Trang chủ Phật học Bản thể của Phật

Bản thể của Phật

111
0

 Tuy nhiên cũng có thể tạm xem chữ Ngộ gần với chữ Bodhi (Bồ-đề), vì chữ Bodhi có nghĩa là Giác, tức Giác ngộ, và chữ Giác ngộ thì lại tương đương với chữ Đại ngộ (Daigo) trong Thiền học Nhật bản. Theo các học phái phương Nam của Thiền học thì khái niệm về Ngộ mang tính cách đột biến, hiển hiện đột ngột trên đường tu tập của một hành giả.

Đối với các học phái khác của Phật giáo nói chung, người ta thường cho rằng kinh nghiệm sâu xa của sự Giác ngộ hiển hiện một cách đột ngột vào một lúc nào đó trên đường tu tập, sự Giác ngộ đột ngột ấy hàm chứa dặc tính thời gian và hội nhập với Bản thể của Phật, còn gọi là Phật tính, và Phật tính thì vượt ra ngoài yếu tố thời gian. Người ta có thể so sánh sự giác-ngộ-đột-biến như vừa trình bày trên đây với biến-cố-Ngộ (Satori event) của Thiền học, biến-cố-Ngộ mang yếu tố thời gian sẽ hoà nhập với thể-dạng-Ngộ (Satori state) còn gọi là Hiện thực, và Hiện thực thì không mang yếu tố thời gian. Như vừa trình bày, ngữ tự có khác biệt nhưng đều hàm chứa những ý nghĩa khá giống nhau.

D.T. Suzuki dùng rất ít thuật ngữ nhưng đã giải thích các khái niệm về Ngộ và Phật tính một cách rất trong sáng và minh bạch. Đúng hơn thì bài viết ngắn này là một bài thuyết trình của ông tại Trung tâm nghiên cứu kinh Vệ-đà tại thành phố Gretz, ngoại ô phía đông của thủ đô Paris, vào tháng 8 năm 1953. Bài thuyết trình được tìm thấy trong một số đặc biệt của tập san France-Asie, xuất bản tại Sài Gòn năm 1959,  kỷ niệm lễ Phật đản thứ 2500. Số đặc biệt này được tái bản lần thứ nhất tại Pháp vào năm 1987 và lần thứ hai vào năm 2008.

Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) tuy không xuất gia nhưng là một đại thiền sư, một người có công mang Phật giáo nói chung và Thiền học nói riêng vào thế giới Tây phương, từ bắc Mỹ cho đến Ấu châu trong suốt tiền bán thế kỷ XX. Uy tín của ông không đặt thành vấn đề cho chúng ta hôm nay.

***

Nếu quý vị yêu cầu tôi giải thích “biến-cố-Ngộ” là gì và sự khác biệt giữa thể-dạng-Ngộ và biến-cố-Ngộ như thế nào, thì tôi sẽ nói với quý vị như sau : mỗi người trong chúng ta không phân biệt ai cả, tất cả mọi con người và kể cả mọi chúng sinh có tri thức, có giác cảm hiện đang ở trong Ngộ. Tất cả chúng ta đang hoà nhập vào trong ấy, nhưng chúng ta không biết mà thôi. Chúng ta không ý thức được là không khí đang bao quanh địa cầu ; nhưng mỗi khi gió thổi, thì sự chuyển động của không khí sẽ giúp ta cảm nhận được sự hiện diện của nó, trước đó thì ta không cảm nhận được, vì lẽ không khí bất động và ở trong trạng thái yên tĩnh. Luồng gió hay sự chuyển động chính là biến-cố-Ngộ. Nó không phải là một biến cố thông thường. Nó  chỉ có thể xảy ra với một người nào đó trong một bối cảnh nào đó, nhưng cần phải có một sự chuẩn bị từ trước.

Ta hãy đưa ra một thí dụ trong đời sống của Đức Phật. Ngài từ bỏ mọi dục vọng thế tục, tìm cảnh thiên nhiên để học hỏi triết học với các vị thầy lỗi lạc nhất thời bấy giờ. Nhưng những gì mà Ngài học hỏi được chỉ có tính cách tri thức, đòi hỏi những khả năng đơn thuần của lý trí, sự học hỏi đó không mang đến cho Ngài một niềm tin sâu kín nào về Hiện thực. Ngài không thoả mãn với lối tranh cãi triết học ấy và đã quay vào rừng để tự hành xác bằng cách tu tập khổ hạnh. Thực vậy,  Ngài nghĩ rằng : khi nào còn bám víu vào những đòi hỏi của thân xác, thì tâm trí sẽ bị đánh lạc hướng, không còn nhìn thấy mục đích và cả thể dạng hoang mang đang chi phối nó, và khi đã rơi vào hoang mang thì tâm trí không thể thực hiện được quyết tâm của chính nó. Có thể vì thế mà Đức Phật đã giới hạn đến cùng cực những nhu cầu vật chất ; Ngài ngủ thật ít, ăn thật ít, ngồi im và bất động để liên miên thiền định. Nhưng rồi Ngài cũng không thoả mãn với cái lối tu tập như thế, nếu những nhu cầu vật chất dần dần bị hạn chế, sức lực cũng theo đó mà suy giảm một cách tương đương; Ngài quá suy nhược đến nỗi không còn đủ sức để đứng lên nữa. Con người phải sống thì mới đạt được sự Thực hiện cùng với thể dạng hoàn toàn thoả mãn mà mình mong muốn; vì thế mà sự sống cần phải đuợc bảo tồn một cách thích đáng và điều đó không thể nào thực hiện được bằng cách hạn chế những nhu cầu thiết yếu. Đức Phật ăn uống trở lại. Tuy nhiên ước vọng đạt được một cái gì đó vẫn còn nguyên trong lòng Ngài. Ngài cũng không biết được điều đó là gì, chỉ biết rằng đó là một khát vọng của nội tâm. Việc tìm tòi trên phương diện tri thức tỏ ra vô hiệu quả, tu tập khổ hạnh cũng vậy. Khát vọng vẫn còn đó, vẫn áy náy trong lòng. Ngài cảm thấy một nỗi lo âu thật sâu xa, nhưng quá trình tiến hành trên phương diện tri thức cũng như cách tu tập khổ hạnh lại không đủ sức  làm cho nó suy giảm. Ngài không biết phải làm thế nào nữa. Ngài không còn nhìn thấy một giải pháp nào khác. Vì thế Ngài đã quyết định loại bỏ sự vận hành tri thức đơn thuần, vì sự vận hành đó chỉ là một trò tương tác giữa chủ thể và đối tượng, sự phân chia ấy không có một khả năng nào mang đến an bình cho tâm thức. Nếu tìm cách cố gắng để đạt được một tâm thức đạo đức hoàn hảo, thì cũng có nghĩa là thiết đặt một kẻ nào đó đang ước vọng đạt được một tậm thức đạo đức hoàn hảo vào một bên và phía bên kia là sự hoàn hảo của chính tâm thức đạo đức ấy. Nhưng trên thực tế thì sự hoàn hảo đó sẽ không thể nào đạt được, bởi vì mỗi khi đạt được một cấp bậc hoàn hảo nào đó, thì cấp bậc ấy lại tiếp tục đòi hỏi một cấp bậc cao hơn, hướng đến một sự hoàn hảo cao hơn nữa. Vì thế mà ta không bao giờ trở thành hoàn thiện được. Lý tưởng ấy sẽ không bao giờ có thể thực hiện khi nào cá nhân đi tìm cái lý tưởng đó còn bị tách rời khỏi sự hoàn thiện. Sự phân chia Hiện thực thành hai mặt đối nghịch nhau, tức chủ thể và đối tượng, một bên là chủ thể nghĩ đến một thứ gì đó và một bên là một thứ gì đó được nghĩ đến, điều đó cũng giống như trường hợp một bên là người nêu lên câu hỏi và bên phía đối diện là câu hỏi được nêu lên, khi nào sự phân chia còn tồn tại thì nó sẽ còn tiếp tục ngăn cản không cho ta đạt đến sự Thực hiện.

Nhất định tất cả những gì trình bày trên đây chỉ có tính cách luận lý. Tuy nhiên, Đức Phật thì lại không lý luận: Ngài chỉ cảm nhận một cách đơn giản có một đòi hỏi nào đó thuộc nội tâm, nhưng bản chất của nó thì Ngài không hiểu rõ. Ngài không còn một hy vọng nào nữa. Những người Thiên chúa giáo thường bảo rằng: “Nơi nào mà không còn hy vọng, thì nơi ấy sẽ là dịp tốt cho Trời hiển hiện”. Lý do là những người Thiên chúa giáo đã tách rời Trời với con người; vì thế mà họ đã nêu lên sự vắng bóng của hy vọng và dịp may của Thượng đế, nhưng theo phương cách mà Phật giáo hình dung mọi sự việc, thì lại khác, người ta lại không quan tâm đến cái thế giới của mọi hiện tượng. Đức Phật không đánh mất thì giờ một cách vô ích bằng những biện luận như trên đây. Ngài chỉ đơn giản cảm thấy một khát vọng và cái khát vọng ấy không lúc nào nguôi. Khi khát vọng hiển hiện, lúc đó người ta sẽ vượt ra khỏi phần tri thức thông thường và sự tương đối. Khi Đức Phật quan tâm quá mức đến cái khát vọng cực kỳ khẩn thiết đó thì chính Ngài đã hoà nhập vào bên trong sự tìm kiếm ấy để trở thành chính sự tìm kiếm ấy. Nó không còn bị phân cách với Ngài nữa, qua bất cứ một hình thức nào. Ngài không còn cảm thấy khát vọng ; chính vì thế mà Ngài đã trở thành MỘT với cái khát vọng ấy. Những gì Ngài suy nghĩ đã trở thành chính Ngài, không còn phải là những tư duy của Ngài nữa.

Lẽ tất nhiên, Đức Phật không hề biện giải những gì như tôi vừa trình bày trên đây ; chính là tôi đứng ra bình giải và diễn đạt như thế. Khi mà thể dạng tri thức trên đây hiển hiện, tư duy sẽ đạt được một sự đồng nhất, một thế thăng bằng nào đó, một cách chính xác hơn đấy là tính chất đồng nhất của bản thể. Ý nghĩa của chữ “thăng bằng” đương nhiên đòi hỏi phải có nhiều sự vật khác nhau kèm theo với sự hài hoà của chúng; nhưng trong trường hợp của Đức Phật như vừa trình bày trên đây, thì không nên hiểu ý nghĩa của chữ thăng bằng với cùng một phương cách như thế. Thăng bằng ở đây có nghĩa là sự đồng nhất của bản thể. Nếu như dùng chữ “đồng nhất hoá” cũng không đúng nghĩa, trong chủ đích chỉ định đấy là cách mà các sự vật tự đồng hoá mình với những thứ khác. Đối với Đức Phật, không có gì khác biệt giữa chủ thể tìm kiếm và đối tượng của sự tìm kiếm. Ngài đã lắng thật sâu vào một thể dạng đồng nhất tuyệt đối. (Nếu dùng cách giải thích của tâm lý học thì có thể dùng các từ ngữ như “tư duy đồng nhất”, “sự tĩnh lặng hoàn toàn của tâm thức” hay “thể dạng chính giác” (sambodhi)). Tuy nhiên, dù sao thì nhất định cũng phải xảy ra một biến cố, và biến cố ấy gọi là Ngộ (Satori), vì nếu Ngộ có xảy ra thì thể dạng đồng nhất ấy mới có thể thực hiện được. Vì thế, mặc dù thể dạng đồng nhất hóa là do nơi mỗi người trong chúng ta, nhưng một sự “Giác ngộ” phải được phát sinh – đấy là một sự chuyển động đặc thù gọi là biến-cố-Ngộ hay là kinh-nghiệm-Ngộ. Nhưng một khi nó đã xảy ra, thì tự nhiên ta sẽ là người tự nhận biết đang trong thể dạng Ngộ ấy. Vì lẽ đó mà người ta thường kể rằng khi Đức Phật thực hiện được kinh nghiệm của Ngộ thì sau đó Ngài đã diễn tả sự tuyệt vời hết sức lạ lùng ấy bằng cách xem tất cả mọi sự vật đều hàm chứa Bản thể của Phật – tất cả mọi sự vật ở đây, không phải chỉ gồm chúng sinh có giác cảm, mà còn gồm đất đá và tất cả các vật thể trong thế giới này, không ngoại trừ bất cứ một thứ gì. Tất cả đều là Phật nhưng chỉ vì không tự ý thức được mà thôi. Tất cả những thứ ấy phải cần đến biến-cố-Ngộ để có thể ý thức được thể dạng đó. 

Có một nhà sư đệ tử hỏi vị Thầy của mình như sau: “Thưa Thầy con có hàm chứa Bản thể của Phật hay không?”. Vị Thầy đáp lại như sau: “Không, con không hàm chứa Bản thể của Phật”. Vị sư lại hỏi tiếp: “Con nghe nói tất cả mọi sự vật đều hàm chứa Bản thể của Phật… Tại sao con lại không?”. Vị Thầy khẳng định thêm một lần nữa như sau: “Côn trùng, súc vật, cây cỏ, đất đá, tất cả đều hàm chứa Bản thể của Phật – nhưng con thì không”. Người đệ tử có vẻ lo ngại và cất lời hỏi thêm: “Tại sao con lại không có?”. Và vị Thầy đáp lại: “Bởi vì con đã đặt cái bản thể ấy thành câu hỏi”. Câu chuyện chứng tỏ cho thấy người đệ tử không nắm bắt được một cách thật ý thức rằng chính mình đang hàm chứa Bản thể của Phật. Cái tri thức đó, hay sự Giác ngộ đó, chính là một biến cố lớn nhất có thể xảy ra, và nó chỉ có thể xảy ra với một con người. Cũng vì thế mà người ta đã thường bảo rằng tất cả mọi vật thể, gồm cả vật chất, đều hàm chứa Bản thể của Phật, nhưng trước hết phải là con người mới thực hiện được bản thể ấy.    

Hoang Phong dịch

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here