Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Anh Nguyên Thông Lê Quang Đạt, Huynh trưởng Phật tử và Hướng...

Anh Nguyên Thông Lê Quang Đạt, Huynh trưởng Phật tử và Hướng đạo đầu tiên của tôi

107
0

Hồi đó quê tôi chưa có trường tiểu học công lập. Tôi học với sư huynh Jérôme, một vị chân tu, đã khấn trọn đời, đức độ, nhân ái, rất thương yêu học sinh. Ngoài việc truyền thụ kiến thức văn hoá, sư huynh còn chú trọng rèn luyện tác phong đạo đức cho các môn sinh của mình. Tôi kính mến sư huynh và thương luôn cả đức mẹ đồng trinh dịu hiền, xinh đẹp.

Trong lúc tôi đang say mê sưu tầm ảnh tượng đức mẹ, say mê quỳ gối, chắp tay, nghẻo đầu, đọc kinh "kính mừng Maria đức mẹ chúa trời...", thì một buổi sáng chúa nhật nọ, mẹ dẫn tôi đến nhà bác nghè Đường, khuôn trưởng khuôn Phật học Dương Biều, kiêm phổ trưởng Gia đình Phật hoá phổ Sum Đoàn, xin cho tôi gia nhập Ban Đồng ấu phật tử Dương Biều.

Khuôn Dương Biều thuở ấy, có hai đơn vị phật tử sinh hoạt song song, cùng một địa điểm, chung một ban huynh trưởng, gồm có các anh Nguyễn Hữu Viện, Văn Đình Hy, Lê Quang Đạt, Nguyễn Hữu Duyên và chị Nguyễn Hữu Diệm Trang. Một thời gian sau, ban Đồng ấu phật tử được giao hẳn cho anh Nguyên Thông Lê Quang Đạt, phụ trách trưởng ban. Anh Đạt, một tư chức, nhân viên văn phòng nhà máy vôi Long Thọ, huynh trưởng Hướng đạo, thành viên Đoàn TN Phật học Đức Dục, của An Nam Phật Học Hội, người thấp, nhỏ, tóc hớt ngắn, thường mặc sơ mi ngắn tay, quần sọt, khuôn mặt hiền từ, dễ thương, với đôi mắt mơ mộng, miệng cười tươi tắn, phô mấy cái răng khểnh duyên dáng. Anh giỏi tiếng Pháp, sính thơ văn, môn thể thao sở trưởng của anh là bơi lội, mỗi khi tắm sông, bơi qua bơi lại sông Hương đối với anh là chuyện bình thường. Được nhà máy phân cho một phòng nhỏ, trong dãy nhà năm gian của sở vôi Long Thọ, bên cạnh phòng anh Bửu Quán, một phật tử, anh ở chung với các anh bạn: anh Linh, anh Tấn từ Quảng Nam ra Huế, theo học tại trường Trung học Khải Định. Anh có một tủ sách nhỏ, gồm các loại truyện tiếng Pháp, tiếng Việt. Muốn mượn sách của anh, chúng tôi phải tuân thủ một vài điều kiện, gay go nhất là đọc xong cuốn nào, phải làm bảng tóm tắt nội dung cuốn đó, bằng tiếng Pháp, nếu mượn Livre Rose; bằng tiếng Việt, nếu mượn Sách Hồng, nộp lại cho anh, rồi mới được đổi cuốn khác. Chúng tôi rất mê các truyện: cây tre trăm đốt, dế Mèn phiêu lưu ký, ông Đồ Bể… cứ muốn ngấu nghiến, hết cuốn này đến cuốn khác, nhưng không thể đọc qua quýt cho mau, vì còn phải làm bảng tóm lược nội dung tác phẩm, đúng như đ• cam kết, nhờ đó mà chúng tôi có cơ hội trau dồi tiếng Việt và tiếng Pháp. Những hôm đẹp trời, rãnh rỗi, anh Đạt thường đến nhà, xin mẹ cho tôi đi chơi với anh.

Thuở nhỏ, tôi là một thằng bé dễ thương, da trắng, tóc hoe vàng, mềm mại như tơ, bạn bè thường gọi tôi là "… Tây lai" để phân biệt với một bạn khác, trùng tên, cùng lớp, cùng trường. 

Anh Đạt rất thương tôi, xem tôi như đứa em trai thân thiết. Tôi rất khoái lang thang đây đó với anh. Me tôi rất tin tưởng và quý mến anh Đạt. Tôi vốn là con một, "hủ mắm treo đầu giàn" nên không bao giờ dược đi chơi hoang huỷ với bạn bè đồng trang lứa, nhưng mỗi khi có anh Đạt đến xin phép, là mẹ tôi sốt sắng đồng ý ngay. Anh em tôi thường qua đò Kho Thượng cách nhà tôi chừng trăm mét, rồi bách bộ ngược lên chùa Thiên Mụ, ngồi chơi dưới chân tháp Phước Duyên, ngã lưng trên nền đá thanh, mát rượi của lầu bia, lầu chuông, lầu trống, nằm dài trên thảm cỏ êm ái, dưới bóng thông xanh, hoặc ngồi trên bậc cấp sát bờ sông Hương, mặt nước trong xanh, phẳng lặng, như một tấm gương, vừa ăn kẹo, vừa ngắm cảnh sông nước, làng mạc hữu tình, say sưa nghe anh Đạt kể chuyện đời xưa, nghe anh ngâm nga những vần thơ trữ tình anh vừa sáng tác, chuyện trò với nhau, đôi khi còn nghe anh khuyên nhủ, la rầy, dạy dỗ. Hình như anh Đạt cũng mang tâm sự riêng tư về gia cảnh… Anh rời gia đình đi dạy kèm, trước khi trở thành một tư chức. Có lần tôi tình cờ đọc được một bài thơ của anh bỏ quên trong cuốn livre roes. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ từng chữ, từng câu:

Thơ anh buồn lắm, em ơi

Xin em đừng đọc những lời chua cay

Đời anh, không thuốc mà say

Anh buồn từ thuở thơ ngây kia rồi

Vì anh mất mẹ! Than ôi!

Tình thương như áng mây trôi tan tành

Quanh anh, đời sống dững dưng

Mình anh thất lạc, ngập ngừng, bơ vơ

May nhờ gương sáng Bổn sư

Không đời anh biết nương nhờ vào đâu!

Tôi xúc động đến ứa nước mắt, khi biết được nỗi buồn thầm kín của anh. Không ngờ anh Đạt của tôi cũng có tâm sự xót xa như tôi. Trường hợp của anh, còn nhức nhối hơn cả tôi, vì tôi may mắn còn có một bà mẹ thân yêu, hiền từ, khả kính. Tôi rất thích bài thơ này, vì tôi và anh Đạt có chung một tâm sự, nên có lần tôi đã mượn một số câu thơ của anh để gửi gắm tâm sự của tôi:

"Thơ anh buồn lắm em ơi

Xin em đừng đọc những lời chua cay

Đời anh không thuốc mà say

Anh buồn từ thuở thơ ngây kia rồi"

Mẹ cha đôi ngã! em ơi!

"Tình thương như áng mây trôi tan tành

Nhiều đêm ngồi đến tàn canh

Ôm đâu tự nghĩ: Đời anh là gì?

Phải chăng là khối sầu bi

Là dòng lệ chảy không khi nào dừng!

Quanh anh đời sống dửng dưng

Mình anh thất lạc, ngập ngừng bơ vơ

Ai gây mưa gió hồn thơ?

Ai làm đoài đoạn phím tơ não nùng?"

Tất cả các bạn trong Ban Đồng ấu Phật tử Dương Biều đều thương mến anh như người anh cả trong gia đình. Từ ngày anh nhận làm Trưởng ban, lũ chúng tôi sinh hoạt hào hứng hẳn lên. Trước đây, quanh đi quẩn lại, cũng chỉ có mấy bài hát cũ: gương Từ bi, quây quần, vui ca lên, một cây tiêu điều… mấy trò chơi nhỏ: mèo bắt chuột lên bờ xuống sông… chỉ du ngoạn loanh quanh vườn nhà bác khuôn trưởng.

Từ ngày có anh Đạt, chúng tôi tha hồ học thêm nhiều bài hát mới. Anh Đạt có cả một kho vô tận các bài hát, nội dung Phật giáo, quốc sử, hát vui, hát có điệu bộ, lại thêm nhiều băng reo, nhiều kỹ thuật chuyên môn Hướng đạo, nhiều trò chơi nhỏ, trò chơi lớn, linh hoạt, vui nhộn. Đã thế, anh còn Phật hoá các bài hát, với lời mới, do anh đặt ra. Đơn cử như bên cạnh bài nhảy lửa của Hướng Đạo:

"Ơi anh em cùng im lắng tai nghe lời ai khóc than" hoặc "anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung…"

Đoàn chúng tôi còn có lời ca Phật hoá:

Đây thiêng liêng hào quang sáng soi trên trần gian tối tăm

Anh em ta, đường cao quý có gương từ bi chiếu nhằm.

Mau lên đi cùng theo bước, cùng theo Bổn sư, theo chân Bổn sư,

Đồng lòng đi theo người đi trước, cùng theo Bổn sư theo chân

Bổn sư.

Anh em ta luôn luôn tinh tấn!

Sáng tươi thay là gương Từ bi"

Anh Đạt hướng dẫn chúng tôi diễn xuất các vở kịch nhạc, kịch câm, kịch thơ ngắn, trích từ các bài ngụ ngôn của thi hào La Fontaine, như vở "Con chồn và con quạ" "Le corbeauet le renard". Với lời Pháp:

Maitre corbeau sur un arbre perché

Tenait dans son bec un fromage glacé

Hoặc với lời Việt:

Ngày kia trên cây xoan cao, quạ ta tha bánh thơm lừng

Hương bay làm cho ngây ngất biết bao nhiêu dân trong rừng.

Chàng ta đang tha trong mỏ, bánh chi mà giữ khăng khăng

Chồn bụng chưa ăn cho nên cung kính làm quen hát rằng:

Tang tang tang tình, tình tình tình, tang tang tang tình, tình tình tình tình tang tang tính, tính tang tang tình, tính tính tính.

– Chào anh chẳng may cho em rằng lâu nay mới gặp anh. Chúc anh toàn gia may mắn với trăm công việc an lành. Phần em năm nay không khá, rủi ro cùng ốm đau luôn. Thời vận em sao đen điu nghĩ tới càng thêm chán buồn Tang tinh tinh tình, tình tình tình tình, tang tang tang tình, tình tình tình, tình tang tang tính, tính tang tang tình, tính tính tính…

Quạ nghe câu khen thanh tao dường như con gió ban mai.

Khoái tai chàng ta lanh chanh quyết ra oai ca một bài.

Ngờ đâu khi anh há mỏ, bánh kia đà rớt. Than ôi!

Chồn ta lanh chân mau mau cướp lấy mồi ngon tức thì.

Tang tang tang tình, tình tình tình, tang tang tang tình, tình tình tình, tình tang tang tính tính tang tang tình tính tính tính…

Quạ ta căm gan đau đớn, bánh kia đà rớt than ôi!

Bài khôn hôm nay, anh ơi! rủi thay đà bê trễ rồi.

Tang tang tang tình, tình tình tình, tang tang tang tình, tình tình tình. Tình tang tang tính tính tang tang tình, tính tính tình.

Tài tình nhất trong hai bài này là sự kết hợp, rất nghệ thuật, rất nhuần nhuyễn, giữa lời Pháp và lời Việt, trong một điệu nhạc cổ, mà cho đến nay, ngót bảy chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ, vẫn hát thuộc lòng một cách thích thú, như một chú bé Đồng ấu Phật tử năm xưa. Cùng một điệu hát này, anh lại đặt thêm một lời khác, để dùng trong lửa trại, vừa hát vừa làm điệu bộ:

–           ồ hay! anh kia đi đâu mặt mày ngơ ngác âu sầu

–           Này anh lại  đây mà chơi với chúng tôi đang nô đùa (?)

Này anh đưa tay tôi nắm, đứng quanh vòng lửa tưng bừng. Cầm tay anh em tung tăng nhảy múa, hát vang bài ca núi rừng: anh em vui mừng mừng mừng mừng, đêm nay trong rưng rừng rừng rừng. Vừng trăng soi sáng chúng ta vui nô đùa, giết mối sầu.

– Rồi ta đưa tay cho nhau, cùng quây cho khéo cho đều, cùng xoay về bên tay trái và đưa tay lên ngang đầu, rồi lưng khom khom cúi xuống, cánh tay cùng thả một lần và ta thong dong bước tới hát vang bài ca núi rừng anh em vui mừng mừng mừng, đêm nay trong rừng, rừng rừng rừng, vầng trăng soi sáng chúng ta vui nô đùa hết cả buồn.

Một số bài hát vui, tiếng Pháp, được chuyển qua lời Việt:

– Lời Pháp: Rame, rame donc, vogue les cannots

Joliment! Joliment! Joliment! Joliment!

Attaquons les flots!

– Lời Việt:

Ta chèo đi cho chóng, con thuyền đang lướt sóng.

Cố sức chống! Anh em ơi! Ta mau mau! Nào cùng chèo!

Rút dây cho căng lèo!

Bài: Le souris et le chat.

– Lời Pháp:

Jamais l’on a vu vu vu

Jamais l’on ne verra, ra, ra!

La queue d’un souris, ri, ri

Dans l’oreille d’un chat, chat, chat!

– Lời Việt:

Nào ai từng nom thấy thấy thấy

Nào ai dám vui reo reo reo

Được trông thấy con chuột chuột chuột

Thò đuôi ngoay tai mèo mèo mèo!

Anh còn dạy chúng tôi diễn kịch câm, với bài thơ kể lại gương hiếu thảo của thấy Mẫn Tử, trích từ tác phẩm: Nhị thập tứ hiếu, trong văn học cổ Việt Nam… Vở kịch gồm một người diễn ngâm, hay đọc diễn cảm nội dung bài thơ Mẫn Tử Khiên và ba vai diễn xuất điệu bộ. Được thủ vai thầy Mẫn Tử, đẩy xe, đưa cha già đi dạo, tôi hết sức xúc đọng, thích thú, từ đó hạnh hiếu nảy nở, phát triển tự nhiên trong tâm hồn trẻ thơ. Đây là chủ đích giáo dục của anh trưởng ban Nguyên Thông.

"Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa

Xót nhà huyên quạnh quẻ đã lâu

Thờ cha, sớm viếng, khuya hầu

Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn

Trời đang tiết đông hàn lạnh lẽo

Hai em thời áo kép mền bong

Chẳng thương chút phận long đong

Hoa lau nở để lạnh lùng một thân.

Khi cha dạo, theo chân xe đẩy

Rét căm căm, nên sẩy rơi tay

Cha nhìn, ngẫm nghĩ, mới hay

Nghiến răng sắp cắt đứt dây xướng tuỳ!

Sa nước mắt, chân quỳ, miệng gửi:

"Lạy cha: xin xét lại nguồn cơn Mẹ còn, chịu một thân con

Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba"

Cha nghe nói, xót xa giọt tủi.

Mẹ nghe rồi, cũng đổi lòng thương!

Cho hay hiếu thảo trăm đường

Trơ trơ như đá cũng tường lọ ai!"

Anh em chúng tôi, không ai muốn thủ vai bà mẹ kế khắc nghiệt cả, ai cũng muốn làm người con hiếu thảo Mẫn Tử Khiên, cũng như khi diễn nhạc cảnh: "Lê Lai liều mình cứu chúa", ai cũng muốn được làm Lê Lai, vì đất nước hy sinh, cứu vua Lê Lợi. Thật hết sức xúc động khi Lê Lợi, đứng giữa trùng vây của quân thù, kêu gọi khẩn thiết:

"Đâu ngờ: hôm nay thất cơ

Hay vận số nước nhà: Rồi đây, điêu tàn như xưa:

– Chư khanh ơi! Ngó xung quanh, bốn phương trời và bón bên thành ba lớp quân Minh, dưới ngọn cờ Minh phất phới.

Chư khanh ơi! Há ra hàng! Lỗi lời thề với giang san.

Thôi ai ra quàng áo thay ta, trong vòng vây quyết xông pha.

Tìm cơ, cứu nước non nhà!

"- Hạ thần xin dâng mình, bệ hạ!"

Bài học: vì Tổ quốc quên mình, của Lê Lai, thật thấm thía, chúng tôi không bao giờ quên!

Những bài hát Phật hoá, những mẫu chuyện đạo, những chuyện tiền thân của đức Phật, những bài ca lịch sử, những trò chơi nhỏ, trò chơi lớn, mang nội dung giáo dục, cùng với cảnh chùa chiền thanh tịnh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hùng vĩ của đất nước thân yêu, là những chủng tử bồ đề, chủng tử dân tộc, đầy thiện căn quý báu, mà anh Đạt đã dụng tâm ươm mầm, gieo hạt vào tâm hồn trẻ thỏ của chúng tôi, có tác dụng sâu sắc, lâu dài cho đến tuổi trưởng thành.

Về Phật pháp, giáo lý, kinh kệ, anh Đạt đã có những biện pháp dẫn dụ, rèn cặp rất công hiệu. Buổi sinh hoạt nào cũng có tiết mục kể chuyện, hôm thì trích từ lịch sử Đức Phật, lúc thì câu chuyện tiền thân của đức Thích Ca, hay mẫu chuyện đạo, hôm thì các giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm oai hùng, của đất nước, các truyền thuyết về quan quân Việt Nam, đấu trí, đấu lực với quân Chiêm Thành, dẫn chứng bằng sự hình thành của dãy độn Thành Lồi, dài cả cây số, xuyên suốt từ hồ điện Long Câu, kéo dài, chắn ngang con đường cái, dẫn lên lăng Tự Đức của xã Thuỷ Xuân, bên cạnh nghĩa địa quân Chiêm Thành, dưới chân đồn Thành Lồi… Một trong những điều kiện để được nhập ban, tức được trở thành đoàn viên chính thức, là phải thuộc lòng bài Chú Đại Bi, rất khó học; phải kể song suốt, một phần lịch sử Đức Phật Thích Ca, sự tích các danh nhân, các cuộc chiến thắng chống ngoại xâm trong quốc sử. Thỉnh thoảng anh đưa chúng tôi về Tỉnh hội, tham dự các cuộc thi Phật Pháp, Văn nghệ… do anh Tráng Thông, Trưởng ban ĐAPT (Đồng Ấu Phật tử) Thừa Thiên, cùng các anh Đinh Văn Nam, Phạm Hữu Bình, Lê Bối… tổ chức tại nhà giảng chùa Từ Đàm. Thuở ấy, văn phòng Tổng Trị sự của Hội An Nam Phật học, đặt tại ngôi nhà thấp, bên cạnh cái nghĩa trang nhỏ, lác đác vài ngôi lăng mộ, nằm về phía bên kia đường Nam Giao, đối diện với hông chùa Từ Đàm. Đã có lần, tôi, chúng trưởng chúng Sen Trắng ĐAPT Dương Biều được xếp hạng nhì, trong kỳ thi Phật Pháp toàn tỉnh Thừa Thiên.

Anh Đạt còn đặc biệt chú trọng đến phép hàng đội, thông qua việc huấn luyện chúng trưởng, chúng phó. Hàng tháng, anh tổ chức những buổi sinh hoạt đêm, dành cho đội kiểu mẫu, tại nhà bác Thông ý – bác Lê Bá Ý, thân phụ của các anh Lê Bá Trừng, Lê Bá Thanh, đoàn viên Ban Đồng ấu Phật Tử, cách nhà của tôi chừng bốn, năm cây số, và phải ngang qua cánh đồng Bầu Vá dài bảy tám trăm mét, hai bên đường, đồng không mông quạnh, không một ngôi nhà, không một bóng người, chỉ lác đác đây đó, bên vệ đường, các nấm mộ hoang, các mả ông trạng. Mỗi khi có gió mạnh, hàng cây cối hai bên đường trái rụng lộp độp, như có ai ném đá. Thỉnh thoảng lại có tiếng chim đêm vỗ cánh, tiếng cú rúc, nghe ghê rợn như tiếng rú của các oan hồn, uổn tử, vương vất đâu đó, đang hú gọi nhau giữa đem khuya canh vắng. Về đêm truông Bầu Vá vắng ve vắng vẻ như một b•i tha ma, mênh mông, quạnh quẻ. ..

Lúc ra đi, trời còn sớm, nên ít sợ. Run nhất là khi tan họp, trở về. Chúng tôi, mỗi đứa đã thủ sẵn các miếng nhựa thông. Qua truông Bầu Vá, ai nấy đều đốt đuốc nhựa thông, chạy nối đuôi nhau, vừa chạy vừa thở hổn hển, vừa niệm Phật, một tay cầm đuốc, tay kia bấm ấn tam muội. Không ai muốn là người chạy sau cùng, có thể bị ma thu, nên mỗi người đều cố gắng vượt lên trên kẻ khác.

Những lúc đó, chính chúng tôi đã biến thành những con ma đuốc, đang lập loè đuổi nhau, giữa truông Bầu Vá hoang vắng, âm u, rùng rợn.

Từ ngày anh Đạt làm trưởng ban, những hôm trời mưa, chúng tôi họp Đoàn tại căn phòng trống, ở nhà anh Lê Bá Trừng. Trời tạnh ráo, chúng tôi thường sinh hoạt ngoài trời và rất thích được cuốc bộ cùng với anh Đạt đến các địa điểm xa dân cư: khu rừng nhỏ, cạnh sân bóng đá Thanh niên, kế cận độn Thành Lồi, sườn đồi thoai thoải, xanh um dương liễu và thông, ở hần hồ điện Long Châu. Đi cắm trại với anh Đạt, thật là thú vị!. Thuở ấy, chúng tôi làm gì có những cái ba lô may sẵn, xinh gọn, tiện nghi như hiện nay. Chúng tôi, mỗi đứa, đóng một cái khung gỗ vuông vắn, chỉ cần may thêm một cái túi, vừa kích thước để bọc ra ngoài khung gỗ, với đủ dây mang lưng, dây cột chung quanh, là đã có một cái balô gọn gàng, đủ chứa các dụng cụ cắm trại. Ai không có khung gỗ thì trải cái mền gấp đôi ra, đặt các đồ dùng vào, gói lại, rồi lấy dây dừa cột bánh chưng xung quanh, làm thêm hai cái quai xách, để mang vào lưng, thế thôi!. Còn gậy 1m6 thì khỏi lo! Đã có tre cán giáo, xin từ vườn nhà của bạn bè, ở thôn Nguyệt, vừa thẳng vừa chắc, tha hồ chọn lựa. Mỗi lần cắm trại xa, chúng tôi phải lội bộ đến bốn năm cây số đường đồi. Cắm trại qua đêm, chúng tôi thường ngủ lại tại nhà anh Lê Bá Trừng, hoặc chùa Bửu Lâm để sáng hôm sau lên đường thật sớm, di chuyển đến các chùa Từ Hiếu, Thuyền Tôn…

Đêm hôm đó, chúng tôi được phân chia góc ngủ riêng cho từng chúng, ở hai bên điện Phật hay ngoài hiên chùa. Sau cuộc vui quanh đèn, hoặc bên ngọn lửa nhỏ, sau nghi thức tĩnh tâm bên đống lửa tàn, chúng tôi im lặng trở về góc chúng, ngồi xếp bàn, niệm Phật, rồi nằm xuống, thiêm thiếp ngủ, trong tiếng ru ngân nga, trầm ấm của hồi chuông đêm. Tờ mờ sáng hôm sau, được lệnh của anh Trưởng ban, hay của đội trực, chúng tôi im lặng, bấm nhau thức dậy, lặng lẽ xếp dọn chỗ ngủ, làm vệ sinh cá nhân, rồi mang ba lô, nối đuôi nhau, lặng lẽ theo anh Trưởng ban, di chuyển đến đất trại, khi trời còn đẫm sương mai…

Có hôm đang băng qua đồi thông, chợt nghe có tiếng huýt sáo quen thuộc: là la lá, la là la lạ, lạ lạ lạ là – tiếng gọi Hướng Đạo quốc tế mà chúng tôi tự đặt lời, ví von cho dễ nhớ: "kìa con chó, con vàng, con vện, chạy chạy chạy hoài". Thì ra, thấp thoáng trong sương mai, bóng dáng một anh Tráng sinh lên đường, đang độc hành, gọi bạn. Đơn vị chúng tôi dừng lại nghỉ xả hơn, đợi hai anh chuyện trò một lúc, rồi lại tiếp tục cất bước, đường ai nấy đi.

Có một lần, trên đường dẫn dắt chúng tôi đến đất trại, khi dừng chân nghỉ mệt, trên một đỉnh cao, anh Đạt tự lự nhìn về thành phố Huế, đang rực rỡ phơi mình, dưới ánh nắng ban mai của một ngày đẹp trời, anh chỉ cho chúng tôi: dòng sông Hương quanh co, như một dải lụa xanh quấn quanh dưới chân hoàng thành cổ kính, với lầu Ngọ Môn, kỳ đài, cầu Bạch Hổ, cầu Trường Tiền. Anh trầm ngâm mơ mộng và nói bâng quơ, như chỉ đủ cho mình nghe.

– Mai kia, mình sẽ không chào lá cờ đó nữa!

Lúc ấy, chúng tôi không hiểu được thâm ý của anh, mãi đến những năm sau, khi thời cuộc đổi thay, nhớ lại kỷ niệm giữa anh và chúng tôi, tôi mới chợt hiểu, lời nói hàm chứa ước mơ của một thanh niên yêu nước, đang ấp ủ lý tưởng cao cả, đối với quê hương và Tổ quốc Việt Nam…

Năm 1944, tôi thi đỗ bằng tiểu học Pháp Việt và chuyển lên bậc Trung học, rồi tham gia phong trào Hướng Đạo Việt Nam, thiếu đoàn Đinh Bộ Lĩnh, Huế thứ bảy, thuộc Liên Đoàn Cờ Lau, một Liên Đoàn Hướng Đạo Phật giáo do anh Tráng Thông, Sơn ca vui tính, thành viên Đoàn Thanh niên Phật học đức dục, làm Liên Đoàn Trưởng. Lúc này anh Đạt vẫn còn làm thư ký nhà máy vôi Long Thọ và hoạt động tích cực trong Hội Truyền Bá quốc ngữ, một phong trào vận động quần chúng do Cách mạng Việt Nam l•nh đạo trong thời kỳ tiền khởi nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1945, nhiều biến động chính trị lớn lao xảy ra trên quê hương, anh em chúng tôi tản mác, mỗi người một ng•, không còn gặp lại nhau như trước nữa. Về sau, tôi được biết anh Đạt đã tình nguyện gia nhập Đội Tuyên truyền giải phóng quân, rồi tập kết ra Bắc, như các anh Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Đinh Văn Vinh…

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi đang theo học cấp hai, tại trường Trung học Khải Định, Huế, có lần tôi nhận được tin: từ vùng tự do báo vào: anh Lê Quang Đạt đã tử trận ở miền Bắc. Tôi vô cùng xúc động, thương tiếc, nên đã ghi lại cảm xúc chân thành của mình, đối với anh huynh trưởng Phật tử, Hướng đạo đầu tiên của tôi, qua mấy vần thơ vụng về, mộc mạc khóc người anh thân yêu, người đã lưu lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm thân thương, của một thời thơ ấu:

Khóc anh

Tin đâu tựa sét nổ lưng trời

Đau lòng em lắm! Hỡi anh ơi!

Bao lâu mong đợi ngày sum họp,

Anh chết răng đành, rứa hỡi anh?

Thôi hết! Tan rồi những ước mơ

Những ngóng cùng trông với đợi chờ

Anh đã vùi thân nơi đất Bắc!

Để em buồn khổ! sống bơ vơ!

Thôi hết! Còn đâu những buổi ciều

Nắng vàng rây bột! Gió hiu hiu

Cùng anh dạo bước trên đường vắng,

Quên hết quanh mình nỗi tịch liêu

Và những đêm xưa, em với anh

Say ngắm vàng trăng, nhuốm lá cành

Rồi ôm nhau ngủ trong lêu vải

Gió lộng, trời xanh, em với anh!

Em viết dâng anh tỏ mấy lời

Mà lòng đau xót, lệ trào rơi

Âm dương đôi ngã, sầu cách biệt

Lòng trẻ nao nao: cuộc đổi đời

                             Hông Vân

(bút hiệu trẻ con, mơ mộng của tôi hồi đó)

 

Không ngờ! Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, một hôm nọ, anh em chúng tôi đột ngột được tái ngộ tại quê hương, mừng mừng, tủi tủi. Mấy chục năm trời xa cách nhưng anh vẫn thế, vẫn nụ cười tươi, phô mấy cái răng khểnh duyên dáng, vẫn mái tóc hớt ngắn, nay đã điểm bạc, nét mặt khắc khổ, dày dạn phong sương, vẫn dáng dấp thấp nhỏ, gầy gò, súng sính trong quân phục bộ đội cụ Hồ. Anh không mang quân hàm, nhưng tâm sự:” mình chỉ là đại uý quèn, cái lon mốc thếch, vì thuộc gia đình quan lại giàu có. Chị D., bạn đường và bạn chiến đấu của anh, làm kế toán trưởng cho nhà máy vôi Long Thọ. Cháu gái lớn nhất là trung tá bác sĩ quân y, hai cháu còn lại, một trai, một gái đang theo học Đại học.

Gia đình anh sống ở Huế một thời gian, trong khu vườn, cạnh bờ sông Hương, xóm Vạn Phước, thôn Nguyệt Biều, của cụ Huấn Lê Q D, chú ruột anh để lại. Một thời gian sau, anh chị đã bán rẻ sở vườn này, rồi cả nhà chuyển hẳn vào Đà Nẵng, ở tại đường Hùng Vương. Tuy tuổi tác đã cao, nhưng anh vẫn nhiệt tình tham gia các công tác xã hội tại địa phương: Hội cha mẹ học sinh, thư viện câu lạc bộ những người nói tiếng Pháp, lại còn dạy Pháp văn miễn phí cho các cháu học sinh cấp 2, 3. Anh em tôi vẫn thường liên lạc thư từ với nhau. Ngoài bì thư và cuối mỗi lá thư, anh thường để pháp danh Nguyên Thông. Thỉnh thoảng anh gửi cho chị Trang Khanh và tôi một vài bài dịch tiếng Pháp đắc ý, viết tay, rất công phu, tự dạng rất đẹp và vẫn bay bướm như xưa. Thư và thơ của anh rất tình cảm, dí dỏm, hồn nhiên, dễ thương. Tôi rất thích đọc thư và thơ của anh. Có hôm anh gủi gắm tâm sự vào mấy câu thơ sau đây:

"Hằng ngày, riêng Đạt vẫn theo

Bảy ngàn cuốn sách, với nhiều sinh viên

Lúc gọi chị, khi gọi em

Lúc con, lúc cháu, huyên thuyên tít mù!

Tây, đầm lui tới "bố-cu" (beaucoup)

Lại cười cợt, lại xì lồ, xì la…

Chuyện mình, nếu muốn nói ra

Có khi, chắc phải, mất ba bốn ngày

Thư dài, tạm gác lại đây…

Ngoài công tác thư viện, anh Đạt còn dịch sách, dịch tài liệu ngoại ngữ để kiếm tiền tiêu và tạo điều kiện tham dự các cuộc họp mặt với các văn hữu, thân hữu gần xa.

"Sớm chiều, vắt bộ óc già

Đổi thành tiền bạc, để mà tuần sau

Đủ tiền, mua vé lên tàu

Giao lưu bè bạn, trước sau, hẹn hò…"

Năm nhận được thiếp báo hỷ lễ vu quy đứa con gái út của chúng tôi, anh gửi lời chúc mừng, kèm theo một bài thơ:

"Em ơi! Có còn đó không?

Hay là về Huế, bặt tăm mất rồi!

Hôm nhận được, tháng rồi, báo hỷ

Đúng vào ngày, bố khỉ, què chân

Nằm ôm một cục nợ nần:

Cái chân bó bột! Cái thân thằng què!

Nhớ bạn bè nhớ khúc tình ca

Ngày xưa, trang sử mở ra

Trang đời mới đó! Thế mà! Ô hay!

Mình tuổi Dậu! năm nay bảy sáu!

Chắc sắp về, nương náu cõi âm

Nhớ nhiều: Huy, Lệ, Ngữ, Sâm!

Trang Khanh cùng với Mai Lâm, Hổ Quyền!

Thôi em nhé! Cửu tuyền sẽ gặp

Sẽ cùng nhau hát khúc ca xưa:

"Cùng quây quần ta vui vui vui!

Ca hát với nhau chơi, chơi, chơi!

Rồi lên tiếng reo cười, cười, cười!

Làm vui thú bao người, người, người!

(Một bài hát vui của anh em chúng tôi thời đó)

Có hôm, tôi nhận được của anh một lá thư tám tang, viết tay, vẫn nét chữ quen thuộc, rất đẹp, rất bay bướm, nội dung tâm sự một việc rất quan hệ, khiến tôi ngỡ ngàng, lúng túng, không biết phải xử trí như thế nào, trong khi mình chỉ là một đứa em kết nghĩa, bá vơ từ thời ấu thơ. Tâm nguyện của anh được bộc bạch trong mấy dòng chữ sau đây:

"Nguyện vọng chính là anh muốn vào Sài Gòn để được chết và đốt xác trong ấy. Anh hoàn toàn không muốn người ta chôn mình. Khốn nỗi! cả cái Miền Trung này không tỉnh nào có hoả táng. Đốt xác là nhận được cái ấm nóng vĩnh viễn. Anh tính thế này: Anh đúng sẽ là người chết "tay không" chẳng có gì để lại cho đời cả? sự nghiệp không, của cải không, nhà cửa không… chỉ có cái thân trần, mà người ta thường nói là "cái xác phàm" đó thôi! Thế là sống chỉ có hưởng thụ mọi thứ của đời, chứ không cống hiến được gì cả. Vậy cho nên, anh đ• suy nghĩ chín chắn, là anh sẽ đi tặng lại cho đời, cái xác phàm của mình. Di chúc, anh sẽ ghi rõ là anh tặng thi thể mình cho một trường Y nào đó ở Sài Gòn. Toàn bộ nội tạng và cái thi thể, sinh viên sẽ tuỳ nghi sử dụng và xử lý theo yêu cầu của từng bài giảng, cho đến một lúc nào đó, các khoa nội, ngoại đã xử lý hết mức rồi, không còn biết đặt dao, kéo vào chỗ nào nữa, hay nói một các bình dân, là khi mọi thứ đ• nát bét cả ra rồi, kể cả cái sọ dừa, thì nhà trường đốt giùm đi cho một tí. Cái nắm tro còn lại, bọc giùm vào một bọc vải, đem ra sông Sài Gòn ném xuống dòng nước chảy. Thế là anh sẽ được trôi dần ra biển cả, hoà mình vào trời nước mênh mông. Ôi! Thú vị biết bao! cám ơn đời biết bao!"

Nếu tâm nguyện không thành, thì rồi đây cũng sẽ chết và rồi thì là:

"Chân quấn quýt rồi, đến ngày nghỉ bước,

Miệng trao lời, rồi đến buổi làm thinh.

Thân có đôi, chờ lúc ngủ một mình

Không bạn lứa, cũng không mền, ấm nóng

Tai dưới đất dễ nghe từng tiếng sóng

ở trên đời, đầu ấy ngẫng lên cao,

Sẽ nằm im! Ôi đau đớn chừng nào!

Thân bay nhảy trong nấm mồ nhỏ tí!

Một dáng điệu, suốt trăm nghìn thế kỷ!

Ngày sẽ về, gió sẽ mát, hoa tươi

Muôn trai tơ, đi hái vạn môi cười

Làm nắng ấm, vào khua trong lá sắc

Nhưng mắt đọng trong đêm câm dằng dặc

Còn biết gì trời đất ở trên kia?"…

Em ơi! Em có ủng hộ cái dự định của anh không em? Có quá đi chớ! Em hè! Vậy em hãy góp ý với anh, nên viết nội dung, thư đi tặng như thế nào, cho nâng được cái chất thuyết phục lên, để cho ai cũng đồng tình với mình".

Trời ơi! Cái chuyện của anh, cái tâm nguyện cuối đời của anh, như vậy đó, và anh yêu cầu em của anh góp ý, ủng hộ việc anh làm. Đọc xong là tôi nghĩ ngay đến chị Đ., một kỹ sư, đồng chí vợ của anh, và các cháu, nhất là cháu P. G., một đại tá bác sĩ, trưởng khoa thần kinh. Sao anh không hỏi ý kiến vợ con, những người thân, có trách nhiệm về cuộc đời của anh, lúc còn sống và cả khi chết. Làm sao tôi dám" ủng hộ cái dự định của anh! Thế là tôi tảng lờ, như không nhận được thư. Đến khi anh gửi thư thứ hai, thúc dục tôi cho ý kiến, thì tôi hỏi thẳng: anh đã được sự đồng tình của chị và các cháu chưa? Chắc là không ai đồng thuận rồi, nên từ đó, anh cũng im luôn.

Anh Nguyên Thông Lê Quang Đạt, huynh trưởng Phật tử và Hướng đạo đầu tiên của tôi, như vậy đó!

Đọc thơ, văn của anh, tôi như thấy hiển hiện trước mắt cái miệng cười hồn nhiên, tươi rói, với mấy cái răng khểnh duyên dáng, đôi mắt mơ mộng, chan chứa tình người. Cái dự định hiến xác của anh đã không thực hiện được, đúng theo tâm nguyện cuối đời và anh đã vĩnh viễn ra đi trong vòng tay đầm ấm của chị và các cháu tại thành phố Đà Nẵng vào năm 2005. Tôi ước mong một ngày nào đó, được ra Đà Nẵng thắp mấy nén hương trên mộ phần của anh và thưa với anh rằng: Anh thân yêu ơi! đứa em Đồng ấu Phật tử năm xưa của anh vẫn nhớ anh, mãi mãi, mãi mãi vì trong tâm thức của em, vẫn còn ấm nóng, những chủng tử quý báu, mà anh đã ươm gieo ngày nào!

                                                  H.G.N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here