Trang chủ Phật học VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG KINH LĂNG GIÀ PHẠN-HÁN

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG KINH LĂNG GIÀ PHẠN-HÁN

186
0

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG KINH LĂNG GIÀ PHẠN-HÁN
Tư tưởng triết lý “bất động”

Cơ sở hành động triết lý của Đại thừa: bằng tuệ giác và tình yêu, thế giới này được nhận thức như là hoa đốm giữa hư không, vượt ra ngoài tính chất khởi sinh, băng hoại và hủy diệt, vượt ra ngoài ấn tượng (hay quan niệm) về hiện hữu và về sự không hiện hữu.  Đó cũng là tư tưởng chủ đạo của Kinh Lăng-già: “Utpādabhaṅgarahito lokaḥkhapuṣpasaṃnibhaḥ/ sad-asannopalabdhas te prajñayā kṛpayā ca te.”[1]; kệ tụng Sanskrit này đã được Cầu-na-bạt-đà-la dịch qua Hán ngữ rất nổi tiếng: “世間離生滅猶如虛空花智不得有無而興大悲心 Thế gian ly sanh diệt/Do như hư không hoa/Trí bất đắc hữu vô/Nhi hưng đại bi tâm”[2]. Do sự thông đạt ý nghĩa bài tụng Sanskrit này khác nhau mà sự phiên dịch từ qua Hán ngữ có đôi chút dị biệt, Bồ-đề-lưu-chi đã dịch là: “Phật tuệ đại bi quán/ thế gian ly sinh diệt/ do như hư không hoa/ hữu vô bất khả đắc”[3].  Khi ở trạng thái vượt ra ngoài nhị nguyên về hiện hữu và không hiện hữu, phi mọi ấn tượng, lúc đó thể nhập trạng thái mà thuật ngữ Lăng-già gọi là acalā : “bất động”, đây cũng là địa thứ tám ở trong mười địa, ở địa này Bồ-tát đầy đủ năng lực và trí tuệ để vượt qua mọi gian nan – “dvayasaṃjñāvicalanād acalā ca nirucyate[4]: do không còn bị dao động bởi các ấn tượng (hữu tướng hay vô tướng) nên được gọi là Bất động (acalā)”[5].

Giả thiết chúng ta có thể quan niệm được một cách cụ thể rằng một con người nào đó dù đã chết, với sự hoại diệt của thân này, vẫn luôn luôn còn tồn tại trong lịch sử nhân loại, thì sự tồn tại của một vị A-la-hán đã đạt đến bất động nhập vô dư Niết-bàn cũng có thể được quan niệm một cách không khó khăn, nó không còn là một “nan đề” nữa. Vị ấy chỉ đi vào vô dư Niết-bàn theo ý nghĩa ước lệ, ta có thể dẫn một đoạn kinh tiếng Phạn của Lăng-già để minh chứng cho điều này: “aṣṭamyāṃ Mahāmate nirvāṇāṃ śrāvakapratyeka-buddhodhisattvānāṃ/ bodhisattv ca samādhibuddhairvidhāryante tasmāt samādhisukhād, yena na parinirvānti aparipūrịatvāt tathāgatabhūmeḥ/ sarvakāryaprati prasrambhaṇaṃ ca syāt, yadi na saṃdhārayet, tathāgatakula- vaṃśocchedaśca syāt/ acintyabuddha- mahātmayaṃ ca deśayanti te buddhā bhagavantaḥ/ ato na parinirvānti/ śrāvaka-pratyekabuddhās tu samādhisukhenāpahriyante/ atas teṣāṃ tatra parinirvāṇabudhir bhavati” [6]: Tam-muội mà Bồ Tát ở địa thứ tám chứng đạt được cũng đồng với Niết-bàn của Thanh văn và Duyên giác. Nhưng do năng lực hỗ trợ của chư Phật nên Bồ Tát ở nơi tam-muội môn mà không nhập Niết-bàn. Vì nếu không được duy trì, thì Bồ Tát sẽ không còn hóa độ hết thảy chúng sinh được nữa; không thể thành tựu viên mãn địa vị Như Lai, và như thế là làm dứt chủng tính Như Lai. Cho nên, chư Phật giảng thuyết các công đức vĩ đại, bất khả tư nghị của Như Lai, khiến cho Bồ Tát không triệt để nhập Niết-bàn. Thanh văn và Duyên giác vì còn bị dính mắc vào lạc thú của tam-muội cho nên ở trong đó mà có ấn tượng là nhập Niết-bàn[7].

Bồ tát Đại Tuệ tán thán Phật trong kinh Lăng-già mà chúng ta đã dẫn ở trên: Bằng Bi và Trí, mà Bồ tát biết rõ bản chất của thế gian, là sinh diệt hay không diệt; là hiện hữu hay không hiện hữu. Với ý nghĩa trên Lăng-già phân làm ba loại trí – “…lokottara laukika lokottaratamaṃ jñānam”[8]:  có ba loại trí, thế gian (laukika) của các triết gia ngoại đạo, xuất thế gian (lokottara) của Nhị thừa, và xuất thế gian thượng trí (lokottaratamaṃ jñānam) của Bồ Tát.

Khi hành giả thông đạt đến mức độ sức mạnh tâm linh tương ứng để có thể nhập vào một thứ định tên là: “Đại thừa quang minh định”[9], định này nó phát ra ánh sáng trí tuệ soi rọi sáng lý, giáo, hành, và quả của Đại thừa. Về sau,Lăng-già tiếp tục đề ra ý niệm “chuyển y”, và cảnh cáo rằng: ai thấy bất động hay Niết-bàn là thường, thì đó là thường kiến, là thế gian trí, chứ không phải là chánh kiến hay xuất thế gian thượng trí – “Punar aparaṃ Mahāmate nirvāṇam āryajñānapratyātmagatigocaraṃ śāśvatocchedavikalpabhāvābhā-vavivarjitam[10]: Lại nữa, này Đại Huệ, Niết-bàn là cảnh giới của Thánh trí tự chứng vượt ngoài phân biệt thường hằng và đoạn diệt, hiện hữu hay phi hiện hữu.

Sự tồn tại của chúng có thể được nhận thức bằng trực giác, tức điều mà Lăng-già nói là hiện lượng của tự tâm. Vì vậy, cũng không thể có chuyện nhàm chán khổ đau mà mong cầu đến chỗ bất động, Niết-bàn: “Năm thức thân vốn không lưu chuyển, không cảm thọ khổ lạc, không phải là nhân của Niết-bàn. Như Lai tạng cùng chuyển hiện và ngưng nghỉ với nhân của khổ và lạc được cảm thọ, bị che mờ bởi bốn loại tập khí”[11].

Cũng nên nói thêm theo quan điểm Lăng già, Bồ tát trước địa thứ sáu cũng có thể hiện khởi diệt tận định – “Bồ tát từ sơ địa đến thứ sáu đều có thể nhập diệt tận định…. Bồ tát địa thứ bảy nhập diệt tận định trong từng niệm niệm, vì đã có thể viễn ly tất cả tướng hữu và tướng vô của hết thảy pháp.”[12]. Khi chứng đắc anutpattidharmakśānti – vô sinh pháp nhẫn, chứng nghiệm tự tánh không sinh khởi của các pháp. Bồ-tát từ địa thứ sáu, thành tựu Bát-nhã ba-la-mật, thâm nhập và thông đạt tính Không, nhận thức tất cả các pháp bản lai vốn không sinh, không diệt. Nhận thức này được gọi là thuận nhẫn. Từ địa thứ bảy đến thứ chín, thuận nhẫn chuyển thành vô sinh pháp nhẫn;  Lúc đó, hết thảy thiện căn đều viên mãn, và hết thảy phiền não được diệt tận, do bởi thân và ngữ nghiệp, mà từ vô lượng y trên đó để thể hiện, bấy giờ hoàn toàn thanh tịnh – “tasyāś ca tathatārthatvāt kṣāntilābhād viśuddhitaḥ/ karmadvayād anālambā maitrī kleśakṣayād api//”[13]: vô duyên từ, vì quán chiếu chân như, vì đắc (vô sinh pháp) nhẫn, vì hai nghiệp đã tịnh và vì phiền não đoạn tận.

Hai hình thái sinh tử

Trước tiên, ta mượn viện dẫn một đoạn Lăng-già Phạn ngữ -“…saṃsāravikalpaduḥkhabhayabhītā nirvāṇam anveṣante/ saṃsāranirvāṇayor aviṣeśajñāḥ sarvabhāvavikalpā-bhāvād indriyāṇām anāgataviṣayoparamāc ca mahāmate nirvāṇā-ṇaṃ vikalpayanti napratyātmagati vijñānālayaṃ parāvṛtti-pūrvakaṃ ….”[14]:  Do sợ hãi về nỗi khổ vọng tưởng đối với sinh tử mà họ đi tìm kiếm Niết-bàn. Sinh tử và Niết-bàn vốn không sai biệt, vì hết thảy tồn tại vốn hư vọng, phi hữu. Khi thấy các căn biến mất trong cảnh giới tương lai, này Đại Tuệ! Chúng vọng tưởng là Niết-bàn; nhưng không biết rằng cái biến mất đó là A-lại-da, là kho tàng của nhận thức nội tại, đã được chuyển y từ trước”[15].

Truyền thống đại thừa[16] giải thích sinh tử thành hai loại là:  sinh tử phần đoạn là thực chứng của chúng sinh hư ngụy. Sinh tử biến dịch bất tử là trạng thái của ý sinh thân của A-la-hán, Bích-chi-Phật và Đại lực Bồ tát.

Trước hết ta nói tới Ý sinh thân, từ Sanskrit ở Saddharmalaṅkāvatārasūtram gọi là: manomaya-kāya; cũng nói là ý thành thân[17]. Có ba loại ý thành thân[18]:

1. Samādhisukhasamāpattimanomaya[19] – nhập tam-muội lạc chánh thọ ý thành thân: Bồ Tát ở các địa thứ ba, thứ tư và thứ năm khi nhập tam muội, dứt mọi tạp loạn, tâm tịch nhiên bất động; biển tâm không nổi lên các sóng chuyển thức; tâm nhận thức cảnh toàn triệt, nhưng không có gì tồn tại. Đó là thân được ý tạo thành do lạc thú của tam-muội.

 2. Svabhāvāvabodhamanomaya[20] – Giác pháp tự tánh ý thành thân, Ở địa thứ tám, Bồ Tát nhận thức rõ các pháp là như huyễn, thảy đều không yếu tính. Tâm chuyển biến sở y của nó mà an trụ vào định như huyễn và các chánh định khác, có khả năng hóa hiện vô lượng thần thông, như hoa nở, nhanh chóng theo ý muốn; như huyễn, như mộng, như ảnh, như tiếng vang; thân không do bốn đại tạo thành hay tương tợ, nhưng đầy đủ trang nghiêm mọi sắc tướng, nhập vào khắp cùng cõi Phật, thấu triệt tự thể của hết thảy các pháp, Đó gọi là thân được sáng tạo bởi sự giác ngộ về tự thể của pháp.

3. Dharmanikāyasahajasaṃskārakriyāmano-maya – Chủng loại câu sanh vô tác hành ý thành thân, thấu suốt tất cả pháp tướng tự chứng của Phật. Đó là thân được sáng tạo do vô tác hành cùng tồn tại với mọi chủng loại[21].

Asaṃskārakriyā, các bản Hán đều đọc là asaṃskārakriyā, do đó dịch là vô tác hành, và các giải thích theo ý nghĩa đó; Thuật ký nói: hành vô tương, vô công dụng. D.T Suzuki dịch theo ý các bản Hán[22]: the will-body which assumed [by a Bodhisattva according to] the class of being [to be saved] and which perfects and achieve [without a thought of its own achievement].

Bồ tát bằng bản nguyện đại lực, với sức mạnh vĩ đại của từ bi, không còn thấy có sự hiện hữu hay tồn tại của một bản ngã cá biệt của mình nữa; thế nên, không còn tiếp thu và bị chi phối  những nỗi thống khổ do hai hình thái sinh tử ảnh hưởng trên bản thân cá biệt của mình; và do đó, Lăng-già diễn tả Bồ-tát không vội nhập Niết-bàn mà muốn ôm trọn tất cả chúng sinh để hướng dẫn chúng vượt qua sự bức bách của phần đoạn và biến dịch sinh tử – “bodhisattvāḥpunar… nirodhasamādhisukhamukhaṃ dṛṭvā pūrva praṇi dhānakṛpākaruṇopetā niṣṭhapadagativibhāgajñā na parinirvānti”[23], các vị Bồ Tát khi nhìn thấy cánh cửa dẫn vào lạc thú tam muội, liền nhớ ngay đến bản nguyện đại bi của mình, tu hành đầy đủ mười phạm trù vô tận, vì thế không nhập Niết-bàn ngay[24].

Quả dị thục vi tế thù thắng được chiêu cảm bởi nghiệp vô lậu có phân biệt, thuật ngữ Lăng –già Sanskrit gọi là acintyācyutigata (vipariṇāmakī cyuti)[25], kinh Thắng man gọi là bất tư nghị biến dịch tử[26], kinh Lăng-già bản Hán dịch là: bất khả tư nghị huân tập biến dịch tử[27], đôi khi ũng được gọi là: bất tư nghị biến dịch tử[28].

Chúng sinh vì quay lưng với Phật tính nên phải chịu đủ hai hình thái sinh tử này. Cho nên, cần phải thấy được Phật tính mới thấy rõ được khởi thủy của sinh tử. Điều này, duy chỉ đức Thế Tôn, mới có thể thông hiểu được khởi thủy đó. Kể cả hàng Bồ-tát Thập địa cũng chưa biết được khởi thủy – “Na ca Mahāmate saṃsārasya pūrvakoṭiḥprajñāyate”[29]: Này Mahāmate, cũng không thể nhận thức được giới hạn tối sơ của luân hồi.

Vô minh trụ địa

Vô minh trụ địa còn được gọi là “vô minh tập địa”[30].  Vô minh tập địa, là dùng cách dịch theo kinh Thắng man. Nguyên ngữ của Lăng-già là avidyāvāsanābhūmi, kinh Thắng man hiểu là do động từ căn Ãvas (vasati): trụ, lưu trú; còn Thành Duy thức luận hiểu từ động từ căn Ãvās (vāsayati): xông hương.

Gọi là vô minh trụ địa hay vô minh tập địa vì nó vượt ra ngoài sự chi phối của các động lực chủ quan, mối quan hệ giữa bản thân cá biệt và thế giới đại đồng còn bị bao phủ trong một bóng tối dày đặc, đó là vô minh trụ địa, Vô minh trụ địa. Vô minh trụ địa ở đây chỉ cho tâm vọng tưởng. Bản thể của nó là vô minh[31].

Giải thích vấn đề này truy nguyên về Lăng-già phạn bản chúng ta thấy kinh chép như sau -“anādikālavividha prapañcadauṣṭhulya vāsanāvāsitaḥ ālayavijñānasaṃśabdito’ vidyāvāsanābhūmijaiḥ saptabhir vijñānaiḥ saha mahodadhitaraṃga vannityam avyu-cchinna śarīraḥ pravartate anityatādo- ṣarahita ātmavādavini-vṛtto’ tyantaprakṛtipriśuddhaḥ”[32]: nghĩa là cái được gọi là A-lại-da thức, vốn được xông ướp bởi các tàn dư tập khí tệ hại của những hý luận từ lâu đời, mà bản thân liên tục không gián đoạn, chuyển động như lớp sóng của đại dương cùng với bảy thức vốn là những mảnh đất của tàn dư tập khí vô minh. Bản Hán dịch tương đương: “Cái được huân tập bởi ác tập hư ngụy từ vô thủy, được gọi là Tạng thức, sinh ra bảy thức, là những vô minh trụ địa. Ví như biển lớn mà nổi sóng, nhưng tự thể của nó vẫn tiếp nối liên tục hằng lưu chuyển không ngừng” [33].

Lăng-già giải thích tiếp – “…ālayavijñānasaṃśabdito’ vidyā-vāsana bhūmajaiḥ saptabhir vijñānaiḥ… pravartate”[34]: cái được gọi là thức a-lại-da chuyển động cùng với bảy thức (là những cái) được sản sinh từ vô minh trụ địa.

Avidyā-vāsāna-bhūmi Hán dịch là vô minh trụ địa , đồng nghĩa với mūlāvidyā -căn bản vô minh, hoặc cũng gọi căn bản bất giác, tức là điều mà luận Đại thừa Khởi tín nói: “Do không thông suốt pháp giới nhất thể tuyệt đối (ekadharmadhātu), nên không tương ưng với tâm mà hốt nhiên khởi vọng niệm, do đó gọi là vô minh”. Đó không phải là một chi trong mười hai chi duyên khởi; nhưng là một niệm bất giác khởi lên khuấy động chân tâm.

Triết thuyết Như Lai Tạng

Trên hội Lăng-già, Bồ-tát Đại Huệ hỏi đức Thế Tôn: Như lai tạng mà Thế tôn nói đến trong các Kinh, là thường hằng, kiên cố, diệu lạc, thường trú; thuyết về Như lai tạng ấy há không tương đồng với thuyết Tự ngã của các ngoại đạo? Phật nói, Như lai tạng mà Ta đề cập không tương đồng với thuyết Tự ngã của các ngoại đạo.

Bồ Tát Đại Huệ lại hỏi: “Nếu không tồn tại một tự ngã, thì cái gì sinh và cái gì diệt?”, Phật giải đáp: “Như Lai tạng là nhân của thiện và bất thiện, sáng tạo nên tất cả các cõi sinh loại”[35].

Như Lai tạng , Lăng-già Phạn ngữ – Tathāgatagạrbha; đó là chủ đề cơ bản của nhiều Kinh điển Đại thừa. Tại sao? Vì Sinh tử thì nương trên Như Lai Tạng[36]; đây là chủ đề căn bản được phân tích bởi Kinh Lăng-già – “tathagatagarbho mahāmate kuśalākuśala-hetukaḥ sarvagatikartā pravartate” [37], Như Lai tạng hoạt động như là nhân của thiện và bất thiện, là cái tạo ra định hướng của tất cả sinh loại[38].  Lăng-già nói rõ rằng không được liên hệ hoạt động của Như Lai tạng như vậy với sự tồn tại của một tự ngã như là tác giả, mà các triết gia ngoại đạo thường có xu hướng làm.

Đọc lại kinh Lăng-già, chúng ta thấy vấn đề được trình bày cụ thể – Bồ-tát Đại Huệ đã hỏi Phật[39]:  “Bạch Thế Tôn, trong nhiều đoạn kinh Như Lai tạng được Thế Tôn mô tả như là có bản chất ngời sáng, bản lai thanh tịnh, thường hằng thanh tịnh, đủ ba mươi hai tướng tốt, thường tồn tại trong thân chúng sinh. Như hạt minh châu vô giá bị bọc trong tấm vải bẩn; (Như Lai tạng) tuy bị quấn chặt bởi chiếc áo uẩn, xứ, giới, bị cáu bẩn bởi chất bẩn tham dục, thù hận, ngu si, hư vọng phân biệt các thứ, vẫn được Thế Tôn mô tả là thường hằng, trường cửu, tịch tĩnh, bất biến. Phải chăng thuyết Như Lai tạng của Thế Tôn không đồng với thuyết tự ngã của Ngoại đạo? Bạch Thế Tôn, Ngoại đạo cũng chủ trương tự ngã, rằng Ngã là tác giả, thường hằng, biến tại, không lệ thuộc yếu tố cấu thành” – và đức Thế-tôn đã trả lời: “… Các đức Như Lai sau khi giảng thuyết Như Lai tạng bằng các cú nghĩa tính không, thật tế, niết-bàn, bất sinh, vô tướng, vô nguyện; với mục đích khiến cho những kẻ phàm ngu dẹp bỏ nỗi kinh hoàng về vô ngã. Các Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác lại giảng thuyết Như Lai tạng như là vô phân biệt, vô ảnh tượng”[40].

Lăng-già đề nghị thay Như Lai tạng bằng A-lại-da thức, như vậy, có thể giải thích dễ dàng hơn bản chất và hoạt động của các quan năng nhận thức thường nghiệm – “aparāvṛtte ca tathāgatagarbhaśabda-saṃśabdite ālayavijñāne nāsti saptānāṃ pravṛttivijñānānāṃ nirodhaḥ”[41]: Nếu thức A-lại-da, được biểu thị bởi từ Như Lai tạng, mà không hoạt động, thì bảy chuyển thức biến mất.

Liên hệ tư tưởng Như Lai tạng, kinh văn tiếp tục trình bày – “Tathāgatagarbho, Mahāmate, kuśalākuśala- hetukah ïsarvajanmagatikartà pravartate naṭavadgatisaṃkaṭa ātmātmīyavarjitah”[42]: Như Lai tạng, này Đại Tuệ, là hạt nhân của thiện và bất thiện, là cái tạo ra định hướng của tất cả sinh loại, như kịch sĩ sáng tác hoạt cảnh vốn không phải là ta hay sở hữu của ta.

Ở một đoạn khác kinh nói tiếp – “Anādikālavividhaprapañcadausthulyavāsanāvāsitaḥ ālayavijñāna-saṃśabdito’vidyāvāsana-bhūmijaih saptabhir vijñānaiḥ saha mahodadhitaraṃgavan nityam avyucchinnaśarīraḥpravartate anityatādoṣarahita ātmavādavinivṛtto’ tyantaprakṛtipariśuddhaḥ”[43], Cái được gọi là thức A-lại-da, vốn được huân tập bởi tập khí xấu của hý luận vọng tưởng phức tạp kể từ thời vô thủy, cùng chuyển biến với bảy thức vốn (là những cái) nảy sinh từ mảnh đất được xông bởi tập khí vô minh (tức vô minh trụ địa). Cũng như sóng của biển cả, tự thể của nó vẫn thường hằng, liên tục không gián đọạn, (Như Lai tạng) tự bản tính vốn cực kỳ thuần tịnh, vượt ngoài các quan điểm về tự ngã, không có khuyết điểm của tính chất vô thường;

Và kinh nói thêm – “…ayaṃ Tathāgata-garbhālayavijñānagocaraḥ sarvaśrāvakapratyeka buddhatīrthya-vitarkadarśanānāṃ prakṛtipariśuddho’pi san aśuddha ivāgantukleśopakiṣṭatayā teṣām ābhāti na tu Tathāgatānām”[44], Này Đại Tuệ, cảnh giới của Như Lai tạng này, mà được gọi là A-lại-da thức, tự bản chất vốn thanh tịnh, đối với kiến giải của các nhà tư biện ngoại đạo và Thanh văn, Duyên giác thì nó tồn tại như là bị ô nhiễm bởi khách trần phiền não; nhưng đối với các Như Lai thì không phải vậy.

Và ở trong kinh Lăng già, Thế Tôn nói ngài đã từng giảng dạy vấn đề này cho Thắng Man phu nhân – “etadeva Mahāmate mayā Śrīmālāṃ devīm adhikṛtya deśanāpaṭhe anyāṃś ca sùkṣmanipuṇaviśuddhabuddhīn bodhisattvān adhiṣṭhāya Tathā-gatagarbha ālayavijñānasaṃśabditaḥ saptabhir vijñānaiḥ saha pravṛtty abhiniviṣṭānāṃśrāvakāṇāṃ dharmanairātmyapradarśa-nārthaṃ Śrīmālāṃ devīm adhiṣṭhāya Tathāgataviṣayo deśito na śrāvakapratyekabuddhānyatīrthakaratarkaviṣayo- ‘nyatra… Tathā-gataviṣaya eva Tathāgatagarbha ālayavijñānaviṣayas tvatsadṛśānāṃ ca sūkṣmanipuṇamatibuddhiprabhedakānāṃ bodhi-sattvānāṃ mahāsattvānām arthapratiśaraṇānāṃ no tu yathāruta-deśanāpaṭhābhiniviṣṭānāṃ sarvānyatīrthyaśrāvakapratyekabuddhānām”[45], Này Đại Tuệ, Ta đã từng giảng điều này cho Thắng Man Phu nhân và cũng hỗ trợ các Bồ Tát có trí năng vi diệu tinh tế, rằng Như Lai tạng, vốn được gọi tên là thức a-lại-da cùng chuyển động với bảy thức, mục đích là nêu rõ yếu tính vô ngã của các pháp cho các Thanh văn còn chấp trước. Ta cũng hỗ trợ cho Thắng Man Phu nhân giảng về cảnh giới của Như Lai, vốn không phải là cảnh giới của Thanh văn, Bích-chi-Phật và tư biện ngoại đạo. Nhưng cảnh giới của Như Lai chính là cảnh giới của Như Lai tạng được gọi tên là thức a-lại-da, được giảng cho các Bồ Tát thuộc hạng có trí năng thanh tịnh, tinh tế, vi diệu như ngươi, chứ không phải cho hết thảy các ngoại đạo, Thanh văn, Bích-chi-Phật chấp chặt vào văn tự giải thuyết.

Các nhà Phật học Đại thừa thường dẫn đoạn kinh sau để giải thích về Như Lai Tạng: “Như Lai tạng với tự tánh thanh tịnh này tuy bị ô nhiễm bởi phiền não khách trần và phiền não hiện khởi, nhưng vẫn là cảnh giới bất tư nghị của Như Lai. Vì sao? Thiện tâm sát-na không phải là bị nhiễm ô bởi phiền não” [46].

Sanskrit Lăng-già gọi là: kṣaṇika-kuśala-citta, hán dịch là Sát-na thiện tâm ta có thể tóm tắt từ Kinh Lăng-già như sau[47] – … kṣaṇika-dharma kuśala akuśala saṃskṛta pañcopādāna-skandhā citta-mano-manovijñānavāsanāhetukā,… – Những pháp có thuộc tính sát na (kṣaṇika-dharma) là các pháp thiện (kuśala), bất thiện (akuśala), hữu vi (saṃskṛta), vô vi (asaṃskṛta), v.v.. nói tóm, là năm thủ uẩn (pañcopādāna-skandhā) được phát triển do bởi tập khí của tâm-ý-ý thức (citta-mano-manovijñānavāsanāhetukā)… Thiện và bất thiện là tám thức… Năm thức thân (pañcavijñāna- kayā) cùng chuyển biến với ý thức như là một toàn thể đồng nhất liên tục không gián đoạn, đồng nhất không khác biệt nhau của các sát na thiện và bất thiện.

Như lai tạng mà trong Lăng-già đức Thế Tôn mô tả bằng các phạm trù ý nghĩa như tính Không, Thật tế, Niết-bàn, Vô sinh, Vô tướng, Vô nguyện, là nhắm để những kẻ ngu loại trừ nỗi sợ hãi, điên đảo về vô ngã[48].

Như Lai tạng ấy tự tính vốn thanh tịnh; nhưng bị ô nhiễm bởi khách trần mà thành bất tịnh. Điều ấy, hàng Nhị thừa cùng ngoại đạo không thể suy luận, không thể thấy, không thể hiện chứng được. Nhưng Như Lai thấy điều ấy một cách rõ ràng như thấy quả am-ma-lặc trong bàn tay[49].

Quá trình diệt ngã

Tổng quát, Lăng-già nêu quan điểm về ngã có hai loại:

1/ Câu sinh;

2/ Hư vọng phân biệt.

“Tatra Mahāmate satkāyadṛṣṭir dvividhā yaduta sahajā ca parikalpitā ca” [50]: Thân kiến có hai: 1. câu sanh, 2. hư vọng phân biệt. Ngoài văn kinh Lăng-già ra, chúng ta cũng có thể căn cứ thêm vào Thành Duy Thức để giải thích như sau:

1. Ngã chấp câu sinh: do năng lực của nhân nội tại được xông ướp bởi hư vọng kể từ thời vô thủy đến nay, thường hằng tồn tại hiện hữu cùng với thân; không cần phải chịu ảnh hưởng bởi tà giáo và tà phân biệt, mà chuyển hiện một cách tự nhiên, vì vậy gọi là câu sinh.

Loại ngã chấp này lại có hai thứ:

a. Thường tương tục, ở tại thức thứ bảy; nó lấy thức thứ tám làm đối tượng khiến khởi sinh hình tướng của tự tâm, rồi chấp đó là thực ngã.  Khởi tự tâm tướng là gì[51], có hai giải thích:

+ Tướng là ảnh tượng;

+ Tướng là cái bị chấp.

Thuật ký giải thêm, đây là tướng của tự tâm của thức thứ bảy. Hay nói cách khác sở duyên đều là tướng phần của tự tâm…

b. Có gián đoạn, tại thức thứ sáu; nó lấy hình tướng năm thủ uẩn, vốn là biến hiện của thức, làm đối tượng, hoặc tổng thể hoặc cá biệt, hay nói theo Thuật ký tức là lấy tổng thể ngũ uẩn làm đối tượng; hoăc lấy từng uẩn cá biệt làm đối tượng, sau đó khiến sinh khởi tướng của tự tâm, nhưng phải hiểu theo Thuật ký tướng của tự tâm, chỉ tướng là ảnh tượng; rồi chấp đó là thực ngã.

Cả hai chấp trước này rất khó đoạn trừ, vì rất vi tế. Về sau, trong việc tu đạo, thường xuyên tu tập sinh khởi không quán đặc biệt, hay nói theo thuật ngữ Lăng-già là Thắng sinh không quán – rotaāpannasya sadasatpakṣadṛṣṭidarśaṇāt satkāyadṛṣṭiḥ prahīṇā bhavati [52]: Khi Tu-đà-hoàn thấy rõ kiến chấp sai lầm về hữu và phi hữu, thân kiến (câu sanh) mới được đoạn trừ.”

2.  Ngã chấp do phân biệt: cũng do năng lực của ngoại duyên hiện tại, không cùng tồn tại với thân, mà cần phải có ảnh hưởng của tà giáo và tà phân biệt mới có thể phát khởi, do đó nói là phân biệt.

Nó chỉ tồn tại trong thức thứ sáu là ý. Loại này cũng có hai thứ:

+ Duyên vào tướng của uẩn được thuyết bởi tà giáo khiến sinh khởi tướng của tự tâm, rồi phân biệt suy diễn chấp là thực ngã.

+ Duyên vào tướng của ngã được thuyết bởi tà giáo khiến sinh khởi tướng của tự tâm, rồi phân biệt suy diễn chấp đó là thực ngã.

Hai loại ngã chấp này dễ bị đoạn trừ, vì thô. Khi ở sơ khởi của kiến đạo, hay gọi tắt là Sơ kiến đạo; kiến đạo có hai phần: chân kiến đạo và tướng kiến đạo, đây thuộc phần đầu. Quán chân như về sinh khởi không và pháp không của hết thảy các pháp thì có thể đoạn trừ – “sā ca tasya pudgalanairātmyagrahābhāvataḥ prahīṇā”[53] kiến chấp này bị đoạn trừ khi (Tu-đà-hoàn) không còn chấp chặt đối với nhân vô ngã.”

Thuyết bản hữu

Thành Duy thức luận, nêu quan điểm cho rằng hết thảy chủng tử đều là bản hữu, không do bởi huân tập mới phát sinh; Sanskrit ta có thuật ngữ là vāsanā, hán dịch là tập khí, huân tập, tàn khí, tập quán dư tàn. Ta phân tích từ động từ căn có trường hợp, hoăc 1/ Ãvās (vāsayati): xông ướp, xông hương. 2/ Ãvas (vasati): ở, cư trú. Ở trong kinh Thắng man theo giải thích nghĩa sau, nên dịch là trụ địa. Nhưng do ảnh hưởng của sự huân tập mà nó phát triển.

Như Chủng chủng giới đã có đề cập, mà ta có thể dẫn ở Đại thừa trang nghiêm 1[54] với tên kinh là Đa giới tu-đa-la (Bahudhātuka-sūtra), Pāli tương đương, Bahudhātuka-suttaṃ[55], đều có ghi rằng đại khái rằng: hết thảy hữu tình, từ vô thủy đến nay, có đa dạng giới, như đống ác-xoa, tồn tại một cách tự nhiên như vậy.  Ác xoa hay Ác-xoa tụ, từ Sanskrit là akṣa, hoặc rudrākṣa, Hán dịch: diên quán châu, kim cang tử; tên khoa học của nó: Eleocarpus ganitrus; theo Thuật ký: ác-xoa, có hình dạng như hat vô thực tử  無食子. Khi rụng, chúng tự nhóm lại thành đống.  

Còn Giới là tên gọi khác của chủng tử. Theo Kinh Đại thừa A-tì-đạt-ma[56], dẫn bởi Nhiếp luận thích[57]: vô thủy thời lai giới, nhất thiết pháp đẳng y. Do thử hữu chư thú, cập niết-bàn chứng đắc 無始時 來界, 一切法等依, 由此有諸趣, 及涅槃證得. Ở Thành Duy thức luận ta có tương đương: “Giới, từ vô thủy đến nay, là sở y của hết thảy pháp.”

Giới đây có nghĩa là nhân. Du-già cũng nói: “Thể của chủng tử, từ vô thủy đến nay, tương tục không đứt tuyệt; tính tuy tồn tại từ vô thủy, nhưng do sự huân tập sai biệt bởi nghiếp tịnh và bất tịnh mới phát sinh. Do quan hệ với quả dị thục được tiếp nhận thường xuyên, nó được nói là mới.”[58] Nói cách khác tự tính của các chủng tử, từ vô thủy đến nay, tuy là bản hữu, nhưng do cái mới được huân tập như là nhiễm hay tịnh mà phát khởi.

Các loại hữu tình, từ vô thủy đến nay, nếu thuộc pháp Bát-niết-bàn, tất cả thảy đều đầy đủ. Nếu không thuộc pháp bát-niết-bàn, khuyết chủng tử của ba loại bồ-đề mà ở Du-già đã nói rõ[59].

Các hữu tình đã được nói là bản lai có năm chủng tính khác nhau do đó cần phải xác định có chủng tử pháp nhĩ, không phát sinh do bởi huân tập. Tại sao ? Nhập Lăng-già 2[60] nói rõ, về chủng tính của năm thừa – “punar mahāmate pañcābhisamayagotrāṇi. katamāni pañca? yad uta śrāvakayānābhi-samayagotraṃ, pratyekabuddhayāna-, tathāgatayāna-, aniyataikataragotraṃ, agotraṃ”:  Này Đại Huệ, có năm chủng tính được hiện chứng. Đó là, chủng tính hiện chứng Thanh văn thừa, chủng tính hiện chứng Độc giác thừa, chủng tính hiện chứng Như lai thừa, chủng tính bất định, và không chủng tính.

Giải thích vấn đề này của kinh Lăng già ta có thể dẫn ở Vô thượng y kinh 1[61], hay Thiện dũng mãnh bát-nhã 1 tứcĐại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, quyển 593, hội thứ 16[62]

Du-già cũng nói rõ[63] : “Sinh nại-lạc-ca, thành tựu bao nhiêu căn? … Ba căn (vô lậu), ước hiện hành thì không thành tựu; ước chủng tử thì thành tựu”, tức là địa ngục thành tựu ba vô lậu căn, đó chính là chủng tử chứ không phải hiện hành.

Ta lại tiếp tục dẫn dài dòng ở Du-già 35[64]: Có hai loại chủng tính, chủng tính bản tính trụ (prakṛtistha-gotra), và chủng tính tập sở thành (samudānīta-gotra)… Bản tính trụ, sáu xứ của Bồ tát, với hình thái đặc biệt như thế, kể từ vô thủy lần lượt truyền đến nay, sở đắc bởi tự nhiên (dharmatā: pháp nhĩ). Tập sở thành, thiện căn đạt được do tập quán từ trước. Đó là giải thích cặn kẽ chủng tính bản tính trụ, đạt được một cách tự nhiên, từ vô thủy lần lượt tiếp truyền đến nay.

Từ các dẫn chứng như thế để ta hiểu rõ thêm thuyết bản hữu liên hệ với kinh Lăng-già, chứng minh rằng chủng tử vô lậu vốn là pháp nhĩ bản hữu, chứ không do huân tập mà phát sinh. Chủng tử hữu lậu tất nhiên cũng tồn tại một cách tự nhiên (pháp nhĩ hữu), do huân tập mà phát triển, không phải do huân tập riêng biệt mà phát sinh. Như vậy, nhân quả được thiết lập không tạp loạn.

Quan hệ các phần

Bốn phần, ở trong Thành duy thức luận có giải thích cặn kẽ, ở đây không lập lại dài dòng, mà chỉ nói về quan hệ của các phần này.

Thành Duy thức luận giải thích: Bốn phần hoặc được thâu tóm thành ba, tức phần thứ tư được coi như là phần tự chứng. Hoặc bốn phần tóm lại thành hai, vì cả ba phần sau đều có tính chất năng duyên nên được coi như là kiến phần. Ở đây nói kiến, tức có nghĩa là năng duyên.

Luận nói tiếp: Hoăc có khi bốn phần tổng quát thành một, vì thể của chúng không dị biệt;

Vấn đề này, Lăng-già giải thích – “vikalpavāsanābaddhaṃ vicitram cittasambhavam/ bahirdhā jāyate nṛṇāṃcittamātram hi laukikam/”[65] : bị dính chặt bởi tập khí phân biệt, tâm xuất hiện đa thù; người đời thấy nó xuất sinh bên ngoai, nhưng quả thực thế giới chỉ là tâm. Hán dịch, Nhập Lăng-già của Bồ-đề-lưu-chi, quyển 10[66] tương đương: 分別依熏習 種種生種種 眾生心見 我說惟心. Cũng có thể nói là do tự tâm chấp trước, tâm chuyển biến thành ảnh tợ ngoại cảnh. Thế nên, cái được thấy kia không thực hữu, cho nên nói duy tâm.

Tóm lại, rải rác nhiều nơi, duy nhất tâm được nói đến. Từ nhất tâm này cũng gồm luôn cả tâm sở. Vì vậy, hành tướng của thức chính là liễu biệt. Mà liễu biệt chính là kiến phần của thức vậy.

Các biệt danh và chứng minh sự tồn tại của ālaya

Ta thấy trong Lăng-già Phạn ngữ ālaya được gọi bằng khyātivijñāna[67] mà hán dịch là Hiện, vì các pháp hiển hiện trên đó. Từ thứ hai ta tìm thấy là vastuprativikalpa-vijñāna[68] hán gọi là Thức, tức thức phân biệt sự, đó là điều mà ta có thể dẫn bởi Vô tướng.

Tuy các hữu tình thảy đều thành tựu thức thứ tám, nhưng tùy theo ý nghĩa mà lập nhiều tên gọi khác nhau. Trong các bản kinh Đại thừa Phạn ngữ khác ta thấy ālaya còn được gọi là citta mà ở trong Thuật ký ghi: Phạn nói chất-đa 質多. Hiểu theo ngữ nguyên Sanskrit, động từ căn Ãci: tích luỹ. Nhiếp luận bản 1 cũng giải thích[69]: nói là tâm (citta), vì nó là nơi tích luỹ (ācita) chủng tử được huân tập của các chủng loại pháp sai biệt. Cũng vì nó là là nơi tích luỹ chủng tử được huân tập của các pháp vạn thù sai biệt cho nên ta gọi nó là tâm (citta).

Ālaya còn được gọi ādāna (A-đà-na) hay vijñeyāśraya (sở-tri-y) ở trong Nghĩa đăng có đến mười bốn tên gọi khác nhau[70].

Làm thế nào để có thể biết tồn tại thức thứ tám này với tự thể riêng biệt ngoài sáu thức như thức con mắt v.v..? Đó chính là câu hỏi do Luận chủ Thành duy thức tự vấn, rồi tự đáp: Do y chỉ āgama-pramāṇa tức là định lượng, chỉ Thánh giáo lượng, hay nơi chính lý của Thánh giáo như là nguồn nhận thức có thẩm quyền. Kinh Lăng-già trả lời câu hỏi này –“taraṅgā hy udadher yadvat pavanapratyayeritāḥ/ nṛtyamānāḥ pravartante vyucchedaś ca vidyate//99/ ālayaughas tathā nityaṃ viṣayapavaneritaḥ/ citrais taraṅgavijñānair nṛtyamānaḥ pravartate// 100/” [71]: Như những con sóng trên đại dương bị kích động bởi gió, người ta thấy chúng hoạt động nhảy múa không ngừng. Dòng lũ a-lại-da cũng vậy, thường xuyên bị kích động bởi gió ngoại cảnh, các con sóng thức muôn vẻ hoạt động như nhảy múa [72].

Ta có thể giải thích tổng hợp qua các tụng bản Lăng-già: Như biển gặp điều kiện gió dấy lên vô vàn sóng, hiện tiền tác dụng chuyển, không bao giờ gián đoạn. Tàng thức cũng như vậy, bị kích bởi gió cảnh, hằng dấy các sóng thức, hiện tiền tác dụng chuyển. Tức là các thức như con mắt v.v.. không thường xuyên liên tục chuyển khởi các thức như sóng trên biển cả, do đó biệt chỉ riêng biệt có thức thứ tám tồn tại.

Ta có bài kệ trong kinh Lăng-già như sau – “cittam ālayavijñānaṃ mano yan manyanātmakam/ gṛhṇāti viṣayān yena vijñānaṃ hi tad ucyate//” [73]: Tàng thức gọi là tâm; Tính tư lương là ý; Nhận biết các cảnh tướng, Chúng được gọi là thức.

Thức a-lại-da bị gió nghiệp thổi, nó y chỉ khắp trên các căn, hằng tương tục chuyển vận, đây là điều Thuật ký nói được dẫn chứng Lăng-già. Các tụng bản Lăng-già Hán dịch không có đoạn tương đương. Tập thành biên[74] dẫn Lăng-già 9[75] chúng ta không có minh văn dẫn chính xác, chỉ có đại ý tương đồng[76].

Trong kho tàng kinh điển Đại thừa, sự tồn tại của thức thứ tám được đặc biệt nói đến. Các kinh Đại thừa đều dẫn đến vô ngã, đối nghịch số thủ thú, quay lưng lại với dòng lưu chuyển mà xu hướng đến hoàn diệt, tán thán Phật, Pháp, Tăng, chỉ trích các Ngoại đạo, biểu dương các pháp như uẩn v.v.. bác bỏ thắng tính các thứ. Vậy Số thủ thú 數取趣  là gì? Nó được dịch nghĩa của từ Phạn ngữ pudgala (bổ-đặc-già-la), tự ngã như là nhân xưng hay nhân cách; chủ thể của nhận thức, và luân hồi.

Và cũng nên biết rằng tâm hữu lậu v.v… không thể chứng thật lý, Kinh nói: “Trong gia hành vị, khởi hai không quán về sinh và pháp vẫn còn mang ấn tượng về không tướng, chưa chứng thật lý, nên gọi là giả tướng”[77]; vì thế tất cả đều được gọi là phân biệt hư vọng – “yaduta ālayavijñānasya abhūtaparikalpa-vāsanāvaicitryanirodhaḥ…”[78] Khi tập khí của hư vọng phân biệt của a-lại-da thức diệt[79]… Kinh không nhất thiết khẳng định thứ tám là năng phân biệt.

Những ai hâm mộ Đại thừa đều thừa nhận các kinh đó được liệt vào các Kinh điển hiển thị chân lý không điên đảo, vì chúng được bao hàm āgama-pramāṇa: Chí giáo lượng 至教量, hay Thánh giáo lượng; tức là nguồn nhận thức chân chính, hay thẩm quyên nhận thức, có từ Thánh giáo hay Thánh điển.

Sở y của mạt-na

Lăng già nói – “ālāyaṃ hi samāśritya mano vai saṃpravartate/ cittaṃ manaś ca saṃśritya vijñānaṃsaṃpravartate”[80]:  Mạt-na y chỉ a-lại-da mà tiến hành hoạt động. Thức y chỉ tâm và ý mà tiến hành hoạt động

Thuật ngữ duy thức gọi là y bĩ chuyển 依彼轉, nghĩa là Y trên (thức) kia mà chuyển, nguyên văn phạn ngữ -“tad āśritya pravartate. Sthiramati (Bhāṣya): « tad-vāsanāśrayo hy ālayavijñānam atas tad āśritya pravartate saṃtānenotpadyata ity arthaḥ” [81], sở y của tập khí của nó là thức a-lại-da; do y chỉ trên đó mà nó vận hành, nghĩa là nó sinh khởi liên tục tiếp nối. Đoạn văn vừa dẫn nêu rõ sở y của thức này, Thức kia, tức thức năng biến thứ nhất.Du-già luận nói rằng: “Do có a-lại-da mà có mạt-na” [82], nói khác đi thức này y chỉ nơi Tàng thức.

Nan-đà và Thắng Tử dẫn bởi Thuật ký nói rằng ý này lấy chủng tử của thức (thứ tám) kia, chứ không phải thức hiện hành của nó, hay chính là Hiện thức 現識, tức hiện hành thức; phân biệt với hiện thức (khyātivijñā). Lăng-già giải thích – “dvividhaṃ mahāmate vijñānaṃ saṃkṣepeṇa aṣṭalakṣaṇoktaṃ khyātivijñānaṃ vastuprativikalpavijñānaṃ ca”[83] : thức được nói có tám tướng, tổng lược có hai loại: hiện thức và phân biệt sự thức; làm sở y; Vì nó vận hành không gián đoạn, nên không nương trên thức hiện hành làm sở y câu hữu để xuất hiện.

Ta tạm kết luận về ý này, Mạt-na lấy cả chủng tử và hiện thức của thức kia làm sở y. Tuy nó vận hành không gián đoạn, nhưng có chuyển dịch nên được gọi là chuyển thức. Vì vậy, nó phải tựa vào hiện thức làm câu hữu y mới có thể xuất hiện.

Ba đoạn – Năm pháp

Căn cứ theo Thành Duy Thức luận: Hối, miên duy thông kiến và tu sở đoạn, vì hiện khởi do ảnh hưởng tà kiến các thứ.  

Thuật ký giải thích thêm: Thêm từ “duy”, vì trong Tiểu thừa chúng duy thuộc tu sở đoạn; còn ở đây nói chúng thông cả kiến sở đoạn vì có thể do tà kiền mà khởi. Lại vì chúng không phải được dẫn sinh trực tiếp bởi vô lậu đạo. Tức là giải thích hối, miên không thuộc bất đoạn (phi sở đoạn). Vấn đề: khổ căn vẫn có nơi thân vị vô học; giấc ngủ cũng vậy. Nhưng khổ căn thuộc phi sở đoạn, tại sao hối, miên lại không? Không nơi thân vị hữu học được nhận thức bởi hậu đắc trí trong vô lậu đạo. Hối, miên thì không phải vậy. Và cũng không phải như ưu, do thiết tha mong cầu giải thoát. Do thiết tha cầu giải thoát mà sinh ưu.

Du-già 57[84]: “Như Kinh nói, hướng thượng hy cầu giải thoát mà sinh lo buồn (ưu thích). Hỷ như thế nào? Người tu hành suy nghĩ, nơi đó, chúng Thánh thành tựu và an trú. Cầu thế nào? Người tu hành suy nghĩ, ta sẽ thành tựu và an trú nơi đó. Buồn (thích) là thế nào? Buồn vì không thỏa mãn tình trạng hạ liệt.  Lo (ưu) thế nào? Trông mong đạt đến vô thượng.” . Ưu như vậy không đồng ố tác, cho nên, ưu căn thuộc phi sở đoạn, ố tác không phải như vậy. Cái đã bị đoạn rối thì gọi là phi sở đoạn, cho nên thụy miên nơi bậc vô học thuộc phi sở đoạn, kinh nói: “Phi sở đoạn là gì? Hết thảy pháp hữu học xuất thế gian, hết thảy pháp nơi tương tục (thân) của vị vô học; trong đó, nếu các pháp xuất thế, tự tính ở trong tất cả mọi thời nên được gọi là phi sở đoạn (không cần phải đoạn trừ, aprahātavya, apraheya). Các pháp còn lại thuộc thế gian do đã bị đoạn trừ rồi nên được gọi là phi sở đoạn.”[85]

Tầm và tứ tuy không thuộc chân vô lậu đạo, Tầm và tứ không tương ưng với vô phân biệt trí, nhưng có thể dẫn đến đó, như trong gia hành vị, do tầm và tứ dẫn khởi chân kiến đạo và được dẫn sinh bởi đó, trong hậu đắc trí có thể dẫn khởi tầm tứ, cho nên thông cả kiến, tu và phi sở đoạn.

Liên hệ đến Kinh Lăng-già, có ý kiến nói tầm tứ là phi sở đoạn, trong năm pháp – “pañca dharmāḥ, nimittaṃ, nāma, vikalpas tathatā, samyagjñānaṃ”[86] : danh, tướng, phân biệt, chính trí, như như [87]; chúng chỉ thuộc phân biệt. Vì Du-già nói chúng là phân biệt: “Các tầm tứ tất là phân biệt. Hoặc có phân biệt mà không phải là tầm tứ…”[88]

Ý kiến khác nói, cả hai cũng thuộc chính trí, vì được nói chính tư duy là vô lậu: “Chính tư dúy, y chính kiến và cùng đồng hành vói nó là tư duy ly dục, tư duy ly sân, tư duy vô hại (cũng gọi là ba thiện tầm). ở trong tu đạo, tương tục tác ý mà tư duy các đế, cùng tương ưng với tác ý vô lậu, khiên tâm thú nhập, cực thú nhập, tầm cầu, cực tầm cầu…”[89], theo đó, thể của chính tư duy là tầm. Vì chúng khiến cho tâm tầm cầu. Và vì được nói chúng là nhân của ngôn thuyết. Ở địa vị chưa cứu cánh, chưa thể có nhận thức hoàn toàn về bệnh và thuốc, trong trí hậu đắc, khi thuyết pháp cho người khác nghe, tất phải nhờ đến tầm tứ, không giống như ở Phật địa, ở đó thuyết pháp mà không cần dụng công. Vì vậy, hai thứ này cũng thông cả vô lậu. Tuy nói là tầm tứ tất nhiên là phân biệt, nhưng không nhất định nói chúng chỉ thuộc pháp thứ ba, vì trong hậu đắc chính trí cũng có phân biệt. Các vấn đề còn lại, chuẩn theo trên, như lý mà suy.

Ngoài ra Lăng-già kể có ba tính: vọng kế tính, duyên khởi tính và viên thành tính[90]; Trường hợp khác Nói y tha khởi tính chỉ bao hàm phân biệt. Biến kế sở chấp bao hàm tướng và danh. Chính trí và chân như được bao hàm trong viên thành thật[91]

Các chủng tử là tập khí của tướng, danh và phân biệt, ta nhắc lại năm pháp (pañcadharmāḥ) của Lăng-già: tướng (nimitta), danh (nāma), phân biệt (vikalpa), như tính (tathātā), chính trí (samyagjñāna). Ở đây muốn kết luận hai pháp sau là vô lậu, không đề cập trong đây, vì không phải là đối tượng của A-lại-da thức. Thân có căn là các căn thuộc sắc và y xứ của căn. Cả hai cái này được chấp thọ bởi thức, được nhận làm tự thể của thức, vì cùng chung an, nguy. Chấp thọ và xứ đều là sở duyên.

Thức dị thể

Luận chủ Thành Duy thức đặt vấn đề: Tự tính của tám thức, không thể nói xác định là nhất thể được. Bởi vì hành tướng, sở y, sở duyên, và tương ưng của chúng khác nhau. Hoặc khi một thức này diệt, các thức khác không diệt. Hình thái năng huân và sở huân của chúng cũng khác nhau.

Nhưng chúng cùng không nhất định là dị biệt. Kinh Lăng-già nói, tám thức như nước và sóng, không có sự sai biệt: “udhadheś ca taraṇgāṇāṃ yathā nāsti viśeṣaṇam/ vijñānānāṃ tathā citte pariṇāmo na labhyate/” [92]: cũng như không có sự sai biệt của các con sóng của biển; cũng vậy, không thể biết được sự chuyển biến của các thức trong tâm[93].Vì nếu tất định chúng dị biệt, sẽ không có tính nhân quả. Và vì, như huyễn sự các thứ, chúng không có định tính.

Như đã được nói ở đoạn trước, các đặc tính sai biệt của thức là y trên lý thế tục chứ không phải chân thắng nghĩa. Có ba thế tục: (saṃvṛti, chân lý theo quy ước): loka-saṃvṛti,  yukti-saṃvṛti, prāpti-saṃvṛti:

1. Thế gian thế tục, những khái niệm về nhà cửa, đoàn quân, rừng cây.

2. Đạo lý thế tục, khái niệm về uẩn, xứ, giới.

3. Chứng đắc thế tục, khái niệm về các quả vị Dự lưu v.v..

Hoặc thêm cái thứ tư: thắng nghĩa thế tục (paramārtha-saṃvṛti).  Đối lại, có bốn thắng nghĩa:

1. Đạo lý thắng nghĩa;

2. Chứng đắc thắng nghĩa;

3. Thắng nghĩa thắng nghĩa;

4. Thế tục thắng nghĩa.

Bởi vì, trong chân thắng nghĩa, tâm và ngữ đạo đều dứt tuyệt. Như kệ Lăng-già nói – “cittaṃ manaśca vijñānaṃlakṣaṇārthaṃ prakalpyate/ abhinnalakṣaṇāny aṣṭau na ca lakṣyaṃ na lakṣaṇam//”[94]: tâm, ý, thức được phân biệt theo ý nghĩa biểu thị; nhưng cả tám không có các tướng khác biệt, cái biểu thị và cái được biểu thị không khác biệt”.Lăng-già Hán ngữ ta có như sau: 心意識八種 俗故相有別 真故相無別 相所相無故; so sánh Nhập Lăng-già 9[95]: tâm ý cập ý thức, phân biệt ngoại tướng nghĩa, bát vô sai biệt tướng, phi năng kiến khả kiến 心意 及意識 分別外相義 八無差別相 非能見可見. Ở đây, ta có thể giải thích theo Thành duy thức tức là Tâm, ý, thức, tám thứ, tục nên tướng sai biệt, chân nên tương vô biệt. Tướng, sở tướng đều không.

Tam giới duy tâm

 “Mama tu mahāmate na nityā nānityā…bāhyabhāvānabhyupagamāt tribhavacittamātropadeśāt…,”[96] Ta không nói thường hay vô thường… vì hữu thể ngoại tại không được thừa nhận, vì ba hữu được chỉ thị duy chỉ tâm.

Đó là triết lý tam giới duy tâm được đề cập đến không chỉ trong Lăng-già mà còn trong khá nhiều kinh điển khác. Ta có thể đọc thêm một đoạn khác ở Dasabhūmika: “te cittamātra ti traidhātukam otaranti, api cā bhavāṅga iti dvādaśa ekacitte/”[97]:  Họ vượt qua ba cõi vốn duy chỉ là tâm, và mười hai hữu chi cũng chỉ là một tâm. Ta dẫn một vài kinh điển để giải thích vấn đề này của kinh Lăng-già:

Thập địa kinh cũng nói[98]:了達三界唯是心十二有支依心有 liễu đạt tam giới duy thị tâm thập nhị hữu chi y tâm hữu. Đoạn khác nói tiếp[99]: 是菩薩作是念三界虛妄但是一心作 thị bồ tát tác thị niệm tam giới hư vọng đãn thị nhất tâm tác.

Kinh Hoa Nghiêm, bản kinh có thẩm quyền về vấn đề này, dạy rõ: “三界虛妄. 但是心作[100] tam giới hư vọng, đãn thị tâm tác; Ở bản dịch khác cũng nói: 三界所有。唯是一心[101] Tam giới sở hữu duy thị nhất tâm.

Giải thâm mật 3: 我說識所緣唯識所現故[102] ngã thuyết thức sở duyên duy thức sở hiện cố

Tức là Sở duyên của thức duy chỉ là cái được hiển hiện bởi thức. Điều này được nói bởi Nhiếp luận (Vô Tính) 4[103].

Điểm này Thành Duy thức luận có phân tích rất rõ ràng, và cũng có nói rằng: “Các pháp đều không lìa tâm”, điều này theo Khuy Cơ được dẫn bởi Lăng-già, nhưng không có minh văn, được dẫn ở nhiều nơi trong kinh.

Tâm tương ưng, vì Tương ưng với tha tính

Ta dẫn một bài tụng trong luận Trang nghiêm kinh: 能取及所取 此二唯心光貪光及信光 二光無二法[104]: Cho rằng tâm hiện tợ thành hai; cũng vậy, hiện tợ tham, v.v.. họăc hiện tọ tín v.v..; pháp nhiễm và nhiễm không khác nhau. Lăng-già có bài kệ tương đương – “cittam davayaprabhāsam rāgādyāsam isyate tadvat/ śraddhādyābhāsam na tadanyo dharmah listakuśalo’sti//”[105]: tâm được cho là ảnh tợ của nó có hai (năng thủ và sở thủ), như ảnh tợ tham các thứ, ảnh tợ tín các thứ, ngoài nó ra không có pháp não là nhiễm hay thiện

Luận sư Duy thức đặt nghi đề: Nếu chúng chỉ là phần vị sai biệt của tâm, vì sao Thánh giáo nói tâm tương ưng, vì tương ưng tha tính chứ không tương tự tính? Lăng-già nói rằng:  “Sinh, cùng tâm tương ưng. Chết, không cùng tâm tương ưng”.”[106] Ta tìm thấy vấn đề này trong Tạp tập như sau[107]: Sau nghĩa của tương ưng; trong đó,  đồng hành tương ưng: tâm và tâm pháp cùng đồng hành hỗ tương nơi đối tượng (sở duyên)… Tương ưng vớ tha tính chứ không tương ưng với tự tính. Như tâm không tương ưng với các tâm khác (cùng tự tính)”.

Nhập Lăng già giải thích: “Tâm và tâm sở pháp cùng một thời không phải trước sau, như mặt trời và ánh sáng của nó cùng một thời, mà phân biệt thành nhièu hình thái khác nhau”[108]. Nghĩa là Tâm và tâm sở cùng thời khởi như mặt trời với ánh sáng. Đây là nói về tâm sở không phải tâm. Hay nói theo Thuật ký các nhà Hữu bộ cho rằng không có tâm sở riêng biệt, mà chỉ là phần vị sai biệt trước sau của tâm.

Các chủng tánh

Chủng tánh (gotra) ở đây cũng hiểu là chủng tử (bīja), là giới (dhātu), là tánh (prakṛti).”  Quan điểm Duy thức gọi chủng tử là công năng tiềm thế, khi đủ duyên thì phát khởi hiện hành.

Phạn bản Lăng-già (và Nhập Lăng-già 2)[109] – “pañca abhisamayagotrāṇi … śrāvakayānābhisamayagotraṃ, pratyekabuddha-, tathāgata, anitya-taikataragotraṃ agotram[110] , Phật y trên năm hạng chủng tánh mà thành lập năm thừa[111]: chủng tánh Thanh văn thừa, Bích-chi-phật thừa, Như lai thừa, bất định thừa, và vô tánh. Hạng chủng tánh bất định, là không nhất định sẽ chứng thừa nào, mà tùy theo điều kiện ban đầu; gặp nhân duyên với thừa nào thì phát tâm và thành tựu cứu cánh trong thừa đó. Hạng vô chủng tánh, mà kinh gọi là nhất-xiển-đề, là hạng không có chủng tánh Niết-bàn.

Theo Lăng-già: Nhất-xiển-đề là hạng không có Niết-bàn tánh. Hạng này không có tín tâm để tin rằng có sự giải thoát nên không hề có ý hướng về sự nhập Niết-bàn. [112] Nhóm chủng tánh này cũng được chia thành hai nhánh:

+ Nhánh đoạn thiện căn do không có một chút gốc rễ thiện gì để có thể tin tưởng có giải thoát và Niết-bàn.

+ Nhánh thứ hai, Bồ-tát do đại bi nên vĩnh viễn không hề có ý hướng Niết-bàn[113].

Như vậy, các loại chủng tánh được kể trong kinh Lăng-già rất cụ thể, có thể tìm đọc nguyên văn của kinh để hiểu rõ hơn.

Nguồn: Hoavouu.com


[1] Saddharmalaṅkāvatārasūtram (dẫn: Laṇkā), tr. 10.

[2] Lăng-già a-bạt-đà-la bảo kinh (4 quyển), Đại 16, tr. 480a.

[3] Nhập Lăng-già kinh (10 quyển), Đại 16, tr. 519a8. Cf. Đại thừa nhập Lăng-già kinh (7 quyển), Thật-xoa-nan-đà dịch, Đại 16, tr. 590b29.

[4] Sūtrālankā, tr. 17423.

[5] Cf. Trang nghiêm kinh, tr. 659b9.

[6] Laṅkā, tr. 86.20.

[7] Đại 16, tr. 618b 26.

[8] Cf. Lankā, tr. 64:

[9] Nhập Lăng-già (Đường) 3, tr. 602b26; Cf. Giải thâm mật 4, tr. 708b6.

[10] Cf. Laṅka, tr. 41.

[11] Lăng-già 5, Đại 16, tr. 621c. Cf. Laṅkā, tr. 96.

[12] Nhập Lăng-già 7, T16n0671, tr.0554c14. Cf. T16n0672, tr.0618b17.

[13] Śūtrālaṅkāra, xvii. k. 19.

[14] Laṅkā, 27.4.

[15] Lăng-già, Đại 16, tr. 597a15.

[16] Cf. Thắng Man, Cầu-na-bạt-đà-la, Đại chánh 11, No.310. Bản việt, Tuệ Sỹ.

[17] Cf. Lăng-già (Đường) 4, tr. 607b23.

[18] Laṅkā iii, N. 136. Cf. Lăng-già, quyển 4, Đại 16, tr. 607b22.

[19] Cf. Laṅkā, tr. 56.5.

[20] Ibid, tr. 56.5.

[21] Cf. Lăng-già (bản 4 quyển), Đại 16, tr. 497c17; Nhập Lăng-già kinh, Đại 16, tr. 540b16.

[22] Studies in the Lankavatara Sutra, London, 1930.

[23] Cf. Laṅkā, tr. 87.3.

[24] Lăng-già, Đại 16, tr. 618c15.

[25] Laṅkā, N. 63.

[26] Thắng Man, Đại chánh, tr. 219c.

[27] Lăng-già (Ngụy) 2, tr. 252c18.

[28] Lăng-già, (Đường) 2. tr. 596c9.

[29] Laṅkā, tr. 95.

[30] Thành duy thức 8, Đại 31, tr. 45a 23.

[31] Bảo khốt, 52a5.

[32] Laṅkā, tr. 90.9.

[33] Lăng-già 5, Đại 16, tr. 619c5.

[34] Laṅkā, tr. 90.

[35] Tham chiếu Lăng-già 5, Đại 16, tr. 619ab.

[36] Cf. Thắng Man, Cầu-na-bạt-đà-la, Đại chánh 11, No.310. Bản Việt, Tuệ Sỹ.

[37] Laṅkā, tr. 90.7.

[38] Cf. Lăng-già 5, Đại 16, tr. 619c1.

[39] Laṅkā, tr. 33.10. Cf. Lăng-già 11, Đại 16, tr. 599b9.

[40] Ibid, Laṅkā, tr. 33.10.

[41] Laṅkā, tr. 90.18. Cf. Đại thừa nhập Lăng-già 5, Đại 16, tr. 619c13.

[42] Cf. Lanka, tr. 907.

[43] Ibid, tr. 909.

[44] Ibid, tr. 909.

[45] Ibid, tr. 909.

[46] Cf. Thắng Man, Chương XIII. Tự tánh thanh tịnh, Cầu-na-bạt-đà-la, Đại chánh 11, No.310. Bản việt, Tuệ Sỹ.

[47] Cf. Laṅkā, tr. 95 và Lăng-già 5, Đại 16, tr. 621bc.

[48] Laṅkāvatāra, 78 (Nanjio.).

[49] Lăng-già 5, Đại 16, tr. 619c. Cf. Laṅkā, tr. 90.

[50] Cf. Laṅkā, tr. 118. Nhập Lăng-già 4, bản 10 quyển, T16n671, tr.537a17.

[51] Xu yếu, Đại chánh, tr. 621c19.

[52] Laṅkā, ibid.

[53] Laṅkā, ibid.

[54] T31n1604, tr. 594b9. Cf. Thuật ký, đoạn trích dẫn từ kinh Vô tận ý, tức “Phẩm 12. Vô Tận Ý Bồ-tát,” Đại tập kinh 27-30, T12n397; biệt dịch, A-sai-mạt Bồ-tát (Akṣayamati-Bodhisattva) kinh, T12n430. Thuật ký cũng nói, phần đầu đoạn dẫn cũng được dẫn bởi Tì-bà-sa. Cf. Pháp uẩn 10 (T26n1537, tr. 501b24), phẩm Đa giới.

[55] M. iii. 61ff.

[56] Đại chánh chưa có Hán dịch.

[57] T31n1597, tr. 324a18.

[58] Cf. Du-già 3, T30n1579, tr. 284b19.

[59] Ibid., tr. 284a29.

[60] T16n671, tr. 526c8. Cf. Skt. Laṅkā p. 63.

[61] Dẫn theo Thuật ký, ghi là Đại16, số 669, chưa tìm thấy số trang.

[62] T7n220, tr. 1066a29; Skt. Suvikrāntavikrāmaparipṛcchā.

[63] Du-già 57, tr. 615a27.

[64] T30n1579, tr. 478c12.

[65] Cf. Laṅkā, 10 (Sagāthakam). 486.

[66] T16n671, tr. 576c29.

[67] Laṅkā, N. 37.

[68] Laṅkā, N.37.

[69] Nhiếp bản luận 1, Đại chánh, tr. 134a9.

[70] Nghĩa đăng 4 (tr. 729b25): Có 18 tên gọi. Tung nói: 無沒 ,, , / , 無垢, , / , , ,

, / , , , ,: 1. Vô một, không chìm, không tan biến. Có lẽ do Skt. đọc là Alaya (gốc động từ lī: layati, chìm mất, biến mất), thay vì đọc là ālaya. Dẫn luận Vô tướng: vì các chủng tử không chìm ẩn mất nên gọi là vô một. 2. Bản, hay căn bản thức, Skt. mūla-vijñāna. 3. Trạch, cái nhà, một nghĩa khác của từ ālaya. 4. Tàng, nghĩa phổ biên của từ ālaya. 5. Chủng, tức chủng tử thức. 6. Vô cấu, xem giải thích của Luận. 7. Trì, hay chấp trì thức, nghĩa của từ a-đà-na thức (ādāna-vijñāna). 8. Duyên, Skt.pratyaya. Biện trung biên (Madhyānta, k. 10) A-lại-da là điều kiện cho các thức khác xuất hiện (ālayavijjñānam anyeṣāṃ vijñānānāṃ pratyâytvāt pratyaya-vijñānam). 9. Hiển, dẫn luận Vô tương: vì nó làm hiển lộ năm căn, bốn đại (Skt. vijñapti-vijñāna?). 10. Hiện, cì các pháp hiển hiện trên đó; Skt. Khyātivijñāna (Laṅkā, N. 37). 11. Chuyển, dẫn Vô tướng: các pháp y trên nó mà sinh khởi (Skt.pravṛttivijñāna). 12. Tâm, xem giải thích trong Luận. 13. y, vì nó là y chỉ của sở tri, xem giải thích của Luận; Skt.āśraya-vijñāna. 14.Dị, tức dị thục; Skt. vipāka. 15. Thức, dẫn Vô tướng: tức thức phân biệt sự; Skt. vastuprativikalpa-vijñāna (Laṅkā, N.37). 16. Căn, chỉ cho căn bản thức của Hữu bộ. sinh, hữu. 17. Sinh,tức cùng sinh tử uẩn của Hoá địa bộ. 18. Hữu, tức hữu phần thức của Thượng tọa bộ; Skt. bhavānga. Cf. Note. dẫn bởi Tuệ sỹ, Thành Duy Thức Luận bản việt.

[71] Laṅkā ii, kā 99 tt (N. 46).

[72] Cf. Lăng-già bảo 1 (Cầu-na-bạt-đà-la, T16n0670, tr. 484b9); Nhập lăng-già 2 (Bồ-đề-lưu-chi, T16n671, tr. 523b19); Đại thừa Nhập Lăng già 2 (T16n0672, tr. 594c11).

[73] Laṅkā, N. 278. Cf. Nhập Lăng-già 9 (Bồ-đề-lưu-chi), T 671 tr. 567c14; Nhập Lăng-già 7 (Thật-xoa-nan-đà), T 672, tr. 632b26.

[74] Tập Thành biên 20, Đại chánh, tr. 432a.

[75] Lăng-già bản 10 quyển; Cf. T 671, tr. 569a11.

[76] Cf. Lăng già 6, bản 7 quyển, T 672, tr. 627c6.

[77] Nghĩa diễn 11, tr. 807c17.

[78] Laṅkā N. 38.

[79] Lăng-già (Đường) 1, tr. 593b22.

[80] Laṅkā, x. k 269; N. 301. Cf. Nhập Lăng-già 9, T 671 tr. 571c12.

[81] Triṃśa, k. 5b.

[82] Du-già 51, Đại chánh, tr. 580b14.

[83] Cf. Laṅkā. N 37.

[84] Đại chánh, tr. 618b27.

[85] Du-già 66, tr. 668a26.

[86] Laṅkā, N. 228.

[87] Cf. Nhập lăng già 7, T 671, tr. 557a26.

[88] Du-già 5, tr. 302c02.

[89] Hiển dương 2 (tr. 489b24)

[90] Bản Ngụy 7, tr. 577c25, văn không rõ. Laṅkā, N.227.

[91] Lăng-già (Đường) 5, tr. 620b27.

[92] Cf. Laṅkā 10. 389 (N.314).

[93] Nhập Lăng-già 9, T16n0671, tr.0574c01.

[94] Laṅkā 10. 388 (N. 314).

[95] Đại chánh, tr. 574b28.

[96] Laṅkā 85. 28. Cf. T16n672, tr. 618a18.

[97] Cf. Dasabhūmika, k. vi. 16.

[98] Thập địa kinh 5, T10n287, tr. 555a25.

[99] Thập địa luận 8, T26n1522, tr. 169a15.

[100] Hoa nghiêm (Phật-đà) 25, T9n278, tr. 558c10.

[101] Hoa nghiêm (Thật-xoa) 37, T10n279, tr. 194a14.

[102] T16n676, tr. 698b2.

[103] T31n1598, tr.400a10.

[104] Trang nghiêm 5, Đại chánh, tr. 613b12.

[105] Laṅkā, ibid.

[106] Nhập Lăng-già 10, T 671.

[107] Tạp tập 5, tr. 718a18-19

[108] Nhập Lăng-già 7, T 671 tr. 557c27.

[109] Lăng-già, Bản 10 quyển; T16n0671, tr.526c8.

[110] Laṅkāvatāra, Nanjio tr. 64.

[111] Phân biệt: eka-yāna, “một cỗ xe duy nhất” với ekāyana, “một con đường duy nhất”.

[112] Ibid. Note 9, tr. 527a29.

[113] Skt. ibid., tr. 66: icchantika.

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here