Trang chủ Vấn đề hôm nay Tánh Không: Từ Ngữ Phật Giáo, Thường Bị Hiểu Lầm Nhất

Tánh Không: Từ Ngữ Phật Giáo, Thường Bị Hiểu Lầm Nhất

181
0

Thật ra, tánh-không là mọi sự vật không tồn tại theo cái-nhìn-dính-mắc-của-chính-chúng-ta đã nghĩ chúng là như thế. Trong cuốn sách Đức Đạt Lai Lạt Ma viết về Tâm Kinh, ngài gọi tánh-không là “bản chất thật sự của mọi sự vật và mọi sự kiện“, nhưng cũng trong cùng một đoạn văn, ngài cảnh báo chúng ta là “hãy tránh sự ngộ nhận tánh-không là một thực tế tuyệt đối, hoặc là một chân lý độc lập“. Nói một cách khác, tánh-không không có nghĩa là thiên đường, hoặc là một cõi tách biệt ra khỏi trần gian nầy, hoặc là một cõi tách biệt khỏi sự khổ đau.

Tâm Kinh nói rằng, “tất cả mọi hiện tượng trong bản-chất-riêng-biệt của chúng là không“. Tâm Kinh không nói rằng “tất cả mọi hiện tượng là không“. Sự khác biệt nầy rất quan trọng. Bản-chất-riêng-biệt là sự tồn tại độc lập, và riêng biệt. Đoạn văn trên có nghĩa là không có sự vật gì chúng ta thấy, hoặc nghe, đứng riêng một mình; mọi sự vật là một sự biểu hiện giống như là một phong cảnh kết-nối-chặt-chẽ, luôn-thay-đổi, và không-cố-định. Do đó, không có người nào, hoặc không có sự vật nào, có bản tính cố định, vĩnh viễn, không-thay-đổi, mọi sự vật được xem là thực-hiện-cùng-nhau mà Thầy Thích Nhất Hạnh gọi là “sự tương tức“. Từ ngữ nầy mang khía cạnh tích cực của tánh-không, bởi vì tánh-không là cách sống và cách hành động của một người có trí tuệ – với ý nghĩa của sự kết nối, của sự từ bi, và của lòng thương yêu. Hãy nghĩ đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, và những đức tính của ngài – sự rộng lượng, lòng khiêm tốn, tiếng cười dòn dã, và nụ cười luôn nở trên môi ngài – và chúng ta có thể biết rằng, khi nhìn tánh-không dưới cái-nhìn-lý-trí, chúng ta không nhận ra phẩm chất thực tế vui vẻ trong đời sống tinh thần. Vì thế, tánh-không có hai khía cạnh, một khía cạnh tiêu cực, và một khía cạnh khá tích cực.

Ari Goldfield, một vị Thầy Phật giáo ở Wisdom Sun (Mặt Trời Trí Tuệ) và dịch giả của Stars of Wisdom (Những Ngôi Sao Trí Tuệ), ông đã tóm tắt hai khía cạnh nầy như sau:

Ý nghĩa thứ nhất của tánh-không được gọi là “tánh-không về bản chất“, có nghĩa là các hiện tượng [mà chúng ta kinh nghiệm] không có bản chất cố-định, và riêng-biệt. Ý nghĩa thứ hai của tánh-không là “tánh-không trong bối cảnh của Phật Tánh“, xem tánh-không có phẩm chất của tâm tỉnh-thức thí dụ như là sự trí tuệ, sự hạnh phúc, lòng từ bi, sự trong sáng, và lòng can đảm. Do đó, trên thực tế, cuối cùng tánh-không chính là sự kết hợp của cả hai ý nghĩa nói trên.

Hãy suy nghĩ về những điều tôi đã nói đến ở trên, và tôi mong muốn nói thêm về ba điểm nổi bật đã tạo ra sự hiểu lầm về tánh-không: ý nghĩa về tình cảm, ý nghĩa về đạo đức, và ý nghĩa về thiền định.

Ý NGHĨA VỀ TÌNH CẢM

[Trong Anh Ngữ, từ ngữ Emptiness, dưới cái nhìn Phật-Giáo có nghĩa là tánh-không, dưới cái nhìn không-Phật-Giáo có nghĩa là sự-trống-vắng]. Khi chúng ta nói “Tôi cảm thấy trống vắng“, chúng ta nói về cảm giác buồn bã, hoặc chán nản. Nói về cảm xúc, “sự trống vắng” không phải là một từ ngữ hạnh phúc trong Anh Ngữ [cũng như trong Việt Ngữ], và dù cho chúng ta tự nhắc nhở chúng ta rất nhiều lần, rằng tánh-không trong Phật Giáo không có nghĩa là sự cô đơn, hoặc sự chia ly, và sự tách biệt, nhưng ảnh hưởng của sự cảm xúc nầy vẫn còn đó. Có nhiều lần, tôi đã đi tìm một từ ngữ khác để thay thế cho từ ngữ tiếng Phạn “sunyata” – thí dụ như tôi thử dùng những từ ngữ như “sự hoàn toàn“, hoặc “sự trọn vẹn“, hoặc “sự rộng lớn“, hoặc “sự kết nối“, hoặc “sự không giới hạn” – nhưng giống như Ari Goldfield đã nói, “tánh-không” (emptiness) là từ ngữ dịch chính xác nhất. “Tánh-không” cũng là từ ngữ mà Thầy Shunryu Suzuki của tôi đã dùng, tuy nhiên, Thầy cộng thêm vào lời giải thích. Một lần kia, Thầy nói về tánh-không như sau, “Tánh-không không có nghĩa là sự trống rỗng. Có thêm một cái-gì-đó, và cái-gì-đó là cái mà luôn luôn chuẩn bị để có một-hình-thức đặc biệt“. Một lần khác, khi Thầy nhận định về phẩm chất tình cảm của tánh-không, Thầy nói rằng, “Tánh-không giống như là chúng ta đang được nằm trong lòng mẹ, rồi chờ mẹ chăm sóc.”

Ý NGHĨA VỀ ĐẠO ĐỨC

Một số sinh viên Phật Giáo đã tha thứ, hoặc hợp-lý-hóa hành vi xấu xa của thầy giáo họ bằng cách khẳng định rằng, thầy giáo họ đã có sự hiểu biết về tánh-không, nên thầy giáo được miễn trừ những quy luật thông thường về đạo đức. Một sinh viên cho biết, “Roshi sống trong sự tuyệt đối, cho nên hành vi của ông không thể được đánh giá theo các tiêu chuẩn thông thường“. Trong khi sự thật là thầy giáo Phật giáo đôi khi sử dụng phương pháp bất thường để làm tỉnh giác các sinh viên của họ, nhưng động lực của họ phải đến từ lòng từ bi, chứ không phải lòng ích kỷ. Tu sĩ hoặc thầy giáo Phật Giáo có hành vi không gây hại thì được chấp nhận, nhưng nếu làm ngược lại thì không thể chấp nhận được.

Ý NGHĨA VỀ THIỀN ĐỊNH

Một số sinh viên Phật Giáo nghĩ rằng trạng thái thiền định mà không-có-ý-nghĩ hoặc không-nhận-thấy-sự-hoạt-động là một thành tích của tánh-không. Thật ra, một trạng thái như thế cũng đã được mô tả rõ ràng, trong các văn bản hành thiền Phật Giáo, và trạng thái nầy được xem giống như là những trạng thái khác – chỉ là sự tạm thời và cuối cùng không có ích lợi gì cho sự giải thoát. Trên thực tế, dù nhìn bằng bất cứ cách nào, tánh-không không phải là một trạng thái của tâm; giống như Đức Đạt Lai Lạt Ma có nói, tánh-không chỉ đơn giản là “bản chất thật sự của mọi sự vật và mọi sự kiện.” Điều này bao gồm cả tâm. Cho dù tâm của thiền giả có đầy-ắp-ý-nghĩ hoặc không-có-ý-nghĩ nào, bản chất thật sự nầy cũng giống như nhau.

PHẦN KẾT LUẬN

Cuối cùng, tánh-không dường như quá khó hiểu, như vậy tại sao Đức Phật lại dạy chúng ta điều nầy? Bởi vì sự hiểu biết sáng suốt, và sâu sắc của Đức Thế Tôn, ngài nhìn thấy lý do tại sao chúng ta đang gánh chịu sự đau khổ. Cuối cùng, chúng ta phải gánh chịu sự đau khổ vì chúng ta luôn nắm giữ lấy sự vật, chúng ta nghĩ rằng sự vật là sự cố định, là sự bền bỉ, là sự thật, và cần được sở hữu do chính bản ngã của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta nhận thấy đây là sự ảo tưởng, rồi chúng ta mở lòng mình ra, nói theo cách của Ari Goldfield, “thực tế giống như là một dòng nước chảy, thay đổi liên tục, cho nên thực tế, cuối cùng là điều không-thể-nắm-bắt và không-thể-nghĩ-bàn“, chúng ta cần phải tập thư giãn qua sự trong sáng, lòng từ bi và lòng dũng cảm. Đó là mục tiêu cao cả, mà chúng ta cần nỗ lực học hỏi, để hiểu biết giá trị của tánh-không.

Nguồn: thuvienhoasen.org

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here