Trang chủ Vấn đề hôm nay Ăn Chay: Con Người Và Môi Trường Sống

Ăn Chay: Con Người Và Môi Trường Sống

445
0

“Ngay cả khi chúng ta không thể hy vọng đến một lúc nào đó tất cả mọi người sẽ theo lối sống ăn chay, nhưng không phải vì thế mà người ta lại có quyền được ăn thịt. […] Tôi không nói rằng mọi người ăn chay sống công bình, nhưng tất cả những người không
ăn chay lại hành động không công bằng” – (Magnus Schwantje, 1877–1959, một trong những nhà tranh đấu nỗi tiếng đầu tiên cho cách sống ăn chay và bảo vệ thú vật).
Hôm rồi khi hỏi người bạn tại sao cứ trẻ mãi, không chịu già thế. Câu trả lời “Dạ, chắc nhờ ăn chay nhiều đó” gây hoang mang, không hiểu có thật không vì dưới con mắt của một người “ăn mặn nhiều hơn chay” đây là điều không tưởng tượng ra.

Điều không chối cải, qua nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học cho thấy ăn chay rất có lợi cho sức khỏe cho tất cả mọi người, kể cả ăn chay theo kiểu Vegan (toàn chay) nhưng liệu ăn chay lại giúp “trẻ mãi không già”? hay có thể là do có những nét đặc biệt nào đó trên khuôn mặt, do thân hình gọn gàng nhanh nhẹn (do ăn chay nhiều nên không bị béo phì) hay chẳng qua chỉ là do thụ hưởng gen từ gia đình? Vì biết bao nhiêu người ăn chay nhiều, ngay cả ăn chay trường nhưng vẫn không trẻ hơn người không ăn chay (dù sức khỏe của họ có thể tốt hơn).

Dù vẫn biết rằng, ăn chay giúp ích con người và hành tinh của chúng ta. Nhưng cho đến nay, số người ăn chay trên toàn thế giới vẫn còn là thiểu số ở khắp mọi nơi: Chỉ chiếm tỷ lệ từ hai đến năm phần trăm dân số. Vì sao?

Một điểm đặc biệt ở người ăn chay là xã hội vẫn dành nhiều thiện cảm cho họ. Nhưng liệu người ăn chay là những người tốt như người ta vẫn nghĩ?

Khó có câu trả lời hợp lý nhưng, ít nhất có điều chắc chắn rằng những người ăn chay không giết động vật để ăn và nhất là họ không ăn thịt động vật như là một cách gây vui, giải trí. Họ ăn uống lành mạnh hơn nên dĩ nhiên sức khỏe của họ cũng tốt hơn, từ đó những người ăn chay tiết kiệm được nhiều chi phí vì họ ít bị bệnh hơn.

Ngoài ra, có phải là sự thật khi cho rằng, người ăn chay là những người bảo vệ môi trường, dù có thể chỉ trong vô thức, và chế độ ăn uống của họ ít có nguy cơ gây biến đổi khí hậu như những người ăn thịt?

Tất cả những nghi ngờ nêu trên liệu có phải là tất cả sự thật? Và thế giới của chúng ta sẽ như thế nào nếu tất cả chúng ta đều ăn chay? Một nhóm nghiên cứu do Marco Springmann từ Đại học Oxford dẫn đầu đã trả lời chính xác những câu hỏi này bằng những con số cụ thể trong một nghiên cứu sâu rộng.

Theo đó, nếu không ai ăn thịt nữa, con người sẽ khỏe mạnh hơn và hành tinh này sẽ sạch sẽ hơn nhiều theo những con số đáng kinh ngạc: giảm bảy triệu người chết mỗi năm vào năm 2050, tỷ lệ tử vong sẽ giảm khoảng bảy phần trăm với chế độ ăn chay trên toàn thế giới vì nếu không ăn thịt mà ăn nhiều rau quả, con người sẽ ít bị béo và ít mắc các bệnh về tim mạch hơn.

Về mặt môi trường, sẽ có 2/3 lượng khí nhà kính được thải vào khí quyển ít hơn từ quá trình sản xuất lương thực – một con số quan trọng, không phải nhỏ! Bởi vì một phần tư tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có liên quan đến lương thực. Cả hai tác động cùng nhau, sức khỏe và môi trường, tạo nên giá trị kinh tế khổng lồ: Gần 1500 tỷ đô la Mỹ có thể được tiết kiệm cho việc chăm sóc sức khỏe và chi phí thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Chỉ riêng chi phí y tế tiết kiệm được sẽ là 3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu theo dự toán tính cho năm 2050.

Không riêng đại học Oxford, AsapScience là kênh YouTube do Gregory Brown và Mitchell Moffit người Canada thành lập chuyên đăng các video khoa học hàng tuần cũng đưa ra những câu hỏi và tự trả lời về một thế giới chỉ hoàn toàn ăn chay.

Qua đó, các tác giả đã tính toán về việc chăn nuôi động vật cho thấy: 20 tỷ con gà, 1,5 tỷ con bò và một tỷ con cừu và heo sẽ không còn cần thiết nữa. Khi đó, 33 triệu km vuông đất, tương ứng với diện tích của Châu Phi, mà trên đó các loài động vật hiện đang được chăn nuôi, sẽ không còn bị tận dụng nữa đó là chưa kể đến diện tích đất trồng trọt để làm thức ăn gia súc.

Việc sản xuất thịt hàng loạt mang theo một loạt vấn đề phức tạp về môi trường. Gần như có thể nói: với mỗi miếng thịt mà chúng ta ăn, chúng ta đang cắt thịt của chính mình. Thí dụ như với rừng già nhiệt đới, cánh phổi xanh của hành tinh này, bị khai phá không nương tay. 35,2% lượng khí thải tung vào khí quyển là do đốt rừng già làm rẫy để trồng đậu nành làm thực phẩm nuôi thú vật.

AsapScience cũng kết luận rằng nuôi ít động vật hơn sẽ tạo nên nhiều đất trống hơn, từ đó sẽ giúp chống lại biến đổi khí hậu. Nhiều khu vực khô hạn đến nỗi chúng sẽ biến thành sa mạc nếu không có sự can thiệp của con người. Dù dĩ nhiên, trồng nhiều rau quả cũng tốn nhiều đất, tuy nhiên nhìn chung, nhiều khu vực đồng cỏ trước đây khi không còn dùng để chăn nuôi thú vật có thể biến trở lại thành rừng và rừng là nơi hấp thu rất hiệu quả khí CO2 gây hại cho khí hậu.

Nhưng trên tất cả, một trong những tác nhân gây hại khí hậu lớn nhất sẽ bị loại bỏ: khí mê-tan, thứ khí mà những con bò nuôi thải ra trong quá trình tiêu hóa nhai lại – một loại khí có hại cho khí hậu gấp 25 lần khí CO2. Nói chung, chăn nuôi thải ra nhiều khí nhà kính hơn tất cả khí thải từ các máy bay, tàu hỏa và xe hơi trên toàn cầu cộng lại.

Số lượng nước tiêu dùng cũng có ảnh hưởng quan trọng không ngờ từ việc ăn uống không thịt. Theo AsapScience, chúng ta tiết kiệm được 70% nước ngọt tiêu dùng khi không còn phải nuôi thú vật làm thịt.

Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) vẽ ra một bức tranh khá ảm đạm: Vào năm 2050, số người dân trên thế giới thiếu dinh dưỡng ngày càng tăng mạnh. Bởi vì những người giàu có ăn nhiều thịt và tiêu thụ nhiều năng lượng calo hơn. Chỉ riêng thực phẩm của chúng ta sẽ “dành” phát thải một nửa lượng khí nhà kính cho phép nếu trái đất không bị nóng lên thêm hơn hai độ.

Không ai chờ đợi việc chuyển đổi thói quen ăn uống ngay lập tức vì đó là điều hoàn toàn không thực tế. Khoảng nửa tỷ người sống nhờ bằng nghề sản xuất thịt, và các gia đình nông dân nhỏ ở các nước đang phát triển nói riêng sẽ bị ảnh hưởng một khi có sự thay đổi nhanh chóng. Nhưng một quá trình chuyển đổi chậm là điều có thể tưởng tượng được.
Và chúng ta có thể thực hiện một bước ngay lập tức: Ngừng ăn quá nhiều (đặc biệt là thịt) và thói quen vứt bỏ thức ăn, thực phẩm và lương thực!

Chúng ta đã xem xét những bất lợi và ưu điểm về sức khỏe, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thịt và lối sống ăn chay. Câu hỏi tiếp theo đào sâu thêm, liệu ngoài những hậu quả có hại khi ăn thịt, con người có quyền giết động vật để ăn thịt không? Ai và dựa trên nền tảng nào để có thể quả quyết rằng, động vật sinh ra để dành cho con người ăn? Một quả quyết mà những người không ăn chay thường dùng để biện luận.

Câu hỏi này đưa chúng ta vào lĩnh vực đạo đức. Vì không có đạo đức, không đề cập về ý nghĩa và giá trị của một hành động, thì bất kỳ khoa học nào cuối cùng cũng trở nên vô nghĩa và vô giá trị. Do đó, đạo đức phải là nền tảng và cũng là điều không thể thiếu của mọi nỗ lực khoa học.

Theo đó, các cuộc khảo sát trong số những người ăn chay cho thấy phần lớn họ không ăn thịt không chỉ vì lý do sức khỏe hoặc dinh dưỡng, mà còn vì lý do đạo đức và triết lý. Hầu hết những người ăn chay đều hiểu rằng, để góp phần tạo nên một xã hội công bằng và hòa bình hơn, trước hết chúng ta phải giải quyết vấn đề bạo lực bằng chính hành động của mình. Họ đã nhận thức được rằng việc tiêu thụ thịt liên quan đến việc sử dụng vũ lực chống lại các sinh vật sống khác. Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng, những người không ăn chay lại không có phẩm chất đạo đức này.

Cũng vì vậy, không lạ khi bạn tôi, người ăn chay nhiều là người hăng say tranh đấu cho quyền sống của người thiểu số và cũng là người đã thốt lên ngay “thấy trứng nở ra chim cho mình thấy thêm điều nhiệm mầu của sự sống” khi nghe tin chú chim sáo sậu vừa chui ra khỏi trứng đã mở rộng cái mỏ nhỏ xíu để đòi ăn.

Thật đúng, hãy cùng nhau giữ lấy cuộc sống nhiệm mầu này!

Phương Tôn

Tháng 5.2021

Nguồn dữ liệu:

https://istdasvegan.eu/tag/marco-springmann-universitaet-oxford/

https://www.letras.mus.br/asapscience/what-if-the-world-went-vegetarian/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here