Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Bố cục trí tuệ của “Khóa hư kinh”

Bố cục trí tuệ của “Khóa hư kinh”

115
0

Giá trị tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật của Khóa hư lục đã được nhiều người nói đến. Trong đó, không ít người hiểu nhầm về tiêu đề cũng như nội dung tư tưởng của nó. 課 Khóa là bài khóa, bài học, bài giảng; 虛 Hư là  giả, không thật, rỗng không, ở đây chỉ giáo lý tính Không của Phật giáo; 錄 Lục là ghi chép, là sách. Như vậy, Khóa hư lục là quyển sách ghi chép những bài giảng về Phật học. Chúng ta hiểu đây là tác phẩm ghi chép lại các phương pháp tu tập nhằm đạt đến cái tâm rỗng rang, thanh tịnh, giải thoát. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu về bố cục của tác phẩm này.

Vì đây là một tác phẩm này có giá trị lớn về triết học và văn học, nhất là Thiền học, nên từ trước, một số vị Thiền sư như Tuệ Tĩnh, Phúc Ðiền (thế kỷ XIX) đã dịch ra chữ Nôm. Từ khi chữ Quốc ngữ được thông dụng và phổ biến, Khóa hư lục đã được giới học giả nước ta chú ý nghiên cứu, dịch thuật. Hiện nay, sách Khóa hư lục đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Riêng tiếng Việt, chúng ta có khá nhiều các bản dịch của các vị thạc đức cao tăng và học giả cư sĩ nổi tiếng.

– Bản dịch của các học giả uy tín:

Một là, Khóa hư lục do Thiều Chửu dịch, NXB Hưng Long, Sài Gòn, 1961.

Hai là, Khóa hư lục do Nguyễn Ðăng Thục dịch và chú thích, NXB Khuông Việt, 1972.

Ba là, Khóa hư lục do Ðào Duy Anh dịch, NXB Khoa học Xã hội, 1974.

Bốn là bản dịch Khóa hư lục in trong bộ Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1989.

Trong bốn bản dịch trên, bản dịch của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam là tốt nhất, nhờ kế thừa những thành tựu của các bản dịch trên.

– Trước nay có nhiều vị cao tăng quan tâm nghiên cứu bàn về tác phẩm kinh điển này. Hiện nay có hai bản dịch được lưu hành phổ biến:

Một là, Khóa hư lục do Hòa thượng Thích Thanh Kiểm dịch, Nguyễn Đăng Thục giới thiệu, Thành hội Phật giáo TP.HCM xuất bản, 1992.

Hai là, Khóa hư lục do Thiền sư Thích Thanh Từ giảng giải, Ban Văn hoá Phật giáo Trung ương – Thiền viện Thường Chiếu ấn hành 1996.

Thứ tự các đề mục của sách Khóa hư lục trong Việt Nam Phật điển tùng san do Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ khắc in và ấn hành tại Hà Nội năm 1943 như sau:

Quyển thượng gồm các đề mục:

– Phổ Thuyết Tứ Sơn

– Phổ Thuyết Sắc Thân

– Khuyến Phát Tâm Văn

– Giới Sát Sinh Văn

– Giới Thâu Ðạo Văn

– Giới Sắc Văn

– Giới Vọng Ngữ Văn

– Giới Tửu Văn

– Giới Ðịnh Tuệ Luận

– Thụ Giới Luận

– Niệm Phật Luận

– Tọa Thiền Luận

– Tuệ Giáo Giám Luận

– Thiền Tông Chỉ Nam Tự

– Kim Cương Tam Muội Kinh Tự

– Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi Tự

– Bình Ðẳng Lễ Sám Văn Tự

– Phổ Thuyết Hướng Thượng Nhất Lộ

– Ngữ Lục Vấn Ðáp Môn Hạ

– Niệm Tụng Kệ

Quyển hạ gồm:

– Các đề mục liên quan đến Sám Hối Khoa Nghi

Bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm căn cứ trên bản chữ Hán khắc in năm 1943, phân ra hai quyển thượng và hạ. Quyển thượng gồm 21 đề mục: 1.Nói về bốn núi; 2. Nói về sắc thân; 3. Văn khuyến phát tâm Bồ-đề; 4. Văn răn sát sinh; 5. Văn răn trộm cắp; 6. Văn răn giới sắc; 7. Văn răn vọng ngữ; 8. Văn răn giới rượu; 9. Bàn về Giới Định Tuệ; 10. Bàn về thọ giới; 11. Bàn về niệm Phật; 12. Bàn về toạ thiền; 13. Bàn về gương tuệ giác; 14. Bài tựa Thiền tông chỉ nam; 15. Bài tựa kinh Kim cương tam- muội; 16. Tựa khoa nghi sáu thời sám hối; 17. Tựa văn lễ sám bình đẳng; 18. Nói rộng một đường hướng thượng; 19. Ngữ lục vấn đáp môn hạ; 20. Lời vấn đáp trong môn nhân; 21. Niêm tụng kệ âm nghĩa. Quyển hạ gồm 9 đề mục: 1. Kệ cảnh sách chúng giờ Dần; 2. Lễ dâng hương thời sáng sớm; 3. Lễ dâng hương buổi trưa; 4. Lễ dâng hương buổi mặt trời lặn; 5. Kệ khuyên chúng buổi hoàng hôn; 6. Kệ tám khổ; 7. Lễ dâng hương buổi chập tối; 10. Lễ dâng hương nửa đêm; 11. Lễ dâng hương cuối đêm.

Thiền sư Thích Thanh Từ phân tác phẩm này ra 17 đề mục theo thứ tự: 1. Tựa Thiền tông chỉ nam; 2. Năm giới; 3. Bốn núi; 4. Nói rộng sắc thân; 5. Rộng khuyên phát tâm Bồ-đề; 6. Luận về thọ giới; 7. Luận về tọa thiền; 8. Luận về giới định tuệ; 9. Luận gương tuệ giáo; 10. Luận về niệm Phật; 11. Tựa khoa nghi sáu thời sám hối; 12. Khoá lễ sáu thời sám hối; 13. Tựa bình đẳng sám hối; 14. Tựa kinh Kim cang tam muội; 15. Nói rộng một đường hướng thượng; 16. Ngữ lục vấn đáp; 17. Niêm tụng kệ.

Cũng trên những cơ sở này, trong chuyên luận Trần Thái Tông và Khóhư lục, Thích Phước Đạt phân các đề mục trên gồm 3 phần:

– Phần 1, gồm các bài phổ thuyết.

– Phần 2, gồm những bài luận có nội dung bàn về phương cách đi đến giác ngộ và các vấn đề cụ thể.

– Phần 3, gồm các bài khóa lễ sáu thời [Trần Thái Tông và Khóhư lục, Chuyên luận, 2004, trang 39]

Cũng xin nói thêm rằng, tác phẩm Khóa hư lục hiện đang được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng Phật giáo. Nhưng vì tác phẩm này là tập hợp những đề mục có tính độc lập tương đối, thứ tự sắp xếp tuỳ theo quan điểm của người dịch, nên sinh viên khó theo dõi tác phẩm được mạch lạc và xuyên suốt, nhất là về nội dung tư tưởng. Sở dĩ có điều này là do tiêu đề và bố cục của tác phẩm này không do chính tác giả làm ra, mà do người đời sau tập hợp và khắc in. Trong một thời gian hướng dẫn Khóa hư lục tại các trường Phật học, chúng tôi cảm thấy trật tự các đề mục trong những bản dịch hiện hành hình như chưa ổn lắm. Chúng tôi xin đề nghị một bố cục hợp lý, với hy vọng góp phần nhỏ trong việc làm sáng rõ thêm giá trị của Khóa hư kinh.

Sở dĩ Tứ Thánh đế (Bốn chân lý chắc thật gồm: Khổ, Tập, Diệt, Đạo) được các học giả khắp nơi trên thế giới trọng thị, không chỉ vì tư tưởng nhân văn giải thoát, mà còn do bố cục trí tuệ của nó. Chỉ cần chúng ta thay đổi thứ tự và vị trí của bất kỳ phần nào trong Tứ Thánh đế, thì giá trị tư tưởng cũng như hiệu quả giải thoát khổ đau sẽ bị giảm sút rõ rệt. Trước hết nêu lên được sự thật phổ biến về khổ đau trong kiếp nhân sinh; thứ đến chỉ ra nguồn gốc, nguyên nhân gây nên sự khổ đau ấy; tiếp theo là khẳng định sự khổ đau có thể đoạn trừ và cảnh giới an vui, hạnh phúc chân thật xuất hiện; cuối cùng mới chỉ bày phương pháp thực hành để giải trừ khổ đau, đạt đến giác ngộ giải thoát Niết-bàn. Nếu như trình bày phương pháp thực hành, tu tập trước thì hiệu quả chắc chắn sẽ vô cùng hạn chế.

Cũng như vậy, căn cứ trên mục đích tối hậu là hướng mọi người đến giải thoát giác ngộ của tác phẩm, chúng ta thiết lập một bố cục thích hợp, mà theo thiển ý của chúng tôi là gần nhất với bản ý của tác giả. Bên cạnh đó, chúng tôi mạo muội đặt thêm tiêu đề gợi ý của các chương để đảm bảo tính logic hệ thống của tác phẩm.

Chương một Kiếp người khổ đau. Chương này gồm 2 đề mục theo thứ tự: 1. Nói về bốn núi; 2. Nói về sắc thân.

Chương hai Khuyến tu. Chương này gồm 2 đề mục theo thứ tự: 3. Văn khuyến phát tâm Bồ-đề; 4. Nói rộng một đường hướng thượng.

Chương ba Phương pháp tu hành. Chương này gồm 3 phần:

a. Phần trực chỉ, gồm các mục theo thứ tự: 5 Bài tựa Thiền tông chỉ nam; 6. Bài tựa kinh Kim cương tam muội; 7. Ngữ lục vấn đáp môn hạ; 8. Lời vấn đáp trong môn nhân; 9. Niêm tụng kệ âm nghĩa.

b. Phần tiệm tu, gồm các đề mục theo thứ tự: 10. Văn răn sát sinh; 11. Văn răn trộm cắp; 12. Văn răn giới sắc; 13. Văn răn vọng ngữ; 14. Văn răn giới rượu; 15. Bàn về Giới Định Tuệ; 16. Bàn về thọ giới; 17. Bàn về niệm Phật; 18. Bàn về tọa thiền; 19. Bàn về gương tuệ giác;

c. Phần nghi thức sám hối, gồm các đề mục theo thứ tự: 20. Tựa khoa nghi sáu thời sám hối; 21. Tựa văn lễ sám bình đẳng; 22. Kệ cảnh sách chúng giờ Dần;23. Lễ dâng hương thời sáng sớm; 24. Lễ dâng hương buổi trưa; 25. Lễ dâng hương buổi mặt trời lặn; 26. Kệ khuyên chúng buổi hoàng hôn; 27. Kệ tám khổ; 28. Lễ dâng hương buổi chập tối; 29. Lễ dâng hương nửa đêm; 30. Lễ dâng hương cuối đêm.

Chương một, tác giả diễn tả thân phận khổ đau vô cùng vô tận của kiếp người. Vì thân người luôn bị đè nặng bởi bốn ngọn núi lớn Sinh, Già, Bịnh, Chết. Con người sống nô lệ cho ngũ dục, bị sinh tử bức bách, thậm chí còn nô lệ cho cả hoàn cảnh sống, mãi bị quy luật vô thường chi phối trói buộc, không có cách nào thoát ra được. Từ xưa đến nay, trên khắp hoàn vũ, không thiếu những tuyệt tác văn chương bất hủ diễn tả sự khổ đau cùng cực của con người, nhưng thường là hướng đến một nhân vật, một hoàn cảnh, một giai cấp, một thời đại nhất định nào đó. Còn Trần Thái Tông đã nghệ thuật hóa, hình tượng hóa được nỗi đau mang tính phổ quát nhất của kiếp người. Điều này có thể thấy được qua bài thơ về tướng chết:

“Dồn dập cuồng phong khắp mọi nơi,
Ngư ông say tít mặc thuyền trôi.

Bốn bề mây phủ trời đen kịt,
Một dải sóng gầm tiếng trống hồi. 
Xoay chuyển ì ầm xe sấm động, 
Tung bay sầm sập trận mưa rơi. 
Tạm thời bụi cuốn chân trời sáng,
Đêm vắng trăng treo bóng nước soi.”

[Khóhư lục, Thích Thanh Kiểm dịch, NXB.Tôn giáo, trang 18, 19].

Một loạt các động từ, trạng từ và cụm từ “cuồng phong”; “dồn dập”; “bốn bề mây phủ”; “trời đen kịt”; “sóng gầm”; “ì ầm”; “sấm động”; “sầm sập”…diễn tả sự khổ đau vô tận của tướng chết.

Chương hai, tác giả thiết tha khuyên mọi người gấp rút tu hành. Khi nào mọi người thấy rõ sự khổ đau và sự cần thiết phải nhanh chóng giải trừ khổ đau thì mới chịu tu hành. Trong n khuyến phát tâm Bồ-đề, tác giả bày tỏ tâm can tha thiết với người nghe, bằng cách dẫn chứng hàng loạt nhân vật nổi tiếng, có trí tuệ lớn nhất trong lịch sử từ xưa đến nay; trên từ Phật, Thánh, Tiên, Hiền dưới cho đến vua, quan, trí, sĩ đều một lòng trọng đạo, quyết ý tu hành. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, tác giả còn e có người tự ti. cho rằng bản thân mình không thể đem so sánh với Phật, Thánh, Tiên, Hiền, Vua, Quan, Trí, Sĩ, mà thối thất tâm ý, nên đưa thêm ra các chứng cứ, cả đến các loài súc sinh cũng còn biết lãnh hội đạo lý đạt được lợi ích lớn, vượt thoát khổ đau: “Cáo đồng còn nghe pháp Bách Trượng, ốc vặn hay hộ kinh Kim Cương. Mười ngàn cá bơi nghe hiệu Phật hoá làm Thiên Tử, năm trăm con dơi nghe pháp chứng Thánh Hiền. Trăn nghe sám được sinh thiên, rồng nghe kinh mà ngộ đạo”.

Chương ba, là chương trọng tâm của tác giả, chỉ dẫn phương pháp tu hành giải trừ tất cả lậu hoặc khổ đau, đạt đến cảnh giới thanh tịnh, giác ngộ và giải thoát. Tác giả trình bày từ tính ra tướng; từ đốn đến tiệm.

Bậc thượng căn thượng trí, chỉ cần ngộ tâm là Phật không cần tu thêm: “Bản tính nhiệm mầu, chân tâm vắng lặng. Thành hoại đều dứt Chẳng phải tính trí hay xét ngọn nguồn. Tan hợp đều không, đâu thể mắt tai xem nghe tường tận. Có không xóa hết, đạo tục san bằng, đứng riêng một mình không chi sánh được. Đó là then chốt của tự tính Kim Cương vậy” [Kim Cương tam muội kinh tự].

Nói vậy, nhưng khó đạt tới hành giải tương ưng, nên tác giả ân cần nhắc nhở: “Nếu chưa đạt được tâm Phật và ý Tổ thì trước hết hãy trì giới, niệm kinh. Ðến khi đạt tới trình độ Phật cũng không mà Tổ cũng không thì còn giới nào cần trì, kinh nào cần niệm? Nhưng xưa nay, thượng căn hiếm có, đa phần nên phải theo con đường Tam học giới định tuệ thứ lớp tu hành. Thực hành các môn trì giới, ngồi thiền, niệm Phật, sám hối, dần dần tiến lên theo hướng giác ngộ giải thoát”.

Mong rằng giá trị chân thật của Khóa hư lục ngày càng sáng rõ hơn, người dân Việt Nam ngày càng biết đến Khóa hư lục nhiều hơn, để niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam ngày càng vững chãi hơn.■ „

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 188

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here