Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Bàn thờ gia tiên đặt ở đâu

Bàn thờ gia tiên đặt ở đâu

105
0

Một vài hàng quà bánh hoặc hàng xén có hình thức chuyên nghiệp, nhưng vẫn gắn bó với nông thôn, vốn liếng nhỏ mọn, vào dạng tiểu thương, khi cần huy động lao động nông nghiệp, họ vẫn có thể tham gia thành thạo. Tất cả mọi tầng lớp dân chúng đều quanh quẩn trong luỹ tre làng, ít khi lên tỉnh, lên huyện. Họ hiểu rõ về nhau, vì “phi nội tắc ngoại” có “dây mơ rễ má” với nhau.

Các gia đình quần tụ bên nhau, san sẻ chỗ ăn, chỗ ở với nhau. Có nhà lên tới mức “Ngũ đại đồng đường”: đủ hai cụ, ông bà, cha mẹ, con cháu, lại còn các chú, các bác, các cô, các bá, các thím nữa. Thường thì hai cụ ở gian giữa ngôi nhà lớn; ông bà ở một chái hoặc nhà ngang; vợ chồng cháu trưởng ở một chái. Hai dãy nhà tả hữu chánh đường chia cho các bác, các chú, các thím ở. Nếu hai cụ còn khoẻ mạnh, minh mẫn thì cắt đặt công việc đồng áng cho con cháu, bằng không thì quyền ở ông bà hoặc anh trưởng. Công việc thì làm chung, sản phẩm thu hoạch được, chia theo tường bếp, nấu nướng riêng cho tiện sinh hoạt. Mọi người đếu ý tứ, biết trên kính dưới nhường, nhất nhất nghe lời các bề trên chỉ bảo, rau cháo đùm bọc lấy nhau, không để điều tiếng gì khiến xóm làng dị nghị.

Với phương thức sinh hoạt như thế, nên ngày giỗ, ngày tết phải tập trung ở ngôi nhà lớn. Tất yếu bàn thờ gia tiên phải đặt ở gian giữa chánh đường. Bàn thờ càng uy nghi rực rỡ bao nhiêu, càng nâng cao ý thức của con cháu đối với tổ tiên, dòng họ sâu nặng bấy nhiêu. Các cụ đem gia phả ra dẫn giải về ngày kỵ nhật, nói rõ gốc tích và sự nghiệp của người đã khuất, giáo dục các hậu duệ lòng kính trọng, biết ơn, phấn đấu làm vẻ vang cho tổ tiên và dòng họ. Người ta làm cỗ cúng bằng những sản phẩm nông nghiệp tự làm ra và chăn nuôi được. Khi cúng xong, mọi người hạ cỗ, ăn uống vui vẻ. Những công việc lớn như tang ma, cưới xin, tậu ruộng, tậu trâu, sửa sang nhà cửa, mọi người trong gia đình được triệu tập bàn bạc. Đặc biệt việc tách hộ ra cư trú nơi khác, phải được thảo luận kỹ. Nếu hộ nào làm nhà, tậu đất, sinh sống độc lập, thì ngày giỗ, ngày Tết vẫn phải đến nơi gốc rễ để đóng giỗ, lễ tết và sinh hoạt chung, ít nhất là một ngày. Bởi thế, bàn thờ gia tiên nhất thiết phải đặt ở chánh đường, nơi “đất cha ông”. Sau này các thế hệ sáng nghiệp mất đi, lớp hậu duệ kế tục cắt cử người trông nom, hương khói; ngôi nhà ấy trở thành từ đường. ở nông thôn, “đất cha ông” không bao giờ được “Bán, chác, đổi, nhượng”, người ở đất ấy chỉ có thể tậu thêm các đất chung quanh láng giềng để mở rộng phạm vi lãnh thổ. Bởi thế bàn thờ gia tiên có một ý nghĩa vô cùng to lớn, xác nhận lý lịch cả một dòng họ, phân định dòng đích và các chi phái, cho biết tổ tiên là những ai? Đã từng đỗ đạt, hiển hách, “hộ quốc tý dân”, có công với làng nước như thế nào? Các hoành phi, câu đối treo trên gian thờ đều có nội dung biểu dương công tích các bậc tiên liệt khai sáng, nêu tiêu chí cho các thế hệ nối tiếp làm theo, nhất là về mặt cần kiệm và phẩm hạnh.

Bàn thờ uy nghi, thờ phụng nhiều đời, có “thâm niên” hàng thế kỷ, có tác dụng giáo dục thế hệ nối tiếp biết giữ gìn nền nếp gia phong, tránh mọi tệ nạn xã hội, bảo vệ gia sản và truyền thống do các bậc tiên liệt tạo lập ra, phấn đấu làm vẻ vang cho tổ tiên, dòng họ. Cho nên, có những người vì hoàn cảnh phải phiêu bạt nơi phương trời xa xôi, nhưng nếu còn khoẻ mạnh, làm ăn khá giả, bao giờ cũng đau đáu nhớ quê hương, dốc tiền của gửi về, để góp phần tu tạo lại từ đường, lập bàn thờ gia tiên thật uy nghi rực rỡ, quy hoạch lại nghĩa trang dòng tộc. Nếu tổ tiên có những bậc được tôn vinh thờ ở đình làng, hoặc đã từng đứng ra hưng công chùa làng, thì những người xa quê vẫn “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tự hào về tổ tiên mình, nhiệt tình gửi tiền của về phục chế các di tích, danh thắng, coi như bổn phận phải đền đáp công ơn ông bà, cha mẹ, mảnh đất quê hương đã sinh ra mình. Cử chỉ cao quý ấy thật đáng trân trọng.

Ngày nay, do phương thức sản xuất đã thay đổi, nhiều người không sinh sống bằng nông nghiệp, việc canh tác đã bị rời bỏ, lao động do tài trí cá nhân, không phụ thuộc vào việc cắt đặt, vào tư liệu sản xuất do gia trưởng điều phối, phải rời quê hương đi làm ăn ở nơi xa thì họ lập bàn thờ gia tiên ở ngôi nhà mình đang cư trú. Họ làm một cái giá xích đông đóng trên tường, gọn gàng, giản dị. Đồ thờ chủ yếu là mấy cái ảnh, một bình hương lớn, lọ hoa, đĩa quả. Người xa quê làm mấy mâm cơm mời người cùng làng đến dự.

ý nghĩa việc thờ tổ tiên gói lại bằng chữ tâm có thể giữ phần tắc trách, có thể tránh lời dị nghị. Giỗ lớn hay giỗ bé, cuối cùng cũng chỉ là trước cúng, sau cấp. Việc tôn vinh người sáng nghiệp, nêu gương bậc tiên liệt, đoàn kết xum họp bà con họ hàng, anh em, giáo dục truyền thống, nêu tiêu chí phấn đấu cho các thành viên gia tộc, dần dần bị nhạt nhoà.

Bàn thờ treo cao, dưới là bộ sa lông tiếp khách. Chỗ thờ có tính chất tượng trưng. Ngày giỗ được chuyển vào thứ Bẩy, Chủ nhật. Chuẩn bị làm giỗ, có người chỉ nghĩ đến mời ai? mời những ông nào? cốt có dịp đền ơn, đáp nghĩa người sống; còn tổ tiên ông cha biến thành cái cớ, chẳng được hưởng những giây phút thiêng liêng tưởng niệm.

Bây giờ, nhà ở thành phố làm tới 4-5 tầng, chia làm nhiều gian, nhiều phòng. Bàn thờ được để riêng 1 phòng trên tầng cao nhất, để không ai dẫm đạp lên đầu. Trang trí thật rực rỡ, thiết bị thật lộng lẫy, nhưng ít ai trông thấy, vì phòng thờ quanh năm bị khoá cửa, sợ trộm cắp lẻn vào, vì nơi ấy vừa cao, vừa khuất, cả nhà ít qua lại. Chỉ đến ngày giỗ, ngày tết, ngày cưới con… mới mở cửa phòng thờ vài tiếng. Cô dâu, chú rể, váy áo lướt thướt, ôm hoa sóng đôi, leo từ 3 đến 5 tầng thang lên làm lễ gia tiên, hai bên nội ngoại khách khứa đều ngồi ở nhà dưới, ngoài sân để chờ, ít ai được chứng kiến.

Trước hiện thực ấy, việc lập bàn thờ theo lối con đâu cha mẹ đấy, có tính tượng trưng, cốt cho tiện và cho gọn là một vấn đề cần phải suy nghĩ, để làm sao kinh tế – xã hội ngày càng phát triển thì tình cảm thiêng liêng, gia đình đầm ấm, “uống nước nhớ nguồn” vẫn mãi là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.

Bài sưu tầm từ internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here