Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Bọ tôi

Bọ tôi

128
0

Khi đọc cuốn Thượng Tứ ngày xưa của Quế Chi Hồ Đăng Định, tôi mới biết quê hương xứ Huế phong phú và dễ thương làm sao. Đó là bởi tôi tuy sinh ở Huế, nhưng vừa được 5 tuổi tôi đã rời Huế vào Sài Gòn. Ấn tượng ngày rời Huế, dù tôi nhỏ là thế mà vẫn khắc sâu vô vàn: tôi nhớ cùng mạ tôi ra phi trường Phú Bài, nhớ bọ tôi và các anh chị ở lại vẫy tay (lên xe đi sau), nhớ khung cảnh trời mây nhìn từ cửa sổ tàu bay, nhớ bàn tay mạ tôi nắm chặt không buông…

Lúc ấy, quá nhỏ để hiểu lý do vì sao nhà tôi phải dọn từ Huế vào Sài Gòn, chỉ khi lớn lên tôi mới nghe được từ anh chị tôi rằng: bọ tôi, bác sĩ Lê Khắc Quyến bị “chỉ định an trí” không thể ở Huế được nữa. Tôi cũng tìm hiểu thêm rằng bọ tôi đã làm gì mà phải an trí, và an trí nghĩa là sao, thì tôi cũng mù tịt. Tôi chỉ biết rằng từ ngày tôi vào Sài Gòn như vậy, mạ tôi bắt tôi hằng đêm ngồi với bà để cầu nguyện cho bọ tôi. Tôi còn nhớ mỗi đêm phải đọc bài sám hối văn, chú Đại bi, bài Bát nhã, Thập chú. Đọc xong, mạ tôi luôn râm râm trong miệng, bắt tôi phải quỳ xuống chắp tay khấn đức Quán Âm khiến Ngài gia hộ cho gia đình tôi, cho bọ tôi. Tôi cũng không hiểu gì, chỉ biết mỗi lần nhắc tới bọ tôi thì nước mắt tôi lại đầm đìa, xốn xang khó chịu vô cùng. Năm ấy tôi đúng 5 tuổi.

Trước tết năm sau không lâu, mạ tôi phải về lại Huế, nghe nói phải đi coi lại nhà cửa hay gì đó, và thăm ông ngoại tôi, cụ Võ Truy, vốn vẫn còn ở Huế. Chưa kịp về lại Sài Gòn thì chiến cuộc bùng vỡ. Mạ tôi kẹt lại, phải sống trốn dưới hầm, tôi nghe nói. Thế là trong suốt thời gian đó bọ tôi, chị thứ ba (Thanh Chân) và tôi đêm nào cũng tăng thêm sự cầu nguyện. Vào lúc này, tôi đã thuộc các bài chú Đại bi, Thập chú, Bát nhã, nghi thức cầu an, nên tôi rất thích đọc kinh, cầu nguyện. Nhất là ngay sau mỗi lần cầu nguyện, bọ tôi lại kể chuyện đời xưa để ru tôi ngủ. Đó là những lúc khắc sâu trong tâm trí tôi. Thích nhất là khi bọ tôi kể chuyện Đường Tam Tạng, cùng Tề Thiên Đại Thánh, cất bước về Tây… Tôi không còn nhớ chi tiết về những chuyện ấy nữa, chỉ nhớ rằng những lúc lắng nghe ấy, tôi đi vào thế giới của thần thông biến hóa vô tận, thế giới của hào hiệp, tà-bất-thắng-chính, thế giới của Quán Âm vị tha cứu nguy giải nạn. Mọi chuyện hằng ngày như nhòa hẳn trong tâm tôi, chỉ tồn tại nỗi thao thức muốn nghe tiếp chuyện Tề Thiên, niềm nhớ nhung và lo lắng cho mẹ tôi, người vẫn còn kẹt ngoài Huế, bỗng chốc tan biến, khi tôi được dẫn vào cõi linh mộng huyền bí của thế giới Tề Thiên. Một đêm nọ, tôi nhớ đang lúc kể tới chuyện Quán Âm cứu nạn Tam Tạng, bọ tôi ngừng lại nói: “Chừ mình cầu nguyện Ngài phò hộ cho mạ nghe! “Tôi nhớ tôi đã khóc to, vì nhớ mạ, vì thấy hai hàng nước mắt của bọ tôi cũng rươm rướm chảy xuống. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy bọ tôi khóc. Năm đó tôi 7 tuổi.

Sau Tết một thời gian, không biết bao lâu, thì mạ tôi trở lại Sài Gòn, khỏi phải nói, tôi mừng lắm. Tối tôi ngủ với mạ, ôm chặt không dám buông, sợ mất. Lúc ấy, cho tôi khối vàng tôi cũng chẳng thèm bằng được mạ tôi ôm. Chừ mỗi đêm tụi tôi phải càng tụng niệm hơn. Vì lý do gì mà tụng niệm, tôi cũng không biết, chỉ biết bọ tôi nói, hễ vẫn còn nghe tiếng bom đạn rơi thì mình vẫn còn tụng. Thời đó, ở Sài Gòn, tôi vẫn thỉnh thoảng nghe tiếng bom rơi. Nhiều lúc gia đình tôi phải chạy xuống phòng rọi kiếng (X quang) ở trong phòng mạch bọ tôi để tránh bom. Chiến sự thật đem lại cho gia đình tôi nhiều xáo trộn. Biến cố thứ hai là khi gia đình tôi lại đối diện với câu hỏi là nên di tản hay không, anh lớn của tôi, vốn du học ở Mỹ, rất am tường về thời thế, khuyên gia đình nên di tản. Chị lớn, Thanh Lô, vốn đang sống ở Mỹ, về thăm chúng tôi cũng khuyên cả nhà nên di tản. Riêng bọ tôi, tin rằng ông là người ái quốc, là thành phần dân mến, dân thương thì sợ gì phải trốn. Nhất là hai em ruột bọ tôi, chú Nhãn và chú Luyến lại đã xếp bút nghiên lên đường, nên bọ tôi tin tưởng rằng đây là cơ hội để anh em đoàn tụ. Thế là gia đình tôi ở lại cả đám không ai dám nghĩ tới chuyện di tản. Nhưng bao nhiêu lạc quan lại không tìm đến….Tôi thấy nỗi buồn của bọ mà tôi hiển hiện thật rõ ràng trên khuôn mặt, trong những lần thì thầm đêm đêm với nhau, và những khi nhắc đến tên anh tôi đi học ngắn ngày mà chờ mãi chưa thấy ngày về. Niềm vui đoàn tụ của bọ tôi và các chú ở xa về thăm cũng mau chóng chìm vào quên lãng…

Trong thời gian này nhiều chuyện dồn dập xảy tới: bà nội tôi, người mà bọ tôi thương nhất lâm trọng bệnh rồi qua đời, kế đó ông ngoại tôi, không hề chứng tỏ dấu hiệu trọng bịnh gì cả cũng từ trần trong giấc ngủ.

Nói tới chuyện bịnh của bọ tôi, sau khi biết ung thư, bọ tôi nhờ người bạn là bác sĩ Phạm Biểu Tâm giải phẫu. Theo lời bác Tâm nói lại cho mạ tôi nghe thì ung thư đã lan tới gan, nhưng bác Tâm không có ý mổ vất đi vì chưa biết ý kiến của bọ tôi như thế nào. Đến khi mổ xong, bọ tôi ho một cái thì cái vết may lại toạc ra, phải chăng vì phụ tá giải phẫu quá tệ, hay vì nghiệp chướng của bọ tôi quá lớn! Chỉ biết rằng vì bị may lại như vậy, tim bọ tôi bị chấn động ghê lắm. Khi ấy bọ tôi về nhà phải ngủ ngồi chứ không thể nằm. Ông đùa: “Bọ chết vì tim chứ không vì ung thư đâu con”. Tôi nghe mà thêm sợ. Suốt mấy ngày liền mà ông không thể nằm nghỉ, mà nhịp tim cũng chẳng xuống. Bỗng đêm nọ bác sĩ Củng, vốn là bác sĩ châm cứu của bệnh viện Sùng Chính, dẫn tới một vị thầy, Thầy Viên Đức gặp bọ tôi, nói rằng sẽ giúp bọ tôi trị bệnh, bọ tôi rất ngạc nhiên khi nghe như vậy. Ra ngoài sự tưởng tượng. Thầy cũng biết bọ tôi cũng bán tín bán nghi nên chẳng nhiều lời; chỉ thầm niệm chú, dùng châu sa vẽ vào người bọ tôi mấy chữ Phạn, chưa đầy 15 phút, bọ tôi đã ngủ say; chưa tới một tuần, bọ tôi có thể nằm dài ra ngủ. Từ ngày đó, do thấy công hiệu, bọ tôi hết sức thành tâm niệm Quán Âm, chú Chuẩn Đề, chú Đại Bi. Lòng tin của tôi vào Phật pháp cũng tăng trưởng vô vàn. Hình ảnh cứu người của đức Quán Âm, thần thông biến hóa của Tề Thiên bổng nhiên bừng sống lại trong lòng. Tôi ao ước mình được năng lực trị bịnh như Thầy Viên Đức vậy; tôi xem Thầy như là tấm gương, như thần tượng anh hùng của tôi. Nhưng khi hỏi Thầy: “Con theo Thầy được không?” thì Thầy chỉ mĩm cười, nói: “Ba má con đã cho phép chưa?”. Tôi chỉ im lặng.

Mỗi ngày bọ tôi đều ngồi dậy đi lại trong nhà. Lúc này ông không còn làm việc nữa, nhưng vẫn nói chuyện điện thoại với các đồng sự. Bữa nọ ông ngồi chơi bài solitaire một mình trên giường bên cạnh mạ tôi. Tôi ôm ông rồi quỳ xuống lạy ba lạy. Mạ tôi ngạc nhiên lắm, ngồi nhổm dậy, bọ tôi càng ngạc nhiên hơn, hỏi tôi: “Có chuyện chi rứa?" Tôi hỏi: “ Bọ ơi, sau này bọ muốn con học tiếp nghề của bọ hay bọ muốn con làm gì?” Bọ tôi đáp: “Làm nghề của bọ thì hay lắm chớ, vì làm thầy thuốc thì mình có thể cứu nhân độ thế. Bịnh chi bọ cũng thấy có thể trị lành được, chỉ có nghiệp bịnh thì không được mà thôi. Nên chi, nếu con tu đạo thì họa may chữa được nghiệp bịnh! Có cứu người cứu đời thì mới đáng sống, cũng như Tôn Ngộ Không, như đức Quán Âm vậy con!”. Câu trả lời làm tôi ngạc nhiên vô cùng. Tôi ngẫm nghĩ mãi câu này và hiểu rằng xuất gia làm thầy tu và làm người tu đạo là hai chuyện khác nhau vô cùng. Chủ yếu là phải giúp đời mới được. Từ đấy, tôi ấp ủ chuyện thoát tục, tu đạo. Năm đó tôi 16 tuổi.

Không bao lâu thì bịnh của bọ tôi trở nặng. Ông không còn đi lại như thường, rồi cuối cùng chỉ nằm liệt một nơi.Thần trí của ông cũng từ từ mất dần sự sáng suốt bản hữu. Tôi nhớ mình cứ thường thường thầm khóc một mình vì thấy sự khó khăn từ từ chỉ đến lời nói của bọ tôi. Nhiều khi ông ngồi yên lặng nhìn ra ngoài, tôi tới ngồi bên cạnh mà chẳng biết nói gì cho ông vui. Một bữa tôi đi học về thấy mạ tôi đút cơm cho ông ăn. Tôi tới ngồi bên cạnh, bọ tôi mặt tươi tỉnh lắm, xong tôi hỏi ông có muốn nghe tôi kể chuyện Tề Thiên không? Ông bật ra tiếng cười khanh khách. Thế rồi tôi lại bắt đầu câu chuyện, như bọ tôi vẫn thường bắt đầu: “Lại nói chuyện Đường Tam Tạng, cùng Tề Thiên Đại Thánh, cất bước về Tây…”. Tôi kể chưa được mấy lời thì bỗng nước mắt dâng trào, nức nghẹn. Tôi òa ra khóc. Tôi nhìn bọ tôi, bọ tôi nhìn tôi, ông vỗ đầu, ôm lấy tôi. Đột nhiên tôi không còn thấy ngăn cách gì với ông nữa, tôi cảm thấy một tình thương vô hạn mà bấy lâu tôi không cảm ra. Đột nhiên cõi lòng tôi như nát vụn ra hòa nhập với hư không. Đột nhiên tôi cảm thấy bao nhiêu lo lắng, phiền muộn về bọ tôi như nhất thời giải trừ. Đột nhiên tôi thấu ra tâm hồn bọ tôi.

Tối hôm đó, khi đi đón Thầy Viên Đức, lúc ấy đang ngụ tại chùa Thiền Tịnh bên Thủ Thiêm, tôi vào điện khấn nguyện rằng: “Xin Phật cho con có cơ hội niệm Phật lúc bọ con vãng sinh. Được như vậy, con sẽ xin xuất gia đền ơn”. Chỉ khấn tới đó, tôi lại khóc ròng vì không biết phải nói chi hơn. Thầy Viên Đức cũng ngạc nhiên không biết vì sao tôi khóc. Tôi chỉ im lặng. Chưa đầy mấy tháng sau khi bọ tôi đi vào trạng thái mê nhiều tỉnh ít. Tôi thấy ông ngủ li bì. Thế là gia đình, anh chị em chia nhau phụ với mạ tôi, ngày đêm túc trực bên giường bọ tôi để dễ lo lắng cho ông. Nhưng mới chạng vạng là tôi đã buồn ngủ. Đến quá nửa đêm, bỗng nghe tôi bị đánh thức dậy. Tôi vùng ngồi lên, nhưng nhìn quanh thì không thấy ai đánh thức mình thì cũng lạ. Tôi quay lại nhìn bọ tôi thì thấy mắt ông hơi mở mí một chút. Tôi không biết vì sao, lúc đó tôi buột miệng niệm lớn tiếng: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Mạ tôi và chị tôi ngủ kế bên nhưng dường như chẳng nghe gì cả. Tôi tiếp tục niệm như vậy một lúc lâu, vừa niệm như vậy vừa quan sát thần sắc của bọ tôi. Bỗng nhiên tôi thấy ông nhíu mắt lên một cái rồi thở ra cái ọt. Trực giác cho biết, bọ tôi đã ra đi, nhưng lòng tôi không hề xúc động. Thật là lạ! Tôi cảm thấy như một gánh nặng trút bỏ, người nhẹ nhõm làm sao! Không biết từ đâu một sức mạnh ngập tràn trong tim tôi, tôi càng lớn tiếng niệm Quán Âm quên cả đánh thức mạ và chị tôi. Càng niệm càng nhẹ nhõm, cuối cùng, sau hơn nửa tiếng tôi mới đánh thức cả nhà dậy để cùng niệm. Khi tôi điện thoại cho Thầy Viên Đức thì thầy nói rằng thầy đã biết rồi, và tức tốc tới ngay giúp đỡ. Đến 8 giờ sáng thì Thầy Trí Quang, Thầy Trí Thủ, Thầy Thiện Minh cùng tới thăm. Đó là 3 vị đại sư đầu tiên tới thăm. Các vị đại sư an ủi mạ tôi; Thầy Trí Thủ nói: “Ông Quyến chắc là vãng sinh rồi, vì thấy ông mặt mày tươi đẹp quá!”.

Tôi thầm cám ơn các đại sư, lòng cảm phục tinh thần của các Ngài. Đối với tôi, bọ tôi chẳng chết, vì hình ảnh và tinh thần của bọ tôi luôn sống động trong tâm thức tôi. Mỗi khi gặp gỡ những vị tiền bối người Huế, nhắc tới bọ tôi, hình ảnh bọ tôi lại bừng hiện trong tôi, mỗi khi nhắc tới Huế, tôi lại nghĩ tới bọ tôi và bao kỷ niệm mà người đã súc tích cho tôi, bỗng nhiên tôi cảm thấy gần gũi với Huế hơn bao giờ cả, khoảng cách ngàn trùng như chỉ thốn tấc thời gian mấy chục năm như mới chớp đây. Hơn bao giờ cả, con tin rằng tình thương của bọ đã làm con dấn bước vào con đường vô tận, để không thời gian thật sự tan biến. Con xin gởi gắm tình thương này đến các bậc tiền bối, các anh chị đồng hương.

H.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here