Tìm hiểu ra mới hay việc đó do tổ chức văn hóa địa phương thiếu kiến thức bảo tồn tiến hành. Điều này nói lên việc giao khoán công tác bảo tồn di sản văn hóa cho các hội quần chúng mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia văn hóa.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính hôm đó cũng cảnh báo về 3 xu hướng sai lệch xuất hiện thường xuyên hiện nay trong lĩnh vực bảo tồn. Đó là đơn giản giao trách nhiệm bảo tồn cho ngành xây dựng (thường có hiểu biết rất hạn chế về lĩnh vực này), việc tôn tạo không đúng phương pháp và quy cách (tự ý thêm thắt, làm mới lung tung) và nhất là xu hương rất đáng báo động hiện nay là “du lịch hóa” di sản. Di tích Phật giáo cũng không thoát khỏi tình cảnh này.
Sự phát triển trong thời kỳ nhiều biến động ngày nay đang tác động từng ngày từng giờ đến di sản văn hóa đất nước, trong đó có không ít di tích Phật giáo, đã gây nhiều bức xúc chẳng những cho giới làm lịch sử, văn hóa nghệ thuật mà của đông đảo Phật tử và nhân dân cả nước. Phải chăng chúng ta đang đối mặt với mâu thuẫn: Một mặt, mà cứ khư khư giữ nguyên trạng cứng nhắc chỉ có tác dụng làm đóng băng di sản, và về lâu dài sẽ đưa đến sự xuống cấp, hủy hoại chúng, di tích biến thành phế tích. Nhưng mặt khác, nếu phát huy chúng một cách bừa bãi, không tôn trọng các nguyên tắc bảo tồn mang tính khoa học thì di tích cũng sẽ bị hủy hoại hoặc biến mất.
Trong vài thập kỷ gần đây, bảo tồn di tích đã trở thành một ngành nghiên cứu và thực hành mang tính chuyên môn cao, tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt theo thông lệ được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Nghĩ rằng đã đến lúc di tích công trình Phật giáo ở nước ta ngày nay cũng phải được bảo tồn và phát huy theo hướng này.
Chưa đáp ứng được yêu cầu mới thời đại
Kiến trúc chùa chiền, gồm bảo tồn phát huy cái cũ và xây dựng cái mới, ngày nay cũng không thoát khỏi tình trạng chung của kiến trúc đất nước được mô tả là “năng động mà hỗn loạn”. Kiến trúc chùa chiền nhìn chung rất phong phú và đa dạng nhưng cũng khá lộn xộn trong kiểu cách.
Theo đánh giá chuyên môn về mặt kiến trúc, công trình chùa chiền cũ đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Đã có hiện tượng mạnh ai nấy làm, làm biến dạng không ít di tích chùa quý giá ở nước ta, có nguy cơ phá vỡ những nét cổ mà các vị tổ sư đã dày công tôn tạo.
Công trình Phật giáo xây mới lại có hiện tượng sa đà vào chủ nghĩa hình thức, nặng về sáo mòn sao chép vốn cổ hoặc giả cổ, với trang trí thường lòe loẹt, nặng về phô trương hình thức bên ngoài mà nhẹ về bố cục nội dung bên trong. Điều đáng suy ngẫm là phải chăng ta đang làm mai một đi bản sắc văn hóa đã được khẳng định để lao vào việc tạo dựng lên các công trình mới không đáp ứng được yêu cầu của thời đại, của lớp Phật tử ngày càng trẻ trung và có kiến thức hơn.
Ngôi chùa ở thành phố ngày nay thường nằm lọt thỏm trong phố thị chật hẹp thì lại càng khó thể hiện được tính thần mà một cơ sở thờ tự tôn nghiêm cần có. Loại hình chùa chiền kiểu đó cũng khá phổ biến tại các cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài.
Tuy vậy, cũng đã có một số ngôi chùa, đa số thuộc Thiền tông, có nỗ lực trong việc hướng về cái mới đồng thời tạo được cái đẹp dung dị, hòa mình vào thiên nhiên-vốn là nét đặc trưng kiến trúc Phật giáo nước ta. Hình như, rất tiếc, chúng ta chưa rút ra được các bài học từ những thể nghiệm cách tân kiến trúc chùa Phật những thập niên qua. Ví như các ngôi chùa xây dựng mới ở Sài Gòn vào những năm 1950-1960, nào Xá Lợi, Vình Nghiêm…
Khảo sát ra bên ngoài, tôi đã nhìn thấy nhiều ngôi chùa cũ được chăm chút bảo quản khá tốt và chùa mới của các tông phái Phật giáo Nhật Bản, Thái Lan, Sri Lanka thì kết hợp được tính chách hiện đại và bản sắc Phật giáo địa phương. Trường hợp đó cũng xuất hiện trong các công trình chùa Việt ở nước ngoài, như Trúc Lâm thiền viện ở ngoại ô Paris (Pháp), Viên Giác ở giữa thành phố Hannover (Đức), Huyền KHông ở ngay trung tâm thành phố Montréal (Canada), nhiều ngôi chùa Việt tại California (Hoa Kỳ) kết hợp khá nhuần nhuyễn tính hiện đại của công trình tôn giáo thời đại mới và bản sắc rất riêng của ngôi chùa Việt.
Đặc điểm kiến trúc của Việt
Giáo lý của đạo Phật cũng như đặc điểm nổi bật của kiến trúc Phật giáo là tính giản dị, đại chúng, bình đẳng, trí tuệ. Chùa Phật vừa là trung tâm tôn giáo, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy vậy, kiến trúc chùa Việt Nam cũng như chùa Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản ở vùng Đông Á chịu ảnh hưởng chủ yêu từ truyền thống Bắc tông, nghiêng về văn hóa, nghệ thuật Trung Hoa hơn là truyền thống Nam tông Ấn Độ hóa của hầu hết các nước Phật giáo Đông Nam Á như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào. Chùa Phật truyền thống luôn là một tổng thể kiến trúc-cảnh quan hài hòa.
Kiến trúc chùa cũng có những đặc điểm riêng tùy theo phong tục, tập quán và thời tiết khí hậu từng địa phương. Nếu ngôi chùa Hoa, Nhật có mái lớn và nặng, nhằm chống lại cái lạnh giá, mưa bão và mong muốn tạo một bầu khí u trầm, kín đáo của một nơi chốn tĩnh tu, thì trái lại, chùa Thái, Khờ-me, Lào với mái chống nhiều lớp, thanh thoát nhằm tạo thông thoáng trong môi trường nhiệt đới, màu sắc tươi vui của một trung tâm cộng đồng hấp dẫn.
Nếu chùa Việt dung hòa cả hai truyền thống đó và cơ bản vẫn là ngôi nhà gỗ dân gian nhưng đã đạt được cái đẹp trong sự hạn chế phương tiện, thô mộc, bình dị, hòa mình vào thiên nhiên. Nếp chùa là một phức hợp kiến trúc gồm nhiều công trình, đặt ở những vị trí cảnh quan đẹp nhất. Truyền thống bố cục mang tính mở, đại chúng với sân rộng, hành lang lớn hai bên phải trái (Đông lang, Tây lang) đón khách thập phương. Chùa Phật rất khác với đền miếu Khổng giáo, Đạo giáo vì có tháp, gác chuông và cả nơi ở, tu tập của Tăng Ni lẫn nhà khách. Điện thờ là trung tâm chùa, gồm tiền đường (nơi vân tập thiện nam tín nữ), tòa thiêu hương hay bái đường (nơi hành lễ) và thượng điện hay chánh điện (nơi đặt tượng Phật).
Ở nước ta, tuy nếp chùa truyền thống Bắc-Nam cơ bản không mấy khác nhau, nhưng chùa ở miền Bắc, miền Trung vẫn còn nặng nề với mái lớn, đầu đao, khép kín, trang trí rườm rà, trong khi chùa ở miền Nam hàng ba thoáng mở bốn phía, mái bốn vạt kiểu bánh ít, trang trí giản dị, thể hiện rõ nét sinh hoạt bình dị của người di dân Nam tiến trong khung cảnh thời tiết mưa nắng hai mùa. Chùa phương Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng của nếp chùa Hoa, chùa Khờ-me bản địa trong trang trí và bố cục sân vườn.
Bảo tồn và phát huy
Bảo tồn di tích công trình Phật giáo nay cũng cần dựa trên cơ sở khoa học và pháp lý. Nước ta đã ban hành Luật Di sản từ năm 2001 để làm cơ sở pháp lý, ngoài ra chúng ta cũng đang tiếp thu kinh nghiệm quốc tế…Từ đó đang đề ra các quy chế cụ thể bảo tồn di tích, trong đó có không ít di tích công trình Phật giáo.
Thông lệ quốc tế thì thường dựa vào văn kiện tiêu biểu là Hiến chương Venice 1964, với sự xác nhận của Công ước về di sản văn hóa thế giới của UNESCO 1972. Sau này bổ sung thêm văn kiện Nara 1994.
Hiến chương Venice đòi hỏi việc gìn giữ tính nguyên gốc của di sản nhắm tránh làm sai lạc các chứng cứ lịch sử và khoa học. Sỡ dĩ Hiến chương nhấn mạnh điều đó là do phương Tây đã kinh qua kinh nghiệm phục hồi chua xót di sản vào thời Phục hưng, đã từng tùy tiện nâng cấp cải tạo hoặc trùng tu thêm thắt theo phong cách mới thời đại hoặc thị hiếu cá nhân.
Tuy nhiên gần đây nhiều hội nghị quốc tế đã chỉ ra rằng Hiến chương Venice nay đã phần nào lỗi thời trong quan niệm “giữ gìn nguyên gốc” và hướng sang đề cao “Văn kiện Nara”.
Nhật Bản là nước từng có thông lệ từ thế kỷ thứ VII là cứ 20 là họ tiến hành trùng tu lại các công trình tôn giáo Thần đạo tại khu Ise truyền thống. Điều này rõ ràng là không phù hợp với tinh thần châu Âu của Hiến chương Venice. Vì vậy mà vào năm 1994, các chuyên gia đầu ngành bảo tồn di sản của các tổ chức quốc tế và 25 nước đại diện các châu lục đã họp tại Nara đề ra các điều bổ sung mới về tính nguyên bản của di sản. Nghĩa là phải tính đến các yếu tố phi vật thể, phù hợp với thực tế của thời đại như các yếu tố chức năng và tác dụng, truyền thông và kỹ thuật, tinh thần và tình cảm…Hiện nay, thông lệ quốc tế khuyến khích giữ gìn nguyên trạng di sản nhưng cũng uyển chuyển áp dụng các qui định mới, nhằm biến di sản văn hóa sinh động hơn và không “đóng băng” chúng trong thờigian kinh tế thị trường.
Tại các nước tiên tiến luôn có cơ quan phụ trách di sản và hoạt động rất tích cực, khá hữu hiệu như lập hồ sơ, quy định công tác quản lý, bảo vệ và tôn tạo công trình.
Riêng đối với di sản công trình tôn giáo cổ nêu còn đang sử dụng thì tổ chức tôn giáo tự mình bảo quản, tôn tạo là chính, cơ quan bảo tồn chỉ can thiệp để bảo vệ công trình không bị xâm hại, yểm trợ việc trùng tu, phục hồi cho đúng nguyên trạng. Nhiều cơ sở nghiên cứu kiến trúc tôn giáo, khảo cổ, các trường mỹ thuật và kiến trúc, quỹ tài trợ văn hóa cũng tham gia tích cực vào các công tác nêu trên. Nếu các công trình mang tính chất di sản văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia thì nhà nước phải tham dự nhiều hơn vào công tác trùng tu, bảo tồn.
Ở nước ta do tình hình khó khăn chung về nhiều mặt, trước mắt nhà nước khó mà đảm trách hết mọi việc. Cho nên, việc yểm trợ từ nhiều phía sẽ giúp ích cụ thể cho việc gìn giũ, tôn tạo các di tích chùa chiền.
Tôi nghĩ, một mặt nhà nước nên chấn chỉnh lại nạn lấn chiếm di sản chùa chiền kéo dài nhiều năm qua. Mặt khác sắp xếp quy hoạch, phân khu chức năng đô thị và nông thôn mới cần dự kiến quỹ đất đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh cho cộng đồng khi dự trù mặt bằng cần thiết cho công trình tôn giáo. Mặt khác, Giáo hội Phật giáo cũng nên có bộ phận chuyên trách bảo tồn di tích, kết hợp với các chuyên gia bảo tồn công trình Phật giáo lên phương án trùng tu, bảo quản và tôn tạo lâu dài cho đúng quy cách.
Đây là một việc cần phải làm ngay, vì nếu cứ để tình hình hỗn loạn này kéo dài, thì chúng ta có tội lớn, chẳng những đối với Phật giáo mà cả đối với tiền nhân và lịch sử văn hóa Việt Nam.
KTS. Nguyễn Hữu Thái – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 62