời cuộc.

Ca Huế là một loại hình nghệ thuật thính phòng. Bởi lẽ phần nhạc nhiều khi không cần phải đủ: chỉ một, hai cây đàn, hoặc thêm một món gõ nhịp là tạm đủ. Người hát như tâm sự, hoặc chuyển lời tâm sự, đến một nhóm người nghe. Như thế là vầy được một cuộc. Tất cả xúm xít trên phạm vi một chiếc chiếu.

Bởi lẽ không cần sân khấu, cũng như không cần trường hát với số đông thính giả, không gian thính phòng của ca Huế có thể chuyển dời xuống một lòng đò trên sông.

Và sông Hương chỉ chờ có thế. Sông Hương vốn nổi tiếng là dòng sông đẹp nhất như dải lụa ngọc êm đềm nên thơ với chiếc cầu Trường Tiền yểu điệu vắt qua và với xa xa dãy Trường Sơn thăm thẳm, nó chỉ còn đợi tiếng nhạc réo rắt, tiếng ca gợi cảm là đủ tạo nên một bức tranh linh động, một thú tiêu khiển có một không hai.

Riêng cái thú dạo chơi trên sông Hương ngắm cảnh hai bên bờ sông với những rặng phượng, bãi rau, ruộng bắp, lướt qua những địa điểm lịch sử như Toà Khâm Sứ, bến Thương Bạc, đài Chiến Sĩ Trận Vong, Phu Văn Lâu, cồn Dã Viên, cầu Bạch Hổ, cố phủ Kim Long, chùa Linh Mụ, đền Ngọc Trản… đã làm cho bao nhiêu tao nhân mặc khách, người trong nước và ngoài nước mong ước có dịp thụ hưởng. Ngắm nhìn những danh thắng đó cũng như ghé chân vào lịch sử, ôn lại những dòng lịch sử, với một khoảng cách vừa phải giữa chiếc thuyền và bờ sông.

Ca Huế trên sông Hương, vì vậy, hiển nhiên là một thú tiêu khiển, một sinh hoạt văn hoá vừa tao nhã vừa bổ ích không những cho khách phương xa mà luôn cho người dân địa phương nữa.

Có thể tổ chức ban ngày hoặc ban đêm, thời gian nào cũng có đặc điểm. Tổ chức ban ngày, khách có thì giờ ngắm cảnh, hoặc đỗ lại lên bờ tuỳ theo từng trạm. Tổ chức ban đêm, khách vẫn có thể ngắm cảnh đêm, hoặc bày ra cuộc thả đèn trên sông, hoặc nhờ ánh sáng thu rút lại mà người nghe tập trung hơn.

Sinh hoạt này ngày một tăng tiến về chất lượng cũng như số lượng, nhờ ngành du lịch phấn phát, nhờ đào tạo và tập luyện luôn gia tăng và cải tiến. Thuyền trên sông đi vào nề nếp, trở thành những thính phòng bềnh bồng mời gọi. Các khoản chi phí đổ ra, theo lời du khách, đều phải chăng và đại chúng. Các con thuyền trước đây mảnh khảnh, thô sơ, nay được dịp dọn mình tươm tất, có khi được ghép làm đôi để tăng thêm không gian, có khi được trang trí để trở thành “thuyền rồng” nhiều màu sắc.

Như trên đã nói, ca Huế được tổ chức ở thính phòng, hoặc trên một chiếc thuyền, ban ngày hoặc ban đêm, trong một khung cảnh giản dị. Nếu được chọn lựa, người ta sẽ tổ chức về đêm, trên sông, một ngày trời quang mây tạnh, hoặc có trăng chênh chếch lưng trời.

Mọi người ngồi xếp bằng trong lòng thuyền, quanh mặt chiếu. Dàn nhạc gọn nhẹ thông thường gồm một đàn tranh, một đàn tỳ hoặc nguyệt, một đàn bầu. Ca nhân chừng ba hoặc bốn người, những người này vừa ca vừa sử dụng phách, hoặc sênh tiền; có khi một người cầm lên trên hai tay mấy chiếc tách men cho lách cách vào nhau để gõ nhịp. Khách thưởng thức ngồi xếp dọc hai mạn thuyền im lặng chờ nghe.

Thuyền chèo ra giữa sông, chọn quãng im vắng, neo lại. Buổi sinh hoạt “Ca Huế trên sông” có thể bắt đầu. Thường có một người dẫn chương trình, mở lời cho khách, giới thiệu sơ lược những người tham dự, vạch qua chương trình, dẫn giải bằng vài nét những bài ca Huế, nguồn gốc, nội dung, đặc điểm.

Mở đầu chương trình ca nhạc thường là một hoặc hai làn điệu hoà nhạc giữa các cây đàn. Mỗi cây đàn gieo một âm thanh riêng. Cây đàn tranh, mười sáu dây, phát ra từng chuỗi âm thanh từ hai bàn tay nữ nghệ nhân chạy, nhấn, vuốt trên từng phiếm. Cây đàn tỳ nhả ra từng nốt nhạc khô, ngắt, rời, như từng giọt âm thanh. Cây đàn bầu, độc một dây, nhưng theo từng ngón vuốt, có thể phát ra đầy đủ thang âm. Những cây đàn dân tộc của ta trông đơn sơ mà diễn tả tinh tế khiến người ngoại quốc phải trầm trồ thán phục.

Ca Huế ước chừng ra đời cùng một thời kỳ với ca Huế cung đình. Trong khi các điệu múa tế lễ, múa vũ điệu phục vụ vua quan, thì dân gian cũng có nhu cầu tinh thần này và hình thành dần dần những làn điệu. Các tài tử cảm hứng từ đời sống, từ ca dao, thơ ca xướng hoạ, chọn lấy cho mình những chủ đề gợi dẫn do lịch sử dân tộc, cuộc sống quanh mình, giang sơn gấm vóc, thái bình thịnh trị, tình đời lấy nghĩa khí trung thành làm trọng. Các làn điệu hình thành dần từ cuộc sống địa phương, điểm thêm vài nét nhạc Chiêm Thành, khai thác thêm các điệu hò, vè, ru, đón những làn điệu từ miền Bắc, miền Nam. Và qua năm tháng tạo thành vốn liếng làn điệu nhạc và lời tại vùng đất Cố đô làm thành những sinh hoạt đi gần với dân chúng, giữa lòng dân chúng, góp phần thư giãn cho những người lao động nhọc mệt suốt ngày, góp thêm màu sắc cho những buổi hội hè, những ngày lễ lạc làm cho bà con, láng giềng, xóm thôn có những dịp gần gũi nhau trong những tự tình dân tộc.

Đến nay, trong kho tàng ca Huế, nhờ giữ gìn và nhờ truyền miệng, người ta còn có được những lời ca của thời trước. Bên cạnh đó, có những bài sáng tác gần đây với nội dung mới lồng vào những làn điệu có sẵn. Đây là một thử thách đối với những người sáng tác hiện đại, vì ngôn ngữ của ca Huế không những hợp với thời đại mà còn hợp với lòng người nữa và thời gian sẽ cầm cân nẩy mực những gì phù hợp và đánh động lòng người hát cũng như người nghe sẽ lưu truyền càng ngày càng xa rộng, còn những bài ca khác sẽ chìm vào quên lãng và tàn tạ.

Ngôn ngữ của ca Huế không phải là ngôn ngữ uyên bác, cầu kì, cũng không phải là ngôn ngữ mang nhiều cấp độ khác nhau, mà vẫn có những từ Hán Việt, nhưng đó là những từ thông dụng trong dân gian, trong ca dao tục ngữ. Lời lẽ đậm nét trữ tình và diễn đạt thường theo lối tượng trưng và thể hứng xuất phát từ cảnh sống và hình ảnh cụ thể. Tình cảm của nghệ sĩ thường lan toả ra sự vật xung quanh và tìm tới với người đồng điệu. Tác giả thường gột bỏ những nét cá nhân, và nhắm đến sự chia sẻ của người nghe, làm thế nào để bài ca được “trình làng”, được bày ra trên chiếu, để cho nhóm người nghe thưởng lãm, góp ý, gia giảm, trước khi bài ca được truyền rộng.

Dựa trên tinh thần ấy, có những bài ca Huế mang tính khuyết danh, và ngược lại, có nhiều bài mang tính tập thể, số còn lại là tác phẩm của những nghệ sĩ, thi ông, thi bà… đã từng duyên nợ với chốn chôn nhau cắt rốn, đã từng mài đũng quần trên chiếu, tóc ngả màu lúc nào không hay, mới mong lưu lại một hai bài cho hậu thế. Bài nào đã làm say đắm lòng người thì, lạ lùng thay!, ca hoài không chán, nghe hoài không nản! Như thể đó là điệu nhạc của non sông, như thể đó là tiếng nói của tấc dạ con người muôn nơi muôn thuở. Vì làm sao ta chán được tiếng võng nôi, tiếng ru hời, tiếng cười thanh thoát dưới trăng? Làm sao ta thờ ơ được với tiếng than thầm trong đêm thanh vắng? Làm sao ta không dào dạt mủi lòng với những quà tặng của quê hương ngày có ngày không?

Ta có cảm tưởng đây là một tiếng nói thật, tình cảm thật, tiếng nói của đất đai, tình cảm của những con người nghĩa nặng tình sâu. Còn bao nhiêu thứ khác như thể là những lớp son bọc ngoài, phù du, tạm bợ.

***

Ca Huế đã có lúc tưởng như khó lòng tồn tại. Người ta đã gán cho nó nhiều tội lỗi: bài ca xưa, nhạc cụ cổ, và như thế là không hợp thời, là ngăn cản bước tiến của xã hội, và lăm le thay thế nó bằng những món thời trang. Nhưng, may mắn sao!, người ta nhanh chóng nhận ra rằng lẽ nào ta đi thay thế ruột gan bằng một tấm áo!

Ca Huế hiển nhiên là ruột gan lòng dạ. Nó là nền tảng. Nó là phần nấu nung un đúc. Và nhiệm vụ của con người là bảo tồn và phát huy.

Nương theo tiến hoá của xã hội, ta nhận thức rằng không có một ngành nghề nào, một khoa học nào, một bộ môn nào có thể đứng độc lập. Mọi thứ đều cần tập hợp, hỗ trợ giữa những hoạt động hoặc ngành nghề liên quan.

Ca Huế, cũng vậy, không thể tồn tại độc lập. Không phải chỉ cần có bài ca, vài nhạc cụ, một vài người ca, là ca Huế tồn tại. Nó cần phải có sức nuôi dưỡng, những người thưởng thức, hưởng ứng, có thế hệ tiếp nối, và tự nó phải trau dồi để đừng mai một mà ngược lại tìm sức sống mỗi ngày mỗi tăng thêm và mới mãi. Tóm lại, nó cần có môi trường, không gian, chuyển động tồn tại.

Môi trường cần được nhận thức, đầu tư, chỉnh trang thích đáng. Nay là thời buổi của du lịch, giao tiếp.

Việt Nam, nói chung, trở thành điểm đến của khách du lịch. Người nước ngoài muốn biết con người và xứ sở Việt Nam. Ngoài ra họ còn muốn tìm đất đầu tư và giao thương. Đa số tỉnh thành trên đất nước ý thức điều đó, đã vươn vai đứng lên, xây dựng lại và xây dựng mới môi trường sống của mình.

Thành phố Huế cũng vậy, cần tái thiết rất nhiều, sau bao nhiêu biến cố lịch sử. Nếu như về kinh tế và công nghiệp không phải là những điểm mạnh của nó do điều kiện địa lý và khí hậu, thì Huế vẫn là thành phố lịch sử và du lịch, với quá khứ dày dặn của nó và những thắng cảnh cùng kiến trúc đặc biệt của nó.

Huế phải xem nặng ngành “kỹ nghệ xanh”, “kỹ nghệ không có khói” của mình. Đây là một công việc nặng nhọc, trường kỳ, quy mô, cần đến sức người sức của đồ sộ. Không những chỉ dọn dẹp mà phải vực dậy những hoang tàn đổ nát, phải xây dựng lại cảnh quan và toàn bộ hệ thống cầu đường và luôn cả trạm đầu tiên đón khách là các bến cảng. Đó là cửa ngõ và là khu vườn mà khách phải đi qua để bước vào nhà. Bao nhiêu phương thức giải quyết cần cô đúc lại thành chính sách thực hiện theo dây chuyền công tác để cho có sự thống nhất, đồng bộ. “Khách là trên hết”. Ta cần dành tất cả dễ dãi cho khách, lắng nghe những đề nghị, đúc kết những yêu cầu. Ngoại ngữ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trong thời kì mở cửa của đất nước, vấn đề ngoại ngữ cần đặt ra nghiêm chỉnh, có sách lược. Đây không chỉ là đối thoại, mà cần nhất là giới thiệu, dẫn giải. Đây là một loại ngoại ngữ chuyên biệt, liên quan đến lịch sử, đất nước, lại còn mang tính ngoại giao, vận động. Và ngoại ngữ, áp dụng vào bộ môn ca Huế, còn đòi hỏi thêm một nghệ thuật tinh tế, vì tính chất thơ mộng, chân thật, bình dị trong lời ca cần được chuyển đạt khôn khéo, tránh rơi vào sự ngô nghê, nôm na, sàm bậy.

Ngoài sự đào tạo về ngoại ngữ, tất nhiên và trên hết phải đào tạo bộ môn ca Huế một cách chính thống, bài bản, và theo hướng phát triển. Xưa nay trường Âm nhạc Huế vẫn có bộ môn này. Nhưng do nhu cầu càng tăng và yêu cầu càng cao, những cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền cần đầu tư, suy nghĩ và công của nhiều hơn nữa. Đây là bộ môn dễ thoái trào nếu ta không ngừng củng cố và chiêu mộ. Những tài năng càng ngày càng khan hiếm vì người ta có thể rời bỏ hàng ngũ để đi theo một ngành nghề khác hoặc vì tuổi tác xao nhãng sở trường của mình. Do đó, cần có sách lược động viên người trong cuộc, đãi ngộ người có tài năng, lưu giữ người tuổi tác, chiêu mộ lớp trẻ tuổi muốn tìm hiểu hoặc yêu thích bộ môn. Ngoài những lớp chính quy, còn có thể mở những lớp bổ sung để học đàn, học ca và sáng tác.

Không gian của ca Huế là thính phòng. Như xưa nay ai cũng có thể tổ chức ca Huế tại nhà theo kích thước thu nhỏ. Du khách ngày nay còn có thể thưởng thức ca Huế tại các khách sạn, các địa điểm du lịch. Ngoài ra, ta nên giới thiệu ca Huế qua những buổi nói chuyện, thuyết trình có phiên dịch và minh hoạ bằng từng nhạc cụ cổ truyền, kèm theo lời ca. Hình thức vừa dẫn giải, vừa trông thấy ngón tay nghệ nhân lướt dạo trên đàn, tiếp theo là giới thiệu một số hình tượng, ý tình hàm chứa trong bài ca, và sau cùng thưởng thức tổng hợp ấy qua giọng ca truyền cảm, hình thức này mới thật là đầy đủ và đạt được kết quả mong đợi.

***

Ca Huế, muốn đời đời tồn tại như mọi người mong ước, ngoài việc cần lưu giữ gom góp những bài ca và thường xuyên chăm sóc đào tạo nhân tài, còn cần phải chuyển biến dựa trên tình trạng hiện đại của nó. Đó là quy luật cho tất cả những gì muốn tồn tại trên đời. Không thể nào chỉ bo bo giữ lấy những gì đã có, không thể ngủ quên trên những thành quả đạt được, mà còn phải chuyển biến.

Những ai có quan tâm đến ca Huế đều cảm thấy có nhiều phần việc có thể đóng góp suy nghĩ của mình.

Về lời ca, và với thời đại mới, ta có thể tìm thấy nhiều chủ đề mới và nhiều cảm xúc mới. Biết bao nhiêu đề tài mới có thể tìm thấy trong đời sống, trong tân nhạc, tiểu thuyết ngày nay. Miễn sao ngôn ngữ nên chọn lấy sự dung dị mà hàm súc, bóng bẩy mà gần gũi, dễ hoà hợp với đại chúng và với âm thanh của những cây đàn dân tộc. Có như vậy ca Huế mới không vơi cạn mà ngược lại vẫn tuôn trào như nguồn suối từ lòng đất đai.

Về nhạc, ta cần chú ý thêm đến đặc điểm của từng cây đàn để phân bố nặng nhẹ vào từng bài. Ngoài ra, các nghệ nhân còn nên gia công phát triển các mặt phối âm giữa các người hát và phối khí giữa các nhạc cụ để có thể tạo dựng thêm những cái mới mẻ và phong phú trong ca Huế.

Tất cả chúng ta đều mong ước ca Huế sẽ tồn tại đến muôn đời với tất cả âm thanh, hương vị riêng biệt của nó, cũng giống như Hương giang giữa lòng thành phố vậy.   

        B.Y

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here