I/TIỂU DẪN
Năng Đoạn Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, nguyên văn Sanskrit Devanagari hiện hành là: वज्रच्छेदिका नाम त्रिशतिका प्रज्ञापारमिता।Vajracchedikā nāma triśatikā prajñāpāramitā, trongBuddhist Sanskrit Texts tồn tại văn bản này với nhan đề: Vajracchedika prajñāpāramitā-sūtra[1],dường như nhan đề này được phục hồi dựa trên dẫn chứng từ những điều xuất hiện ở cuối kinh văn của một vài thủ bản Kinh Kim Cương, hình thành vào khoảng thế kỷ thứ V sau Tây Lịch, cụ thể như bản dịch tiếng Hán của Ngài Cấp-đa (590-619): 金剛能斷般若波羅蜜經, bản dịch tiếng Tây Tạng: འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་རྡོ་རྗེ་གཅོད་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ། và nhiều sự trích dẫn khác tồn tại trong Śikṣāmuccaya v.v…
Nhan đề Vajraprajñā pāramitā sūtra phổ thông của kinh Kim Cương cũng có thể được khôi phục dựa trên các bản dịch Hán ngữ tương đương, như bản của Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập): Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật 金剛般若波羅蜜經; Theo E. Lamotte dựa vào từ số dòng của các bài kệ, tên kinh còn được viết là Trisatikā prajñāpāramitā[2].
Tạng ngữ của Kinh Kim cương hiện có tên là:
འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་རྡོ་རྗེ་གཅོད་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ། – ’phags pa shes rab kyi pha rol tu phyin pa rdo rje gcod pa zhes bya ba theg pa chen po’i mdo. Đề kinh Tạng ngữ đã chuyển tải trọn vẹn những điều mà đề kinh Phạn ngữ: Vajracchedika prajñāpāramitā-sūtra muốn biểu thị. Những “ấn tượng” và “cạm bẫy” làm cho chúng ta bị lù mù và lọt hố khi đụng độ với ngữ pháp và ý nghĩa của bản Kim Cương Phạn ngữ, đã được bản Tạng ngữ tháo gỡ hoàn toàn một cách khôn khéo, tài tình.
Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập) trong bản dịch có thẩm quyền của mình đề tên kinh là: Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật kinh 金剛般若波羅蜜經[3]; Ngài Cấp-đa (590-619): 金剛能斷般若波羅蜜經[4] Kim Cương Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Ngài Nghĩa Tịnh (635-713), dịch: 佛 說 能 斷 金 剛般若波羅蜜多經[5] Phật Thuyết Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Ngài Huyền Tráng dịch là Năng Đoạn Kim Cương 能斷金剛[6]; Nguyên Ngụy Lưu Chi, Bồ Đề Lưu Chi dịch là Kim cương Bát-nhã Ba-la-mật kinh 金剛般若波羅蜜經[7].
F.B Cowell, trong Buddhist Mahayana Texts, bản dịch tựa đề: The Vagrakkhedikā or Diamond-Cutter[8]; Còn có bản dịch Anh ngữ từ Phạn văn khác như Vajracchedika prajñāpāramitā-sūtra của Max Muller, Oxford 1881[9] và của Eward Conze cũng dịch từ bản Phạn ngữ Kinh Kim Cương với nhan đề: The Diamond Sutra[10].
Edward Conze, phiên dịch và hiệu đính Vajracchedika Prajnaparamita với lời giới thiệu và chú giải, do nhà xuất bản Roma, Is. M.E.O., ấn hành năm 1957 (từ trang 16-21). Các bản kinh Kim Cương tiếng Pháp đa phần cũng được gọi với với nhan đề ngắn gọn: “Sūtra du Diamant”, “Le Sûtra du diamant” hay “Le sûtra du diamant” v.v..[11]
Ngoài ra còn có sự sưu tập về những văn bản phiên dịch của Kinh Kim Cương ra nhiều thứ tiếng vừa mới xuất bản thành năm tập lớn tại Đài Loan với nhiều nhan đề khác nhau (Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh)[12].
Ở đây chúng ta có thể đặt giả thiết, nếu đúng bản Hán dịch Kim Cương của ngài La-thập được dựa trên bản Phạn hiện có, hoặc tương đương, thì có thể tạm cho rằng sự giản lược đề kinh ở đây dường như có sự cố ý, lược bớt chữ chedikā, (sự) cắt chém, bị lược bỏ. Chúng ta có thể hiểu được điều này, vì cắt chém là công dụng của kim cương, không nhất thiết phải cần đến phẩm định từ, như dao để cắt, chỉ cần nói dao là đủ. Tuy nhiên, trong một số ý nghĩa khác, sự cắt chém của kim cương cần được lưu ý; chedikā chỉ cho tác dụng của viên kim cương (vajra) là có thể hủy hoại và tiêu diệt hết thảy mọi thứ, nhưng nó không hề bị hủy diệt (tức là thí dụ cho tác dụng của Trí Bát nhã).
Ta có dẫn theo nhận định của Ed. Conze: “Thông thường, theo Max Müller, dịch Vajracchedika Sūtra thành Kinh Kim Cương. Không có nguyên nhân nào để bỏ đi cách dùng thông dụng này. Nhưng, nói theo cách nghiêm túc, càng không chắc chắn có thể xảy ra hơn khi ở đây, người Phật tử có thể hiểu vajra như là chất liệu mà chúng ta gọi là Kim Cương (diamond). Thuật từ rất quen thuộc trong nhiều kinh điển Phật giáo, gồm cả Đại phẩm Bát-nhã ba-la-mật-đa (Large Prajñaparamita Sutras)[13]. Khắp mọi nơi trong Kinh đều nói đến ‘tiếng sét’ huyền diệu, và biểu hiện cho năng lực vĩ đại không thể kháng cự lại được, cả ý nghĩa thụ động và chủ động. Vì vậy, nên đề kinh có nghĩa là: ‘Tuệ giác cụ túc chém đứt (các thứ) như sấm chẻ’, hoặc ít chắc chắn hơn: ‘trí huệ có thể chặt đứt cả sấm sét’”[14].
II/GIẢI THÍCH ĐỀ KINH
Trước tiên, chúng ta cần đọc lại một đoạn kinh Sanskrit và một vài đoạn trong bản dịch tương đương của Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát-nhã:
[1] Phạn Ngữ: “evam ukta āyuṣmān subhūtir bhagavantam etad avocat | ko nāma ayaṃ bhagavan dharmaparyāyaḥ kathaṃ cainaṃ dhārayāmi |evam ukte bhagavān āyuṣmantaṃ subhūtim etad avocat | prajñāpāramitā nāma ayaṃ subhūte dharmaparyāyaḥ | evaṃ cainaṃ dhāraya | tatkasyahetoḥ | yaiva subhūte prajñāpāramitā tathāgatena bhāṣitā saiva-a-pāramitā tathāgatena bhāṣitā | tenocyate prajñāpāramiteti |”[15]: Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề (Subhūti), bạch đức Thế Tôn rằng: “Pháp bản này, nên được gọi bằng tên gì? Và con nên phụng trì như thế nào?” Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy Tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Pháp bản này tên là Bát-nhã Ba-la-mật đa, tôn giả hãy như thế mà phụng trì. Tại sao? Này Tu-bồ-đề! Vì do Bát-nhã Ba-la-mật đa được tuyên thuyết bởi Như Lai, chính nơi nó không phải là Bát-nhã Ba-la-mật được Như Lai tuyên thuyết. Cho nên, gọi là Bát-nhã-ba-la-mật”
[2] Tạng ngữ: “དེ་སྐད་ཅེས་བཀའ་སྩལ་པ་ དང་ / བཅོམ་ལྡན་འདས་ལ་ ལ་ ཚ་ དང་ལྡན་པ་ རབ་འབྱོར་ གྱིས་ འདི་སྐད་ཅེས་གསོལ་ཏོ་ / / བཅོམ་ལྡན་འདས་ ཆོས་ཀྱི་རྣམ་གྲངས་ འདིའི་ མིང་ ཅི་ལགས་ / འདི་ཇི་ལྟར་ ཇི་ལྟར་བཟུང་ བཟུང་བར་ བགྱི་ / དེ་སྐད་ཅེས་གསོལ་པ་ དང་ / བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ ཚ་ དང་ལྡན་པ་ རབ་འབྱོར་ ལ་ འདི་སྐད་ཅེས་བཀའ་སྩལ་ཏོ་ / / རབ་འབྱོར་ ཆོས་ཀྱི་རྣམ་གྲངས་ འདིའི་ མིང་ ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ ཞེས་བྱ་སྟེ་ འདི་ དེ་ལྟར་ བཟུངས་ ཤིག་ / དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན་ / རབ་འབྱོར་ དེ་བཞིན་གཤེགས་པས་ ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ གང་གསུངས་པ་ དེ་ཉིད་ ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ མེད་པའི་ ཕྱིར་ ཏེ་ / དེས་ན་ ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ ཞེས་བྱའོ་ /”[16]: Khi đó, Tu-bồ-đề hỏi đức Thế Tôn rằng: “Pháp thoại này được mệnh danh là gì? Chúng con phải lãnh thọ và tu tập như thế nào?” Ngay khi ấy, đức Phật liền trả lời với Tu-bồ-đề: “Pháp thoại này gọi tên là Tuệ giác như chày kim cương có khả năng chém đứt (mọi thứ) đưa đến bờ bên kia”, như vậy hãy theo đó mà lãnh thọ và tu tập. Tại sao thế? Vì Tuệ giác như chày kim cương có khả năng chém đứt (mọi thứ) để đưa đến bờ bên kia được thuyết giảng bởi Như Lai, ngay nơi nó không phải là Tuệ giác như chày kim cương có khả năng chém đứt (mọi thứ) để đưa đến bờ bên kia được Như Lai thuyết giảng. Vì vậy, gọi là Tuệ giác như chày kim cương có khả năng chém đứt (mọi thứ) để đưa đến bờ bên kia
[3] La Thập Hán ngữ: 爾時, 須菩提白佛言: 「世尊, 當何名此經, 我等云何奉持?」佛告須菩提: 「是經名為 『金剛般若波羅蜜』 。 以是名字, 汝當奉持。 所 以者何?須菩提,佛說般若波羅蜜,則非般若波羅蜜。」[17] “Bấy giờ, ngài Tu-bồ-đề thưa đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nên gọi tên kinh[18] này thế nào ? Chúng con làm sao để phụng trì?” Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: “Kinh này tên là Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật, Ông nên phụng trì theo tên gọi ấy”. Tại sao như vậy? Này Tu-bồ-đề ! Như Lai nói Bát-nhã ba-la-mật tức không phảiBát-nhã ba-la-mật, đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật.”[19]
[5] Ed. Conze Anh Ngữ: “Subhuti asked: What then, O Lord, is this discourse on dharma, and how should I bear it in mind? The Lord replied: This discourse on dharma, Subhuti, is called ‘Wisdom which has gone beyond’, and as such should you bear it in mind! And why? Just that which the Tathagata has taught as the wisdom which has gone beyond, just that He has taught as not gone beyond. Therefore is it called ‘Wisdom which has gone beyond’”[20]: Ngài Tu-bồ-đề bạch Thế Tôn: “Vậy thì pháp thoại này có tên gọi là gì? và con nên ghi nhớ như thế nào? Thế Tôn trả lời: “Tu-bồ-đề Pháp thoại này có tên gọi là “Trí Tuệ viên mãn đưa đến bờ kia (Bát-nhã Ba-la-mật)”. Ông hãy nên như thế mà ghi nhớ. Tại sao? Này Tu-bồ-đề Trí Tuệ viên mãn đưa đến bờ kia được dạy bởi Như Lai, thì chính nó không phải là Trí Tuệ viên mãn đưa đến bờ kia được Như Lai dạy. Vì thế, gọi là Trí Tuệ viên mãn đưa đến bờ kia (Bát-nhã Ba-la-mật)”.
Ở đây, chỉ mới là phần giải thích đề kinh, nên chúng ta chưa vội đi vào tìm hiểu ý nghĩa của các đoạn kinh văn vừa dẫn. Qua đoạn kinh Phạn ngữ và các đoạn kinh dịch tương đương dẫn ở trên, chúng ta thấy tên kinh do Đức Thế Tôn có đôi phần dị biệt qua các Tụng bản. Ngay cả ở trong bản Sanskrit tên kinh cũng được chỉ viết là: “prajñāpāramitā”, chứ không phải là “Vajracchedika prajñāpāramitā-sūtra”; từ “vajra” không thấy được xuất hiện.
Nhưng sự giải thích đề kinh ở đây, sẽ dựa theo tên gọi được ghi ở trong Buddhist Sanskrit Texts[21] phổ thông được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận nhất là: “Vajracchedika prajñāpāramitā-sūtra” và đề kinh tiếng Tây Tạng là འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་རྡོ་རྗེ་གཅོད་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ།[22]
Tính từ vajracchedika, kết hợp ở dạng giống cái với danh từ giống cái prajñāpāramitā, thì nó sẽ được viết thànhvajracchedikā. Theo ngữ Pháp Sanskrit, Vajracchedika là từ kép karmadhāraya (hạn định qua mô tả), có dạng theo công thức: “Danh từ + Tính từ”, và phối âm giữa Vajra và chedika. Theo luật phối âm (Samdhi) tiếng Phạn “ch” đứng sau nguyên âm ngắn bắt buộc phải trở thành “cch”. Nên, Vajra và Chedika ghép lại phải viết làVajracchedika. Nó thuộc loại tính từ có nghĩa như danh từ/bởi vì danh từ/với danh từ/bởi vì danh từ với/ nhờ danh từ. Trong trường hợp này danh từ đóng vai trò làm trạng từ bổ nghĩa cho tính từ, với hàm ý đối chiếu hay so sánh. Vậy vajracchedika,có nghĩa là hay đập vỡ nát, hay chém đứt hoặc cắt chém tốt, cắt đứt có hiệu quả như chày kim cương”. Tạng ngữ gọi là འཕགས་པ་རྡོ་རྗེ་གཅོད་པ།[23], dịch Anh là: the blessed Diamond-cutter.
Cho nên, Vajra trong kinh này được thí dụ như: “công cụ hữu hiệu” hay “phương tiện hữu hiệu” trong việc cắt chém (chủ động), chứ không phải là “đối tượng bị cắt chém” (bị động).
Vajra là một loại khoáng chất kiên cố, bất hoại và sắc bén. Nó có khả năng phá hoại các vật khác; nhưng vật khác thì không thể phá hoại được nó. Vajra tự bản chất là kiên cố, bất hoại và sắc bén, chứ không phải do thứ khác tạo thành. Vajra được dùng để, thí dụ, ẩn dụ cho pháp, pháp đó có hai ưu điểm:
Có khả năng tồi phục các thứ oán địch, nhưng các thứ oán địch thì không thể nào tồi phục được nó.
Có khả năng hủy diệt các phiền não, nhưng các loại phiền não thì không thể hủy diệt được nó.
Vajra, Hán ngữ dịch là Kim Cương và Anh dịch của Ed. Conze là Diamond. Dịch như vậy, là chỉ mới chú trọng đến tính cứng rắn của nó, chứ chưa nói đến tính chất phá hủy như sấm sét của nó, nên Vajra còn được dịch là “Kim cương chùy” hoặc “Kim cương xử”: tức là chày kim cương, nó liên quan đến thần thoại Ấn Độ, đó là vũ khí của trời Indra Đế Thích. Trong văn học Agama và Nikāya cụ thể hóa qua hình tượng thần Vajrapāṇi, Kim Cương Thủ, vajra là vũ khí chiến đấu của vị Thần này.
Chedikā động từ căn Chid (VII chinatti/chinatte), phẩm định từ, có nghĩa là chặt đứt, cắt đứt, tách rời ra,… Ta có thể phân tích ngữ pháp như sau:
Trường hợp đầu tiên: ta thêm vào hậu tố loại một kṛt pratyaya “i” vào gốc động từ chid, theo định thức: chid — > (guṇa): ched — > ched+i = chedi; Chedi, nó làm tính từ, ở dạng chủ động có nghĩa là “cắt được” hay có “khả năng cắt/chém được”.
Trường hợp thứ hai: Ta thêm một hậu tố loại hai addhita pratyaya “ka” vào động từ căn chid, theo định thức: chedi +ka = chedika, nó trở thành một tính từ. Hậu tố “ka” trong Sanskrit, giúp đưa ra kết quả có chín loại nghĩa khác nhau, trong trường hợp ở đây, theo nghĩa thứ năm là “siêng năng trong hành động”; “chủ động thi thiết hành động” v.v..
Vậy, chedika có nghĩa là khả năng chặt đứt, có khả năng cắt đứt, có khả năng tách rời ra, hay chém đứt, chém đứt tốt, chém đứt hiệu quả, v.v..
Prajñā đi từ động từ căn jñā, có nghĩa là nhận thức, hiểu biết, liễu tri, … và prajñā có nghĩa là tuệ giác, trí tuệ, minh tuệ, quán tuệ, thông tuệ, liễu tuệ, … Trí tuệ có khả năng soi chiếu đến chỗ tột cùng của chân lý, thấu triệt bản thể và mọi hình thái của vạn pháp. Tử Tuấn đã giải thích: “Nhã 若 là tự giới (dhātu, động từ căn jñā). Ban 般 (pra-) và na 那 (-na) đều là tự duyên (paratyaya, trợ ngữ, tiếp đầu và tiếp vĩ). Nhã khi lấy ban làm trợ ngữ, (pra+căn jñā), có nghĩa là Tuệ. Nhã khi lấy –na làm trợ ngữ (jñā+ña), có nghĩa là Trí. Phô thông nhiều lúc không phân biệt, trí tức là tuệ và tuệ tức là trí. Nên hai âm bát và nhã cũng đều dịch chung là Trí Tuệ”[24]. Prajñā, Hán phiên âm là Bát-nhã và dịch là, trí tuệ, tuệ minh v.v..
Prajñā là Trí tuệ có khả năng soi chiếu để thấy rõ căn nguyên của sự vật. Cũng có khi, Prajñā được dịch là không-trí hoặc không-tuệ. Trí tuệ phát sinh do thực hành pháp không-quán mà chứng đắc. Prajñā là Tuệ giác toàn hảo và thâm diệu, tuệ giác ấy do quá trình tu tập quán chiếu “Không lý” mà sinh khởi, nên Prajñā còn gọi là “Không Trí” hay “Không Tuệ”. Nghĩa là trí tuệ do thực hành quán chiếu “Không lý” đem lại. Không lý là chỉ cho “Như Lý” của vạn pháp, mà cụ thể là ngũ thủ uẩn; Không trí hay không tuệ là chỉ cho như trí của Prajñā đang soi chiếu năm thủ uẩn. Chỉ có như trí mới soi chiếu và trực nhận được như lý của ngũ thủ uẩn. TRÍ thẩm thấu bên trong của LÝ thấy rõ sắc uẩn không phải là tự ngã, và ngay nơi mỗi yếu tố tạo nên sắc uẩn cũng không có tự thể hay không có thực hữu của ngã và pháp. Như trí soi chiếu thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn cũng giống như vậy. Nghĩa là trong các uẩn không có tự thể ngã và pháp và ngay trong các yếu tố riêng biệt hợp thành các uẩn, nó cũng không hề có tự thể ngã-pháp. Như vậy, ở đây Prajñā mà chúng ta tạm gọi là Như trí có khả năng trực nhận ra ngay trong “ngũ thủ uẩn” không phải chỉ là “giai không” về ngã mà còn “giai không” về pháp.
Prajñā có khả năng trực nhận ra tự tính không ở nơi vạn pháp, không phải là không trơn, lại càng không phải là cái không nhị nguyên đối đãi với cái có, mà nó là một thực tại tính của vạn pháp. Thực tại tính ấy, không hề lệ thuộc không gian và thời gian. Bất cứ cái gì nằm trong khuôn khổ tập hợp tương đối của không gian và thời gian thì cái đó là có sinh có diệt, có uế có tịnh, có tăng có giảm, có hợp có ly, có vô minh, có hành, có thức, có danh sắc cho đến có lão-tử; cái đó có Khổ – Tập – Diệt – Đạo; cái ấy có trí và có đắc. Trái lại, Prajñā thấy rõ TÁNH KHÔNG là tính như thực của mọi sự hiện hữu, vượt ra ngoài cái sinh diệt của không gian và thời gian, không còn có ấn tượng về Ngã (Atmasaṃjñā)[25], ấn tượng về bổ-đặc-già-la (Pudgalasaṃjñā)[26], về chúng sanh (Sattvasaṃjñā)[27], và về thọ giả (Jīvasaṃjñā)[28]. Như vậy, Prajñā thành tựu là do sự nỗ lực tu tập thể nhập TUỆ KHÔNG chứ không phải do loại suy mà có.
Prajñā trong Sanskrit có quá nhiều ý nghĩa phong phú, việc phiên dịch nó thành một từ tương đương, không phải là một vấn đề dễ dàng. Cho nên, Hán ngữ không có một từ ngữ nào tương ứng với Prajñā, nên phần nhiều các dịch giả Hán chỉ chuyển âm Prajñā là Bát-nhã và kèm theo nhiều cước chú, luận giải.
Ed. Conze trong bản dịch Anh ngữ The Diamond-sutra của mình, nhiều trường hợp dịch Prajñā là Wisdom, một số bản Anh ngữ khác dịch là Insight. Wisdom, có nghĩa là: tri thức, tri giác, trí tuệ, kiến thức, học thức, ở những trường hợp khác nó được hiểu là sự từng trải, lịch duyệt và trong Triết học người ta dùng nó với ý nghĩa: “thông thái”. Insight, nó có nghĩa là: sự sáng suốt, sự hiểu biết rõ ràng, sự nhìn thấy rõ bên trong của sự vật, sự nhìn thấy bản chất của sự vật v.v.. Tuy Prajñā được chuyển dịch thành Wisdom hoặc Insight, nhưng rất nhiều trường hợp khác nhau mà các dịch giả Anh/Pháp đều để nguyên Prajñā. Vì không có từ ngữ nào có thể chuyển tải hoàn toàn ý nghĩa của từ ngữ Prajñā.
Pāramitā: Pāram có nghĩa là ở ngoài, ra ngoài, ở một bên bờ, ở thế giới bên kia. Đuôi Ita có nghĩa là đã qua rồi, đã đến rồi. Hán phiên âm là Ba-la-mật và dịch là “độ khứ”- tức là đã vượt qua, hoặc “đáo bỉ ngạn” là đến bờ bên kia. Pāramitā, Hán còn dịch là cứu cánh hoặc viên mãn, tứclà hoàn thành mục đích và viên mãn là sự toàn vẹn mục đích. Có khi dịch là Độ vô cực, chí cực, viên mãn, v.v… Anh ngữ Kim Cương của Ed. Conze dịch Pāramitālà perfection, có nghĩa là sự hoàn thiện, sự toàn vẹn, sự trọn vẹn, sự tuyệt đích, sự tuyệt diệu…
Như vậy, Pāramitā là đã vượt ra khỏi vũng đầm lầy sanh tử và đã đến sự tịch tĩnh siêu việt. Nói theo nghĩa bóng thì Pāramitā là đã siêu việt không gian và thời gian, siêu việt thế gian, siêu việt mọi ấn tượng và thành tựu sự viên mãn của Niết Bàn. Đã đạt đến toàn vẹn, đạt đến chỗ hoàn thành tuyệt diệu, chỗ ấy không còn ngôn ngữ để diễn tả, không thể dùng khái niệm để khái niệm.
Vượt qua hay đến bờ bên kia đều là ngôn ngữ ẩn dụ mang tính biểu tượng. Bờ bên này là dụ cho sinh tử, mê lầm, lang thang trôi nổi,…Bờ bên kia là dụ cho Niết Bàn, giải thoát. Hễ ai vượt qua vũng lầy sanh tử, sông khát ái, vô minh thì đạt đến Niết Bàn và và người đó người đó, thành tựu pháp tối thượng hiếm có đệ nhất.[29]
Ghép chung lại, Prajñāpāramitā là trí tuệ toàn vẹn, trí tuệ tuyệt đích, trí tuệ tuyệt diệu, trí tuệ siêu việt, trí tuệ siêu niệm, trí tuệ không còn có khái niệm của ngôn ngữ. Tạng ngữ dịch là: ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ།: Tuệ giác toàn vẹn vượt qua đến bờ bên kia.
Phạn ngữ Sūtra, có nghĩa là quan hệ và thấu suốt. Hán chuyển âm Tu-đa-la và dịch là tuyến, gồm những sợi chỉ xâu lại với nhau, hoặc dịch là Khế Kinh.
Tạng ngữ dịch là མདོ་སྡེ།, có nghĩa là bộ tập hợp các bài thuyết giảng (của đức Phật), có thể dịch từ này sang anh ngữ là sets of discourses, anh ngữ cũng dùng các từ tương đương như: sutra, the sutras.
Sūtra, các Hán bản Kinh Kim Cương phần nhiều dịch là Kinh, một vài trường hợp trong bản Phạn – Tạng dùng từ Dharmaparyāyaḥ hay ཆོས་ཀྱི་རྣམ་གྲངས། (Pháp Thoại, Pháp bản) để thay thế cho từ Sūtra – མདོ་སྡེ། (Kinh điển)[30].
Luận sư Phật học Trung Hoa thông thường giải thích Sūtra có ba ý nghĩa, năm đặc tính và phân chia thành mười hai hoặc chín thể loại.
Ba ý nghĩa:
1-Khế lý: Kinh được đức Phật tuyên thuyết, Kinh ấy, thích hợp với chân lý.
2-Khế thời: Kinh được đức Phật tuyên thuyết, Kinh ấy, thích hợp mọi thời đại.
3-Khế cơ: Kinh được đức Phật tuyên thuyết, Kinh ấy, thích hợp mọi không gian và trình độ.
Năm đặc tính:
1-Xuất sanh: Tất cả mọi nghĩa lý của Luật và Luận đều xuất phát từ Kinh.
2-Tuyền dõng: Kinh hàm ngụ những nghĩa lý sâu thẳm và lưu thông tương tự như dòng nước chảy.
3-Hiển thị: Nghĩa lý được nêu ra rõ ràng từ Kinh.
4-Thằng mặc: Nghĩa lý của Kinh làm chừng mực cho chúng sanh tu học.
5-Kết man: Nghĩa lý cô đọng tóm thâu, như dây xâu kết những bông hoa.
Giống như những điều được diễn thuyết bởi chư Phật quá khứ là bất biến; Tại sao nó bất biến, vì mười hai thể tài kinh điển đã được chư phật quá khứ thuyết giảng để hóa độ chúng sinh; thời đức Thích Ca Như Lai ngài cũng đã diễn nói Như vậy,…[31]. Ta có thể tạm vay mượn những lời như vầy ở trong kinh Đại Bát Niết Bàn để nói về mười hai thể loại kinh điển.
Mười hai thể loại hay thể tài kinh điển, Sanskrit gọi là dvādaśāṅga-buddha-vacana, Hán dịch là “thập nhị bộ Kinh” 十 二 部 經 hoặc “Thập nhị phần thánh giáo” 十 二 分 聖 教. Gồm mười hai thể loại sau:
1. Sūtra: Phiên âm là Tu-đa-la, dịch là Trường hàng 長 行, Khế kinh 契 經, cũng gọi là Pháp-bổn: do Đức Phật thuyết ra và đã được kết tập theo lối văn xuôi, nên gọi là Trường hàng. Và chính nó là căn bản của giáo pháp, nên gọi là Pháp bổn.
2. Geyyā: Phiên âm là Kỳ-dạ, dịch là Trùng Tụng 重 頌 , còn dịch là Ứng tụng. Loại kệ có tiết điệu, lối văn trùng thuật lại những ý nghĩa của văn Trường hàng. Thường dùng bốn câu làm một bài, trong đó có khi bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ v.v..
3. Veyyākaraṇa: phiên âm là Hòa-già-la, dịch là Ký biệt 記 別 hoặc thọ ký 授 記. Loại Kinh viết theo cách ấn chứng. Chẳng hạn, Đức Phật ấn chứng cho các đệ tử Thanh Văn và Bồ Tát sẽ làm Phật trong tương lai và gồm có y báo, chánh báo của những vị đó.
4. Gāthā: phiên âm là Già-đà, dịch là Phúng tụng hay Cô khởi 孤 起. Loại Kinh viết bằng những kệ tụng và mỗi kệ tụng có bốn câu. Loại này không phải như loại Kỳ-dạ dùng để trùng tụng lại Trường hàng, mà chính nó hình thành từng bài kệ tự lập.
5. Udāna: phiên âm là Ưu-đà-na, dịch là Tự thuật, Tự thuyết hoặc Vô vấn tự thuyết. Loại Kinh ghi lại theo lối tự thuật do Đức Phật quán sát đúng thời điểm hoặc đúng căn cơ Ngài tự diễn thuyết, chứ không cần phải có sự thưa hỏi của hàng đệ tử, v.v..
6. Nidāna: phiên âm là Ni-đà-na, dịch là Nhân duyên 因 緣. Loại Kinh nói về sự gặp gỡ nghe pháp giáo hóa giữa Đức Phật Thích Ca với chư Phật quá khứ và giữa những hàng đệ tử cùng với túc duyên của họ.
7. Avadāna: Phiên âm là A-ba-đà-na, dịch là Thí dụ 譬 喻. Loại Kinh nêu lên những thí dụ. Vì giáo pháp Đức Phật giảng dạy có khi thực tiễn, có khi sâu thẳm siêu việt. Do sâu thẳm và siêu việt, nên cần phải dùng những thí dụ khiến người nghe mới có thể tiếp thu được.
8. Itivṛttaka: phiên âm Y-đế-mục-đà-già, dịch là Bổn sự 本 事. Loại Kinh nói về công hành về sự tu nhân của Đức Phật và các hàng đệ tử.
9. Jātaka: phiên âm là Xa-đà-già, dịch là Bổn sanh 本 生. Loại Kinh nói về quá khứ, khi Đức Phật thực hành Bồ Tát đạo cũng như các vị thánh đệ tử của Ngài và các vị Bồ Tát.
10. Vedalla: Phiên âm là Tỳ-phật-lực; dịch là Phương quảng 方 廣. Loại Kinh viết theo ngôn ngữ biểu tượng hàm chứa những ý nghĩa sâu rộng ở đằng sau ngôn ngữ ấy.
11. Abbhutadharma: phiên âm là A-tỳ-đạt-ma, dịch là Vị tằng hữu 未 曾 有. Loại Kinh ghi lại những tư tưởng hay thần lực bất tư nghì của Đức Phật trong khi thuyết pháp và giáo hóa.
12. Upadeśa: phiên âm là Ưu-ba-đề-xá, dịch là Luận nghị. Loại Kinh ghi lại những sự biện luận và vấn đáp. Đôi khi Upadeśa còn được hiểu là bí mật.
Trong một bài Kinh (Sūtra) có thể có từng đoạn được xem là Sūtra (trường hàng), một Geyyā (trùng tụng), mộtGāthā (kệ tụng), một Udāna (tự thuyết), hay một Veyyākaraṇā (thọ ký)[32]…
Sự phân chia kinh điển thành mười hai thể loại, không phải là sự phân chia có tính cố định và độc nhất. Điều này ta có thể chứng minh qua Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận[33] chỉ có chín thể loại: Tu-đa-la (Sūtra), Kỳ dạ (Geyyā), Hòa-già-la (Veyyākaraṇa), Già-đà (Gāthā), Ưu-đà-na (Udāna), Ni đà na (Nidāna), Tỳ-phật-lực (Vedalla), Vị tằng hữu (Abbhutadharma) và A-tỳ-đạt-ma/Luận nghị (Upadeśa).
Kinh Pháp Hoa cũng đồng quan điểm với Thập Trụ Tỳ Bà Sa phân loại có chín thể tài kinh điển, nhưng sự sắp xếp thứ tự có một số khác biệt: “सूत्राणि भाषामि तथैव गाथा इतिवृत्तकं जातकमद्भुतं च। निदान औपम्यशतैश्च चित्रै– र्गेयं च भाषामि तथोपदेशान् – sūtrāṇi bhāṣāmi tathaiva gāthā itivṛttakaṃ jātakamadbhutaṃ ca| nidāna aupamyaśataiśca citrai- rgeyaṃ ca bhāṣāmi tathopadeśān[34]: Tu-đa-la (khế kinh), Già-đà (cô khởi), Y-đế-mục-dà-đà (bổn sự), Xà-đà-già (bổn sanh), A-tỳ-đạt-ma (vị tằng hữu), Ni-đà-na (nhân duyên), A-ba-đà-na (thí dụ), Kỳ-dạ (trùng tụng) và Ưu-ba-đề xá (luận nghị).
Sở dĩ, có sự sai biệt này, là tùy theo phương tiện nghệ thuật thuyết giáo của Đức Phật, đối với căn cơ thính chúng, đó là ngài vận dụng “tục đế” trong Nhị đế, hay “Vị nhân tất đàn” trong Tứ tất đàn, nên có Kinh, Thế Tôn sử dụng đủ cả muời hai thể loại văn pháp để trình bày giáo nghĩa, nhưng có Kinh, Ngài chỉ sử dụng chín, hoặc tám thể tài. Đó là tinh thần phương tiện quyền xảo của các Đức Như Lai, chứ không hề có sự mâu thuẫn, đối kháng nào cả.
III/TIỂU KẾT
Vajracchedikāprajñāpāramitā-Sūtra hay འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་རྡོ་རྗེ་གཅོད་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ là Pháp bản, là pháp thoại diễn thuyết về Tuệ giác siêu việt, về trí tuệ chặt đứt mọi ấn tượng về ngã, về bổ-đặc-già-la, về chúng sinh, về thọ giả và sự khát ái. Tuệ giác đó nó kiên cố và bất hoại giống như như viên Kim cương, hay sắc bén như Kim Cương Chùy, có khả năng chặt đứt và đánh tan những vật cản chướng ngại khác trên lộ trình đi đến Tuệ giác tối thượng, thể nhập thể tính bất sanh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất lai, bất khứ, bất nhất và bất dị của Niết-bàn[35].
Ở trong Vajracchedikāprajñāpāramitā-Sūtra Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật này, Thế Tôn đã sử dụng mười thể loại văn pháp kinh điển để diễn tả, tuyên thuyết giáo nghĩa “nan tư nghị”; ở trong Kinh văn Kim Cương Phạn-Tạng và một vài tụng bản tương đương đều có trình bày đầy đủ mười loại văn pháp này, mà ở tiếp theo sau phần này chúng ta sẽ thấy rõ.
[Trích phần GIỚI THIỆU VÀ TỔNG LUẬN, Năng Đoạn Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật, Phước Nguyên dịch và chú các bản Phạn-Anh-Hán, nguồn tham chiếu y cứ bản trên bản Tạng ngữ, các bản Anh-Hán dịch-chú tương đương]
Nguồn: thuvienhoasen.org
THƯ MỤC THAM KHẢO
- Các Tụng bản Kinh Kim cương, và bản Hán Tạng trích dẫn theo Taishō Edition of Chinese Tripiṭaka 大正新脩大藏經 Đại chánh tân tu Đại tạng kinh, có đánh số trang, số tập ở phần cước chú. Dẫn: Đại.
- Vaidya, Vajracchedikāprajñāpāramitā-Sūtra, P.L. (1961), , Buddhist Sanskrit Texts No. 17. P.75. Cf.Mahāyāna-sūtra-saṁgrahaḥ( part 1), The Mithila Institute of Post-Graduate Studies and Research in Sanskrit Learning, Darbhanga.
- Saddharmapuṇḍarīkasūtram, Upāyakauśalyaparivartaḥ. Buddhist Sanskrit Texts, No.6 p.189.
- Madhyamakāvatāra: Nhập Trung luận. Nguyên văn Trung Luận Sanskrit tồn tại trong Prasannapadā, Nguyệt Xứng (Candrakīrti) thích (Sanskrit nguyên điển, Tạng dịch Pek No. 5260)
- འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་རྡོ་རྗེ་གཅོད་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མད (Năng Đoạn Kim Cương Kinh)
- དམ་ཆོས་པད་མ་དཀར་པོའི་མདོ dam chos pad-ma dkar po’i mdo (Chánh Pháp Hoa kinh)
- F.B Cowell, Buddhist Mahayana Texts, Oxford, the Clarendon Press, 1894, Part II, p.112.
- Aspects of Mahayāna Buddhism and its relation to Hinayāna Buddhism, N. Dutt, University Microfilms (1980).
- Vajracchedika prajñāpāramitā-sūtra, ed. Max Muller. Anecdota Oxoniensia, Aryaa series, voi.1, Part 1. 1811. Text pp.19
- Như Thật Phật Học Nghiên Cứu Thất biên trước tại thành phố Đài Bắc, 1995, quyển 05, pp.417-681.
- Gregory Schopen, The Manuscript of the Vajracchedika Found at Gilgit, An Annotated Transciption and Translation, trong Studies in the Literature of The Great Vehicle: Three Mahayana Buddhist Texts, Luis O. Gomez và Jonathan A. Silk, hiệu đính, Viện Đại Học Michigan xuất bản tại Ann Arbor, 1989.
- Patrick Carré, Fayard, collection : Trésors du bouddhisme, Paris, mars 2001. p.180 Contient : Le sutra du diamant.
- Le Sûtra du diamant, traduit et annoté par Jin Siyan, édition bilingue chinois-français, You-feng, 2007.
- Maître Hsing-Yun (né en 1927), Sûtra du diamant, trad. et annotations par Jin Siyan, You-feng, 2011, p.101
- Edward Conze, Vajracchedikā Prajñāpāramitā, biên tập- dịch với giới thiệu và chú, Rome, Istituto italiano per il Medio ed Estremo Oriente, 1957, XII-113 p.
- Edward Conze, Buddhist Wisdom Books, containing the Diamond Sûtra and the Heart Sûtra, Londres, Allen & Unwin, 1958
- Nicolas Poppe, The Diamond Sutra, Three Mongolian versions of the VajracchedikāPrajnāpāramitā, Wiesbaden, O. Harrasowitz, 1971, VIII-230.
- Frances Wood và Mark Barnard, The Diamond Sutra, Londres, British Library, 2010, p.112
- Francis Wood và Mark Barnard Restoration of the Diamond Sutra [archive], IDP News, 2011-2012, no 38, p. 4–5
- VajracchedikāPrajñāpāramitāin “Gilgit Manuscript of the Vajracchedikā”, in Gilgit Buddhist Manuscripts (Facsimile Edition), Part 7, reproduced by Prof. Raghu Vira and Lokesh Chandra (1974), New Delhi, pp. 1380-1393.
- Schopen, Gregory (1989), “The Manuscript of the Vajracchedikā Found at Gilgit,”in Studies in the Literature of the Great Vehicle: Three Mahāyāna Buddhist Texts, ed. byL. O. Gómez and J. A. Silk, Ann Arbor, pp. 89-139.
- Harrison, Paul & Watanabe, Shōgō(2006), VajracchedikāPrajñāpāramitā, BMSC vol. III, Hermes Publishing Oslo 2006.
- Williams ,Monier M.A. Williams , Sanskrit-English Dictionary, The Clarendon Press, Oxford.
[1] Buddhist Sanskrit Texts, No.17 p.75.
[2] Bát-nhã tam bách kệ, Cf. Perfection of Wisdom in 300 Linnes, La Somme du Grand Véhicule, E.Lamotte, 1939, p. 195.
[3] T08n0235, tr. 0748c17.
[4] T08n0238, tr. 0766c14.
[5] T08n0239, tr. 0771c21.
[6] Đệ Cửu Hội Năng Đoạn Kim Cương Phần, Đường, Huyền Tráng, Đại 7, tr.979.
[7] T08n0236b, tr.0757a22.
[8] F.B Cowell, Buddhist Mahayana Texts, Oxford, the Clarendon Press, 1894, Part II, p.112.
[9] Vajracchedika prajñāpāramitā-sūtra, ed. Max Muller. Anecdota Oxoniensia, Aryaa series, voi.1, Part 1. 1811. Text pp.19
[10] The Diamond-sutra, Edward Conze, London, 1957.
[11] Patrick Carré, Fayard, collection « Trésors du bouddhisme », Paris, mars 2001. 180 p. Contient : Le sutra du diamant ; Cf. Le Sûtra du diamant, traduit et annoté par Jin Siyan, édition bilingue chinois-français, You-feng, 2007 ; Maître Hsing-Yun (né en 1927), Exégèses sur le ‘Sûtra du diamant’, trad. et annotations par Jin Siyan, You-feng, 2011, p.101.
[12] Như Thật Phật Học Nghiên Cứu Thất biên trước tại thành phố Đài Bắc , 1995, quyển 05 từ trang 417-681., Xin xem thêm Gregory Schopen, “The Manuscript of the Vajracchedika Found at Gilgit, An Annotated Transciption and Translation”, trong “Studies in the Literature of The Great Vehicle: Three Mahayana Buddhist Texts” Luis O. Gomez và Jonathan A. Silk, hiệu đính, Nhà Xuất bản của Viện Đại Học Michigan xuất bản tại Ann Arbor, năm 1989, từ trang 92-94.
[13] Vajracchedikā Prajñāpāramitā-sūtra, ed. Max Müller. Anecdota Oxoniensia, Aryan series, voi. l, part 1. 1811. Text pp. 19-46. Dẫn theo chú thích trong The Diamond-sutra của Edward Conze.
[14] Vajracchedikā Prajñāpāramitā, Edward Conze, London, 1957.
[15] Buddhist Sanskrit Texts, No.17 p.77.
[16] Cf. འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་རྡོ་རྗེ་གཅོད་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ།.
[17] T08n0235, tr. 0750a13. Tham chiếu Huyền Tráng dịch tương đương Đại 08, tr. 754b10: 說是語已, 具壽善現復 白佛言:「世尊, 當何名 此法門, 我當云何奉持?」作是語已, 佛告善現言: 「具壽,今此法門名為 『能斷金剛般 若波羅蜜多』。 如是名字,汝當奉持。何以故?善現,如是般若波羅蜜多,如來 說為非般若波羅蜜多, 是故如來 說名般若波羅蜜多。」Bản dịch Nghĩa Tịnh không có đoạn tương đương.
[18] Skt. Dharmaparyāyaḥ: dịch là Pháp Thoại, Pháp bản thì sát với phạn văn hơn. Phần nhiều Hán dịch là Kinh 涇, Lưu chi và Huyền Tráng đều dịch là Pháp môn 法門 (Đại 08, tr. 754b10; Đại 07, tr. 768c13). Cấp Đa (Đại 08, tr.768c13): pháp bản 法本.
[19] Phiên âm Hán ngữ đoạn này: “Nhĩ thời, Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn : « Thế Tôn, Đương hà danh thử kinh, ngã đẳng vân hà phụng trì » Phật cáo Tu-bồ-đề:thị kinh danh vi “Kim cương Bát-nhã Ba-la-mật”. Dĩ thị danh tự, nhữ đương phụng trì. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề, Phật thuyết Bát-nhã ba-la-mật, tắc phi Bát-nhã Ba-la-mật.” Cf. T08n0235, tr. 0750a13.
[20] Edward Conze, Vajracchedikā Prajñāpāramitā, biên tập- dịch với giới thiệu và chú, Rome, Istituto italiano per il Medio ed Estremo Oriente, 1957, XII-113.
[21] No.17, p.75.
[22] TRANSCRIPTION: pakpa sherap kyipa röltu chinpa dorjé chöpa zheja batek pa chen pömdo.
[23] Cf. Vajra., No.17, p.78: “ārya-vajracchedikā bhagavatī prajñāpāramitā samāptā || འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་རྡོ་རྗེ་གཅོད་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའ་ིམདོ་རྫོགས་སོ།། །།”
[24] Dẫn Đại chánh, Kim cương Bát-nhã, Tử Tuấn.
[25] Skt. Atmasaṃjñā: ấn tưởng, khái niệm hay ý tưởng về ngã. Ngã 我, Skt. Ātman là thuật ngữ quan trọng củaUpanisad và Vedāna, được dùng để diễn tả về tự ngã, thần chủ, thần ngã, thần linh hay linh hồn… Ātman có động từ căn Van (hơi thở). Saṃjñā: Saṃ tiếp đầu ngữ: hết thảy, tập hợp, tất cả v.v… căn jñā có nghĩa là: ý niệm, khái niệm, ấn tượng, tư tưởng, hiểu biết v.v.. ở đây đúng sát theo nghĩa Phạn văn nên chọn là là tập hợp những ấn tượng, ý tưởng hay khái niệm. La Thập dịch là Ngã tướng 我 相. Nếu dùng 相 (lakṣaṇa –tướng)thì dễ bị hiểu lầm là hình tướng hay sắc tướng… Hán dịch Kim Cương chỉ có La Thập và Cấp Đa dịch là tướng, còn lại đều dịch là tưởng.
[26] Skt.Pudgalasaṃjñā, Hán phiên âm: Bổ-đặc-già-la. Dịch là con người, hay sĩ phu. Những khí chất kết nên nhân cách con người, gọi là nhân hay sĩ phu.
[27] Skt. Sattvasaṃjñā: Sattva, từ giống đực, được thành lập từ động từ Saint, hiện tại phân từ của nó có nghĩa là “sự tồn tại” hay “sự hiện hữu” (to be hay being) và được giải thích là một chúng sinh hay hữu tình. Một số nhà Phạn ngữ từ điển viết là sakta, như vậy nó được hình thành từ động từ căn Sanj, có nghĩa là: liên kết, nối kết, gắn bó, miệt mài, gắn chặt v.v.. Trong Pāli ngữ Satta nó có nghĩa là một chúng sinh, một hữu tình hay một con người, đồng nghĩa với དཔའ་ dpa’ của Tạng ngữ, nghĩa là một anh hùng (hero), một người dũng cảm (intrepid person), một chiến sĩ tâm linh (heroic spirit) v.v..
[28] Skt. Jīvasaṃjñā. Jīvasa: thọ giả hay mệnh giả, có động từ Jīva: cá thể, chủ thể… nên Jīvasa: cá thể có sinh mạng hay chủ thể của nhân cách. Cf. Cát Tạng (Kim cương bát nhã sớ Đại 33, No 03) giải thích: “ .. Ngoại đạo chấp có thần ngã, chết nơi này sinh nơi khác, lang thang sáu đường, cho nên gọi Thọ giả”. Theo Khuy Cơ (Kim cương bát nhã kinh tán thuật quyển thượng, Đại 33, No 131): “Thấy mệnh căn đoạn diệt ở quá khứ, đời sau sinh trong sáu đường, gọi là Thọ giả tướng”. Ngoài ra, Đại phẩm bát nhã (Huyền Tráng dịch, Đại 7, No 02) ghi: “… danh từ Thọ giả là một trong mười sáu tên gọi khác của Ngã”.
[29] Định cú Sanskrit: “Parameṇa te subhūte āścaryeṇa samanvāgatā bhaviṣyanti”: Họ là những người thành tựu công đức hiếm có tối thượng. Buddhist Sanskrit Texts, No.17 p.76.
[30] Dẫn thượng, xem Cht.20.
[31] Đại 12, Đại Bát Niết Bàn Kinh, q. 18, tr. 478ab.
[32] Tham chiếu Aspects of Mahayāna Buddhism and its relation to Hinayāna Buddhism, N. Dutt, University Microfilms, 1980.
[33] Đại 26, tr.69b.
[34] Saddharmapuṇḍarīkasūtram, Upāyakauśalyaparivartaḥ, Kệ 45. Cf. དམ་ཆོས་པད་མ་དཀར་པོའི་མདོ dam chos pad-ma dkar po’i mdo,C.II; 妙法蓮華經, 後秦龜茲國三藏法師鳩摩羅什奉 詔譯, T09n0262, tr. 0001a01; Burnouf , Le Lotus De La Bonne Loi, Paris, Imprimerie Nationale, 1852. Kern, H. Saddharma Pundarîka or the Lotus of the True Law, Oxford 1884 (Clarendon Press) Sacred Books of the East, Vol. XXI, New York 1963 (Dover), Delhi 1968.
[35] Cf. MMV.I.i. (Madhyamakāvatāra): “anirodham anutpādam anucchedam aśāśvataṃ | anekārtham anānārtham anāgamam anirgamaṃ || yaḥ pratītyasamutpādaṃ prapañcopaśamaṃ śivaṃ | deśayāmāsa saṃbuddhas taṃvande vadatāṃ varaṃ ||”.