Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Bồ-tát & Mẹ…

Bồ-tát & Mẹ…

148
0

1. Câu chuyện phân tâm:

Trời thu nhẹ, vài ngọn gió thoảng lay nhẹ bức màn cửa sổ màu cỏ nhạt của phòng Phân tâm Trị liệu đang mở rộng hướng ra khu vườn nhỏ. Nắng thu dìu dịu nhẹ ùa qua khung cửa sổ để cho căn phòng một thứ ánh sáng tự nhiên, vừa phải.

Phòng Phân tâm Trị Liệu cũng được sơn màu cỏ nhưng sậm hơn, không rộng lắm, chỉ vừa đủ để trang trí một cái bàn bureau, vài chiếc ghế chair, một bộ trường kỷ, một tủ đựng hồ sơ và một kệ sách nhỏ.

Không gian yên lắng, ánh sáng dịu dàng, và căn phòng giản đơn, yên bình, tất cả như đang hòa quyện cho phòng Trị liệu một cảm giác vừa an toàn, ấm áp, lại vừa thật thoáng mở, thân thiện.

Một cô gái trẻ có khuôn mặt nhợt nhạt một vẻ uất trầm, xa vắng, đang nằm duổi dài trên chiếc trường kỷ, đầu nhẹ gối lên tấm nệm dựa vào thành ghế, hướng về khung cửa sổ với đôi mắt khép hờ. Nhà phân tâm trong chiếc áo blouse trắng, ngồi trên chiếc ghế chair đặt chếch lên phía đầu ghế trường kỷ, người hơi xoay về phía cô gái.

Nhà phân tâm với một giọng nói thật nhẹ và ấm đang giúp cô gái phóng thả mọi cảm xúc và tư duy đang bị uất nghẹn và ẩn khuất trong sâu thẳm lòng cô, đang hành hạ cô với những biến thể đau đớn dị kỳ. Và cô gái, dưới sự hướng dẫn của nhà phân tâm, đang bắt đầu phóng thả với cảm xúc và tư duy nổi trôi. Cô tuôn kể ra không một chút ngại ngần tất cả những cảm nhận và nghĩ suy đã, đang và chợt đến trong đầu của mình, còn nhà phân tâm thì hơi cúi nhìn vào khuôn mặt cô gái, yên lặng, lắng nghe với ánh mắt thân thiết quan tâm.

Sự kiện nhà phân tâm khơi gợi, rồi cô gái kể với sự hiện diện của nhà phân tâm đang mở lòng lắng nghe, diễn ra và kéo dài trong khoảng một tiếng đồng hồ. Trình tự và diễn tiến này cứ thế lập lại khoảng bốn hay năm lần mỗi tuần.

Trên đây chỉ là câu chuyện gợi lên nội dung về một ‘diễn trình phân tâm’ theo phương pháp ‘phóng thả liên tưởng’ (free association) do Sigmund Freud (1856-1939), cha đẻ ngành Phân tâm học đề xướng và phát triển. Diễn trình và phương pháp này thường được các nhà Phân tâm Động năng (dynamic psychoanalyst) ngày nay dùng để trị liệu những căn bệnh liên quan đến các chứng rối loạn tâm lý (psychological disorder).

2. Hai yếu tố của diễn trình phân tâm:

Phóng thả liên tưởng”, nói ngắn gọn, là tỏ bày bằng cách nói ra những cảm xúc và nghĩ suy thầm kín của mình một cách tự do, không một chút ngần ngại, hay e dè trong và với sự hiện diện của một người khác_ một người thật sự mở lòng đón nhận, chia sẻ và lắng nghe, nhưng không và sẽ không bao giờ ngăn chặn, khiển trách hay phê bình. Trong phương thế này, thường người có nhu cầu phóng thả (những bệnh nhân tâm thần hay những người bị mắc phải một chứng rối loạn tâm lý) sẽ có những trãi nghiệm tâm-sinh lý và tâm linh kỳ thú. Đó có thể là một cảm giác nhẹ nhỏm, một sự giản mềm các cơ; hay có thể là người đó chợt tự nhận ra đâu là và những gì thực sự là nổi hãi hùng, âu lo, căng thẳng, đang đe dọa đời sống bình thường của tự thân, và anh/chị ta tuy đang không cần một chút nỗ lực nào nhưng lại phóng thả tất cả chúng; hay đó cũng có thể là anh/chị ta đang tự nội hóa (internalize) những trãi nghiệm phóng thả của chính mình với sự hiện diện của một người quan tâm đến họ, luôn sẵn sàng khơi gợi những tắc nghẽn cho họ mà không hề hãi sợ người đó bác bỏ hay khiển trách.

Dĩ nhiên không phải ai cũng có thể cho người có nhu cầu phóng thả một hiện diện cần thiết để khơi gợi và lắng nghe họ bộc bày mọi cảm xúc và tư duy mà không phải chịu một áp lực âu lo nào. Với người có nhu cầu phóng thả, người hiện diện cần thiết đó phải thật sự có những tình cảm chân thành và sự gắn kết nhất định hướng đến người có nhu cầu phóng thả, và trong ngữ cảnh Tâm lý trị liệu, không ai khác hơn là nhà Phân tích tâm lý trị liệu của họ. Nói khác đi, đối với một nhà Phân tâm trị liệu có hai phẩm tố đòi hỏi. Đó là:

1. Chân tình (intimacy): Sự thành thật hiến dâng trong tình cảm và niềm tin cậy cả với mình lẫn với người. Nhà Phân tâm trị liệu, nếu thất bại trong việc thiết lập một niềm tin và tình cảm chân thành hiến dâng với thân chủ của mình, thì nhất định khó có cơ may người thân chủ ấy sẽ có một ‘tự nội hóa’ và một sự ‘phóng thả liên tưởng’ thật sự.

2. Sự gắn kết (relationality): Mối tương hệ gắn bó hướng đến sự toàn tâm hiến dâng của nhà Phân tâm trị liệu cho người thân chủ của mình. Nếu nhà Phân tâm thất bại trong sự tỏ lộ mối gắn kết hiến dâng này, thì diễn trình phân tâm hầu như hay đúng hơn là không thể đưa đến những hiệu quả tích cực nào.

3. Bồ tát & Mẹ:

Cuộc hội thảo 3 ngày với sự tham dự của đức Dalai Lama và các nhà Tâm lý trị liệu Phân tâm Động năng (dynamically oriented psychotherapist) bàn về chủ đề liên quan đến Phật giáo và Tâm lý trị liệu học phương Tây đã diễn ra tại Newport Beach, Tiểu bang California, Hoa Kỳ, vào tháng 10 năm 1989. Trong cuộc hội thảo này, Tiến sĩ Daniel Brown, một nhà phân tâm trị liệu theo trường phái Erikson, đã nêu lên một băn khoăn rằng: Làm sao để phối hòa và hợp nhất phương thức  tu tập ‘chánh niệm tỉnh giác’ (insight) của Thiền định Phật giáo và tố chất ‘chân tình tận hiến (intimacy) trong Tâm lý trị liệu? Trả lời cho nỗi băn khoăn này, đức Dalai Lama phát biểu:

“Tôi không có kinh nghiệm gì trong việc ứng dụng Tâm lý học phương Tây vào đạo Phật. Tuy nhiên, tôi biết rằng ‘chân tình tận hiến’ (intimacy) luôn thiết yếu đối với một hành giả tu tập, đặc biệt nếu người đó đang phải nỗ lực vượt qua những khó khăn trở ngại liên quan đến tâm lý. Bạn chỉ có thể cởi mở lòng mình với người mà trong tận đáy lòng bạn thật sự tin tưởng, thật sự cảm thấy gần gủi. Trong cách nhìn này, ‘chân tình tận hiến’ quả là tố chất khởi đầu cực kỳ quan trọng để băng vượt qua những eo khúc ngặt nghèo của tâm lý vậy…

Điều này tương tự như đại nguyện của vị Bồ-tát, nguyện hiến dâng cả đời sống mình vì lợi ích và an lạc của chúng sanh. Bạn (nhà Phân tâm) trở thành một cái gì đó hữu ích cho tất cả chúng sanh tận dụng: “tôi luôn sẳn sàng ở đây vì bạn”. Nếu một người (bệnh nhân) biết rằng bạn đang ở đó cho anh ta sử dụng, vì cuộc sống tốt đẹp của anh ta, thì anh ta hẳn có thể thu hoạch được nhiều lợi ích to lớn. Đây là một giáo lý rất nền tảng của hệ Phật giáo Phát triển_ Đại thừa liên quan đến Pháp hạnh của Bồ-tát…”

Chân tình tận hiến”, như thế, được Đức Dalai Lama liên hệ như là đại nguyện của một vị Bồ Tát (Bodhisattva), một con người với lòng Từ khởi xuất do nhận chân được sự thật về cái Tôi ảo ảnh, về lẽ vô thường đớn đau, đã phát đại nguyện đi vào ‘ngôi nhà lữa’ cuộc đời, để cận kề bên và ‘tận hiến’ cả đời mình vì hạnh phúc và an lạc cho những chúng sanh đang bị ‘thiêu đốt’ đày đọa bởi ảo tưởng về cái Tôi (Self, Ego) và dục vọng của chính họ. Điều này tương tự như phẩm tố và việc làm của một nhà phân tâm: Trong phòng Phân tâm trị liệu, vị bác sĩ đóng vai trò như một ‘cái tôi thứ hai’ (auxiliary ego) của bệnh nhân, cảm nhận, quan sát và phản hồi những trạng thái tình cảm và tâm lý của người bệnh để giúp người bệnh đó dần dần phát triển một khả năng quan sát cái Tôi và các diễn tiến tình cảm của chính mình. Để thực sự đóng tốt vai trò ‘cái tôi thứ hai (auxiliary ego, quên và tận hiến cái tôi của chính mình để hòa nhập vào cái Tôi của người), vị bác sĩ phân tâm trị liệu ấy trước hết phải có một cái ‘tâm thấu cảm’ nỗi đau của con người (empathy), để rồi không chỉ lao tìm học hỏi những kiến thức khoa học về tâm – sinh lý và những kỹ năng trị liệu nỗi đau mà còn luôn phải trau dồi cái ‘tâm thấu cảm’.

Nếu ‘chân tình tận hiến’ trong Phân tâm trị liệu được Dalai Lama và của một vài nhà Tâm lý trị liệu khác chẳng hạn Tiến sĩ Honey Oberoi liên hệ như là ‘hạnh nguyện của Bồ Tát’, thì tố chất ấy, trong quan điểm của D.W. Winnicott, một bác sĩ Tâm thần nhi, được biểu đạt như là ‘tố chất của Mẹ’. Ý niệm này được Winnicott trình bày trong tác phẩm “Đùa Chơi và Thực Tại” (Playing and Reality) nổi tiếng của ông.

Trong “Đùa Chơi và Thực Tại”, Winnicott cho rằng không một ai trong chúng ta đòi hỏi hay nhận được một sự nuôi dạy hoàn hảo. Tuy nhiên, khi còn là một em bé nằm nôi hay một thiếu niên chưa trưởng thành, nhất định tất cả chúng ta đều phải cần đến một ‘Bà Mẹ Đủ Tốt’ (good-enough mother). Thậm chí, trong các giai đoạn phát triển khác nhau của con người, để cho chúng ta một sự trưởng thành, những ông bố, người chăm sóc, môi trường, cộng đồng và ngay cả tư duy của chính chúng ta cũng phải trở thành như vai trò của một ‘Bà Mẹ Đủ Tốt’. Bà Mẹ đó với tận hiến gắn kết thuở đầu, rồi trách nhiệm bổn phận về sau và sự vắng cách theo thời gian, sẽ khơi gợi cho con trẻ của bà một hướng tới khám phá những khung trời chuyển hóa (transitional space), trung gian giữa nội giới và ngoại giới trong và của chính nó. Và đứa con ấy, trong sự trưởng thành và khám phá những khung trời chuyển hóa của mình, nó như một chủ thể tận dụng và hủy hoại ‘khách thể Mẹ’

Cũng vậy, với chất tố ‘bà Mẹ đủ tốt’ và ‘hạnh nguyện Bồ Tát’, nhà Phân tâm thuộc trường phái Winnicott sẽ tận hiến vô điều kiện chính mình như một công cụ, một phương tiện, hay một vật thể để được tận dụng và hủy hoại bởi thân chủ bệnh nhân. Dĩ nhiên, trong diễn trình phân tâm, nhiệm vụ của nhà phân tâm không chỉ dừng lại ở vai trò vật thể công cụ được tận dụng và hủy hoại mà còn được đẩy xa hơn với nhiều thao tác phức tạp hơn. Chẳng hạn, trong việc cho phép thân chủ bệnh nhân ‘đùa chơi’ với ‘vật thể nhà phân tâm’, vị bác sĩ đó còn phải bận bịu phân tích với những mảnh vụn thất bại, tổn thương và thiếu hụt đã tồn tại và phát triển trong quá khứ của thân chủ bệnh nhân.

Trở lại phòng phân tâm:

Thời gian trôi. Với sự hiện diện và tận hiến của nhà phân tâm, cô gái không còn cảm thấy kinh hãi với những triệu chứng đe dọa như chúng đã từng. Trong không khí của tình yêu thương, thứ tha và chấp nhận cùng với những vắng cách đúng mức và tàn nhẫn kỷ thuật, cô gái bệnh nhân ấy dần dần nhận ra dung diện thật của những tình cảm xáo trộn và tâm bệnh lý của chính mình. Rồi, ánh mắt cô dần bớt đi vẻ xa vắng, và trên khuôn mặt cô, nét u ám nhợt nhạt đang dần mất đi để sáng lên một nhuận hồng.

T.N.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here